Tạp chí 12/04/2017

Chiếc cốc bạc và người già ở châu Á

Bài Thanh Nha

[Tạp chí ELLE Man 12/2016] Một thế giới đang già đi nhanh chóng. Những chi phí cá nhân liên quan đến y tế, bảo hiểm không ngừng tăng lên. Điều này đòi hỏi các giải pháp thích ứng cấp bách, không chỉ tại những quốc gia đang phát triển.

Thế giới của những người già

Chiếc cốc bạc và người già ở Châu Á 1

Trong suốt nửa thế kỷ qua, để thể hiện lòng ngưỡng mộ và kính trọng với người cao tuổi, chính phủ Nhật Bản sẽ gửi tặng chiếc cốc bạc sakazuki có giá 7.000 yên (hơn 60 USD) cùng lá thư chúc mừng của Thủ tướng tới những người sống thọ 100 tuổi. Tuy nhiên gần đây, chính quyền Nhật đang cân nhắc lại món quà này vì chi phí quà tặng ngày càng tăng khi số người già sắp chạm mốc 60.000. Hai lựa chọn được đưa ra, hoặc chỉ gửi thư chúc mừng hoặc gửi một món quà kỷ niệm khác rẻ tiền hơn. Theo Bộ Nội vụ Nhật, nước này hiện có khoảng 10 triệu người trên 80 tuổi, chiếm 7,9% dân số. Cùng với đó, tăng tưởng kinh tế giảm phát kéo dài và vốn đầu tư bị san bằng… khiến chi phí phúc lợi dành cho người già trở thành gánh nặng.

Gánh nặng người già không chỉ là vấn đề của nước Nhật. Tổ chức Các nước phát triển (OECD) thống kê rằng đến năm 2050, số người trên 80 tuổi sẽ tăng gấp đôi tại các nước thuộc khối OECD; tỷ lệ người già trên 80 sẽ tăng từ 3,9% lên tới 9,1%. Số liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy vào năm 2035 sẽ có trên 1,1 tỷ người ở độ tuổi trên 65, chiếm khoảng 13% dân số thế giới. Điều này đồng nghĩa, lực lượng lao động bị thu hẹp, GDP tiềm năng và tiêu chuẩn sống sụt giảm. Dân số ở độ tuổi lao động sẽ phải đóng thuế nhiều hơn để nuôi ông bà, cha mẹ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), xu hướng lão hóa dân số đang cản đường tiềm năng phát triển của các nền kinh tế tiên tiến và cả những nước mới nổi. Nó được ví như “cơn sóng thần màu bạc”.

Giáo

Trong khi đội quân tóc bạc ngày càng ùn ùn kéo tới thì đáng lo ngại là nhiều nước châu Á đứng trước tình trạng cạn kiệt quỹ lương hưu do nguồn thu không đủ bảo đảm cho lực lượng người hưởng. Chẳng hạn, trong 20 năm nữa, quỹ phúc lợi Trung Quốc sẽ thiếu tới 10.000 tỷ USD để có thể bảo đảm cho tất cả những người già có thu nhập, so với khoảng 2.600 tỷ USD trong năm 2010. Nhiều cảnh báo khẳng định rằng “người già sẽ nhấn chìm nền kinh tế Trung Quốc”. Bởi số người trên 65 tuổi ở Trung Quốc sẽ tăng gấp ba trong 35 năm tới, lên 330 triệu người. Khi một nền dân số già hóa, người tham gia lao động sẽ trở nên thụ động về kinh tế. Ít công nhân hơn có nghĩa là nền kinh tế cần ít đầu tư hơn, dẫn đến sự thay đổi cơ cấu sản xuất. Nhu cầu đầu tư, sản xuất ngày càng thấp, thay vào đó là chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm hoặc du lịch…

Lo tuổi già, hãy đầu tư cho người trẻ

Chiếc cốc bạc và người già ở Châu Á 2

Trong bối cảnh tài chính công bị siết chặt, chính phủ một số nước đang tiến hành cắt giảm mạnh các khoản chi trả, giảm trợ cấp cho các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc người già. Khó khăn này còn dẫn đến hàng loạt biến động xã hội chưa từng có, chẳng hạn như tỷ lệ phạm tội ở người cao tuổi tăng đột biến. Tại Nhật, 35% số người phạm tội ăn cắp vặt trong các cửa hàng, siêu thị… là người trên 60 tuổi. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tội phạm cao tuổi gia tăng là do họ “tự nguyện” ăn cơm tù còn sướng hơn phải tự bươn chải. Bởi mức chi tiêu tối thiểu ở Nhật lên tới trên 1 triệu yên/người/ năm, vượt xa số lương hưu khoảng 780.000 yên (tương đương 6.900 USD).

Để giải quyết một phần của vấn đề này, chính phủ Nhật tìm cách tăng 5% thuế vào hàng hóa để trang trải các chi
phí chăm sóc người già, đồng thời tìm cách gia tăng tuổi nghỉ hưu. Tương tự, chính phủ Hàn Quốc cũng đang xem xét tăng tuổi hưu từ 57 lên 60. Trung Quốc cũng đã tăng tuổi nghỉ hưu nam giới và cả nữ giới đều lên 65. Tại Việt Nam, đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu được nêu ra gần đây cũng liên quan đến lo ngại vỡ quỹ lương hưu. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ nảy sinh những vấn đề tiêu cực khác. Đặc biệt, nếu kéo dài độ tuổi lao động sẽ hạn chế tốc độ sáng tạo, cản trở những người trẻ hơn có khả năng thay thế. Theo giả định tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc, 65 là độ tuổi kết thúc làm việc phù hợp vì không còn khả năng gia tăng năng suất.

Già hóa dân số tác động đến kinh tế ở cả 3 khía cạnh: thay đổi quy mô lực lượng lao động, thay đổi tăng trưởng năng suất lao động và thay đổi quy mô tiết kiệm của xã hội. Liên Hiệp Quốc đưa ra ba nhóm chính sách để ứng phó lại tình trạng già hóa dân số: cân nhắc lại tuổi nghỉ hưu và tuổi nhận lương hưu; đầu tư vào nguồn nhân lực, đặc biệt là phụ nữ; tăng cường hệ thống an sinh và bảo trợ xã hội. Nhưng yếu tố quan trọng hơn giúp lực lượng lao động thế giới ổn định là giáo dục, vì giáo dục tốt hơn giúp khả năng làm việc lâu hơn. Với các quốc gia châu Á đang phát triển, đây là giải pháp khó khả thi vì trình độ dân trí còn thấp. Hay nói cách khác, nếu giáo dục không tốt thì không thể tăng tuổi hưu.

Ở nhóm tăng cường hệ thống an sinh, các chuyên gia kinh tế của The Ecnomist khuyến cáo, các chính phủ châu Á cần đặt mục tiêu chi tiêu xã hội thận trọng hơn. Phúc lợi xã hội nên dành bảo vệ người nghèo hơn là trợ cấp những người giàu. Đặc biệt là tại các xã hội dân số già đi nhanh chóng, chi tiêu cho người già không được vượt quá đầu tư cho giới trẻ. Quy mô của hầu hết các quỹ trợ cấp hưu trí ở châu Á có thể ở mức khiêm tốn nhất, nhưng người dân có thể tích góp chúng từ khi còn trẻ để có “lương hưu thay thế” hoặc “lương hưu bổ sung”. Chẳng hạn mở một tài khoản tiết kiệm, mua trả góp nhà để cho thuê, đầu tư dồn tích vào tài sản có giá (cổ phiếu, vàng, ngoại tệ…), thậm chí “đầu tư” vào con cái. Cuối cùng, nên tránh những nhức nhối mà các nước giàu đang phải gánh: những khoản chi có thể chất đống nợ cho các thế hệ tương lai.

Những

Sự phát triển của nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào cách hoạch định chính sách ứng phó với tình hình mới. Những chính sách được hình thành với ưu tiên cho một xã hội đang già đi rõ ràng phải được hoạch định từ rất sớm. Đừng để một nước giàu có như nước Nhật cũng phải “tiếc” chiếc cốc mừng thọ cho những cụ già bách niên, vốn được coi như món quà trao phúc của trời đất dành tặng cho con người. Và bản thân mỗi cá nhân, cần có kế hoạch bù đắp sớm hơn, nỗ lực làm việc nhiều hơn khi có thể để tránh trường hợp trông chờ vào con cái.

Lam Hồng – Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE

cùng chuyên mục

No more