Nhân vật 23/05/2017

Châu Đăng Khoa – Đừng khờ dại lãng mạn hóa cái nghèo

Bài Thanh Nha

[Tạp chí ELLE Man tháng 4/2017] Được gọi là “hit maker” với những sáng tác đầy màu sắc, vừa rộn rã vừa lãng đãng nao lòng nhưng ít ai biết, chàng ca sĩ 26 tuổi này đã sớm ném đi những mộng mơ tuổi trẻ vì nỗi ám ảnh về cái nghèo.

Chào Châu Đăng Khoa, có thể cho ELLE biết vì sao bạn theo đuổi công việc sáng tác nhạc?

Tôi được học là để trở thành ca sĩ chứ không phải nhạc sĩ sáng tác. Ban đầu tôi đi hát nhưng vì không có tiền để mua nhạc của người khác nên tự viết nhạc để hát. Khoảng thời gian tôi thật sự bước vào con đường này khoảng hơn 3 năm thôi. So với nhiều người khác tôi rất may mắn vì có tác phẩm được đón nhận. Tuy nhiên nhìn lại, tôi cũng chưa là gì cả.

Chưa là gì cả nhưng đã được xếp vào hàng nhạc sĩ tạo “hit” đấy thôi?

Tôi không dám nhận những đánh giá hay danh xưng mà truyền thông đặt cho mình. Tôi chỉ biết làm những gì tốt nhất có thể. Tôi tâm niệm, “hit” hay không thì chưa biết, nhưng đã làm gì thì cũng sẽ cố gắng không để người khác chê bai mình về bất kỳ điều gì.

Chau Dang Khoa Dung kho dai lang man hoa cai ngheo 1

Nhiều ca sĩ tìm đến với Châu Đăng Khoa thường mong muốn nhận được điều gì?

Nhiều người gọi tôi là “hit maker”, nhưng mỗi khi làm việc với bất kỳ ca sĩ nào tôi cũng đều trao đổi thẳng thắn: “Tôi không đảm bảo làm ra một bài hit. Tôi chỉ có thể làm ra cái gì đó thật sự là hay ho, mới mẻ phù hợp với giọng hát và phong cách của anh chị. Một sản phẩm chỉn chu mà chính anh chị cảm thấy hài lòng”. Càng có nhiều người nổi tiếng tìm đến với Châu Đăng Khoa càng giúp tôi hiểu mình là một người làm việc thật sự nghiêm túc. Tôi không cho đây đang là thời của mình mà cứ làm việc vì tiền, dễ dãi với mọi thứ. Cái đó là mình đang tự đào hố chôn mình.

Thúc

Sáng tác khá nhiều, nhanh và đều đặn, anh thấy mình đang làm việc như một nghệ sĩ hay “thợ” sáng tác?

Wow, thật sự mà nói tôi đang sống rất cân bằng. Lúc trước tôi làm việc như một nghệ sĩ vậy đó. Nghệ sĩ thì sẽ đói. Mà tôi không muốn đói nữa. Khi mới bước chân vào con đường này, tôi nghĩ không chỉ riêng gì mình mà bất kỳ bạn trẻ nào cũng muốn làm những gì họ cho là cao cấp, là hàn lâm. Tuổi trẻ rất cần được công nhận. Lúc đầu tôi làm tất cả chỉ để được đi thi, được giải tôi vui và tự hào lắm. Nhưng ca khúc không có ai hát, không bán được, tôi bắt đầu nghĩ lại: “Mình làm điều này vì mục đích gì?”. Tôi nhớ lại là vì kiếm sống, thế là tôi thay đổi bản thân, và viết những ca khúc bắt kịp thị hiếu hơn. Lý tưởng của tôi thay đổi. Tôi không cần ý kiến của chuyên gia nữa. Âm nhạc không phải làm ra rồi bỏ vào ngăn kéo cất đi. Âm nhạc phải được vang lên. Tôi thấy may mắn khi mình vừa làm nhạc thỏa mãn sở thích vừa làm nhạc phục vụ yếu tố thương mại.

Anh vừa nói không muốn bị đói nữa. Khoảng thời gian khó khăn đã mang đến cho anh những gì?

Sự biết ơn. Đó là khoảng thời gian giúp tôi trưởng thành rất nhiều. Ngày xưa nhà tôi rất khá. Tôi sống cuộc đời của một công tử. Nhưng mọi thứ bắt đầu trở thành bi kịch lúc gia đình phá sản. Rất khó để một cậu bé mới lớn như tôi chấp nhận. Tôi bắt đầu cuộc sống khó khăn của một sinh viên xa nhà, tự thân lao động, kinh tế bấp bênh và trên hết là bị người đời coi rẻ. Có lúc chưa quen, đụng gì tôi cũng chảy nước mắt. Đi một chiếc xe cà tàng, vừa đi vừa sửa. Ngồi giữa đường sửa đến chừng nào lết được về nhà thì thôi. Tôi không bao giờ muốn sống một ngày nào như vậy nữa. Em gái tôi giờ cũng theo học tại Sài Gòn, tôi không cho phép mình để em gái phải sống khổ như mình đã từng.

Đó có phải là lý do khiến anh quyết tâm nổi tiếng?

Đúng, nhưng bên cạnh đó còn nhiều lý do khác nữa. Tôi cho rằng, đã làm nghệ thuật thì bắt buộc phải nổi tiếng. Còn không nổi tiếng được thì đừng làm nữa, vì nó rất bạc bẽo và làm mình trở nên  đáng thương. Hồi tôi chưa được biết đến, một đàn anh là nhạc sĩ nổi tiếng nói với tôi rằng: “Nhạc của em thi văn nghệ trường cấp 3 cho vui thì được, chứ không làm ăn gì được đâu!”. Bây giờ anh ấy lại là người cùng làm việc với tôi rất nhiều. Ngày tôi còn là thực tập sinh, anh quản lý công ty rất thích cho tôi đi sự kiện cùng chị Hồ Ngọc Hà. Tại một event rất lớn, anh gọi tôi chụp hình cùng chị nhưng khi vừa đặt chân vào thì không một ánh flash nào lóe lên nữa hết. Cảm giác của tôi lúc ấy thật ê chề và đáng thương khủng khiếp.

Chau Dang Khoa Dung kho dai lang man hoa cai ngheo 2

Anh nghĩ nổi tiếng rồi có phải trả giá?

Có chứ, tôi phải trả giá rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ nó xứng đáng. Ai cũng phải vậy thôi. Nhưng tôi không bợ đỡ, luồn cúi ai hết. Dù chẳng nhiều người yêu mến nhưng ai đã chơi với tôi thì đó lại là mối quan hệ bền lâu. Những bạn bè đang bị vây lấy bởi quá nhiều sự ca ngợi, tung hô, họ rất cần “lời nhận xét không tình cảm” của tôi.

Anh nghĩ gì khi nghĩ về bối cảnh của nhạc trẻ Việt Nam hiện nay?

Tôi thấy nó non nớt. Nói chung, xu hướng bây giờ người ta đang nghe nhạc bằng “lỗ tai của người khác”. Nghĩa là ai khen hay thì họ sẽ thấy hay. Ca khúc nào nằm trong bảng xếp hạng, được truyền thông nhiều thì họ sẽ nghe ca khúc đó. Trong khi còn nhiều ca khúc hay ở ngoài kia lại không có cơ hội để xuất hiện. Các bảng xếp hạng bây giờ không còn đáng tin nữa. Sự thật là nếu không có tiền, không có mối quan hệ thì bạn gần như không có gì cả. Tôi nhớ lúc nhỏ, có một lần mình bị đối xử không công bằng, tôi thắc mắc với bố. Bố tôi trả lời: “Trên cuộc đời này không có gì công bằng hết con ạ, công bằng thuộc về kẻ mạnh”. Ai có tiền, có quyền hơn thì người đó thắng, kể cả trong âm nhạc. Hữu xạ tự nhiên hương bây giờ hiếm lắm, tất cả mọi thứ đều cần có sự tác động bởi các yếu tố từ bên ngoài. Nó làm nhiều nghệ sĩ trẻ đều trăn trở. Theo tôi, đừng lãng mạn hóa cái nghèo nếu bạn muốn sống được với đam mê của mình. Tôi không đủ quyền lực để lèo lái khán giả. Nếu phải thỏa hiệp, tôi chỉ chọn thỏa hiệp với bản thân mình, chấp nhận làm ra những ca khúc dễ nghe hơn, gần gũi hơn. Đối với tôi không có nhạc hàn lâm hay thị trường, chỉ có nhạc hay hoặc dở thôi. Khi làm nhạc cho khách hàng tôi luôn đặt ưu tiên phải làm ra sản phẩm thỏa mãn họ.

Sự thỏa mãn đó có vô tình tạo ra các tác phẩm dễ dãi?

Nói đến điều này, chúng ta nên nói đến cá tính âm nhạc và thẩm mỹ âm nhạc riêng của mỗi người. Cái đó nó thuộc về phạm trù năng khiếu. Nếu là người có gout tốt thì bạn làm gì, nghe gì cũng sẽ có gout. Có làm nhạc phục vụ mục đích thương mại thì nó cũng  chưa chắc là cái không đáng nghe. Tôi vẫn luôn là tôi và không đóng vai bất kỳ ai khác. Tất cả đều phải mang dấu ấn của tôi và được khán giả đón nhận. Quan trọng là tôi không đánh giá thấp khán giả của mình.

Sáng tác nhiều như vậy có khi nào anh chán nghe nhạc của mình?

Có thể tôi bị mắc bệnh tự luyến. Bạn có tin là trong điện thoại cá nhân của tôi chỉ chứa toàn nhạc do tôi sáng tác? Nhiều lúc tôi cũng ngạc nhiên không biết đó có phải là nhạc do mình sáng tác không (cười). Điểm mạnh của tôi là sự biến hóa. Ưu điểm này vừa cho tôi sự đa dạng như cái kính vạn hoa nhưng bất lợi là người nghe sẽ khó nhận diện được tôi là ai. Mỗi người có một lý tưởng riêng. Giờ tôi thích làm nhạc vì tiền thì tôi làm nhạc vì tiền. Nhưng một lúc nào đấy tôi thay đổi thì sao. Con người là một quá trình phát triển và trưởng thành qua nhiều giai đoạn, ai biết được hôm nay như thế này rồi mai như thế khác thì sao?

Anh thấy mình đang trong giai đoạn nào của cuộc đời một người đàn ông?

Tôi đang ở giai đoạn thanh xuân nhất trong đời của một người đàn ông. Nhưng mà… tôi thấy mình như đã chết rồi từ khi 25 tuổi. Tôi chỉ tồn tại trong guồng quay của xã hội này chứ không sống như mình muốn.

Chẳng lẽ cuộc sống đang thành công ở hiện tại của anh lại không thực sự là điều anh hằng mong muốn?

Tôi cũng đã được làm một vài thứ như mình mong ước nhưng phần lớn là đối mặt với những chuyện mình không muốn mà vẫn phải làm. Nghĩa là tôi không sống cho riêng mình nhiều nữa mà vì gia đình và những người mình yêu thương.

Diễn

Với anh, đâu là những yếu tố khẳng định giá trị đích thực của một người đàn ông?

Với tư cách là một người phụ nữ, bạn nghĩ gì về câu hỏi này? Sự nghiệp, tài sản, quyền lực? Nếu anh ta là một
người tốt, có tài, có hoài bão nhưng anh ta nghèo thì bạn có cho anh ta cơ hội tiếp xúc từ đầu để hiểu những điều đó có trong anh ta không?

Nghèo hẳn là nỗi mặc cảm lớn của anh?

Đúng, tôi rất sợ nghèo. Tôi ghét nghèo. Tôi không muốn nghèo!

Sợ nghèo có thể là động lực giúp mình thay đổi và phát triển nhưng anh có nghĩ, nó cũng chính là lý do khiến anh từ chối phần cá tính mà con người anh muốn trở thành?

Tôi từng đọc một câu: “Phần lớn, con người ta đã lãng phí thời gian của cuộc đời mình để đóng vai người khác”. Tôi nhìn thấy rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sống không hạnh phúc. Tôi rất thương họ vì phải đóng vai soái ca hoàn hảo, phải giữ hình ảnh thuần phong mỹ tục… Tôi hiểu đó là cái giá bạn phải chấp nhận. Tôi không bao giờ đánh giá một người đàn ông về vẻ ngoài hay có cá tính gì đặc biệt. Tôi chỉ quan tâm họ tử tế không. Sống trên đời làm người tử tế khó lắm, chuyện tưởng đương nhiên nhưng không dễ mà người khác cho bạn cơhội đó. Dù vậy nếu ở đáy của xã hội tôi vẫn phải giữ cho mình niềm tin và nhân cách của một người tốt

Đam mê ngoài âm nhạc của anh là gì?

Tiền. Nhưng thật sự tôi kiếm tiền cũng chỉ để phục vụ cho đam mê âm nhạc của mình thôi. Sống với đam mê tốn kém lắm.

Mỹ thuật: DZŨNG YOKO – Hình ảnh: TANG TANG
Bài: NGÔ HẠ – Stylist: PHƯƠNG ANH
Trang điểm & Làm tóc: TÙNG CHÂU
Sản xuất: NHÂN HUỲNH – Trợ lý: HẰNG VƯƠNG

Nguồn Tạp chí Phái Mạnh ELLE

 

No more