“Chiêu” của các “ông lớn” trong thế giới điện ảnh Hollywood

Bài Trúc Đoàn

[Tạp chí ELLE MAN 7/2016] Nếu như Hollywood “chảy nước miếng” khi nghĩ đến số tiền có thể kiếm từ các rạp chiếu phim tại Trung Quốc trong một ngày và tìm mọi cách để tiếp cận các rào cản nhập khẩu, ưu đãi về thuế thì nước sở tại cũng rất biết cách khiến ông lớn phải... nhún nhường.

Crowdfunding

Ba năm trước, tờ Telegraph có một bài viết đáng chú ý về sự trỗi dậy mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc trong lĩnh vực điện ảnh. Bài báo ước tính trong năm 2012-2013, doanh số phòng vé tại thị trường này là 1,7 tỉ đôla Mỹ, biến Trung Quốc thành thị trường lớn thứ hai, qua mặt Ấn Độ và Anh, chỉ đứng sau Mỹ. Tuy nhiên, theo một bài viết trên Hollywood Reporter tháng 4/2016, với tình hình tăng trưởng hiện tại, Trung Quốc hứa hẹn sẽ trở thành thị trường lớn nhất của thế giới điện ảnh vào năm sau.

"Chiêu" của các "ông lớn" trong thế giới điện ảnh Hollywood
Người hùng sao Hỏa được cứu nhờ sự hỗ trợ của chương trình thám hiểm Trung Quốc.

Khéo léo vuốt ve nhà kiểm duyệt

Trong 10 tháng đầu năm 2015, doanh thu của phim Mỹ đã vượt quá con số 2 tỉ đôla Mỹ tại Trung Quốc, lập nên kỷ lục phòng vé mới. Chỉ tính riêng bốn phim ra mắt nửa đầu năm 2015, là Cinderella, Jurassic World, Avengers: Age of Ultron và Furious 7 đều có hơn 25% là đến từ thị trường khổng lồ này, trong đó Furious 7 đứng đầu bảng xếp hạng với 34%. Những con số biết nói này khiến các nhà sản xuất tại thế giới điện ảnh Hollywood không thể làm ngơ với thị trường đông dân nhất thế giới.

Song song với việc đưa các ngôi sao  đến Trung Quốc quảng bá phim, nhà sản xuất (NSX) cũng bắt đầu quan tâm việc chọn Trung Quốc làm một trong những điểm ra mắt phim đầu tiên trên thế giới. Gần đây nhất là việc khởi chiếu sớm Warcraft: The Beginning đã mang về 55,4 triệu nhân dân tệ (tương đương 8,4 triệu đôla Mỹ) ngay đêm mở màn.

Hiện tại, Trung Quốc có tổng cộng 31.630 phòng chiếu phim, tăng 8.035 phòng so với năm 2015; nhưng kể từ năm 2012, thị phần phim Hollywood tại đây đã giảm từ 49% xuống còn 32%. Chính bởi vậy, Hollywood phải vắt óc nghĩ cách để gia tăng sức mạnh nhằm hưởng lợi từ thị trường phát triển nhanh chóng này, bởi chính quyền Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu giới hạn tối đa 34 phim Mỹ mỗi năm.

"Chiêu" của các "ông lớn" trong thế giới điện ảnh Hollywood
Lý Băng Băng trong Transformers 4

Rất nhiều phim buộc phải cắt bớt các phân đoạn về chính trị hay có yếu tố bạo lực, gợi dục để “qua cửa”. Bối cảnh Trung Quốc cũng dần được ưu tiên nhiều hơn trong các bộ phim với câu chuyện rất Mỹ. NSX phim Looper đã chuyển bối cảnh một phân đoạn từ Paris sang Thượng Hải để được chính phủ Trung Quốc cho phép kí kết hợp đồng hợp tác sản xuất. Và đương nhiên, doanh thu từ thị trường này cũng lên tới 25% trong tổng số doanh thu toàn cầu. Mission Impossible 3 của Tom Cruise cũng chọn bối cảnh tại Thượng Hải và Tây Đường. Bộ phim ra mắt tại Trung Quốc sớm hơn 2 ngày so với Mỹ và đạt doanh thu 100 triệu đôla Mỹ (hơn 25% doanh thu toàn cầu).

Chính phủ còn có những nguyên tắc nghiêm ngặt về việc ăn chia tỉ lệ doanh thu. Cách tốt nhất để lấy lòng và đảm bảo số tiền thu được chính là đưa đội ngũ sản xuất sang Trung Quốc. Một bộ phim là sản phẩm hợp tác với Trung Quốc, các hãng phim nước ngoài sẽ được đảm bảo 50% doanh thu thay vì chỉ 25%. Legendary Pictures, Paramount, Dreamworks, 21st Century Fox và Disney là một trong số nhiều hãng phim tên tuổi có văn phòng sản xuất đặt tại Trung Quốc.

"Chiêu" của các "ông lớn" trong thế giới điện ảnh Hollywood
Chương Tử Di trong Hồi ức một Geisha

 

Lấy lòng khán giả

Bài toán tiếp theo của các nhà làm phim là lấy lòng đối tượng khán giả vốn đầy tinh thần dân tộc. Một chuyên viên quảng cáo 33 tuổi người Trung Quốc trả lời phỏng vấn tạp chí The Guardian rằng: “Khi các hãng phim Hollywood bắt đầu đưa thêm các yếu tố Trung Hoa vào phim của họ trong 3, 4 năm gần đây, chúng tôi cảm thấy rất thích thú. Chúng tôi nghĩ: ‘Chà, Trung Quốc thực sự rất tuyệt vời, chúng ta giờ đã là một đất nước quan trọng”.

Đây chính là lý do, bên cạnh những diễn viên trong thế giới điện ảnh vốn đã quen mặt với khán giả qua các LHP như Củng Lợi, Chương Tử Di bằng các vai chính trong Miami Vice hay Hannibal Rising, Memoirs of a Geisha, trong vài thập kỷ gần đây, các ngôi sao Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các bộ phim bom tấn. Đó có thể là sự xuất hiện rất mờ nhạt, như Phạm Băng Băng chỉ xuất hiện vài giây trong X-Men: Days of Future Past hay Angela Baby trong Hitman: Agent 47,… nhưng cũng đủ cho khán giả Trung Quốc hài lòng. Tạo ấn tượng mạnh hơn, nhiều nam diễn viên Hong Kong đã được Hollywood lựa chọn cho các vai hành động.

Cùng lúc đó, một nỗ lực khác để lấy lòng khán giả xứ sở tỉ dân là việc nhiều phim Hollywood chọn tôn vinh một cách công khai các yếu tố Trung Quốc, đặc biệt trong các bộ phim có đề tài khoa học viễn tưởng. Hẳn nhiều khán giả còn nhớ trong phim “2012”, toàn bộ thế giới được cứu khỏi thảm họa diệt vong nhờ bốn chiếc tàu do chính phủ Trung Quốc lắp ráp.

Bộ phim vừa bom tấn vừa nghệ thuật Gravity đã thu được 70 triệu đôla Mỹ tại đất nước này một phần cũng nhờ khắc họa một trạm vũ trụ Trung Quốc như biểu tượng của hy vọng. The Martian cũng khiến khán giả Hoa ngữ xúc động khi chương trình thám hiểm vũ trụ của Trung Quốc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong số phận của nam diễn viên chính.

Sự ảnh hưởng của thị trường khổng lồ vẫn đang tiếp tục phát triển này hứa hẹn mang đến nhiều thay đổi nữa trong các bộ phim bom tấn tiếp theo. Vào tháng 12/2016 này, The Great Wall – tác phẩm điện ảnh bom tấn đánh dấu lần đầu tiên Trương Nghệ Mưu đảm nhận vai trò đạo diễn một bộ phim Hollywood – sẽ ra mắt. Và rất có thể, đây là bước đi đầu tiên để Trung Quốc tiếp tục ảnh hưởng sâu hơn vào thế giới điện ảnh của các hãng phim lớn.

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

No more