Thú chơi 04/02/2017

Hút thuốc tẩu – Ngậm trên môi cả một nghệ thuật

Bài Thanh Nha

[Tạp chí ELLE Man tháng 12/2016] “Nhìn Zorba hút thuốc, thèm với lão, tôi với tay tìm cái tẩu thuốc. Ngắm nghía nó, tôi xúc động vô chừng; nó được trao cho tôi một buổi chiều ở Tây Âu, đã lâu lắm rồi, từ một anh bạn dòng dõi có đôi mắt xám và những ngón tay dài thuôn.

Anh ấy mới xong khoá học, và chiều đó sẽ rời đi Hy Lạp. “Bỏ thuốc lá điếu đi”, anh ấy nói với tôi. “Hãy “cưới” em tẩu này. Đó là một người vợ thủy chung, son sắt; khi cậu về nhà, người vợ ấy luôn chờ đợi cậu. Và cũng là cách để cậu luôn nhớ tới tớ, mỗi khi cậu mồi tẩu lên, nhìn từng vòng khói uốn mình trong không gian”.

Đọc những dòng ấy của văn hào lừng danh Nikos Kazantzakis, có lẽ bạn sẽ nghĩ về chiếc tẩu, và thuốc lá sợi, với những suy nghĩ khác. Nó không là định kiến tiêu cực nữa, mà chỉ còn vẻ đẹp. Bạn và bằng hữu, còn gì đẹp hơn khi tặng nhau cái tẩu, để lúc thắp lên một vòng khói thuốc, lại nhớ về nhau. Và cái cách mà Nikos so sánh thuốc tẩu với thuốc lá điếu càng làm chúng ta thấy cuốn hút hơn. Ai đó dịch đoạn này rằng thuốc lá điếu là “cuộc tình chỉ kéo dài một phút” và tôi không thỏa mãn với cách dịch ấy. Nikos dùng từ “street women” để nói về thuốc lá điếu và chỉ có từ ấy mới đủ sức nặng đối lập để tôn vinh tẩu thuốc trở thành một người vợ thủy chung, son sắt luôn chờ đợi ở nhà.

Hút thuốc tẩu Ngậm trên môi cả một nghệ thuật 1

Tìm một đoạn văn nói về tẩu thuốc, trong các tác phẩm của những tiểu thuyết gia vĩ đại có lẽ không khó. Như Cọ hoang của William Faulkner chẳng hạn, ngay từ trang đầu tiên đã có chi tiết dính đến cái tẩu rồi. Cái tẩu gắn với văn chương, chuyện đó có thể vì lý do nhiều nhà văn cũng mê hút tẩu, như Gunter Grass, như Jean Paul Sartre, như Arthur Conan Doyle, người đã tạo ra nhân vật Sherlock Holmes để rồi sau này, có hẳn một dáng tẩu được đặt tên theo nhân vật huyền thoại ấy. Và có lẽ, cái thú hút thuốc tẩu của nhiều người cũng bắt nguồn từ mê văn chương. Cái tẩu khiến họ chậm lại, nhấm nháp được đời sống như nhấm nháp từng câu chữ trong một cuốn tiểu thuyết ưa thích nào đó. Vậy thì nói hút thuốc tẩu là hút văn chương cũng không sai chút nào.

Thuốc

Nhưng cũng có những người tìm thú vui hút thuốc tẩu từ chính những hình tượng họ đã thấy một lần trong đời, đủ để lại ấn tượng sâu đậm mãi đến tận sau này. Có anh chàng tuổi trẻ, mới ngoài đôi mươi, tự dưng bỏ hết thuốc lá điếu tìm về với tẩu chỉ vì anh mê chàng thủy thủ Popeyes trong phim hoạt hình. Và cũng chọn cái tẩu kiểu như Popeyes vẫn dùng, anh chàng ngậm nó như thể mình đang là Popeyes, chờ đợi nàng Olive cùng món rau chân vịt đủ sức khiến chàng thành siêu nhân đầy sức mạnh. Lại có bác già kia mê tẩu vì mê mẩn hình ảnh Greta Garbo nhả khói từ chiếc tẩu kiểu Canadian trong những ngày mùa Đông thập niên 20s của thế kỷ trước. Có người thì đơn giản hơn, như ông bạn của ba tôi, hút tẩu vì thần tượng Nguyễn Tuân, một người cũng hút tẩu. Vậy thì cũng có thể nói, hút tẩu là hút lại hoài niệm, hút lại một thời đoạn mà lòng người hướng về như thể vàng son.

Chục năm trước, có dịp làm việc với Sobun, một nhiếp ảnh gia người Nhật, tôi thấy bị thu hút thực sự khi ngồi với ông ở café Terrace. Ông già đầu trọc ấy rút ra cái tẩu khá lớn, nhồi từng vê sợi thuốc, rồi thắp lên một mùi khói thơm ngát, khác hẳn mùi khét lẹt của điếu thuốc rẻ tiền mà chúng tôi vẫn hút. Chẳng ngờ, đó là khởi đầu cho chính tôi trong cuộc chơi với tẩu.

Hút thuốc tẩu Ngậm trên môi cả một nghệ thuật 2

Vài năm sau cuộc gặp với Sobun, tôi bắt đầu hút tẩu trong một cơ duyên chứ không phải một thôi thúc tò mò nào. Có người bạn mua tặng món quà, một chiếc tẩu khá đẹp và tôi mày mò trong thế giới thú vị ấy đến tận mãi về sau, mày mò với những chiếc tẩu đủ kiểu, đủ dáng; mày mò với những người bạn cùng sở thích, đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề; mày mò tìm hiểu để biết rằng có một thế giới nghệ nhân tạo ra những chiếc tẩu độc bản, như những tác phẩm thực sự; mày mò và tự gọi tên chung cho những người hút tẩu là những “tẩu thủ” và những cuộc dạo chơi họp mặt các nhóm hút tẩu là những cuộc “hành tẩu”. Để rồi, bây giờ, nhận ra rằng hút tẩu cũng chính là ngậm một tác phẩm nghệ thuật trên môi, của những nghệ nhân như Tom Eltang, S.Bang, Former, Kyoichiro Tsuge, Kent Rasmussen,…

Trong thế giới phân cực mạnh mẽ như hôm nay, với một cực là sự tiện nghi, thuận lợi được đưa lên hàng đầu và cực còn lại là những gì tỉ mẩn, thủ công, đòi hỏi đầu tư thời gian, hút tẩu là hiện thân của cái cực tỉ mẩn ấy. Nó như cách người ta chọn thưởng thức đĩa vynil, thay vì dễ dàng nghe bất kỳ bản nhạc nào trên Apple Music, với các kết nối không dây đủ cho phép nằm một chỗ lựa chọn nhạc thoải mái. Hút tẩu đòi hỏi cầu kỳ, từ lựa chọn tẩu, từ lựa chọn thuốc, từ vệ sinh chăm sóc tẩu cho tới chăm sóc cả cái gạt tàn dành cho tẩu. Nó mất thời gian hơn hẳn việc mồi một điếu thuốc lá thông thường, hoặc hút thuốc lá điện tử.

Tuy nhiên, không phải nó không dành cho người bận rộn. Có nhiều người rất bận nhưng vẫn có thể thưởng thức hút tẩu một cách dễ dàng. Quan trọng là bạn phải biết quan tâm, quan tâm đến thứ mình nâng niu trên tay. Hút thuốc để mình thấy sảng khoái thì dễ, hút thuốc mà người ngồi cạnh không thấy mùi thuốc ấy hôi hám lại là chuyện khác. Và thuốc tẩu, có những loại thơm ngọt ngào, phù hợp kinh khủng với một ngày mùa Đông mưa phùn gió bấc bởi cái mùi thơm ấy khiến người va phải nó bỗng nhiên ấm lòng.

Thế

Nhiều người thậm chí đưa hút tẩu lên thành một nghi thức, với sự cẩn trọng đến nghiêm ngặt. Họ nghiêm cẩn như hành lễ và mỗi chiếc tẩu hút xong, họ còn dành thời gian cho nó “ngơi nghỉ” để không làm mất mùi thuốc ở những lần hút sau. Nhưng suy cho cùng, hút gì thì cũng là hút cho mình mà thôi. Mình có cảm thấy thích hay không mới là quan trọng nhất, chứ không phải sự cầu kỳ đúng luật mới là quan trọng. Đã là thưởng thức thì vô biên lắm. Có luật lệ nào định được cho cảm xúc đâu.

Giống như ông lão ở góc đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Phi Khanh quận 1 mà tôi đã gặp. Ông không có tiền hút
thuốc tẩu ngon, nhưng ông vẫn ngậm cái tẩu quen thuộc cả mấy chục năm rồi. Ông chia sẻ: “Có bạn từ bển gửi cho thuốc ngon thì hút thuốc ngon. Không thì chú bỏ thuốc rê vô hút thôi con”. Nhìn dáng ngậm tẩu như Nguyễn Tuân của ông, tôi chợt nghĩ về Kazantzakis. Có lẽ, chiếc tẩu của ông cũng được người bạn nào đó gửi tặng từ thời tuổi trẻ, để mỗi vòng khói bay lên, người “tẩu thủ” ấy nhớ bạn, nhớ cả một thời “hành tẩu” đã qua, thời của những thanh niên Sài Gòn với lòng “yêu sống và cũng chẳng bao giờ biết sợ sự chết” (chữ của Kazantzakis).

—-

Bài: Hà Quang Minh – Ảnh: Kim Bánh Trôi Nước

Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE

No more