Nhân vật 01/02/2017

Phan Gia Nhật Linh – Kẻ mơ mộng nuông chiều xúc cảm

Bài ELLE Team

[Tạp chí ELLE Man tháng 12/2016] Em là bà nội của anh khi được ra mắt ngay lập tức phim đại náo doanh thu phòng vé. Tất nhiên, đi kèm ngợi khen là những hoài nghi bởi kịch bản remake. Và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh điềm tĩnh đứng ngoài mọi ý kiến, dồn sức cho dự án mới.

Không có nhiều thay đổi của một Phan Gia Nhật Linh trước hay sau khi Em là bà nội của anh công chiếu mặc dù anh có nói vui rằng, nếu phim đại thắng sẽ “giảm cân” để thành hotboy! Vẫn là Linh hài hước, nhiệt tâm với phim ảnh và đôi khi có chút giễu trong cách nhìn. Linh khiến tôi nhớ đến câu nói của một nghệ sĩ: “Khi hoàn thành một dự án, tôi thường trả mình về vị trí số 0”. Câu chuyện của Linh và ELLE MAN xoay quanh những dự định, băn khoăn của người làm công việc sáng tạo và dĩ nhiên, không thể thiếu, bộ phim mới nhất của Linh.

Trương

“Tôi muốn cho nhân vật cơ hội được là chính họ”

Nếu tôi nhớ không nhầm, khi hoàn tất “Em là bà nội của anh”, anh có chia sẻ ấp ủ tiếp theo sẽ là một phim hài hước, châm biếm về các show truyền hình thực tế. Hẳn là, “Cô gái đến từ hôm qua” có những điều hấp dẫn hơn dự án kia chăng?

Tôi thực sự rất muốn làm một bộ phim về truyền hình thực tế, về những cá nhân hết sức ngây thơ và bị những cuộc thi nghiền nát sự hồn nhiên. Lúc bắt tay vào viết kịch bản, tôi rất hào hứng. Thế nhưng càng viết tôi càng cảm thấy sao mình tàn nhẫn quá. Tôi có cảm giác mình làm cho khán giả mất lòng tin vào mọi thứ: con người, những giá trị trong đời sống,… Mà, xã hội bây giờ chẳng phải đã đủ để người ta hoài nghi và lo ngại đủ thứ chuyện rồi sao? Cũng đã có lúc tôi mở lối thoát cho mình bằng suy nghĩ hay là tạo một cái happy ending giả? Tuy nhiên, điều tôi thực sự muốn là cái cười mỉa để người xem nhận ra vấn đề. Cứ thế, tôi loay hoay trong chuyện đó.

Chính trong lúc ấy, một người bạn gọi cho tôi bảo vừa mua được bản quyền Cô gái đến từ hôm qua, hỏi tôi có muốn làm phim không? Đây là một trong những truyện tôi thích từ xưa. Sau hôm bạn gọi, tôi có tìm đọc lại, những khoảng thời gian, không gian tươi đẹp của thời đó cứ thế hiện về. Nhưng tôi vẫn chần chừ. Phần vì, tôi đang dang dở một dự án khác. Phần vì tôi lo, kịch bản chuyển thể từ truyện, tác giả hẳn nhiên là có sự gắn bó rất lớn với tác phẩm đó nên không dễ để mình làm nó. Mà, với tôi một bộ phim dù thế nào đi chăng nữa vẫn có dấu ấn cá nhân của đạo diễn trong đó. Cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Nhật Ánh sau đó khiến tôi như được mở lòng.

phan-gia-nhat-linh-ke-mo-mong-nuong-chieu-xuc-cam-1

Và thế là anh nhận lời?

Ồ, vẫn chưa đâu. Truyện tôi thích nhất của anh Ánh là Thằng quỷ nhỏ, vì mình như là nhân vật chính trong truyện vậy đó. Hồi đấy đọc xong, tôi ngồi khóc ngon lành. Cô gái đến từ hôm qua tính truyện của nó không lớn. Bạn thấy tôi do dự mãi nên thúc: “Thôi nếu mày không làm thì tao để người khác làm nha!”. Câu nói của bạn chạm đến nỗi sợ lớn nhất trong lòng tôi là để người khác làm, lỡ người ta làm hỏng cái truyện mình yêu thích thì mình sẽ rất ân hận. Vậy là tôi gật đầu.

Cô gái đến từ hôm qua là gam màu sáng, kết thúc có hậu hiếm hoi trong những truyện của anh Ánh. Tôi nghĩ khán giả sẽ được sống lại thuở cắp sách đến trường dù nhân vật chính không phải 100% là mình. Khi viết kịch bản, có rất nhiều thứ tôi biến Thư thành nhân vật tôi từng ước hồi xưa đi học mình là cậu ấy. Tôi chuyển bối cảnh sang đoạn mười năm từ 87 đến 97 để biến nó thành câu chuyện gần gũi với mình và thế hệ của mình.

Những điều gì anh ước mình là cậu ấy?

À, hồi xưa tôi học rất là chăm chỉ, không bao giờ phá phách, trốn học, quay cóp,… Nói chung là học sinh gương mẫu. Thằng Thư này thì học siêu dở, suốt ngày mê gái, cúp cua, xấu tính,… Mọi thứ dồn vào nó hết. Nhưng, đương nhiên, nó có tâm hồn đẹp. Chắc điều này giống nhau. (cười lớn)

Thật ra, thời của tôi, đi học là phải học giỏi. Khác với bây giờ, quan trọng là bạn phải giỏi một cái gì đó. Thư gần với tôi ở chỗ có năng khiếu nghệ thuật. Nó vẽ rất giỏi, trí tưởng tượng phong phú. Albert Einstein từng nói: “Đừng bao giờ đánh giá một con cá dựa vào khả năng leo cây của nó”. Thư được đặt vào thời đại người ta không đánh giá cao những kẻ mơ mộng. Đó là một trong những lý do tại sao đến năm ba mươi mấy tuổi tôi mới làm phim điện ảnh đầu tay. Tôi đã mất một khoảng thời gian rất rất dài để làm vừa lòng người khác. Cố học thật giỏi, thi vào một trường mà mình biết là mình không thích học. Rồi chật vật mãi mới theo được giấc mơ của mình. Thành ra, tôi muốn cho nhân vật chính của mình một cơ hội.

Đã có lúc nào anh nghĩ giá như ngày trước anh quyết liệt hơn với ước mơ của mình thì đã không mất một quãng dài như vậy?

Ồ không có “giá như” đâu, vì hiện tại tôi đã được sống với giấc mơ của mình. Nó chỉ đi lòng vòng chút xíu thôi. Tôi trở thành được con người như hôm nay là từ tất cả những gì đã xảy ra trước đó dù là may mắn, thất bại hay thành công. Nhưng, tôi cũng tò mò và muốn tưởng tượng một chút rằng, thử sống cuộc đời mà ngày xưa mình như thế thì sẽ ra sao.

Làm phim thật với cảm xúc

Trước anh đã có đạo diễn Victor Vũ thực hiện một phim chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Hơn nữa, đây là bộ phim thuần Việt, không phải remake, áp lực có vì thế mà lớn hơn?

Tôi bước vào bộ phim này với tất cả cảm xúc. Tôi cho rằng, lý do mình muốn làm một bộ phim rất quan trọng. Tôi không quan trọng chuyện remake hay không. Bởi tôi có lý do rất rõ ràng. Tôi làm phim không phải để chứng tỏ là tôi rất sáng tạo. Tôi cũng không định làm một bộ phim chứng tỏ mình thông minh hay giỏi hơn người khác. Tôi làm chỉ vì một lý do đơn giản: Tôi có điều muốn nói và cảm xúc muốn truyền tải.

phan-gia-nhat-linh-ke-mo-mong-nuong-chieu-xuc-cam-2

Cũng có nhiều người hỏi tôi có bị áp lực, có sợ bị so sánh với anh Victor Vũ không?

Thật ra hai phim rất là khác nhau. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là phim về thời thơ ấu, về tình anh em; Cô gái đến từ hôm qua là phim về thời thanh xuân, về tuổi học trò. Mặt khác, anh Victor không sống ở Việt Nam nên bộ phim dựa trên những hình dung, tưởng tượng của anh ấy với thời đó. Còn tôi có may mắn sống và trải nghiệm thật. Tôi mang vào đó những kỷ niệm của mình, của thế hệ mình, từ thời nghe làn sóng xanh qua radio, chép lời bài hát thì thâu âm rồi bấm dừng từng câu, làm quen bạn gái thì viết thư, ghi mấy câu lơ ngơ nhét học bàn,… Điều tôi mong muốn là thế hệ của mình tìm thấy được không khí họ đã từng sống, thế hệ ngày hôm nay biết được thế hệ ngày xưa đã sống thời học trò trước khi có internet như thế nào.

Có thể hiểu là anh đã đứng ngoài khen chê?

Nói không bị ảnh hưởng cũng không đúng. Chỉ là, nó đứng ngoài cảm xúc của tôi. Tôi không để nó ảnh hưởng đến việc mình sẽ làm phim như thế nào. Chẳng hạn như khi làm Cô gái đến từ hôm qua, nhiều bạn khuyên tôi đừng đổi cái này, đừng thay cái kia vì fan của anh Ánh sẽ giận. Nhưng tôi nghĩ điều đó không quan trọng. Quan trọng là phải làm bộ phim thật với mình nhất. Điều duy nhất tôi kiểm soát được là mình có yêu bộ phim đó hay không.

Đâu là những cảnh quay để lại nhiều cảm xúc nhất cho anh?

Cái khó của truyện là bối cảnh của nó không có gì. Suốt ngày chỉ là từ trường học, ở nhà và ngược lại. Khi chuyển thể lên phim, tôi phải thay đổi để có những cảnh đẹp hơn. Cũng có vài cảnh hơi lộ liễu, áp đặt để show off nhưng đều có cái hay riêng của nó. Thú thật, trước khi quay cảnh lớp học tôi rất lo lắng vì diễn viên quần chúng Việt Nam rất đáng sợ. Tôi đã từng bỏ cảnh lớp học trong Em là bà nội của anh. Trong phim này hơn nửa phim là cảnh trong lớp học, chỉ cần một người đóng không đạt thôi là dở nguyên cả cảnh vì khán giả sẽ ngay lập tức phát hiện những đứa dở đó. Thật may là tôi có dàn diễn viên quần chúng đóng lớp học cực kỳ dễ thương.

Một cảnh nữa tôi thích là An và Thư nhảy múa trên bãi biển Đà Nẵng. Flyingcam được sử dụng rất hiệu quả. Lúc đó trời còn sớm, mặt trời thấp, quay từ trên cao xuống, bóng hai người nhảy múa trên biển để lại cho tôi khá nhiều cảm xúc.

Tựa phim Cô gái đến từ hôm qua gợi rất nhiều hoài niệm. Còn anh, hẳn cũng đã từng có một “cô gái” nào đấy của ngày hôm qua khiến anh xốn xang?

Chắc không chỉ một mà những… mấy cô đó chứ. (cười) Trong số các “cô gái đến từ hôm qua” của mình thì có lẽ kỷ niệm với một bạn gái học cấp một là đẹp nhất, vì cho đến giờ vẫn còn giữ tình bạn thắm thiết. Ngay cả lớn rồi, gặp nhau đi chơi vẫn gọi nhau “tui/ trò” như thời đi học. Chính vì vậy, mình mời “cô gái” này đóng cameo trong phim, và mời hát luôn một ca khúc trong phim.

Với Em là bà nội của anh, anh đã phát hiện và tạo bệ đỡ cho rất nhiều cái tên khẳng định tài năng của họ. Nhưng ở phim này, có vẻ như anh chọn giải pháp an toàn khi chọn lại hai gương mặt quen thuộc Miu Lê và Ngô Kiến Huy?

Bộ ngũ Thư, Việt An, Chiêu Minh, Hồng Hoa và Hải gầy đòi hỏi ê-kíp phải tìm được 5 bạn trẻ, ngang tuổi nhau, diễn tốt và thu hút được khán giả. Chúng tôi cast hơn một tháng, mong tìm ra những gương mặt mới nhưng không ai đủ thuyết phục. Miu Lê và Ngô Kiến Huy nằm trong kế hoạch dự trù sẵn trước đó nếu như không chọn được gương mặt mới. Thứ nhất là chúng tôi đã làm việc cùng nhau và tôi rất tin vào tài năng của họ. Có thể nhiều người lập luận hai nhân vật này không giống họ nhưng tôi muốn họ cơ hội đóng vai khác với họ bình thường. Đương nhiên, về mặt tuổi tác hai đứa nó hơi già. (cười lớn) Thứ hai nữa là Huy và Miu diễn với nhau rất là ăn ý, giữa họ như có sợi dây liên kết vô hình vậy. Điều đó cho tôi năng lượng rất lớn.

Một khi có Miu và Huy rồi thì rất dễ để tìm được ba diễn viên còn lại là: Jun Phạm, Hoàng Yến Chibi và Hà Anh. Khi chọn diễn viên, ngoài tài năng của họ, tôi rất muốn tìm những diễn viên có năng lượng tích cực. Những bạn này khiến mình hứng thú với họ, với công việc. Mỗi sáng thức dậy, nghĩ đến cảnh ra phim trường và gặp mấy đứa, tôi rất vui và hào hứng. Sau khi xem bản dựng, ê-kíp rất bất ngờ với sự hóa thân của các bạn. Tôi nghĩ là mình đã lựa chọn đúng. Còn lại, hãy đợi đến lúc bộ phim ra rạp.

Anh yêu nơi nào nhất ở Sài Gòn?

Nhà ba mẹ. Nhà nằm trong một con hẻm cụt, nên hẻm thành sân nhà. Ngay bên ngoài là đường vào thành phố đầy xe ồn ào, nhưng vào bên trong là tĩnh lặng. Sân nhà trồng cây, nở hoa đầy màu sắc. Sân thượng trồng rau, giàn mướp. Về nhà lúc nào cũng thấy yên bình.

Điều gì khiến anh gắn bó với mảnh đất phương Nam đầy nắng gió này?

Sài Gòn là đất của dân tứ xứ, ai đến từ đâu cũng trở thành người Sài Gòn cả. Không giống như ở Hà Nội, gia đình dòng dõi không sinh ra lớn lên gốc gác từ Hà Nội thì đều bị xem là “ngoại tỉnh”, là người ngoài. Sài Gòn dang tay đón nhận hết. Ở Sài Gòn, bạn nói tiếng Nam, tiếng Bắc, tiếng Trung không bị người ta ngoái đầu nhìn như người xa lạ. Phóng khoáng, cởi mở là tính cách tôi yêu quý nhất ở con người Sài Gòn.

Việt

Những ngày đi học trên đất Mỹ, nhắc đến Sài Gòn, hình ảnh đầu tiên trong trí nhớ anh là…?

Quán nhậu lề đường trước cổng trường Đại học Kiến Trúc, nơi tối tối tụ tập bạn bè hàn huyên tâm sự. Có những đêm 2, 3 giờ sáng bạn buồn, nhắn tin rủ, vẫn có thể ra đó ngồi uống vài chai bia, ăn đậu phộng luộc. Ở Mỹ, nhất là ở Los Angeles, chẳng có đứa bạn nào đủ thân để 3 giờ sáng nhắn tin rủ rê ra đường, cũng chẳng có quán xá nào mở lúc 3 giờ sáng bán bia cho mình uống. Đi đâu cũng thèm cái sự xô bồ mà gần gũi của quán nhậu Sài Gòn, không phải chuyện nhậu nhẹt, mà chính ở cái tình, cái chân chất, cái thô mộc, cái nồng nhiệt của mấy đứa bạn mình nơi đây.

Xem thêm

Thanh Bùi, những người bạn & cái nắm tay

Trần Nhật Minh – Lựa chọn và những lối rẽ

Khi đạo diễn Victor Vũ nói về phụ nữ

Bài: Hoàng Hoài Hương – Ảnh: Tang Tang

Mỹ thuật: Lonelosth – Trợ lý: Nhân Huỳnh

Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE

No more