Tạp chí 06/04/2018

Thế hệ mới của thể thao Việt Nam: “Sẵn sàng ra biển lớn!”

Bài ELLE Man

[ELLE Man tháng 3/2018] Sau thành công của U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á tại Trung Quốc, những cái tên như Quang Hải, Xuân Trường hay Tiến Dũng... nổi lên như niềm hy vọng mới của bóng đá Việt Nam. Nhìn rộng hơn, họ là một phần của lứa vận động viên trẻ, một thế hệ tiếp theo của nền thể thao Việt Nam được trông đợi đem lại vinh quang cho thể thao nước nhà trên đấu trường quốc tế.

Thành công không từ trên trời rơi xuống

Năm 2017 ghi dấu nhiều cột môc đáng nhớ với thể thao Việt Nam: U20 Việt Nam lần đầu tiên dự Vòng chung kết (VCK) World Cup diễn ra ở Hàn Quốc, đoàn Thể thao Việt Nam xếp thứ 9 chung cuộc tại Đại hội thể thao và võ thuật trong nhà châu Á (AIMAG 5), đứng thứ 3 trên bảng tổng sắp tại SEA Games 29 trên đất Malaysia… Riêng bóng đá thậm chí còn thành công ở nhiều cấp đội khi lần đầu tiên có 6 đội tuyển bóng đá quốc gia giành quyền tham dự VCK châu Á.

the thao viet nam - elle man feature

Năm 2018 thậm chí còn khởi đầu một cách rực rỡ hơn với chiến tích của đội tuyển U23 tại VCK U23 châu Á trên đất Trung Quốc. Việc đội tuyển U23 lọt vào chung kết và giành HCB là thành tích vượt xa mọi kỳ vọng của cả người hâm mộ lẫn giới chuyên môn trong nước trước khi giải đấu diễn ra. Vậy liệu đó có phải thành công “từ trên trời rơi xuống”? Sẽ khó có thể nhận xét như vậy nếu nhìn vào thành phần đội tuyển U23, với đa phần là những cầu thủ đã ăn tập với nhau gần chục năm trời. Họ không phải những tay ngang chơi bóng mà là những tài năng nhí với xuất phát điểm là các giải nhi đồng, các cuộc thi tuyển quân của các lò đào tạo trẻ.

Những học viện đào tạo bóng đá trẻ như HAGL Arsenal JMG, Hà Nội hay Viettel… là chìa khóa cho thành công, với sự đào tạo bài bản cả về chuyên môn lẫn văn hóa. Nhìn cách đội trưởng Xuân Trường tự tin trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh hay cách các cầu thủ U23 thi đấu một cách bình tĩnh ngay cả khi bị dẫn bàn cho thấy yếu tố ngoại ngữ và tâm lý của lứa cầu thủ hiện tại đã được cải thiện đáng kể so với các thế hệ đàn anh đi trước.

Một ví dụ khác là thành công của tay vợt cầu lông Phạm Cao Cường hiện đang đứng thứ 87 thế giới theo bảng xếp hạng BWF. So với một tượng đài của làng cầu lông Việt Nam là Nguyễn Tiến Minh, Cao Cường có xuất phát điểm tốt hơn nhiều. Tiến Minh sinh năm 1983 và là vận động viên đi lên từ giải phong trào chứ không được đào tạo bài bản từ nhỏ. Hệ quả là việc anh thường xuyên bị hụt hơi trong các giải đấu căng thẳng kéo dài do nền tảng thể lực không được đảm bảo.

thể thao việt nam
Phạm Cao Cường

Cao Cường sinh sau Tiến Minh 13 năm và sớm được tập luyện chuyên nghiệp từ nhỏ. Cộng với việc có chế độ dinh dưỡng tốt hơn nên thể hình Cao Cường vượt trội so với đàn anh Tiến Minh (1m82 so với 1m70). Tại giải Iran International Challenge 2018, cả hai tay vợt nêu trên đã loại hết các đối thủ để tạo thành một trận chung kết “toàn Việt Nam”. Ở trận đấu cuối cùng, Cao Cường đã đánh bại đàn anh Tiến Minh với tỷ số 3-1. Một trận đấu mang tính biểu tượng “Tre già măng mọc”, sau nhiều năm liền làm độc cô cầu bại trong nước, cuối cùng Tiến Minh cũng đã có truyền nhân xứng đáng.

Không chỉ được đào tạo bài bản, kinh nghiệm trận mạc của U23 Việt Nam hay Cao Cường còn trở nên dày dạn nhờ được đưa đi tập huấn quốc tế và được cọ xát ở nhiều giải đấu khác nhau. Các trường hợp thành công ở các bộ môn khác cũng không nằm ngoài quy luật này, như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên sang Mỹ tập huấn từ năm 2013 với kế hoạch đầu tư trọng điểm. Kết quả là cô trở thành nữ kình ngư số 1 Đông Nam Á. Tại SEA Games 29, Ánh Viên đứng trên bục vinh quang tổng cộng 10 lần, trong đó có 8 lần nhận HCV, bên cạnh 2 lần nhận HCB, phá 3 kỷ lục SEA Games và nâng tổng số huy chương mà cô giành được sau hai kỳ Sea Games lên con số 16!

thể thao việt nam
Nguyễn Thị Ánh Viên

Như vậy, thành công của U23 nói riêng hay các bộ môn khác nói chung là thành quả được đúc kết từ một quá trình lâu dài chứ không phải đột nhiên mà có. Những tài năng thể thao thiên bẩm sẽ bị thui chột hoặc thậm chí là không có cơ hội vươn lên đỉnh cao nếu thiếu đi sự quan tâm đầu tư đúng đắn và bài bản từ đầu.

Sẵn sàng bơi ra biển lớn

Bước vào năm 2018 với “hào khí U23” khiến thể thao Việt Nam có một niềm cảm hứng lớn lao, bởi thành công kể trên đã chứng minh rất nhiều điều. Hình ảnh cả biển người đổ ra đường ăn mừng sau các trận đấu – kể cả sau khi thua trận chung kết – cùng hiệu ứng U23 kéo dài suốt từ cuối tháng 1 cho tới nay cho thấy tình yêu thể thao của người Việt Nam vẫn luôn cháy mãi chứ chưa hề nguội lạnh. Chiếc HCB đó cũng cho thấy rằng các vận động viên Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tới tầm vóc châu lục với chiến thuật thi đấu hợp lý, “biết người biết ta”.

Tâm điểm của thể thao Việt Nam trong năm 2018 chắc chắn là giải đấu tầm cỡ châu lục ASIAD 2018 trên đất Indonesia. Chỉ tiêu được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch giao cho đoàn Việt Nam tại ASIAD là 3 HCV. Tại hai kỳ ASIAD gần nhất, đoàn Việt Nam đều chỉ giành 1 HCV mỗi kỳ.

Tuy nhiên, mục tiêu 3 HCV không phải là điều bất khả thi vì thể thao Việt Nam từng có lần giành 4 HCV tại ASIAD 2002 trên đất Hàn Quốc. Chỉ tiêu giành huy chương ở đấu trường ASIAD càng có cơ sở với sự nổi lên của một thế hệ vận động viên mới tràn đầy quyết tâm và đã được mài giũa với hàng chục ngàn giờ khổ luyện trên sân tập.

Niềm hy vọng lớn của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018 là Nguyễn Thị Ánh Viên. Tại giải đấu quy tụ nhiều đối thủ sừng sỏ như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc… này, Ánh Viên dự kiến sẽ tham gia hạn chế các nội dung bơi và chỉ tập trung vào các nội dung có khả năng tranh chấp huy chương như 400m bơi hỗn hợp và 200m bơi ngửa. Ngoài Ánh Viên, những vận động viên được kỳ vọng sẽ làm thể thao Việt Nam rạng danh trên đấu trường châu lục đa phần đều là những cái tên thuộc thế hệ 9X.

Có thể kể ra bộ đôi lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn (1994) và Trịnh Văn Vinh (1995). Trong đó, nếu như Kim Tuấn nổi lên đã lâu thì Văn Vinh là cái tên mới chỉ xuất hiện nhưng đã để lại ấn tượng mạnh: HCV hạng cân 62kg nam tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (AIMAG) 2017, phá 2 kỷ lục tại SEA Games 29 gồm: kỷ lục cử đẩy (172kg – hơn cột mốc cũ 167kg do VĐV người Indonesia Eko Yuli Irawan thiết lập) và tổng cử 307kg (thành tích cũ là 304kg).

the thao viet nam - thach kim tuan - elle man
Thạch Kim Tuấn
the thao viet nam - trinh van vinh - elle man
Trịnh Văn Vinh

Vinh vẫn thấp hơn đôi chút thành tích đủ để giành HCĐ tại ASIAD 2014 (308kg của chính Eko Yuli Irawan) và anh sẽ phải vượt qua chính bản thân để kế tục người đàn anh/đồng hương từng giành HCV Olympic Hoàng Anh Tuấn.

Ở bộ môn Thể dục dụng cụ, chàng trai sinh năm 1995 Lê Thanh Tùng được trông đợi sẽ “làm nên chuyện”. Năm 2017 để lại nhiều kỷ niệm với vận động viên TP.HCM với 1 HCV Cúp Thế giới, 1 HCV Giải vô địch châu Á và 3 HCV SEA Games 29. Cùng đạt tới đẳng cấp thế giới như Tùng còn có Trương Thị Kim Tuyền của bộ môn Taekwondo, khi nữ vận động viên sinh năm 1997 này bất ngờ đoạt HCB tại giải Vô địch Thế giới Taekwondo diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 6/2017. Đó là thành tích cao nhất từ trước đến nay của Taekwondo Việt Nam, và Kim Tuyền được kỳ vọng sẽ tiếp tục làm nên lịch sử tại ASIAD 2018.

thể thao việt nam
Trương Thị Kim Tuyền

Trên đường chạy điền kinh, sự rút lui bất ngờ để dành thời gian cho gia đình của “nữ hoàng điền kinh” Nguyễn Thị Huyền để lại khoảng trống không nhỏ. Tuy vậy, những cái tên tài năng và sở hữu nhiều kinh nghiệm chinh chiến như Quách Thị Lan (1995), Lê Tú Chinh (1997) hay Bùi Thị Thu Thảo (1992) sẽ là cơ sở để đặt niềm tin có huy chương ở bộ môn Điền kinh.

thể thao việt nam
Lê Tú Chinh
thể thao việt nam
Quách Thị Lan

Và không thể bỏ qua chính đội tuyển U23 Việt Nam, khi những cái tên như Quang Hải, Tiến Dũng hay Xuân Trường… sẽ trở lại sát cánh cùng nhau cho chiến dịch ASIAD 2018. Những cái tên 9X kể trên có thể đến từ những bộ môn khác nhau, nhưng cùng chung mục tiêu vươn lên đỉnh cao, vượt qua chính mình sau khi đã trải qua nhiều khoảnh khắc cả vinh quang lẫn thất bại. “Biển lớn” ASIAD 2018 hay xa hơn là Olympic 2020, đó là những mục tiêu mà họ hướng tới, để thể thao Việt Nam có thể tự tin rằng con đường đào tạo bài bản, có căn cơ là đúng đắn và “hóa rồng” trong tương lai không xa.

thể thao việt nam
Bùi Tiến Dũng
thể thao việt nam
Quang Hải
thể thao việt nam
Xuân Trường

Xem thêm:

Đội tuyển U23 Việt Nam và “phần thưởng” thực sự cho quê nhà

Hoàng Xuân Vinh – Người hùng Olympic đầu tiên của Việt Nam

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Thịnh Joey – ảnh: tư liệu

cùng chuyên mục

No more