Tạp chí 05/11/2017

Những người đàn ông không có đàn bà

Bài Tri Duc

[ELLE Man tháng 9/2017] Mấy năm trước, Haruki Murakami đã viết một truyện ngắn với nội dung như vậy, lấy nhan đề Những người đàn ông không có đàn bà. Sung sướng chi đâu những người đàn ông không có đàn bà, họ, nói như Murakami, như những tấm thảm nhạt màu với một vết ố bên trên.

1

Một người đàn ông bình thường nọ, giữa một đêm bình thường nọ, nhận một cuộc điện thoại không bình thường nọ, báo rằng M. đã tự tử vào thứ Tư tuần trước. Hỡi ôi, M. là nhân tình của anh, còn người gọi điện là chồng của M. “Khi được thông báo về cái chết của nàng, tôi cảm thấy như mình là kẻ cô độc thứ nhì thế giới”, trong tang thương, anh thầm nghĩ. Kẻ vô địch về mặt cô độc đương nhiên là ông chồng, gì thì gì, riêng khoản này thì anh chẳng dám tranh.

Mấy năm trước, Haruki Murakami đã viết một truyện ngắn với nội dung như vậy, lấy nhan đề Những người đàn ông không có đàn bà. Sung sướng chi đâu những người đàn ông không có đàn bà, họ, nói như Murakami, như những tấm thảm nhạt màu với một vết ố bên trên. Cái vết ố đấy chẳng nói năng cũng chẳng làm phiền ai, cái thảm cũng không mất giá trị sử dụng vì một vết ố, nhưng dù cách mấy đi nữa, vết ố vẫn là vết ố, vẫn khăng khăng ở lại, bám víu, trơ lỳ. Vết ố vô phương gột bỏ. Nỗi cô độc vô phương cứu chữa.

nhung nguoi dan ong khong co dan ba - elle man 1

Bìa sách Những người đàn ông không có đàn bà của Haruki Murakami.

2

Đã thế thì, để đời đỡ bi ai, những người đàn ông hãy có đàn bà.

Suốt nghiệp đời, văn hào người Nhật Junichiro Tanizaki có rất nhiều đàn bà. Sống trong một niên đại với đủ tai ương, thời kỳ Taisho thì hỗn loạn, Nhật đánh nhau với hết Trung Hoa rồi Xô Viết, thế giới đại chiến hai lần, nhưng hầu như Tanizaki chẳng dính dáng gì tới thế cuộc. Ông say sưa phóng túng rong chơi ngả ngốn hư hỏng lang chạ buông tuồng mất nết trong lãnh địa của riêng mình.

“Tôi rót tràn đời mình bằng hoan lạc, như người ta rót đầy rượu vào ly”. Đấy là Oscar Wilde tự thuật về bản thân trong bức thư De Profundis, nhưng đem ra miêu tả Tanizaki cũng thấy không sai. (Thực tế, Oscar Wilde là thần tượng của tác gia Nhật Bản).

Gần 30 tuổi mới kết hôn, kể từ đó Tanizaki có tới ba cuộc hôn nhân, đấy là còn chưa tính vụ tằng tịu với cô em vợ. Người ta tìm được hàng trăm lá thư giữa Tanizaki và Machiko, người vợ cuối cùng, lưu vật của ông, nàng thơ của ông, nguyên mẫu cho nhiều áng văn của ông. Trong một bức, Tanizako gọi nàng là chủ nhân, hứa hẹn sẽ tận hiến với nàng dẫu cho “điều đó sẽ hủy hoại anh”. Điều đó quả đã “hủy hoại anh”.

nhung nguoi dan ong khong co dan ba - elle man 2

Bìa tuyển tập truyện ngắn của Junichiro Tanizaki, nhà văn và vợ – nguồn cảm hứng sáng tác của ông.

3

Có một thời, sách của Tanizaki bị chính phủ Nhật cấm lưu hành vì cho rằng chúng là những tác phẩm suy đồi đạo đức. Nói đi nói lại, họ cũng có cái lý của mình, ngoại trừ việc, làm gì có khái niệm đạo đức trong những gì Tanizaki viết. Không băn khoăn cũng chẳng dằn vặt, cõi dục vọng của Tanizaki như con sông Lethe nơi âm ty trong thần thoại Hy Lạp: Linh hồn phàm trần uống nước sông Lethe sẽ quên đi kiếp người đã sống, còn những ai bước vào thế giới của Tanizaki sẽ một nhát đâm chết tươi khái niệm về luân thường đạo lý.

Truyện ngắn Mộng phù kiều chẳng hạn. Gia đình nọ mẹ chết, cha tái hôn với một người đàn bà vô cùng giống mẹ, mẹ đẻ chơi đàn koto thì mẹ kế cũng chơi đàn koto, mẹ đẻ tên Chinu thì cha bảo con trai cũng phải gọi mẹ kế là Chinu, và mẹ đẻ cho con trai bú thì mẹ kế cũng cho đứa con trai đó bú. Một chiều cuối Xuân, bên cây hợp hoan đang độ đơm hoa, người mẹ kế trong lớp kimono vạch áo cho đứa con chồng, giờ đã cao hơn mình mấy tấc, hút lấy hút để dòng sữa chảy ra từ bầu ngực. Một luồng mê hoặc làm đứa con như muốn mất trí ấy hóa ra lại do chính sự xếp đặt của người cha. Để rồi sau đó, người mẹ đột ngột bị rết cắn đúng nơi bầu ngực cám dỗ, một đòn trả thù dường như là do cô con dâu hạ thủ.

Tiếp theo, hãy xem Tanizaki sắc món thuốc lú gì trong tiểu thuyết Chữ Vạn. Truyện kể một người đàn bà tên Kakiuchi đã có chồng là Kotaro, nhưng Kakiuchi lại trót dan díu với mỹ nhân trẻ đẹp tên Mitsuko. Ngày nào Kakiuchi cũng rủ rê Mitsuko đến nhà, lấy hình tượng nàng mà vẽ Quan Âm Bồ Tát. Khốn thay, Kakiuchi phát hiện ra Mitsuko vẫn lén lút qua lại với một tay công tử liệt dương, tưởng vậy đã là rắc rối, vậy mà không, cô nàng Mitsuko lại còn gian tình thêm với chính anh chồng Kotaro nữa.

nhung nguoi dan ong khong co dan ba - elle man 4

Bốn người họ giằng co trong trùng lớp âm mưu toan tính, kẻ kéo bên nọ, người giật bên kia, cứ tưởng mình lừa được người ta, hóa ra chính mình là kẻ bị lừa. Trên bàn tiệc ngồn ngộn của ái tình, từng món được đưa lên, khai vị là dối gian, món chính là sắc dục, bụng dạ hòm hòm thì được bưng thêm món tráng miệng là một màn quyên sinh tập thể. Nhưng ngay cả món tráng miệng này cũng lắm công phu, bởi quyên sinh nào có dễ, như cô Kakiuchi kia, đã nốc thuốc độc mà vẫn bị gạt để không được chết.

Là một kẻ sành ăn, Tanizaki từng viết cả một cuốn sách về những người đàn ông “không thể sống nổi một ngày mà không thưởng thức món gì ngon lành”. Bởi vậy khi nấu bữa tiệc văn chương, Tanizaki đương nhiên không quên nêm nếm các gia vị tội lỗi: ngoại tình, loạn luân, nhường vợ nhường chồng, tình dục vô độ, quan hệ tay ba tay bốn, cả những đòn thù tình thâm hiểm. Mà ông nấu điêu luyện, vừa thơm vừa bùi vừa ngọt, rõ là toàn mỡ màng mà không hề ngấy, chế biến bệnh hoạn thành cái đẹp, dù là “cái đẹp có vấn đề”, nhưng vẫn là cái đẹp. Tiếc thay có thời người ta chẳng nhìn ra “cái đẹp”, chỉ nhìn thấy “vấn đề”. Cho nên bị cấm là phải nhẽ!

4

Thực ra, chuyện sách của Tanizaki bị cấm chưa thể gọi là “hủy hoại” ông. Thứ bị hủy hoại không phải Tanizaki. Thứ bị hủy hoại là những người đàn ông mà Tanizaki xây dựng, những người đàn ông có đàn bà. Mà phải gọi là được hủy hoại mới đúng, vì bị hủy hoại mà vẫn thấy toại nguyện.

Thói đời đã vướng phải đàn bà thì ai cũng như ai, bất kể là bậc đế vương hay phận con buôn, kẻ nào cũng như muỗi rơi vào mạng nhện. Bậc đế vương thì như Vệ Linh Công trong truyện ngắn Kỳ lân, dù được Khổng Tử răn dạy nhưng trời ạ, lời thánh hiền có hay mấy cũng chẳng sánh với cái ve vuốt của người ái thiếp: “Khanh đúng là ác nữ. Khanh là con quỷ sống đã hủy hoại đời ta. Thế nhưng ta không sao dứt bỏ được ái khanh”.

nhung nguoi dan ong khong co dan ba - elle man 3

Còn phận con buôn như ông cụ già trong Bàn chân Fumiko, tuổi đã gần đất xa trời, già quắt xà lai mà còn đổ đốn mê mẩn cô hầu non của mình, đúng hơn là mê cái bàn chân mỹ miều của nàng ta, thậm chí tới lúc nằm thẳng cẳng, nhẽo nhợt đờm dãi sụt sùi nghẹn họng, vẫn phải van lơn nàng, em ơi tôi chẳng còn được bao lâu, xin em đưa chân giẫm lên mặt tôi một chút!

Song, thế vẫn chưa là gì so với nhân vật người chồng trong Hai cuốn nhật ký. Y đắm đuối vợ đến mức chuốc cho nàng ngủ, ngủ như người đẹp say ngủ của Kawabata, rồi lột trần nàng ra, soi cả chiếc đèn huỳnh quang vào để ngắm nàng cho rõ, mân mê thí nghiệm từng ngóc ngách trên cơ thể nàng, chụp cả ảnh để sao lưu, trao nàng cho người đàn ông khác để kích thích máu ghen tuông vì có cuồng ghen mới cuồng yêu. Đấy rồi, y đổ vật trên giường trong cơn cực khoái, nhưng chẳng biết có nên thương cho cái chết của kẻ trụy lạc này chăng, bởi dầu có là bị vợ con mình âm mưu sát hại, nhưng y sống vì sắc dục, chết vì sắc dục, đời này nhất y rồi còn gì!

Trái khoáy thay, những người đàn ông cứ tưởng có đàn bà thì sẽ là thảm không vết ố, nào ngờ có đàn bà vào, thảm còn rách tươm, chẳng còn ra hình cái thảm.

5

Raymond Carver từng có một kiệt tác truyện ngắn mang tên Mình nói gì khi mình nói chuyện tình, đại khái thuật lại một cuộc chuyện gẫu về tình ái. Giá thử mấy văn hào Nhật mà ngồi quanh một bàn tròn tán dóc về chữ “tình”, dám chắc sẽ có một cuộc tranh cãi nảy lửa không ai chịu ai.

nhung nguoi dan ong khong co dan ba - elle man 5

Đa tình đa đoan, một cụm từ mà bao nhiêu thái cực. Có người như văn hào Soseki, dạy học trò dịch câu “Anh yêu em” sang tiếng Nhật phải là “Trăng hôm nay sáng quá!”. Lại có người như Tanizaki, tình là lăn xả, là lừa mị, là si mê, là ngụp trong bể ái ái ân ân đến chết sặc mới xong. Ai đúng ai sai, có hạ hồi phân giải cũng chẳng ích gì, thôi thì như lời nhân vật của Raymond Carver: “Này các bạn. Ta hãy nâng cốc. Mình đề nghị nâng cốc. Chúc cho tình yêu. Tình yêu chân chính”.

Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man

 

cùng chuyên mục

No more