Nhân vật 31/03/2017

Elon Musk: Kiêu hãnh giữa những định kiến

Bài ELLE Team

Thế giới này sẽ kém vui biết bao nhiêu nếu thiếu vắng Elon Musk, chỉ còn lại những con người khiêm tốn và nghiêm túc.

Elon Musk là mẫu người gây tranh cãi. Anh ta sở hữu khả năng sáng tạo tuyệt vời với những phát minh mang tính tiên phong, đồng thời là một ông trùm công nghệ thích làm chuyện gây sốc. Dù ủng hộ hay dị ứng, tất cả chúng ta đều phải đồng tình rằng không biệt danh nào phù hợp với Elon Musk hơn “Kẻ gây rối”. Nó thể hiện rõ nét cá tính lẫn tầm nhìn của Elon Musk, người đàn ông khao khát thay đổi thế giới.

Giấc mơ giữa ban ngày?

elon musk kieu hanh giua nhung dinh kien - elleman 1
Musk với tham vọng chinh phục Sao Hỏa.

Tại một sự kiện diễn ra tại Mexico vài tháng trước, Elon Musk đã khiến dư luận sửng sốt. Số là, người đàn ông 44 tuổi đang lên kế hoạch chế tạo tên lửa khổng lồ, thùng chứa nhiên liệu bằng sợi carbon, động cơ siêu mã lực. Hoành tráng hơn cả, những phi thuyền đủ sức chứa hàng trăm người tới Sao Hỏa, hạ cánh an toàn và quay trở lại Trái Đất tiếp tục thực hiện công cuộc vận chuyển. Nhưng đặt chân lên Sao Hỏa vẫn là chưa đủ…

Vậy, mục đích sau cùng của Musk là gì? Cứu lấy nhân loại. Trong bài phát biểu của mình, Musk cho rằng nhân loại chỉ có hai con đường. Một là ở lại Trái Đất vĩnh viễn và chấp nhận diệt vọng. Hai là xây dựng nền văn minh không gian, thành một chủng tộc đa hành tinh.

Theo tính toán của Musk, một tấm vé tới Sao Hỏa hiện tại (sử dụng những công nghệ còn chưa… ra đời) có giá khoảng 10 tỷ đô. Nghĩa là, muốn tới Sao Hỏa thì bạn phải nằm trong top 100 người giàu nhất thế giới. Chẳng hề gì, một khi Musk khởi động siêu dự án, chỉ cần 1/50000 số tiền kia là bạn sẽ có cơ hội du lịch Sao Hỏa. Điều kiện duy nhất: Những công nghệ Musk đề cập ở phía trên trở thành hiện thực.

Kế hoạch của Musk thật điên rồ. Nó khiến những ai ghét anh sẽ càng ghét hơn vì cho rằng anh mắc bệnh hoang tưởng. Nhưng nó cũng khiến những ai yêu anh sẽ yêu họ vì họ tin Musk sẽ tạo ra sự kỳ diệu.

Tài năng qua kiểm chứng

elon musk kieu hanh giua nhung dinh kien - elleman 2
Musk không hề là thùng rỗng kêu to.

 

Musk kiêu ngạo nhưng không kém tài. Thậm chí, anh là người đứng sau thành công của những thương hiệu lớn bây giờ.

Sau khi bán Zip2 cho Compaq, Musk thu về khoản lợi nhuận kếch sù và mở công ty thanh toán trực tuyến X.com. Sau khi X.com sát nhập với đối thủ cạnh tranh Confinity, ban quản trị đã sa thải Musk và đổi tên công ty thành PayPal. Năm 2002, eBay mua lại PayPal với giá 1,5 tỷ đô. Musk bỏ túi gần 200 triệu đô. Tính đến năm 2014, PayPal chiếm 44% tổng lợi nhuận của eBay.

Rời X.com, Musk nhảy sang lĩnh vực chế tạo xe điện. Và đó là tiền đề cho sự thành công rực rỡ của Telsa sau này. Xe điện thời điểm đó là một ý tưởng điên rồ, nhưng Musk sẵn sàn chi mạnh tay. Hiện nay, Telsa đã trở thành “công ty xe quan trọng nhất thế giới” và mẫu xe S của Telse trở thành “phương tiện đi lại được yêu thich nhất nước Mỹ”.

Câu chuyện cổ tích của Musk chưa dừng lại ở đó. Tưởng chừng như sẽ yên vị ở Telsa, anh đã nhảy sang lĩnh vực ngoài không gian với công ty chế tạo phi thuyền SpaceX. Dồn hết mọi nguồn lực của công ty vào chuyến bay thứ tư (và cũng là chuyến bay cuối cùng nếu thất bại), Musk đã làm nên lịch sử khi đưa phi thuyền thương mại bay vòng quanh Trái Đất. Sự kiện này đã giúp SpaceX nhận tài trợ từ NASA.

Người ta càng đặt ít kỳ vọng vào Musk, anh lại tỏa sáng rực rỡ hơn. Người ta càng mong muốn anh thất bại vì sự kiêu ngạo, anh chứng minh rằng anh có đủ tài năng để kiêu ngạo. Musk, con người này như loài cây xương rồng sống dai dẳng giữa sa mạc khô cháy. Đặt cược vào anh không phải ý kiến tồi.

Khởi đầu của thiên tài

Elon Musk không phải tài năng nhất thời mà đã có quá trình rèn luyện lâu dài. Mười hai tuổi, anh quan tâm đến việc thiết kế game. Tựa game đầu tay của Musk thuộc thể loại hành động, có tên Blastar. Lấy bối cảnh không gian, game yêu cầu người chơi phải bắn gục những sinh vật lạ và những cỗ máy cản đường.

Musk bán đoạn code cho một tạp chí công nghệ và nhận được 500$, không quá tệ cho một cậu trai còn chưa… dậy thì. Một số người cho rằng, không phải Musk đam mê thiết kế game. Game chỉ là phương tiện để Musk bày tỏ khao khát chinh phục không gian mà thôi.

elon musk kieu hanh giua nhung dinh kien - elleman 4
Khao khát vươn tới vũ trụ của Musk bắt đầu từ khi còn nhỏ.

Năm 1989, Musk rời quê hương để tới Canada tiếp tục công việc học tập. Tại đó, anh chàng đã kết bạn với Adeo Ressi – một nhà khởi nghiệp khá thành công. Vì là sinh viên nước ngoài, cả hai người buộc phải sống trong khu ký túc xá bát nháo. Cả hai người đều muốn có một chỗ ở tử tế hơn.

Đầu tiên, Ressi với Musk thuê một căn hộ 10 phòng ngủ ngoài khuôn viên trường đại học với mức giá rẻ bèo. Căn hộ này vốn là nơi tổ chức tiệc tùng của hội sinh viên. Để có thể vừa trả tiền thuê nhà vừa kiếm chút thu nhập thêm, Ressi thuyết phục Musk biến căn hộ thành một hộp đêm những cuối tuần.

Căn hộ có sức chưa tới 500 người, phí vào cổng là 5$. Theo Musk kể lại, chỉ trong một đêm mà anh có thể kiếm đủ tiền thuê nhà lẫn tiền học phí. Musk cũng chứng tỏ đầu óc tỉnh táo của một tỷ phú tương lai khi từ chối hòa mình vào cuộc vui. Thay vào đó, anh tìm cách kiểm soát tình hình và tránh bữa tiệc đi quá đà.

Là cảm hứng về sáng tạo, là tấm gương về mẫu mực

elon musk kieu hanh giua nhung dinh kien - elleman 3
Musk hay là Tony Stark ngoài đời thực.

Musk đã chứng tỏ khả năng của mình khi nằm trong top 100 người mang tầm ảnh hưởng nhất thế giới, do tạp chí TIME bình chọn.

Người viết giới thiệu cho Musk, không ai khác chính là Jon Favreau – đạo diễn Iron Man. Đây có phải một trò đùa tai ác của tạp chí TIME không? Tất nhiên là không, ban biên tập của TIME đã cân nhắc rất kỹ lưỡng với lựa chọn này.

Mở đầu bài giới thiệu, Jon viết: “Musk thuộc kiểu người lập dị – Đó là lý do vì sao tôi biết anh ta. Khi tôi cố gắng đem tỷ phú thiên tài Tony Stark lên màn ảnh rộng, tôi không biết làm sao cho thật nhất. Robert Downey Jr. đã khuyên tôi: “Hãy bàn bạc với Elon Musk”. Robert nói không sai.”

Bạn có thể thấy, giữa Tony Stark phiên bản điện ảnh và Elon Musk sở hữu khá nhiều điểm tương đồng. Họ khiến người ta ngưỡng mộ vì tài năng, nhưng cũng khiến người ta khó chịu bởi cách hành xử không giống ai. Để ghi nhận đóng góp của Musk, đạo diễn đã để anh xuất hiện trong phần hai của bộ phim Iron Man.

Lập dị nhưng không ích kỷ, Musk khao khát cống hiến cho xã hội. Năm 2012, Musk thêm tên mình vào danh sách “The Giving Pledge”. Như thế, 50% tài sản của Musk sẽ được hiến tặng vì mục đích từ thiện, tương đương với 5 tỷ đô tính đến thời điểm hiện tại. “The Giving Pledge” do Bill Gates và Warren Buffet lập ra vào năm 2010, như là cam kết của những tỷ phú và gia đình của họ nhằm hiến tặng phần lớn tài sản cho cộng đồng thay vì truyền lại cho con cái.

Musk cũng là một trong số các tỷ phú nhận mức lương 1$/năm, trong đó có Steve Jobs của Apple và Mark Zuckerberg của Facebook. Có người cho rằng Musk sẽ được nhận khoản đền bù tương xứng nhưng trên thực tế, Musk đã từ chối mọi hình thức đền bù.

1$/năm vốn là ý tưởng của những người đứng đầu chính phủ và những doanh nhân giàu có, với mong muốn hỗ trợ chính phủ Mỹ trong thời kỳ chiến tranh. Luật pháp Mỹ không cho phép chính phủ nhận sự giúp đỡ từ những tình nguyện viên không lương.

Phúc (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)

No more