Nhân vật 27/06/2020

Nghệ sĩ Hajime Sorayama và thế giới nghệ thuật của những điều cấm kỵ

Bài ELLE Team

Hơn 50 năm sự nghiệp, nghệ sĩ Hajime Sorayama - người từng gây tiếng vang với bức tượng fembot ấn tượng trong show Dior Men Pre-fall 2019 của Kim Jones - vẫn không ngừng thách thức giới hạn giữa vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ và quy chuẩn tình dục trong xã hội.

Nghệ sĩ Hajime Sorayama tự nhận mình là một người vẽ tranh minh họa thay vì họa sĩ. Theo ông, vẽ tranh minh họa là một quá trình được “đúc kết từ lối suy nghĩ logic, hơn là phản ánh những tình cảm yêu ghét thông thường”. Sorayama nổi tiếng với trường phái nghệ thuật mà ông gọi là “siêu thực”. Nhắc đến ông, giới yêu hội họa và cả những người hâm mộ thể loại khoa học giả tưởng thường nghĩ ngay đến những tác phẩm minh họa fembot (những cá thể robot mang dáng dấp phụ nữ) có chút gì đó pha trộn giữa nét quyến rũ rất đặc sắc của đường cong cơ thể phụ nữ và cảm hứng sắc dục viễn tưởng.

1-nghe-sĩ-hajime-sorayama
Nghệ sĩ vẽ tranh minh họa Hajime Sorayama. Ảnh: Yosuke Demukai

Ở tuổi thất thập, sức sáng tạo bất tận của vị nghệ sĩ này vẫn được người hâm mộ đón nhận nồng nhiệt ở các buổi triển lãm tranh trên khắp thế giới và qua những màn kết hợp cùng các thương hiệu thời trang nổi tiếng mà Dior Men Pre-fall 2019 là một ví dụ điển hình. Trong bài viết này, hãy cùng ELLE Man nhìn lại quãng đường nghệ thuật của nghệ sĩ Hajime Sorayama nhé.

Chạm ngõ hội họa

Nghệ sĩ Hajime Sorayama sinh ngày 22/2/1947 tại thành phố Imabari, tỉnh Ehime, Nhật Bản. Trước khi nhận ra đam mê với lĩnh vực vẽ tranh minh họa, ông đã trải qua tuổi dậy thì với nhiều định hướng nghề nghiệp khác nhau. Ông từng chia sẻ rằng cơ duyên với nghề vẽ chỉ thực sự đến khi một trong những vị giáo viên cấp ba nhận ra năng khiếu vẽ của ông qua những bức họa được lấy cảm hứng từ tạp chí Playboy và gợi ý cho ông về nghề này trong tương lai.

Hajime Sorayama của thời niên thiếu bộc lộ năng khiếu hội họa qua các bức vẽ lấy cảm hứng từ vẻ đẹp gợi cảm của phụ nữ. Ảnh: Sorayama.jp

Trong thời gian theo học chuyên ngành văn học Hy Lạp và Anh tại trường tại Đại học Shikoku Gakuin, Sorayama đã phát hành cuốn tạp chí minh họa đầu tiên mang tên Pink Journal. Tuy nhiên, ý tưởng và cảm hứng của ông trong tác phẩm này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phía các giảng viên và sinh viên vì quá “khêu gợi” so với quan điểm của đại đa số người Nhật lúc bấy giờ.

Sau sự kiện đó, ông chuyển hẳn sang Tokyo’s Chuo Art School để chuyên tâm theo đuổi hội họa. Ông tốt nghiệp năm 21 tuổi và làm việc cho một công ty quảng cáo trước khi trở thành một nghệ sĩ vẽ tranh minh họa tự do vào năm 25 tuổi. Năm 31 tuổi, trong lúc hợp tác với một người bạn, ông cho ra đời tác phẩm minh họa robot đầu tiên được lấy cảm hứng từ nhân vật C-3PO của loạt phim Star Wars.

2-nghe-si-hajime-sorayama
Nhân vật C-3PO (phải), nguồn cảm hứng làm nên tác phẩm đầu tiên của nghệ sĩ Hajime Sorayama. Ảnh: CBS via Getty Images
Nguyễn

Thách thức lằn ranh giữa vẻ đẹp tinh tế và tính dung tục

Được thỏa sức sáng tạo trong triết lý nghệ thuật của riêng mình, Hajime Sorayama dần định hình phong cách minh họa cá nhân qua hàng loạt các tác phẩm fembot phá vỡ ranh giới giữa viễn tưởng, nữ tính và sự thỏa mãn nhục dục. Trong bối cảnh một xã hội Nhật Bản còn tỏ ra e dè với những hình ảnh và nội dung mang tính phô bày thân thể, Sorayama đã từng bước phá vỡ rào cản ấy bằng quyết tâm theo đuổi thứ trường phái mà ông đã miêu tả bằng hai chữ “siêu thực”. Bản thân ông từng bộc bạch: “Đối với tôi, những điều cấm kỵ, những thứ mà người khác thường kiêng nhắc đến luôn là một phần của nghệ thuật. Nhiệm vụ của tôi vừa là dung hòa, cũng vừa là thách thức ranh giới giữa triết lý nghệ thuật cá nhân và những giới hạn của xã hội.”

3-nghe-si-hajime-sorayama
Nghệ sĩ Sorayama chia sẻ rằng ông không xem việc theo đuổi trường phái “siêu thực” và vẽ minh họa tranh là một công việc đòi hỏi những nỗ lực phi thường, bởi ông cảm thấy cái thú và niềm đam mê khi tạo ra các tác phẩm đòi hỏi sự cần cù và chi tiết ở mức độ cao. Ảnh: Highsnobiety/Momo Angela

Năm 1983, ông hợp tác với nhà xuất bản Genko-sha để cho ra đời cuốn tạp chí minh họa thứ hai mang tên Sexy Robot. Khác với phản ứng tiêu cực dành cho cuốn Pink Journal, lần này Sexy Robot đã mang đến một sự choáng ngợp tột độ cho giới mộ điệu hội họa toàn cầu bởi các tác phẩm tôn vinh đường cong gợi cảm của cơ thể phụ nữ bằng cách ứng dụng chất liệu kim loại có tính phản quang – một sự pha trộn đầy khêu gợi mang tính giả tưởng chưa từng có tiền lệ. Thừa thắng xông lên, trong những năm tiếp theo của thập niên 80 và 90, Sorayama tiếp tục khẳng định tên tuổi với các tạp chí minh họa như Pin-up (1984), Hajime Sorayama và Sorayama Hyper Illustrations (1989), The Gynoids (1993)…

4-nghe-si-hajime-sorayama
Ảnh: Sorayama.jp

Tiếng vang từ các tác phẩm minh họa đem về cho Sorayama sự công nhận tài năng từ những nhân vật lớn thuộc các lĩnh vực khác nhau. Vào những năm 90, ông bắt đầu hợp tác với những dự án phim khoa học viễn tưởng như Timecop (1994)Space Tracker (1997). Năm 1995, giám đốc sáng tạo của tạp chí Penthouse lúc bấy giờ là họa sĩ Keichi Tanaami đã quyết định dành hẳn một chuyên mục trong số phát hành hằng tháng để đăng tải những tác phẩm minh họa của Sorayama.

Nhờ phong cách minh họa với độ chi tiết cao và tài năng mô tả chất liệu, các tác phẩm của nghệ sĩ Hajime Sorayama được công chúng và giới hội họa đánh giá cao. Ảnh: Sorayama.jp
Một trong các tác phẩm của nghệ sĩ Hajime Sorayama trưng bày tại buổi triển lãm cá nhân tại gallery AISHONANZUKA (Hong Kong). Ảnh: Sorayama.jp
Ở tuổi 73, nghệ sĩ Hajime Sorayama tiếp tục làm nức lòng giới mộ điệu hội họa và điêu khắc qua buổi triển lãm Sex Matter tại gallery Nanzuka, Tokyo. Ảnh: IG@hajimesorayamaofficial

Tuy nhiên, một trong những cột mốc đáng chú ý nhất trong sự nghiệp của nghệ sĩ Hajime Sorayama chính là mối lương duyên giữa ông với vị kỹ sư của hãng Sony, ông Toshitada Doi. Doi là người lãnh đạo trực tiếp của dự án Sony AIBO chuyên nghiên cứu và phát triển những chú robot trong hình dạng vật nuôi thân thuộc với con người. Chính Doi đã mời Sorayama hợp tác thiết kế những con robot AIBO đầu tiên trên thế giới, một phát minh đánh dấu bước tiến vĩ đại của trí tuệ con người và đã đem về cho Sorayama giải thưởng danh giá nhất của ngành thiết kế Nhật Bản năm 1999 – Giải thưởng Lớn cho Thiết kế đẹp nhất (Grand Prize of Best Design).

5-nghe-si-hajime-sorayama
Bản thiết kế đầu tiên của một con AIBO mang ký hiệu ERS-110 do nghệ sĩ Hajime Sorayama vẽ. Ảnh: IG@nanzukaunderground
Khiết

Đến sức ảnh hưởng lớn trong ngành công nghiệp thời trang

Lòng trung thành với triết lý nghệ thuật cá nhân đã giúp nghệ sĩ Hajime Sorayama bén duyên với các nhà mốt lớn của làng thời trang thế giới. Năm 1995, lần đầu tiên Sorayama hợp tác với nhà thiết kế haute couture người Pháp Thierry Mugler trong những bộ bodysuit mang hơi hướm fembot nằm trong BST Thu-Đông 1995. Chính những thiết kế này đã đem đến nguồn cảm hứng lớn cho những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng như Alexander McQueen, Nicolas Ghesquière và Gareth Pugh.

Những mẫu thiết kế mang hơi hướm fembot trong bộ sưu tập Thu-Đông năm 1995 được Thierry Mugler lấy cảm hứng từ cuốn Sexy Robot của Sorayama. Ảnh: Vogue.fr

Năm 2016, BST hợp tác giữa Sorayama với hãng streetwear X-LARGE thu hút sự quan tâm của giới trẻ với mẫu logo đặc trưng của hãng được chính vị nghệ sĩ người Nhật biến tấu theo phong cách robot-giả tưởng đã làm nên tên tuổi của ông.

Linh vật OG Gorilla của hãng streetwear đến từ nước Mỹ dưới phong cách của Hajime Sorayama. Ảnh: X-LARGE

Ở tuổi thất thập, Hajime Sorayama vẫn miệt mài với niềm đam mê bất tận dành cho phong cách minh họa độc đáo của mình. Ông tìm thấy niềm vui và thỏa mãn chính mình nhất khi vùi mình vào giấy, bút và màu trong một xưởng vẽ nhỏ có phần bừa bộn giữa lòng Tokyo.

Gần đây nhất, Sorayama lại một lần nữa “du hành” cùng những triết lý nghệ thuật cá nhân trong BST Dior Men Pre-Fall 2019. Trong một thời đại mới và dần cởi mở, cú bắt tay giữa Sorayama và giám đốc sáng tạo Dior Men Kim Jones đã gây được tiếng vang lớn với công chúng và giới mộ điệu thời trang trên toàn thế giới với những thiết kế phảng phất hơi thở của tương lai được trình diễn trên nền ánh sáng laser cùng một tượng đài fembot khỏa thân cao 12 mét.

Tượng đài fembot cao 12 mét trong show diễn ra mắt bộ sưu tập Dior Men’s Pre-Fall 2019 tại Tokyo. Ảnh: IG@dior

Sorayama miêu tả quá trình hợp tác với Jones “vướng phải nhiều khó khăn khi truyền tải ý tưởng vào những bộ quần áo”, thế nhưng sau cùng, đó là một trải nghiệm mà “hai kẻ kỳ quặc” (cách mà ông gọi chính mình và Jones) đều cảm thấy thật sự vui vẻ với những gì đang làm.

Lời kết

Với nghệ sĩ Hajime Sorayama, “nghệ thuật là chuyến tàu dài đưa hành khách đến với những kinh ngạc từ những điều không tưởng”. Và ông, trong suốt hơn 50 năm say sưa với công việc của một nghệ sĩ minh họa tranh, đã trở thành vị trưởng tàu lèo lái đoàn tàu cùng những hành khách của mình qua hành trình “dung hòa và thách thức” lằn ranh giữa cái đẹp và những điều tưởng như cấm kỵ.

BST

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Tổng hợp: Phương Trang (Tham khảo: Highsnobiety, Hypebeast)

No more