Kỹ năng 04/04/2020

Vệ sinh điện thoại: Hướng dẫn chi tiết và giải đáp từ A đến Z

Bài ELLE Team

Nhiều nghiên cứu cho thấy điện thoại của bạn đóng vai trò như vật trung gian của rất nhiều virus và vi khuẩn gây hại, virus Corona cũng là một trong số đó. Các chuyên gia khuyên rằng, ngoài việc rửa tay thì bạn cũng cần vệ sinh điện thoại thường xuyên!

Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tạp chí Germs chỉ ra rằng màn hình điện thoại là nơi trú ngụ của rất nhiều loại virus và vi khuẩn như E. coli, Staphylococcus aureus, Streptococcus… Và dĩ nhiên virus Corona (Covid-19) cũng là một trong số đó. Vì vậy, bạn không nên chủ quan mà bỏ qua việc vệ sinh điện thoại đúng cách. 

Sự trú ngụ và lan truyền của virus, vi khuẩn qua điện thoại

Điều đáng chú ý là điện thoại không phải một trong những nguyên nhân chính gây ra sự lây lan. Thế nhưng, đây lại là nơi virus ẩn náu lâu hơn bạn nghĩ. “Chúng có thể tồn tại trên bề mặt cứng ở bất cứ nơi nào từ vài giờ đến vài tuần. Riêng Norovirus là một chủng có khả năng tồn tại tới 4 tuần”, Charles Gerba – GS.TS dịch tễ – thống kê sinh học tại Đại học Arizona chia sẻ. 

02_ve sinh dien thoai_elle man_0320
Ảnh: Freepik

Hiện tại, CDC vẫn đang xác định chủng Corona có thể tồn tại bao lâu trên đồ vật. Thế nhưng tổ chức vẫn đưa ra cảnh báo đặc biệt với những bề mặt cảm ứng cao. Theo báo cáo của Reuters, từ Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm Quốc gia, virus Corona có thể sống trên bề mặt trong vài ngày. Đối với nhựa và thép không gỉ, virus Corona vẫn sống sau ba ngày. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chúng không thể sống quá 24 giờ trên đồ vật làm từ bìa các tông. GS.TS Gerba chia sẻ thêm, virus và vi khuẩn có thể truyền sang tay của bạn. Sau đó, chúng lan ra các bề mặt và không gian của cả phòng. Do đó, vệ sinh điện thoại cũng là một cách giúp hạn chế sự lây nhiễm của dịch COV-19. 

Vệ sinh điện thoại đúng cách 

Trước khi đề cập sâu hơn về cách vệ sinh điện thoại, chúng ta cần lưu ý hai nguyên tắc chính:

Thứ nhất, bạn không nên dùng chất tẩy rửa để làm sạch. Các thành phần hoá học có tính tẩy mạnh sẽ khiến da bạn bị kích ứng hoặc tổn thương. Hãy sử dụng các sản phẩm làm sạch bề mặt chuyên dụng như nước lau kính.

Thứ hai, không nên xịt trực tiếp dung dịch làm sạch lên bề mặt, việc đó khiến điện thoại của bạn bị ướt và dễ hỏng hơn.

3_ve sinh dien thoai_elle man_0320.
Ảnh: CNet

6 bước vệ sinh điện thoại đúng cách:

  1. Tháo hết vỏ, phụ kiện điện thoại và tắt nguồn.
  2. Lau nhẹ nhàng để làm bóng màn hình điện thoại với vải sợi siêu nhỏ. Bước này sẽ giúp loại bỏ hầu hết vi trùng về mặt vật lý. Vải sợi làm điều này tốt hơn khăn giấy, vì các sợi có diện tích bề mặt lớn, sự ma sát sẽ giữ bụi bẩn tốt hơn. 
  3. Tiếp theo, hãy làm sạch chiếc điện thoại bằng những loại khăn lau khử trùng chuyên dụng. Nếu khăn quá ướt, bạn có thể vắt bớt nước trước khi sử dụng. Trong quá trình vệ sinh điện thoại, hãy chú ý tránh các cổng kết nối của sản phẩm. 
  4. Để điện thoại khô trong ít nhất 5 phút. Tuy nhiên, 10 phút được cho là khoảng thời gian lý tưởng nhất để điện thoại tự khô.
  5. Dùng khăn giấy hoặc vải sợi nhỏ để lau lại. Bạn không nên tái sử dụng tấm vải đã dùng khi trước mà nên dùng một chiếc mới. 
  6. Cuối cùng, hãy làm sạch vỏ điện thoại của bạn. Lặp lại quy trình tương tự phía trên. Nếu vỏ điện thoại làm từ nhựa cứng, bạn có thể sử dụng nhiều chất tẩy rửa hơn. Tuy nhiên, Apple đưa ra cảnh cáo với những phụ kiện làm từ vải hoặc da thì không nên tiếp xúc với chất tẩy rửa. 

Nên vệ sinh điện thoại với tần suất như thế nào?

Ảnh: Medium

Mỗi ngày một lần là câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc này. Bạn có thể chuẩn bị một tấm vải sợi nhỏ đặt trên bàn làm việc, chuyên dùng cho vệ sinh máy móc. Việc làm này giúp bạn “đỡ ngại” hơn cho thói quen làm sạch.

Cách giữ cho điện thoại sạch sẽ

Ngoài việc làm sạch, bạn cũng nên giữ gìn cho chiếc điện thoại của mình ít bẩn nhất có thể. Hành động này giúp hạn chế lượng virus và vi khuẩn mà thiết bị tiếp xúc.

Tránh dùng điện thoại trên phương tiện công cộng. Lan can, tay nắm cửa,..đều là nơi trú ngụ của rất nhiều loại vi khuẩn. Nếu bạn sử dụng thiết bị trong khi di chuyển, các loại virus sẽ dễ dàng bám lên tay, truyền sang màn hình điện thoại và lan toả ra môi trường sống của bạn.

7_ve sinh dien thoai_elle man_0320.
Đồ vật nơi công cộng như tay nắm cửa, tay vịn xe bus, cầu thang,..là nơi ẩn náu của nhiều vi khuẩn. | Ảnh: rd.com

Không mang điện thoại vào phòng tắm/nhà vệ sinh. Theo một khảo sát năm 2018 ở Mỹ, cứ 4 người thì có 3 người sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh. Kể cả bạn có rửa tay trước hay sau khi bước vào đây thì vẫn có rất nhiều vi khuẩn tồn tại trong một không gian ẩm ướt. 

Sử dụng điện thoại trong nhà tắm tạo điều kiện cho vi khuẩn bám lên thiết bị. | Ảnh: Envato Elements

Không để điện thoại tiếp xúc quá gần với đồ ăn. Sự lây nhiễm chéo giữa vi khuẩn trên điện thoại và thức ăn chắc chắn sẽ xảy ra. Đặc biệt là khi bạn nấu ăn với nguyên liệu thô như thịt bò, thịt lợn, cá. Hãy nhớ rửa tay kỹ trước và sau khi chế biến thức ăn hoặc bảo quản điện thoại trong một chiếc túi kín. 

Để điện thoại gần thức ăn thô dễ xảy ra lan truyền chéo vi khuẩn. | Ảnh: Zikoko!

5

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Lược dịch: Hoàng Điệp – Nguồn: Good House Keeping.

No more