Tạp chí 04/11/2017

Tình tri âm: “Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?”

Bài ELLE Team

[ELLE Man tháng 9/2017] Tri âm là gì mới được? Quên từ điển đi, từ điển luôn máy móc, hãy mượn tạm lời Emily Bronte, dẫu bà đang viết về một chàng trai và một cô gái: “...Anh ấy còn giống tôi hơn cả tôi nữa. Dù cho tâm hồn làm từ chi, tâm hồn của anh và tôi đều giống nhau y hệt”.

Tình

Cái mà Harry Potter sẽ nhớ nhất đó, thưa cậu”. Cuộc thi Tam Pháp Thuật, bọn người cá lấy đi của mỗi quán quân một thứ mà họ sẽ nhớ nhất nếu như đánh mất. Với Harry, đó là cậu bạn tóc đỏ, mặt tàn nhang, người mà vào lần đầu gặp, Harry đã chia cho cậu những gói chocolate ếch nhái, cậu ấy là Ron Weasley.

tri am - elle man 5
Harry và Ron.

Và đây, 400 năm trước, Shakespeare đã để Hamlet nói với Horatio thế này: “Từ khi tâm hồn tôi biết đường lựa chọn, (…), thì nó đã gắn chặt với bạn mất rồi”.

Còn Sherlock. Ai luôn gắn với Sherlock Holmes như hình với bóng? Bác sĩ Watson.

Người Anh có đến ngàn lẻ một những chuyện kiểu vậy, chuyện về những người đàn ông, làm bạn, không, hơn cả The Beatles bạn, là tri âm. Nhưng tri âm là gì mới được? Quên từ điển đi, từ điển luôn máy móc, hãy mượn tạm lời Emily Brontë (lại một người Anh), dẫu bà đang viết về một chàng trai và một cô gái, vậy: “…anh ấy còn giống tôi hơn cả tôi nữa. Dù cho tâm hồn làm từ chi, tâm hồn của anh và tôi đều giống nhau y hệt.”

Nhưng Emily, bà sai rồi!

Hai người họ cũng không đến nỗi giống nhau. Một người mắt xanh lá cây, người kia mắt xanh nước biển. Cùng học chung một trường, nhưng Chris Martin học tiếng Hy Lạp và tiếng Latin, Jonny Buckland thì theo đuổi thiên văn và toán học. Một bên ngôn ngữ, một bên tự nhiên, khác nhau một trời một vực. Chris mang hào quang của một ngôi sao, còn Jonny, ngay khi ban nhạc Coldplay của hai người họ trở nên lừng lẫy, Jonny vẫn kiệm lời tới kỳ lạ, thậm chí nếu có một vụ nổ hạt nhân xảy ra, anh cũng sẽ chỉ nhún vai.

tri am - elle man 3
Chris Martin và Jonny Buckland.

“Nơi chúng tôi sống trong trường đại học có đâu 50 tay guitar. Jonny ít nói lắm, luôn ngồi trong góc và hút thuốc. Một ngày nọ, anh cầm cây guitar lên và chỉ trong 2 phút, tôi đã biết: Chính là anh ấy, người mà tôi đã chờ đợi suốt đời mình. Tôi bảo anh thế và anh chỉ ư ư ư.” – Chris mắt xanh nước biển kể về Jonny mắt xanh lá cây, không quên nhại lại điệu bộ ư ư của cậu bạn.

“Người yêu dấu, người là tảng đá cho ta tựa lên, …mắt xanh lá cây, người chính là người ta luôn tìm kiếm”. Chris viết về ai trong ca khúc Green eyes? Tất nhiên không phải Gwyneth Paltrow rồi. Vậy về một bóng hồng nào khác chăng? Đúng một nửa thôi. Mắt xanh nước biển nói, bài đó dành cho hai người, một người là Jonny Buckland.

Tri âm không nhất thiết phải hệt như nhau, có khi khác nhau vô tận, nhưng có một nhịp giữa chúng ta trùng khớp, nhịp ấy ngân lên, và ngân đến vô cùng. Cũng có khi nó không ngân tới vô cùng.

Mà thật ra, nó cũng chẳng bắt đầu từ một nhịp trùng khớp nhau. Nó bắt đầu từ X-factor. X-factor, chương trình “tàn sát âm nhạc” hơn là tìm kiếm tài năng âm nhạc. Simon Cowell tham vọng tạo ra một The Beatles của thế kỷ 21, thế là có One Direction, thế là họ cũng bắt chước hình ảnh kiểu Beatles, thế là có 5 mảnh ghép: Niall dễ thương, Liam khôn ngoan, Harry quyến rũ, Louis vui tính, Zayn bí ẩn.

Tình bạn khởi điểm từ một sự dàn xếp như vậy, cho nên, lúc Zayn tuyên bố rời khỏi nhóm, ngay lập tức người ta đã cười nhạo: Thì đấy, tóm lại cũng chỉ là một hợp đồng! Chẳng ai buồn lắng nghe từ đầu đến cuối, rằng Zayn đã luôn muốn rời khỏi One Direction để được làm một chàng trai 22 tuổi bình thường, được hát thứ nhạc của chính mình, và 4 người ở lại, “đầu tiên chúng tôi giận dữ”, nhưng cuối cùng, họ đều hiểu Zayn chỉ làm theo điều trái tim mách bảo.

Có câu chuyện nào lại không có một dấu chấm sau cùng? Khi còn đủ 5 người bọn họ, hát Live while we’re young, cuộc đời như một hội hè miên man, thức dậy trong những chiếc lều, dưới bầu trời thăm thẳm, trên thảm cỏ xanh xanh, nhảy lên một chiếc ô tô, phóng đi bạt mạng. Giờ này, những ngày tháng ấy đã khép lại từ lâu, để bắt đầu những ngày tháng khác. Tri âm không có nghĩa là tri âm mãi mãi, có khi chỉ là tri âm trong một quãng đời ngắn ngủi, rồi đường ai nấy bước, nhưng như Zayn nhắn nhủ 4 người ở lại hãy tiếp tục thành công…

tri am - elle man 4
One Direction

“Ôi chao, mặc xác nó – làm thôi”, John mất kiên nhẫn khi Ringo và George dấm dẳng chẳng muốn lên mái nhà để hò với hát. Mặc dù cuối cùng họ đều nhượng bộ, leo tới 5 tầng trong cái giá buốt London. Buổi concert trên mái nhà của The Beatles, một buổi concert không hẹn trước. Những người may mắn đi qua số nhà 3 đường Savile Row ngày 30/1/1969 là những người may mắn cuối cùng được chứng kiến 4 thành viên của ban nhạc lớn nhất lịch sử đứng chung sân khấu. Sự may mắn là thứ duy nhất không tính tiền. Ngày hôm ấy, John Lennon và Paul McCartney biểu diễn One after 909, ca khúc mà họ đã viết từ khi mới mười mấy tuổi. Được rồi, The Beatles sắp đến hồi tan rã, nhưng ngay khoảnh khắc đó, khi đứng bên nhau, hát, John và Paul, họ vẫn thi thoảng quay ra nhìn nhau, như thuở ban đầu, như cái thời có hai thiếu niên lưu lang khắp phố phường, trốn học, ăn cắp những đĩa nhạc rock ‘n’ roll, cùng lắng nghe, cùng viết nhạc, trên mỗi bản nhạc lại đề: Một sáng tác mới nữa của Lennon – McCartney.

Cho nên, đừng nói về sự tan rã có được không, hãy chỉ nhắc tới những hồi ức đẹp. Như khi họ tương ngộ tại nhà thờ St.Peter một ngày mùa hạ, Paul chơi piano, John nghiêng người bấm một quãng trên, hơi thở đẫm mùi bia nồng nặc. Như khi Paul chơi một hòa âm, và John thốt lên: “Chính nó, chơi lại đi”, và I want to hold your hand ra đời. John luôn khăng khăng Paul viết Hey Jude về mình chứ không phải Julian (con trai John), Paul thì tiết lộ John viết Jealous guy với Paul chứ không phải người vợ Yoko trong tâm trí. Và những năm hậu tan rã, John sẽ mở đĩa nhạc của Paul, vừa nghe vừa khóc, dù bên ngoài luôn tỏ ra cay nghiệt. Họ trò chuyện bằng âm nhạc, cãi nhau cũng bằng âm nhạc, đến ngày John bị ám sát, như một định mệnh, bài hát vang lên tại bệnh viện vào giờ khắc John trút hơi thở sau cùng là All my loving, tình ca của Paul về ly biệt: “Nhắm mắt lại đi em, anh sẽ hôn em đấy, rồi ngày mai thức dậy, anh sẽ rất nhớ em…”.

tri am - elle man 1
The Beatles

Chẳng cần quá giống nhau, không cần đi đến hết đời, cũng không cần tương lai nào cả, thế thì tri âm là cái gì kia chứ?

“Tôi vui vì cậu đã ở đây. Ở đây sau tất thảy mọi chuyện”, Frodo nói với người bạn đồng hành Sam trong Chúa tể những chiếc nhẫn, một kiệt tác văn học Anh, khi cùng nhau, họ đã đến cuối cuộc hành trình.

Đầu tiên, Mick Jagger và Keith Richards cùng viết nhạc bởi họ bị nhốt chung trong một căn bếp. Nhốt chung trong căn bếp, sống chung trong bao năm tháng huy hoàng của The Rolling Stones vĩ đại, nửa thế kỷ thăng trầm ấy, Keith gói gọn: “Đôi khi chúng tôi yêu nhau, đôi khi căm ghét, đôi khi chúng tôi còn cóc thèm quan tâm nữa”. 50 năm trước, người đệm guitar cho Mick hát As tears go by là Keith, 50 năm sau, chỉ có quần áo khác đi, tuổi tác già đi, đôi khi cóc thèm quan tâm, nhưng người đứng bên vẫn không thay đổi.

tri am - elle man 2
Tri âm không nhất thiết là phải hệt như nhau.

Xưa Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê, có viết: “Tuổi già hạt lệ như sương, hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”, ý nói tuổi già còn hơi đâu để khóc. Thế mà, kiếp này dù đã đi gần trọn, Paul McCartney vẫn không cầm được nước mắt khi hát về John: “Nếu tôi nói tôi thực sự yêu cậu, và thật vui vì cậu đã tới trong đời, và cậu ở đây hôm nay, vì cậu sống trong bài ca tôi viết”.

Tôi vui vì cậu đã ở đây. Đó chính là tri âm, tri kỷ.

Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man

Bài viết: Hiền Trang – Ảnh: tư liệu

cùng chuyên mục

No more