Kỹ năng 22/01/2020

6 phương pháp giúp giải tỏa áp lực tâm lý cuối năm

Bài ELLE Man

Cuối năm là thời điểm mà hầu hết mọi người đều phải đối diện với những áp lực tâm lý riêng dẫn tới căng thẳng. Từ những cảm xúc như rối bời, lo lắng cho đến việc rơi vào trạng thái trống rỗng, khủng hoảng và thậm chí là tuyệt vọng.

Những áp lực tâm lý thường gặp vào khoảng thời gian cuối năm là việc phải đối diện với mục tiêu chưa hoàn thành, sợ hãi khi mở mạng xã hội lên và hàng loạt những người bạn của mình đang tổng kết những việc họ làm được trong năm vừa qua, những kỳ vọng chưa được thỏa mãn từ gia đình và từ chính bản thân, sự thất vọng, áp lực công việc cuối năm và chuẩn bị Tết, những cuộc gặp gỡ ép mọi người phải đứng trước những câu hỏi mà bản thân không muốn trả lời. Có thể một năm qua là một năm thành công với bạn ở một số mặt nhưng không hiểu sao bạn vẫn luôn tập trung vào những điều mà mình còn thiếu và cảm thấy buồn phiền về nó để rồi gây nên những áp lực tâm lý đè nặng tâm trí? Có thể một năm vừa qua là năm bạn thấy mình hoàn toàn thất bại và bạn tuyệt vọng khi buộc phải nhìn lại? Có thể bạn vừa trải qua những mất mát, những bước đi mà bạn cho rằng sai lầm, những điều mà bạn cho rằng không thể cứu vãn được nữa,…? 

Nghệ

Tâm lý so sánh và luôn tập trung vào những điều tiêu cực là hai nguyên nhân chính khiến cho chúng ta dễ rơi vào khủng hoảng trong những dịp cuối năm. Những lời khuyên giải toả áp lực tâm lý mà ELLE Man đưa ra trong bài viết này sẽ giúp bạn kết thúc một năm mới trong một tâm thế bình tĩnh, sáng suốt và biết ơn.

1. Hiểu rõ về tâm lý so sánh để giảm bớt việc so sánh tiêu cực

Nếu để ý kỹ thì con người chúng ta luôn tìm cách so sánh mọi thứ với nhau và không thể tránh khỏi việc so sánh bản thân mình với một ai đó khác, ngay cả khi việc so sánh đó hoàn toàn vô nghĩa, thậm chí là ngay cả khi chúng ta nhận thức được rằng việc so sánh khiến chúng ta buồn phiền và ngăn trở chúng ta làm việc và học tập. Vậy tại sao con người vẫn luôn so sánh? 

ap luc tam ly - su so sanh - elle man

Theo lý thuyết So sánh xã hội (Social Comparison Theory) của Leon Festinger thì con người thực sự không thể tự định nghĩa bản thân một cách độc lập. Họ chỉ có thể định nghĩa bản thân trong mối quan hệ với người khác. Khi đề cập đến những câu hỏi lớn về “Bản sắc”, “Bản ngã” và “Tôi là ai?”, chúng ta cần đối sánh với người khác để tìm cho câu trả lời cho riêng mình.

Nhưng không may, câu hỏi ‘Tôi là ai?’ thì mãi không được trả lời mà chỉ khiến con người cảm thấy tồi tệ với chính mình và ghen tị, tức giận với người khác.

Vậy làm sao để giảm bớt áp lực tập lý khi cứ mãi so sánh tiêu cực, đặc biệt là vào dịp cuối năm khi người người nhà nhà ‘khoe thành tích’ trên mạng xã hội?

– Chấp nhận rằng so sánh là một hành vi nguyên thủy của con người. Đừng vội kìm hãm việc so sánh lại nhưng hãy ý thức được rằng mình đang so sánh và đặt câu hỏi cho bản thân rằng: “Việc so sánh này có thực sự cần thiết và có ảnh hưởng quá nhiều đến công việc của mình không?”

– So sánh thực sự cần thiết khi chúng ta dùng nó như một công cụ để tự đánh giá mình một cách khách quan nhất có thể chứ không phải cố gắng để tự nâng cao hay tự hạ thấp bản thân. Và điều đáng buồn là phần lớn các trường hợp chúng ta không thể đạt được độ khách quan mà mình mong muốn, nhưng cơ hội vẫn còn.

– Hãy tập trung so sánh bản thân ở hiện tại với bản thân ở quá khứ thay vì so sánh với một ai đó không phải là mình. Bạn sẽ có cơ hội hiểu rõ bản thân hơn và thấy được rằng mình và mọi người khác nhau và việc so sánh là vô ích.

4

2. Ngừng tập trung vào những điều tiêu cực

Clifford Nass, giáo sư truyền thông tại Đại học Stanford cho biết,  việc tập trung nhiều hơn vào những điều tiêu cực là xu hướng chung của tất cả mọi người. Một số người có triển vọng tích cực hơn, nhưng hầu như mọi người đều nhớ những điều tiêu cực mạnh mẽ hơn và chi tiết hơn.

Giáo sư Nass cho biết, bộ não xử lý thông tin tích cực và tiêu cực ở các bán cầu não khác nhau. Những cảm xúc tiêu cực thường liên quan đến suy nghĩ nhiều hơn và thông tin được xử lý triệt để hơn những cảm xúc tích cực. Vì vậy, chúng ta có xu hướng suy nghĩ nhiều hơn về các sự kiện khiến chúng ta khó chịu và sử dụng các từ mạnh mẽ hơn để mô tả chúng, còn những điều hạnh phúc thì nhanh chóng tan biến.

ap luc tam ly - ap luc cong viec - elle man

Vậy để giảm bớt áp lực tập lý hay cụ thể ở đây là quá tập trung vào những điều tiêu cực, bạn hãy tham khảo những gợi ý sau:

– Ghi nhận những lời khen của người khác dành cho bạn. Thêm vào đó đừng ngại việc nhìn vào cả những điểm tốt của người khác và trao cho họ lời khen. Hãy đối xử với mọi người theo cách mà bạn mong muốn người ta cũng sẽ đối xử với bạn như vậy.

– Học cách biết ơn cả những điều tích cực và tiêu cực xảy đến với bạn. Những điều đã xảy ra là những điều cần xảy ra.

3. Tập trung vào hành động thay vì suy nghĩ và lo lắng

Hành động là điều bạn cần, không chỉ duy nhất trong dịp cuối năm mà là trong suốt quãng đời của mình. Đơn giản bởi lo lắng thì không bao giờ chấm dứt, bạn sẽ luôn tìm thấy thứ gì đó để lo khi mối lo cũ được giải quyết hoặc bị quên đi. Mà bạn không thể vừa lo vừa hành động. Hãy hành động dù kết quả có như thế nào. Vì hành động là sẽ có kết quả còn lo lắng thì sẽ chỉ khiến bạn thêm phần lo lắng thôi. 

Dịp cuối năm này chắc hẳn bạn sẽ có rất nhiều lo lắng, đừng cố không lo, hãy dành thời gian liệt kê chúng ra và tương ứng với mỗi nỗi lo là một hành động để đối diện với chúng.

4. Ăn uống lành mạnh

Công việc cuối năm bận rộn cộng với những buổi tất nhiên liên miên rất dễ khiến cơ thể không được cân bằng giữa các chất dinh dưỡng và thiếu nước. Bổ sung rau củ và các loại hoa quả trong khẩu phần ăn hàng ngày và uống đủ nước sẽ giúp bạn cải thiện được tình hình sức khỏe thể chất và cả tinh thần của mình một cách đáng kể.

5. Tìm kiếm sự trợ giúp

Đối với những người đang trải qua một số bệnh về tinh thần hoặc những người vừa chia tay/ ly dị/ mắt người thân trong năm vừa qua, chắc chắn thời điểm cuối năm cũ đầu năm mới sẽ là thời điểm bạn phải đối diện với nỗi cô đơn và những bí mật bạn đã giữ quá lâu tới mức quá sức chịu đựng. Đừng ngần ngại việc tìm kiếm sự trợ giúp.

Hãy đảm bảo rằng người mà bạn tìm đến là người thân thiết mà bạn có thể tin tưởng và họ cần có khả năng lắng nghe bạn thay vì cố gắng phán xét hay đưa ra lời khuyên. Đôi khi việc bạn cần chỉ đơn giản là có một ai đó lắng nghe. 

Còn nếu như không có người thân để chia sẻ những áp lực tâm lý thì hãy tìm đến những dịch vụ tham vấn/trị liệu tâm lý chuyện nghiệp. 

6. Thời điểm chỉ là tương đối

Và sau cùng hãy hiểu rằng thời điểm chỉ là tương đối. Bạn không được bắt đầu lại từ đầu sau 12h đêm Giao Thừa. Cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn và bạn của quá khứ làm nên bạn của hiện tại. Học hỏi từ quá khứ là điều cần thiết, nhưng nhận thức về hiện tại còn là điều cần thiết hơn, bởi khi ấy mỗi phút giây đều mới mẻ. Chúng ta không cần phải đợi đến cuối năm để tổng kết hay đầu năm để làm lại mọi thứ, thời điểm phù hợp nhất là hiện tại.

Trắc

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Phúc Nguyễn

No more