Kỹ năng 17/08/2017

Giả ngốc là nghệ thuật giao tiếp sống còn nơi công sở

Bài ELLE Team

Ai cũng mong được đánh giá là thông minh, nhưng ở nơi công sở, nếu bạn thể hiện sự thông minh “vô tội vạ” có khi lại dễ va chạm và thất bại. Đôi khi biết giả ngốc lại là nghệ thuật giao tiếp thông minh.

Ai cũng nói kẻ thông minh luôn là kẻ biết giả ngốc, dù trên thương trường, chính trường hay chiến trường thì những người như vậy sẽ tồn tại lâu hơn những người thích thể hiện. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu xem nghệ thuật giao tiếp này mang tầm quan trọng như thế nào ở chốn công sở nhé!

Kẻ ngốc có thể thông minh hơn cả người thông minh

Thực tế cho thấy, ở nơi công sở có không ít những người được gọi là thông minh thường không được thành công như mong đợi. Đa số họ thường bị công kích từ rất nhiều phía, cũng có thể vì ý thức bộ óc thông minh của mình mà họ chủ động thay đổi công việc liên tục. Sau vài năm nhìn lại, kỳ thực những người mà trong mắt họ có thể là “ngốc nghếch” đã có vị trí nhất định trong xã hội, còn bản thân họ lại phải nhìn vào mà tiếc nuối lẫn ngưỡng mộ.

Kỳ thực, thông minh hay ngốc nghếch chỉ là khái niệm tương đối mà thôi. Mỗi người đều có những tiêu chuẩn riêng, có thể người mà ở nơi làm việc được mọi người công nhận là thông minh thực chất chỉ là biểu hiện bề nổi mà thôi. Lúc nào cần thể hiện sự thông minh và lúc nào nên “che đậy thực lực” chính là cả một nghệ thuật giao tiếp đòi hỏi bạn phải rèn luyện rất nhiều.

nghe-thuat-giao-tiep-elle-vietnam-1-1024x576

Để tất cả mọi người đều nhìn thấy bạn là người thông minh thật ra không có nhiều lợi ích mà ngược lại còn gây không ít trở ngại cho chính bạn. Bởi vì đối với sếp của bạn, thông minh không đồng nghĩa với có năng lực tốt, đôi khi với người quản lý thì thông minh còn đồng nghĩa với khó quản mà thôi. Bên cạnh đó, một đồng nghiệp thông minh sẽ trở thành áp lực lớn và là cái gai trong mắt nhiều cộng sự khác.

Khi bạn không biết thể hiện sự thông minh đúng lúc và có chừng mực thì vô tình bạn đã biến ưu thế của mình trở thành nhược điểm đem đến nhiều rắc rối trong công việc. Thái độ tỏ ra thông minh vô tội vạ ở công sở ngoài thỏa mãn được lòng hư vinh của một người thì thực tế không có lợi ích nào khác.

nghe-thuat-giao-tiep-elle-vietnam-2

Trong khi đó, có những người biết giả ngốc nơi công sở lại thường dễ dàng hơn trong con đường thăng tiến sự nghiệp. Họ biết chủ động thu mình lại, biết khi nào cần phát huy năng lực và khi nào nên tỏ ra “ngu ngơ” để hạn chế tối đa lòng đố kỵ và ganh ghét của người xung quanh.

Một khi bạn biết làm cho những vũ khí lợi hại của mình được “tàng hình” đi trong mắt đồng nghiệp, họ sẽ không cảm thấy tính uy hiếp trong công cuộc cạnh tranh địa vị, lương thưởng từ bạn, thậm chí có thể xem thường cả bạn nhưng cũng vì vậy, bạn sẽ có không gian rộng và thoải mái hơn để thực hiện những chiến lược cầu tiến trong công việc, mặt khác còn tránh bị công kích, vùi dập.

5

Đương nhiên, người biết giả ngốc khác với kẻ ngốc thật sự

Về mặt biểu hiện, có thể hai kiểu người này có thái độ bề nổi khá giống nhau, đều có xu hướng làm việc từ tốn, phát ngôn dè dặt, năng lực có lúc tỏa sáng có lúc lại như yếu kém.

Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là người vốn thông minh nhưng biết giả ngốc đúng lúc có thể nói là uy hiếp cực lớn cho những người cùng vị trí khác nơi công sở. Họ luôn có thể thăng tiến chậm rãi nhưng vững chắc và ổn định, trước bất cứ tình huống nguy cơ nào đều có thể an toàn vượt qua.

nghe-thuat-giao-tiep-elle-vietnam-3

Trong khi đó, người không có năng lực thật sự luôn có cách làm việc lúng túng, qua loa và thiếu hiệu quả. Họ thường không hiểu rõ lời nói từ người khác, chỉ biết “sai đâu đánh đó” và thường là người dễ bị đào thải.

Nghệ thuật giao tiếp để bạn luôn thuận lợi trước môi trường cạnh tranh khốc liệt chính là ở chỗ cho người thấy bạn biết khiêm nhường đúng lúc chứ không phải là kẻ ngốc thật sự dễ bị bắt nạt.

Đừng tranh đấu với người thông minh mù quáng

Kỳ thực ở nơi công sở, người nào được đánh giá là thông minh thường rất dễ bị người khác ganh ghét. Một mặt là do họ thường kiêu ngạo và thích chỉ tay năm ngón, thích ra lệnh mà không chịu tiếp thu ý kiến của bất cứ ai, mặt khác tâm lý con người luôn e ngại những đối tượng tỏ ra hơn bản thân mình, cho dù thực chất có thể không như họ nghĩ.

Ngoài ra, không ít những người trẻ mới ra trường thích tỏ ra ta đây học cao và đầy kinh nghiệm, thậm chí còn “lên lớp” cho cả những đồng nghiệp kỳ cựu khác. Với những người thông minh kiểu này không cần ai khác tranh đấu, tự bản thân họ sẽ dễ rơi vào tình cảnh khốn khó và thất bại do không biết tiến thủ khôn khéo và luôn tự mãn.

nghe-thuat-giao-tiep-elle-vietnam-4-1024x681

Thông minh một cách mù quáng không đúng với thực lực của bản thân sẽ khiến bạn dễ vì quá tự tin mà phạm nhiều sai lầm, lại không được sự ủng hộ và giúp đỡ của cộng sự nên hậu quả có thể tự bản thân phải gánh lấy. Không những vậy, chỉ cần vài câu xu nịnh của kẻ tiểu nhân sẽ khiến bạn càng mờ mắt vì những hư vinh không thực, dần dần trở thành “kẻ địch chung” nơi làm việc.

Kỳ thực, trong cuộc mưu sinh sinh tồn thì an toàn vẫn quan trọng hơn thắng lợi

Tại sao những người bị cho là “ngốc nghếch” lại thường trụ vững hơn người được tung hô thông minh nơi công sở? Thực tế, ở nơi làm việc không giống như các cuộc thi đấu, không phải so xem ai lợi hại nhất mà quan trọng hơn là xem ai tồn tại lâu dài và vững vàng nhất.

nghe-thuat-giao-tiep-elle-vietnam-5

Trong một cuộc thi đấu nào đó, để đạt danh hiệu thắng lợi cao nhất thì tuyển thủ phải đột phá vào giây phút quyết định, nhưng ở chốn công sở cũng nhiều cạnh tranh lại không giống vậy, bạn phải biết lúc nào cần thể hiện, lúc nào thì nên thu mình lại để đảm bảo an toàn trong công việc. Phát triển sự nghiệp là một quá trình lâu dài, nó bắt buộc bạn phải tiến thủ khôn khéo để thăng tiến từng bước vững vàng chứ không phải hiếu thắng chỉ để tỏa sáng nhất thời.

Vì thế, biết giả ngốc có thể nói là một đẳng cấp cao hơn cả thông minh, là một nghệ thuật giao tiếp cần có trải nghiệm và tích lũy trong quá trình làm việc cũng như trong cuộc sống hằng ngày của bạn.

Lê Phương (nguồn tham khảo: familydoctor)

No more