Tạp chí 03/01/2018

Vũ đài lãnh đạo quốc gia thế giới: “Không có đất dành cho người già”

Bài ELLE Man

[ELLE Man tháng 12/2017] Trong năm 2017, lần lượt Pháp, Ireland, Estonia và Áo đều đã bầu ra những lãnh đạo quốc gia dưới 40 tuổi. Trong số này, Sebastian Kurz của nước Áo được xưng tụng là "thần đồng" trong làng chính trị nhờ chiến thắng ở tuổi 31.

Nếu vào năm 2007, nói tới “No Country for Old Men”, người ta sẽ nghĩ ngay tới bộ phim vừa giành giải Oscar của anh em nhà Coen thì vào thời điểm này, sẽ không ít người liên tưởng tới… chính trường thế giới với những lãnh đạo quốc gia trẻ. Gọi là “Không có đất dành cho người già” là bởi làn sóng những người mới ngoài 40 – độ tuổi được xem là trẻ trong chính trị – vươn lên trở thành người đứng đầu quốc gia. Trang CNBC thống kê rằng trong năm qua, lần lượt Pháp, Ireland, Estonia và Áo đều đã bầu ra những lãnh đạo quốc gia mới ở tuổi dưới 40. Trong số này, Sebastian Kurz của nước Áo được xưng tụng là “thần đồng” nhờ lãnh đạo Đảng Nhân dân (OVP) chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử khi mới ở tuổi 31.

lanh dao quoc gia - elle man 1

Sebastian

Trước đó, trong bốn năm qua, các nước như Bỉ, Hy Lạp, Malta và Luxembourg đều đã bầu ra những lãnh đạo quốc gia dưới 45 tuổi. Vốn được xem là “Lục địa già” với độ tuổi trung bình là 42,6 so với con số 30,7 của châu Á hay 37,8 của Mỹ, châu Âu đã có đợt thay máu mạnh mẽ ở cương vị người “Không có đất dành cho người già” đứng đầu. Nhưng đó không chỉ là câu chuyện riêng của châu Âu, khi ở Canada, người ta đã quen với hình ảnh “soái ca” Justin Trudeau. Vị thủ tướng 45 tuổi này gây chú ý từ khi lên nắm quyền năm 2015 không chỉ bởi ông là con trai của cố Thủ tướng Canada Pierre Trudeau mà còn bởi vẻ ngoài điển trai, lịch lãm và sự thân thiện cởi mở hiếm thấy ở một người đứng đầu chính phủ.

lanh-dao-quoc-gia-elle-man-3

Tại New Zealand, bà Jacinda Ardern cũng làm nên lịch sử khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 9/2017 để trở thành thủ tướng nữ trẻ nhất thế giới. Càng ấn tượng hơn nếu biết rằng bà Ardern mới chỉ trở thành lãnh đạo Công Đảng từ tháng 8/2017, thay thế ông Andrew Little. Và đây chắc chắn không phải dấu chấm hết khi trong cuộc bầu cử sắp tới tại Italy, ông Matteo Renzi (42 tuổi) nhiều khả năng sẽ trở lại cương vị thủ tướng mà ông từng nắm giữ từ năm 2014 đến 2016.

Thực tế cho thấy rằng việc những người “trẻ” lên làm lãnh đạo quốc gia không phải bây giờ mới xảy ra. Từ tận thế kỷ thứ 18, William Pitt “con” đã là thủ tướng Vương quốc Anh ở tuổi… 24 và sau này được lịch sử ghi nhận với tư cách người đã lèo lái đất nước tới chiến thắng trước Napoleon và cuộc cách mạng Pháp. Hay chỉ vài chục năm trước thôi, Tony Blair cũng trở thành Thủ tướng Anh ở tuổi 43. Nhưng việc hàng loạt quốc gia – chủ yếu là châu Âu – đưa những nhân tố mới trẻ trung lên đứng đầu là việc hiếm thấy.

THÀNH CÔNG NHỜ ĐÂU?

Trước làn sóng thay đổi mạnh mẽ này, nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm rằng đa phần dư luận đã chán ngấy với những hình ảnh cũ kỹ của các chính trị gia và muốn một thứ gì đó mới mẻ, giàu năng lượng hơn. Bà Susi Dennison – chuyên gia chính sách tại Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế của Hội đồng châu Âu – nhận định: “Những vấn đề của thời đại này cần được hồi đáp, và những nhà lãnh đạo trẻ là câu trả lời ấy. Tuổi tác và kinh nghiệm không còn quá quan trọng khi người ta cảm thấy có thứ gì đó sai trái, mục ruỗng bên trong lòng châu Âu”. Những vấn đề mà bà Dennison đề cập tới có thể là tỷ lệ thất nghiệp cao, nỗi bất an trước làn sóng nhập cư đổ dồn về châu Âu và đặc biệt là tình hình an ninh bất ổn. Chỉ trong vài năm qua, những vụ tấn công tại Paris, Nice, Brussels hay Barcelona… khiến người dân không còn cảm thấy an toàn khi ra khỏi nhà và hòa mình vào đám đông như trước đây nữa.

Giáo sư Catherine de Vries thuộc trường Đại học Essex chia sẻ quan điểm trên BBC: “Trong nhiều thập niên, các chính trị gia giàu hoài bão phải leo từng nấc thang một để lên tới đỉnh, nhưng quy luật này không còn đúng nữa. Chúng ta đang sống trong thời đại mà đại đa số đều bất mãn với những cũ kỹ trong chính trị. Người dân mong muốn được thấy những người trẻ giàu năng lượng, có tầm nhìn và ý chí lớn lao để thay đổi hệ thống chính trị”.

Ví dụ tiêu biểu là trường hợp của Emmanuel Macron, khi ông từ bỏ chức Bộ trưởng Kinh tế Pháp để thành lập Đảng mới hoàn toàn mang tên En Marche! vào tháng 4/2016 và trở thành Tổng thống trẻ nhất lịch sử xứ lục lăng một năm sau đó. Những câu chuyện “ngôn tình” về tình yêu giữa ông và người vợ hơn mình 24 tuổi phủ kín các mặt báo che mờ đi sự thực rằng dư luận Pháp đã chán ngấy những “ông già” như Sarkozy hay Hollande với dấu ấn chính trường mờ nhạt và thất bại trong việc bảo vệ nước Pháp trước những cuộc tấn công khủng bố. Trong khi đó, ngay từ khi làm Bộ trưởng Kinh tế, Macron đã gây chú ý với phong cách “dám nói dám làm” và những cải cách mạnh mẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Người ta kỳ vọng rằng sự trẻ trung và táo bạo mà Macron thể hiện trên cương vị Bộ trưởng sẽ tiếp tục được thể hiện khi ông trở thành tổng thống.

lanh dao quoc gia - elle man 7

Hay như trường hợp của Sebastian Kurz – nhân vật “tài không đợi tuổi” khi nắm chức Bộ trưởng Ngoại giao Áo từ năm 27 tuổi. Tổng biên tập Christian Rainer của tờ Profil (Áo) chia sẻ: “Khi cậu ta bước vào chính trường năm 24 tuổi, cánh nhà báo nói riêng và mọi người nói chung đều lấy cậu ta ra giễu cợt. Mọi thứ diễn ra được chừng ba tháng để tất cả chúng tôi nhận ra mình đã sai lầm và phải nhìn cậu ấy một cách nghiêm túc. Có những chính trị gia giỏi kỹ năng, lại có những người giỏi về chiến lược, còn Kurz lại có cả hai và đó là lý do cậu ấy thú vị đến vậy”.

Kurz mới chỉ lãnh đạo OVP từ tháng 5/2017. Trước đó, đảng Tự do (FPO) cánh hữu luôn dẫn ưu thế so với OVP. Sự có mặt của Kurz làm thay đổi cục diện, khi bản thân anh đã là một thương hiệu thậm chí còn… mạnh hơn chính OVP. Khi lên nắm quyền, Kurz nhanh chóng tạo ra sự khác biệt ngay từ phong cách mặc áo sơmi phanh cổ thay vì đeo cravat truyền thống và thay tông màu nhận diện của OVP từ đen thành xanh nhạt. Các khẩu hiệu mới như “Bây giờ. Hoặc không bao giờ!” hay các hashtag #TeamKurz dần xuất hiện rộng rãi trên các đường phố hay những trang mạng xã hội của Áo. Tờ The Atlantic chỉ ra rằng Kurz là một “của hiếm” trong làng chính trị Áo: Vừa được lòng cử tri, truyền thông lại vừa được các chính khách tôn trọng. Thống kê chỉ ra rằng có tới 42% cử tri sẵn sàng bầu cho OVP vì Kurz, hơn hẳn con số 20% số người sẽ bầu cho Đảng Dân chủ tự do (SPO) vì Thủ tướng Christian Kern hay 7% bầu cho FPO vì lãnh đạo của Đảng này là Heinz-Christian Strache.

CHÍNH TRỊ KIỂU… START-UP

Kurz cũng có ưu thế mạnh nhờ vẻ ngoài cao ráo, điển trai. Khi những kết quả đầu tiên về chiến thắng của OVP và Kurz được lan tỏa trên mạng xã hội vào tháng 10/2017, ấn tượng của đa phần những người lần đầu biết tới Sebastian Kurz là tích cực bởi dung mạo và độ tuổi quá ấn tượng với một Thủ tướng tương lai mà chưa cần biết tới những chính sách hạn chế người nhập cư của Kurz. Đó là lý do tại sao dù cùng là những người trẻ lên làm lãnh đạo quốc gia trong năm 2017, nhưng tần suất phủ sóng trên các mặt báo quốc tế của những gương mặt ăn tiền như Macron và Kurz cao hơn nhiều so với bà Ardern (New Zealand) hay Leo Varadkar (Ireland).

Điều này phản ánh phần nào tinh thần thời đại 2017, khi mà vẻ bề ngoài và mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống thường ngày. Phó giám đốc Sophie Gaston của Viện nghiên cứu Demos đánh giá: “Những lãnh đạo quốc gia thế hệ mới hiểu rõ cách điều hành chiến dịch tranh cử dựa trên nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội. Họ biết cách làm thế nào để tiếp cận trực tiếp với cử tri, và đây là thứ khiến họ khác biệt với những đối thủ chính trị mang phong cách ‘truyền thống’”.

lanh dao quoc gia - elle man 5

Việc làm hình ảnh này cũng không hề xa lạ trong chính trị, như cách tổng thống Nga Vladimir Putin từng có bộ ảnh cởi trần bơi trong dòng sông lạnh giá hay cưỡi ngựa đầy vẻ nam tính, toát lên hình tượng một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, cương quyết và rất đàn ông. Nhờ mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể theo dõi lịch làm việc của Tổng thống Mỹ Donald Trump hay đọc trực tiếp những suy nghĩ của ông đăng tải trên Facebook, Twitter hoặc xem thủ tướng Úc Malcolm Turnbull chụp selfie cùng những nguyên thủ khác.

lanh dao quoc gia - elle man 8

lanh dao quoc gia - elle man 9

lanh dao quoc gia - elle man 10

Và nếu những người thế hệ trước như Trump hay Turnbull còn chăm chỉ dùng mạng xã hội thì những người thuộc thế hệ 7X, 8X không có cớ gì để không dùng nó để xây dựng hình ảnh cá nhân. Nếu như trong quá khứ, các cử tri được gắn kết bởi lý tưởng xã hội, chính trị thì lớp công dân trẻ thời nay được gắn kết bởi công nghệ. Cách Macron gây dựng lên En Marche! từ số không cũng giống như một phi vụ start-up. Ông cùng nhóm cộng sự thân cận như Ismael Emelien, Julien Denormandie hay Sylvain Fort… là những người trạc tuổi nhau “khởi nghiệp” bằng cách đưa ra những nước đi của En Marche!. Một ví dụ nổi bật khác là Justin Trudeau. Ông xuất hiện nhiều phen trước công chúng bất ngờ và có những hình ảnh ghi lại đẹp tới mức khó có thể tin được đó không phải một “PR stunt” (chiêu trò PR) được sắp đặt trước, như cách ông bước vào mua bánh ở tiệm Jolibee, vô tình xuất hiện trong một đám cưới trên bãi biển hay chạy bộ ngang qua một nhóm học sinh đang chuẩn bị tiệc tùng. Chẳng đâu xa, nhiều người dân quận 1 đã tỏ ra ngỡ ngàng và thích thú khi thấy thủ tướng điển trai Trudeau cùng các vệ sĩ chạy dọc kênh Nhiêu Lộc trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 11/2017.

lanh dao quoc gia - elle man 12
Ảnh: Thanh Niên

NÓI ĐƯỢC – PHẢI LÀM ĐƯỢC

Nhưng suy cho cùng, tỷ lệ tín nhiệm hay đánh giá công việc của những nhà lãnh đạo thế giới chưa và sẽ không bao giờ được định đoạt bởi số likes trên Facebook, Instagram hay Twitter. Họ sẽ được đánh giá bởi những chính sách, những quyết định trên cương vị người đứng đầu và những lợi ích họ có thể đem lại cho quốc gia và người dân. Chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế Kadri Liik bình phẩm: “Tôi rất sợ những chính trị gia bị “David Cameron hóa”: Những người nhìn đẹp, nói hay nhưng thiếu đi sự nghiêm túc cần thiết. Nhiều lãnh đạo có thể trông rất bảnh, nhưng liệu họ thực sự có đủ phẩm chất cần có hay không?”. Việc David Cameron bị lấy ra làm ví dụ có lý do rõ ràng: Ông trở thành Thủ tướng Anh ở tuổi 43 song phải rời khỏi số 10 phố Downing vào năm 2016 sau khi thất bại trong việc đánh cược với cuộc trưng cầu Brexit!

anh-dao-quoc-gia-elle-man-6

Những nhà quan sát chính trị Pháp nhận thấy rõ rệt sự chuyển hóa của ông Emmanuel Macron từ khi bước vào điện Elysee. Từ một ứng cử viên tổng thống thân thiện, sẵn sàng dắt tay vợ tình tứ trên cánh đồng trước hàng chục ống kính máy ảnh tới một vị tổng thống lạnh như băng và gần như không có bài phỏng vấn riêng nào với báo giới. Trang Politico nhận định rằng trong mắt ông Macron, quyền lực nên được gói trong lớp vỏ của sự bí ẩn. Ông Macron từng tuyên bố khi nhậm chức rằng nhiệm vụ của mình là đưa nước Pháp trở lại ánh hào quang trong quá khứ, khiến người dân Pháp tự tin vào chính mình và đất nước. Để “Làm nước Pháp vĩ đại trở lại”, ông Macron còn rất nhiều việc phải làm. Điều tương tự với Kurz về viễn cảnh liên minh giữa OVP và FPO để thành lập chính phủ mới, hay Justin Trudeau với những hiệp định thương mại quốc tế hay những lời hứa với người tị nạn… Tranh cử và thực sự nắm quyền là hai thứ hoàn toàn khác nhau và giờ đây, những nhà lãnh đạo trẻ mới thực sự bước vào những bài thử thách cam go nhất.

Justin

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Thịnh Joey – Ảnh: Tư Liệu

 

cùng chuyên mục

No more