Tin tức 02/11/2016

Lọc nước và cuộc chiến của các thương hiệu

Bài ELLE Team

[Tạp chí ELLE MAN - 9/2016] Nước - nguồn tài nguyên tưởng chừng như vô tận lại trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều thương hiệu toàn cầu, cả về việc lọc nước và giữ nước.

Cuộc chiến “giữ nước” của các thương hiệu

P&G Việt Nam từng đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng để thực hiện chương trình “Nước uống sạch cho cộng đồng” nhằm hướng dẫn người dân lọc nước, xử lý nước đúng cách và trữ nước an toàn. Chương trình này cung cấp hơn 20 triệu lít nước sạch trong nỗ lực giảm thiểu tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh do thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh kém. Trong khi đó, nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM đầu tư hệ thống tái sử dụng nước cho phép tái sử dụng 100% lượng nước thải công nghiệp. Khoản đầu tư này giúp nhà máy tiết kiệm được gần 200m3 nước sạch mỗi ngày, tương đương gần 74 triệu lít nước mỗi năm, bằng lượng nước của 400 hộ gia đình dùng mỗi năm…

Trong khi đó, Coca-Cola thực hiện dự án tài trợ gần 6 tỷ đồng “Nước sạch cho cộng đồng”, hay dự án “Live Positively”, bao gồm những hoạt động trọng tâm như bao bì bền vững, tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường. Unilever thiết lập Quỹ Tiết kiệm 1 tỷ mét khối nước sạch cho Việt Nam thể hiện cam kết giảm một nửa lượng nước liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm của Unilever trước năm 2020.

loc-nuoc-va-cuoc-chien-cua-cac-thuong-hieu

Nước là biểu tượng của sản xuất bền vững và là xu hướng mà người tiêu dùng toàn cầu đang quan tâm hiện nay. Vì thế, các hoạt động liên quan đến bảo vệ nguồn nước được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư như một chiến lược sản phẩm gắn với phát triển bền vững, thực thi trách nhiệm xã hội. Những thương hiệu toàn cầu như Coca-Cola, P&G hay Unilever tiêu thụ một khối lượng lớn tài nguyên và có khả năng ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng trên quy mô toàn cầu. Vì vậy, những thương hiệu này phải đi đầu trong nỗ lực bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, đặc biệt là nguồn nước. Còn nhớ, cách đây vài năm, người dân Ấn Độ đã gọi hai hãng nước ngọt Mỹ gồm Coca-Cola và Pepsi là “những kẻ cướp nước” khi nhà máy của hai hãng này khai thác kiệt quệ nguồn nước ngầm của người dân. Vì thế, những dự án hoàn trả nước sạch không chỉ đối phó với phản ứng dư luận xã hội, mà còn hướng đến một tầm nhìn sản xuất mới trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước ngày càng trở nên quý giá. Hai hãng nước ngọt này đặt mục tiêu trở thành “thương hiệu của nước” trên toàn thế giới.

Những ngày miền Tây khô hạn khiến hàng trăm ngàn hộ nông dân điêu đứng gần đây và cả nước mòn mỏi đếm từng ngày đợi Trung Quốc xả nước ở thượng nguồn mới thấm thía sự quý giá của nước ngọt. Theo thống kê của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Việt Nam hiện có khoảng 17,2 triệu người (tương đương 21,5% dân số) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý hoặc lọc nước. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), có hơn 3 triệu trẻ em không được tiếp cận nguồn nước sạch, 90% trẻ em tử vong vì liên quan đến nước ô nhiễm và điều kiện vệ sinh kém. Không chỉ riêng Việt Nam, hiện có khoảng 1 tỷ người trên thế giới đang lâm vào tình trạng thiếu nước sạch. Ước tính tỷ lệ này sẽ tăng hơn 30% trong không đầy hai thập niên tới nếu con người không có các biện pháp chống lại việc lãng phí nguồn nước.

Nguy cơ và thách thức 

Dân số tăng chóng mặt, cùng những thay đổi trong cách sống và sử dụng các nguồn nước ngọt đã khiến nhu cầu về nước của nhân loại ngày càng tăng cao. Nguồn tài nguyên nước tưởng chừng như vô tận của Trái đất lại trở thành một món hàng xa xỉ! Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất ngày càng ý thức được việc bảo vệ nguồn nước như một chiến lược không thể thay thế nếu muốn phát triển bền vững. Nestlé đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp sử dụng nước tiết kiệm nhất, nên từ năm 2000, công ty đã cắt giảm 1/3 lượng nước sử dụng, dẫu số lượng sản phẩm làm ra tăng 60%. Ngay cả hãng thời trang Levi’s cũng ý thức về những chiếc quần jeans khi tung ra sản phẩm WaterLess tiết kiệm tới hơn 90% nước trong quá trình sản xuất…

Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như chưa đủ. Theo Tạp chí Mỹ Science Advance ước tính, 4 tỷ người trên hành tinh bị thiếu nước ngọt, ít nhất một tháng trong năm họ không được đáp ứng nhu cầu về nước. Tình trạng thiếu nước được Liên Hiệp Quốc đánh giá là “sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh toàn khu vực” và nước có thể trở thành nguyên nhân xung đột như xung đột chủng tộc.

Giáo

Với tình trạng ô nhiễm ngày một nặng nề, tình trạng biến đổi khí hậu, nước sạch được dự báo sẽ sớm trở thành một thứ tài nguyên quý giá không kém dầu mỏ. Thế nhưng, việc bảo vệ nguồn nước chưa được chú trọng. Trung bình mỗi ngày, toàn châu Á thất thoát 78,3 triệu m3 nước sạch. Tính chung, toàn châu Á mỗi năm thất thoát một lượng nước trị giá khoảng 8,6 tỷ USD. Sự nguy cấp về thiếu nước sạch từng buộc đảo quốc Singapore thay đổi khái niệm tiết kiệm nước bằng khái niệm “tái sử dụng nước nhiều lần”. Chẳng hạn, mỗi giọt nước ở Singapore được sử dụng hai lần, tương đương hiệu suất 50% và đang hướng tới mục tiêu đạt hiệu suất 70%.

Theo bài học lọc nước của đảo quốc sư tử, nhiều nước trong khu vực châu Á đang có những dự án đầu tư tương tự để đảm bảo nguồn nước cho sự sống. Đây chính là xu hướng mà các công ty như Coca-Cola hay Unilever đang thực hiện tại Việt Nam. Và đây cũng là cơ hội để chúng ta đặt ra mục tiêu cho những nhà máy hoàn toàn không có nước thải công nghiệp, những khối nước bẩn, độc hại nay có thể tái sử dụng 100% để tưới cây, thậm chí để uống. Là một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc nhưng Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước”. Bạn có là người chịu trách nhiệm về nghịch lý này không và hành động của bạn là gì?

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

No more