Nhân vật 05/12/2020

Daniel Arsham – Sáng tạo ẩn chứa trong những “mảng vỡ”

Bài EM Digital Editor

Trong thời đại mà công nghệ phát triển vượt trội nhưng cũng nhanh chóng trở nên lỗi thời, Daniel Arsham đã nắm bắt được tính bất định và phù du của thế giới vật chất, từ đó kể cho chúng ta một câu chuyện về bản thân, cũng như về chặn đường nhân loại đã kiến tạo trên trái đất thông qua các tác phẩm của mình. 

Nghệ sĩ Daniel Arsham đến từ New York, phong cách nghệ thuật đặc trưng của ông là tạo ra những “vụn vỡ” có chủ đích trong sự giao thoa giữa điêu khắc, kiến trúc và sắp đặt.

0-daniel-arsham-elleman
Ảnh: Hypebeast

Trong đó, kiến trúc đóng vài trò quan trọng xuyên suốt con đường của mình, khi nhìn vào một tác phẩm của Daniel, chúng ta dễ dàng nhận ra bởi những chi tiết đặc trưng lấy cảm hứng hậu tận thế với những mảng vỡ, những chi tiết bị mang dấu tích tàn phá của thời gian. Và trong một vài năm trở lại đây, ông còn dấn thân vào mảng thời trang với những bản “collab” chất lượng với những nhà mốt cao cấp và các thương hiệu của đại chúng.

Buổi triễn lãm “Paris 3020” của Daniel Arsham tại phòng trưng bày Galerie Perrotin Paris. Ảnh: Claire Dorn ©. Courtesy of the artist and Perrotin

Trong một thời gian dài tìm hiểu về lịch sử cùng hàng loạt thí nghiệm về kiến trúc, Daniel Arsham đã khám phá ra “chiều không gian thứ 3” của mọi vật. Các tác phẩm đương đại của ông phần lớn được tạo ra từ cát, selenite, tinh thể thạch anh và tro núi lửa. Ở những tác phẩm của Daniel Arsham, chúng ta có cơ hội chiêm nghiệm về một thế giới mà trong đó quá khứ, hiện tại và tương lai cùng tồn tại. 

Mối

Daniel Arsham chạm ngõ đam mê kiến trúc 

Daniel Arsham sinh năm 1980 tại Cleveland, Ohio. Thời gian sau đó, gia đình ông chuyển tới Florida, nơi ông từng cận kề với cái chết khi cơn bão Hurricane Andrew càn quét và phá huỷ ngôi nhà của họ vào năm 1992. Nhưng cũng chính sự kiện trên đã giúp Arsham nhìn thấy những gì thật sự ẩn chứa bên trong các bức tường sau khi vỡ vụn. Bên cạnh đó, cậu bé 12 tuổi ngày ấy đã bắt đầu nhen nhóm và khắc ghi sức phá huỷ bạo tàn của thiên nhiên lên mọi thứ được gây dựng dưới bàn tay của con người. Dường như điều này đã  thúc giục Daniel Arsham đến gần hơn với niềm đam mê kiến trúc.

1-daniel-arsham-elleman
Ảnh: dezeen.com

Ông tối đa hoá việc ứng dụng không gian âm vào trong những thiết kế của mình. Daniel Arsham luôn tưởng tượng rằng các bức tường có thể lắc lư, tan chảy, hoà quyện vào mọi vật thể, không gian lân cận. Thoạt nhìn, chúng ta sẽ thấy những tác phẩm của ông bừa bộn và cẩu thả. Tuy nhiên, đó là sự cẩu thả và được đập phá có chủ đích, và để làm nên những kiệt tác đó, ông dành hàng giờ tạo tác với sự tỉ mỉ cao độ để tạo ra những chi tiết  ấn tượng và chính xác đến kinh ngạc theo suy tưởng của mình. 

Nghệ sĩ Daniel Arsham tại buổi triễn lãm “Paris 3020” phòng trưng bày Galerie Perrotin, Paris

Tuy là một trong những nghệ sĩ đương đại nổi tiếng nhất hiện nay, nhưng ít ai biết rằng Daniel Arsham lại mắc chứng mù màu. Ông chỉ có thể phân biệt khoảng 20% màu sắc so với một người bình thường. Đó cũng chính là lý do mà phần lớn các tác phẩm của ông chỉ tồn tại dưới hai màu trắng và xám. Vào năm 2015, Daniel Arsham cuối cùng cũng nhận được một cặp kính đặc biệt với khả năng điều chỉnh chứng mù màu của mình, một căn bệnh ngăn cho mắt không nhận ra sắc tố của xanh và đỏ. Kể từ đó, ông bắt đầu kết hợp màu sắc một cách mạnh mẽ hơn và điểm tô cho “những đứa con tinh thần” của mình. 

Nghệ

Những ngã rẽ đầu tiên trên con đường nghệ thuật

Sau khi giành được học bổng YoungArts danh tiếng năm 1999, Daniel Arsham chuyển tới sinh sống tại New York và tham gia vào The Cooper Union – một trường đại học tư nhân tại Manhattan, Hoa Kỳ. Tại đây, chàng trai trẻ được trau dồi các kỹ năng về lĩnh vực kiến trúc và thiết kế. Tới năm 2003, Daniel Arsham hoàn thành việc học rồi vinh dự nhận giải thưởng Gelman Trust Fellowship Award do trường đại học trao tặng. Ngay sau khi tốt nghiệp, ông tham gia một chương trình nhóm mang tên ”Miami Nice”, được tổ chức tại phòng trưng bày nghệ thuật đương đại Galerie Perrotin ở Paris. 

2-daniel-arsham-elleman
Ảnh: Uniqlo

Giai đoạn này, khát khao của người nghệ sĩ dường như bùng cháy và trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.  Ông được biết đến với vai trò đồng sáng lập nên không gian nghệ thuật “The House” tại Miami. Đặc biệt hơn cả, biên đạo múa huyền thoại Merce Cunningham đã mời Arsham thiết kế ảnh, ánh sáng và trang phục cho tác phẩm “eyeSpace” của mình vào năm 2004. 

Mặc dù không được đào tạo chính thức về thiết kế sân khấu nhưng Daniel Arsham lại là nghệ sĩ trẻ nhất từng hợp tác với công ty của Cunningham. Ông có cơ hội làm việc cùng những hoạ sĩ tên tuổi như Robert Rauschenberg, Andy Warhol và Frank Stella. Suốt khoảng thời gian đó, Daniel Arsham đã di chuyển vòng quanh thế giới với công ty của Cunningham và cũng là người cuối cùng hợp tác với biên đạo múa trước khi ông qua đời vào năm 2009.

3-daniel-arsham-elleman
ẢNh: Uniqlo

Một năm sau đó, Arsham được Giám đốc Sáng tạo của Dior Homme lúc này là Hedi Slimane ngỏ lời mời thiết kế không gian trưng bày cho cửa hàng mới của nhà mốt tại Los Angeles. Với điều kiện mỗi phòng cần có móc, chỗ ngồi và gương, Arsham đã thoả sức sáng tạo và lấp đầy căn phòng với những bức tường thạch cao xuống cấp đặc trưng của mình. Và đương nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu của Arsham khi “bắt tay” với các thương hiệu lớn.

Trong khoảng thời gian làm việc với Cunningham, Arsham đã gặp Jonah Bokaer – cựu vũ công của công ty này và bắt đầu mối quan hệ hợp tác dài lâu . Hai người gắn kết với nhau bằng một tình yêu với các khoảng không gian và bằng cái cách họ có thể biến đổi, cũng như thao túng những bức tường. Tới năm 2007, Bokaer đã ra mắt dự án chung đầu tiên của cả hai, một vũ đạo nguyên bản có tựa đề “Wrinkle”.

4-daniel-arsham-elleman
Hình ảnh ghi lại từ vũ đạo “Wrinkle” | Ảnh: works.jonahbokaer.net

Sự hợp tác của hai người lớn mạnh mỗi ngày và tiếp tục với các tác phẩm như Replica (2009), Recess (2010) và Why Patterns (2011). Trong những năm gần đây, họ đã có cơ hội làm việc cùng  Pharrell Williams với tiết mục Rules of the Game (2016).

Vào năm 2013, Daniel Arsham và Pharrell Williams đã có cơ hội cộng tác cùng nhau để mô phỏng lại Casio MT-500 – chiếc đàn đầu tiên của Pharrell, tác phẩm được làm từ những chất liệu như tro núi lửa, thép và các tinh thể. Màn hợp tác này cũng chính là sự tiếp nối cho phong cách mang cảm hứng hậu tận thế, những tác phẩm được tạo tác và được “đập phá” để mang dấu vết tàn phá của thời gian đặc trưng của ông mà chúng ta thấy ngày nay. 

5-daniel-arsham-elleman
Pharrell Williams và Daniel Arsham bên cạnh tác phẩm MT-500. |Ảnh: Designboom

Arsham vẫn tiếp tục theo đuổi dự án của mình trong những năm tiếp theo và sau đó đổi tên chúng thành Future Relic. Dự án được tạo nên từ 9 mô hình của những đồ vật thường ngày và được mô phỏng lại như những khám phá khảo cổ học, bao gồm: máy ảnh Polaroid, điện thoại di động chunky trong những năm 80 và đài Ghetto,…

8-daniel-arsham-elleman
Tác phẩm: 003-Clock|Ảnh: Artsy.net
6-daniel-arsham-elleman
Tác phẩm: 005-Telephone |Ảnh: Artsy.net
9-daniel-arsham-elleman
Tác phẩm: 008-Radio|Ảnh: Artsy.net

Nhưng có lẽ, nước cờ thú vị nhất của vị nghệ sĩ này phải kể đến công ty thiết kế Snarkitecture ở New York. Được thành lập vào năm 2008, Snarkitecture là một tổ hợp đa ngành kết hợp giữa điêu khắc và kiến trúc. Cái tên này bắt nguồn từ tuyển tập thơ mang tựa đề “The Hunting of the Snark” với nội dung về cuộc hành trình của một phi hành đoàn đang tìm kiếm sinh vật huyền thoại. Mà ở đây, “tổ đội thợ săn Snark” ngoài đời thực chính là Daniel Arsham, Alex Mustonen và Ben Porto, những người cùng nhau tìm cách “phá vỡ” dòng chảy truyền thống tồn tại trong những thiết kế kiến trúc. 

10-daniel-arsham-elleman
Từ trái qua phải: Alex Mustonen, Daniel Arsham, Ben Porto|Ảnh: NYC Plugged

Daniel Arsham và cú lấn sân sang địa hạt thời trang

Với nguồn cảm hứng từ những đồ vật thường ngày, Snarkitecture đã gia công lại nguyên vật liệu thông thường để tạo nên bối cảnh đổ nát. Chính phong cách nghệ thuật dị biệt của Daniel Arsham đã gây ấn tượng mạnh với các “ông lớn” và mở ra hàng loạt màn kết hợp giữa vị nghệ sĩ này với nhiều thương hiệu tên tuổi. 

10-daniel-arsham-elleman
Hàng trăm mô hình của đôi giày huyền thoại Air Jordan 1s được treo lơ lửng trên trần flagship store của KITH tại thành phố New York

11-daniel-arsham-elleman

Cận cảnh mô hình Air Jordan 1s làm từ thạch cao

Triển

Hay như hàng trăm mô hình chai nước hoa được làm từ phôi trắng được trải dài khắp cửa hàng của thương hiệu Odin cũng tại thành phố này.

Năm 2017, lại một lần nữa vị nghệ sĩ này khẳng định tài năng của mình ở địa hạt thời trang khi công bố ba màn kết hợp với thương hiệu thể thao đình đám adidas để khám phá về quá khứ, hiện tại và tương lai. 

12-daniel-arsham-elleman
adidas Futurecraft 4D |Ảnh: Hypebeast
Adidas The Past Is Present|Ảnh: Hypebeats

13-daniel-arsham-elleman

Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim của Daniel Arsham trên địa hạt thời trang thực sự nở rộ khi ông lại một lần nữa hợp tác với nhà Dior. Giám đốc Sáng tạo Kim Jones mời Daniel nhúng tay vào sân khấu của BST thời trang nam của Dior Men Xuân-Hè 2020. Arsham đã gửi gắm hơi thở đậm chất “Future Relic” đến thương hiệu xa xỉ này, thông qua việc tạo nên không gian biểu diễn với tên thương hiệu Dior làm từ những mảng đá và đồ vật làm từ thạch cao vỡ vụn, để lộ ra những mảng tinh thể từ phong cách “vụn vỡ” đặc trưng của mình. 

14-daniel-arsham-elleman
Ảnh: Dior

Tạo tác xe hơi trong photoshoot của chiến dịch Dior Men Xuân-Hè 2020 lấy cảm hứng từ “Back to Future” với phong cách “đập phá” đặc trưng để tạo ra hiệu ứng tàn phá của thời gian của người nghệ sĩ.
Daniel bên tác phẩm của minh.2 Ảnh: Guillaume Ziccarelli. Courtesy of Perrotin.

Hay có thể kể đến màn bắt tay giữa Daniel Arsham với Uniqlo UT trong năm 2020. Cả hai cho ra mắt BST áo thun “Fictional Archeology” (khảo cổ viễn tưởng). Sản phẩm chỉ xuất hiện trong hai màu đen và trắng, được nhấn nhá với những graphic Pokémon dạng hoá thạch.

Ảnh: Uniqlo

Lời kết

Trong thời đại mà công nghệ phát triển vượt trội nhưng cũng nhanh chóng trở nên lỗi thời, Daniel Arsham đã nắm bắt được tính bất định và phù du của thế giới vật chất, từ đó kể cho chúng ta một câu chuyện về bản thân, cũng như về những gì nhân loại đã kiến tạo trên trái đất thông qua các tác phẩm của mình. 

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Tổng hợp: Hoàng Điệp – Nguồn tham khảo: Highsnobiet, Uniqlo, Artsy, Hypebeast

No more