Nhân vật 08/10/2023

Đạo diễn Leo Đinh: Hành trình chinh phục thị trường phim hoạt hình Việt Nam

Bài Tuan Anh

Ở thời điểm hiện tại, một bộ phim hoạt hình “made-by-Vietnam” được công chiếu tại các hệ thống rạp toàn quốc luôn là ước mơ của nhiều đạo diễn Việt Nam. Hãy cùng ELLE Man kết nối với Leo Đinh - đạo diễn bộ phim hoạt hình “U Linh Tích Ký - Bột Thần Kỳ”, từng được trình chiếu trong Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Stuttgart (ITFS) lần thứ 29 và Liên hoan phim Seattle (SIFF) lần thứ 48 - để hiểu thêm về những thách thức và tiềm năng của thị trường phim hoạt hình Việt Nam hiện tại.

 

Leo Đinh là nhà sáng tạo và phát triển nội dung với hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quảng cáo và hoạt hình. Hiện tại, anh là đạo diễn phim hoạt hình, đồng thời là nhà sáng lập của Sun Wolf Animation Studio.

 

Năm 2022, Leo Đinh cùng đội ngũ của mình đã cho ra mắt U Linh Tích Ký – Bột Thần Kỳ, một tập phim trong dự án hoạt hình Hành Trình Nhân Quả. Tác phẩm nhanh chóng nhận được phản ứng tích cực của khán giả và giới chuyên môn.

 

Năm 2023, Thỏ Bảy Màu kết hợp với Sun Wolf Animation Studio đã thành công trong việc kêu gọi vốn cộng đồng cho dự án phim hoạt hình lên đến con số gần 1,7 tỷ đồng. Hãy cùng ELLE Man trò chuyện cùng Leo Đinh để hiểu thêm tiềm năng của thị trường phim hoạt hình Việt Nam và những định hướng của anh trong hành trình tạo nên tác phẩm hoạt hình mang đậm nét văn hóa dân gian Việt.

Leo Đinh

TIỀM NĂNG CỦA THỊ TRƯỜNG PHIM HOẠT HÌNH VIỆT NAM

 

Chào anh Leo Đinh! Anh bắt đầu đam mê phim hoạt hình từ khi nào?

 

Đam mê phim hoạt hình của tôi đã bắt đầu từ hồi nhỏ. Vào thời điểm đó, tôi được xem nhiều bộ anime và truyện tranh khác nhau. Lớn lên chút nữa, tôi có dịp tiếp xúc với những tác phẩm hoạt hình của Disney. Đây cũng được xem là những “phần thưởng” hồi bé mà tôi được bố mẹ tặng khi có thành tích học tập tốt.

 

Một trong những điều may mắn khác là bố mẹ tôi cũng rất đầu tư cho con cái. Bố tôi đã dành dụm tiền để mua cho tôi dàn máy tính. Lúc đó, tôi bắt đầu tò mò tìm hiểu về các phần mềm vẽ, thiết kế. Đây cũng là khởi nguồn cho đam mê theo đuổi ngành sáng tạo của tôi.

 

Có thể thấy đạo diễn Leo Đinh đã có 12 năm đeo đuổi việc làm phim hoạt hình tại thị trường Việt Nam. Đứng ở vị trí tiên phong vào thời điểm khởi nghiệp, anh có thể chia sẻ cách mà lĩnh vực phim hoạt hình tại Việt Nam phát triển thế nào?

 

Làm phim hoạt hình vốn là một lĩnh vực khó, và để kiếm sống từ ngành nghề này cũng từng là bài toán nan giải. Ở giai đoạn năm 2011, Việt Nam chưa có thị trường liên quan đến phim hoạt hình. Quan điểm của khán giả khi đó vẫn cho rằng các tác phẩm này chỉ dành cho thiếu nhi. Vì thế, tôi đã thay đổi cụm từ phim hoạt hình thành animation, nhằm giúp mọi người nhìn nhận đúng hơn về lĩnh vực mình đang theo đuổi.

 

Bên cạnh đó, bằng cách sử dụng những sản phẩm animation mà bản thân từng làm, tôi bắt đầu giới thiệu chúng đến các doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức như workshop. Từ đó, tôi cũng được kết nối với những người trẻ, các đồng đội khác đam mê lĩnh vực animation mà chưa có môi trường để thể hiện khả năng của mình.

 

Đến giai đoạn 2014 – 2015, công chúng và các doanh nghiệp, nhãn hàng, bắt đầu nhìn nhận lại lĩnh vực phim hoạt hình. Đến cuối năm 2017, lĩnh vực animation đã được công nhận nhiều hơn.

 

Ở giai đoạn này, tôi mong muốn được thực hiện những tác phẩm phim hoạt hình chỉn chu. Đây là một vấn đề rất khó, khi lĩnh vực này gặp trở ngại hơn nhiều so với điện ảnh. Tôi cùng đồng nghiệp bắt đầu hợp tác thực hiện các tác phẩm hoạt hình bằng cách kết hợp với những nhân vật hư cấu nổi tiếng như Thỏ Bảy Màu, Én,… Dựa trên đó, chúng tôi tính toán các bước tiếp theo để phát triển lĩnh vực này.

leo đinh

Vậy sau hơn 10 năm, anh đánh giá tiềm năng của thị trường phim hoạt hình tại Việt Nam hiện nay ra sao?

 

Nếu xét về những bộ phim hoạt hình sử dụng cho thương mại, thì công chúng đã dần quen thuộc với các tác phẩm này. Bản thân các doanh nghiệp cũng đánh giá cao lĩnh vực phim hoạt hình khi họ có thể tạo ra nhân vật cho nhãn hàng của mình hoặc kết nối với người tiêu dùng qua các hình tượng hư cấu.

 

Bên cạnh đó, một số công ty bắt đầu có định hướng xây dựng những series phim hoạt hình nhằm truyền đạt ý nghĩa nhân văn cho trẻ em. Đây cũng là cách nhãn hàng làm tăng độ nhận diện thương hiệu của mình.

 

Tuy nhiên, với những bộ phim hoạt hình mang đậm tính điện ảnh thì vẫn chưa phát triển nhiều tại thị trường Việt Nam.

 

Theo anh, tại sao đến nay chưa có phim hoạt hình Việt Nam chiếu rạp dù sản phẩm trong nước rất chất lượng?

 

Để một bộ phim hoạt hình có thể ra rạp thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đầu tiên, chất lượng của tác phẩm đó cần phải hay và đủ sức chinh phục khán giả. Bên cạnh đó, vấn đề truyền thông và hệ thống phát hành bộ phim cũng đóng vai trò quan trọng.

 

Hơn hết, một bộ phim hoạt hình chất lượng cần sự đầu tư rất lớn về kinh phí lẫn thời gian. Rất nhiều tác phẩm thậm chí đã mất gần 5 đến 7 năm mới hoàn thành. Ngay cả những thương hiệu lớn như Disney cũng phải tiêu tốn nhiều thời gian cùng đội ngũ nhân lực mạnh mới phát hành được các tác phẩm đến công chúng.

 

Chính vì thế, đề một bộ phim hoạt hình ra rạp tại thị trường Việt Nam, đồng nghĩa nhà sản xuất phải chịu rất nhiều rủi ro.

 

Đầu năm 2023, Thỏ Bảy Màu kết hợp với Sun Wolf Animation Studio đã thành công trong việc kêu gọi vốn cộng đồng cho dự án phim hoạt hình. Theo anh, để gọi vốn cộng đồng thành công cho các dự án nghệ thuật-văn hoá, người khởi nghiệp cần có những công thức nào?

 

Khi thực hiện kêu gọi vốn cộng đồng cho dự án phim hoạt hình của Thỏ Bảy Màu, quả thật chúng tôi không nghĩ đến công thức nào. Tuy nhiên, tôi nghĩ để nhận được sự ủng hộ của khán giả, chúng ta cần xây dựng một cộng đồng người hâm mộ trước đó. Bởi lẽ, niềm tin là điều quan trọng nhất khi thực hiện gọi vốn.  

thỏ bảy màu

Vậy khi kêu gọi vốn cộng đồng thành công, anh và đội ngũ của mình chắc chắn cũng sẽ gặp những áp lực mới?

 

Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng thực hiện được những sản phẩm hoạt hình chất lượng nhất. Đó là một áp lực rất lớn, bởi chúng tôi biết mình không thể làm khán giả thất vọng.

 

MỘT BỘ PHIM HOẠT HÌNH HAY PHẢI BẮT NGUỒN TỪ TRÁI TIM NGƯỜI SÁNG TẠO

 

Vậy, trở về với vấn đề cốt lõi. Theo anh, một bộ phim hoạt hình hay cần những yếu tố nào?

 

Tôi nghĩ có rất nhiều đáp án về câu hỏi này. Theo cá nhân của tôi, một bộ phim hoạt hình trước hết cần bắt nguồn từ tâm hồn, cá tính và tư tưởng của đạo diễn. Ngoài ra, người thực hiện phim hoạt hình cũng cần kết nối với công chúng, để mọi người hiểu được thông điệp câu chuyện.

 

Sự hài hòa của cả kịch bản và khâu sản xuất cũng là yếu tố tạo nên một tác phẩm trọn vẹn. Rất nhiều bộ phim hoạt hình có nội dung và ý tưởng thú vị nhưng lại mất điểm trong khâu dàn dựng. Và dĩ nhiên, một tác phẩm dẫu chỉn chu ở hình ảnh nhưng vẫn sẽ thất bại nếu câu chuyện thiếu sức hút.

 

Quan trọng hơn, một bộ phim hoạt hình hay không hẳn lúc nào cũng may mắn đạt được giá trị thương mại cao và nhận được phản ứng tích cực của tất cả khán giả. Bởi lẽ, thành công về doanh thu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. 

 

Được biết, Sun Wolf Animation Studio lấy chất liệu sáng tạo từ văn hoá Việt Nam, điển hình là phim “U Linh Tích Ký – Bột thần kỳ”. Anh có thể chia sẻ những hình ảnh đặc trưng của Việt Nam trong bộ phim này?

 

Tại Sun Wolf Animation Studio, các tác phẩm hoạt hình của chúng tôi chỉ lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian Việt Nam, và cố gắng tiếp cận di sản đồ sộ của thế hệ đi trước theo cách gần gũi với người trẻ nhất. 

 

Như trong U Linh Tích Ký – Bột thần kỳ, hình ảnh cây Nhân Quả được lấy cảm hứng từ cây đa Việt Nam. Hay như hình ảnh bóng ma quăng bột trong phim cũng lấy cảm hứng từ hành động nêm nếm gia vị khi nấu ăn của người Việt. Hoặc kiến trúc trong U Linh Tích Ký – Bột thần kỳ cũng gợi nhớ đến Hội An. 

 

Có thể khán giả sẽ không liên tưởng được những điều đó khi nhìn vào hình ảnh của bộ phim, nhưng nếu hỏi về nguồn gốc, thì nó bắt nguồn từ văn hóa Việt. Tôi tin rằng, vẻ đẹp truyền thống của dân tộc ta luôn hiện hữu xung quanh và tạo nên những cảm hứng mạnh mẽ cho mỗi người Việt. 

phim hoạt hình

Thông thường, một bộ phim hoạt hình thành công ở quốc tế cần phải cân bằng yếu tố bản địa hoá với các chủ đề toàn cầu. Đây có phải bài toán khó với anh trong quá trình lên kịch bản, xây dựng tạo hình nhân vật?

 

Trên thực tế, rất nhiều bộ phim hoạt hình mang đậm tính bản địa, nhưng lại được thị trường quốc tế yêu thích và công nhận. Tôi nghĩ, người làm sáng tạo cần tin tưởng và quyết liệt với đam mê mình theo đuổi trước. Còn về thành công về doanh thu hay lan tỏa đến thị trường quốc tế, đôi khi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

 

Trong những năm qua, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đã gây tranh cãi trong lĩnh vực phim hoạt hình. Liệu anh và đội ngũ tại Sun Wolf Animation Studio đã có những định hướng gì trong việc sử dụng AI mà vẫn đảm bảo sự sáng tạo và bản quyền?

 

Trên thực tế, việc áp dụng AI trong lĩnh vực phim hoạt hình không mới. Khi sử dụng các phần mềm sáng tạo và thiết kế, trí tuệ nhân tạo cũng đã đóng góp một phần nhỏ để hoàn thiện tác phẩm. 

 

Tuy nhiên, việc AI tham gia vào quá trình sáng tạo lại là một vấn đề khác, liên quan đến bản quyền và sở hữu trí tuệ. Khi thực hiện công việc thiết kế, tạo dựng sản phẩm nghệ thuật, AI sẽ học hỏi dựa trên những nguồn dữ liệu không thể kiểm chứng. Ngoài ra, AI cũng chỉ có thể xây dựng ra các tác phẩm bằng máy móc. Chúng thiếu linh hồn – vốn là thứ thuộc về tư duy của người sáng tạo. 

 

Tại Sun Wolf Animation Studio, chúng tôi chỉ sử dụng AI trong các phần mềm thiết kế nhằm hỗ trợ công việc ở mức độ cơ bản chứ không áp dụng để sáng tạo. Tôi nghĩ nó cũng liên quan đến phạm trù đạo đức nghề nghiệp. 

 

Cuối cùng, anh có thể chia sẻ thêm về những dự án của mình trong tương lai?

 

Bên cạnh các dự án kết hợp làm những series phim hoạt hình cùng các nhân vật hư cấu nổi tiếng như Thỏ Bảy Màu, Én, tôi cùng đội ngũ của Sun Wolf vẫn đang phát triển các dự án xây dựng nhân vật hư cấu thú vị, truyện tranh, phim hoạt hình. Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn đang ấp ủ về một bộ phim hoạt hình sẽ được ra rạp trong tương lai. 

 

Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ cùng ELLE Man Việt Nam!

Wukong:

____________

Bài: Phúc Nguyễn – Y.P

Hình ảnh: Tư liệu

No more