Nhân vật 13/04/2022

Ban nhạc OPlus và “chặng bay” trở thành nghệ sĩ độc lập

Bài Tuan Anh

Có những nghệ sĩ đầy thú vị. Bạn có thể nghe họ thoáng đâu đó, cách đây nhiều năm trước. Hoặc bạn chưa từng nhìn thấy họ, và sửng sốt khi biết rằng nghệ sĩ ấy đã hoạt động từ rất lâu. Dù thế nào, nghệ sĩ đó vẫn ở đấy, phát triển và kiên trì đem sản phẩm tuyệt vời của mình đến công chúng. OPlus Band chính là nhân vật như thế. Và album "Bay đi trong ban mai" của bốn chàng trai một lần nữa khẳng định họ vẫn luôn hoạt động nghệ thuật với những sản phẩm ấn tượng. Họ vẫn chảy trong bản đồ âm nhạc Việt, bất chấp những sầm uất đôi khi đã khiến nghệ thuật sạch vơi đi ít nhiều.

Đó là một buổi sáng cuối tuần, tại một góc quán quen, tôi bị cuốn hút bởi không gian nhuốm màu nắng mới và giọng hòa âm nghe rất khó lẫn của OPlus boyband. Nhắm mắt để cảm xúc trôi theo những ca từ lúc giản dị như lời tự sự, lúc sâu sắc như nói hộ lòng mình trên nền nhạc pha trộn với Rn’B, cùng phong cách phối mang âm hưởng của Urban-pop/Rn’B/ pop rock và cả Disco. Hình ảnh của 4 chàng trai lí lách, sôi nổi trên sân khấu, vừa hát vừa thể hiện những vũ điệu trẻ trung, hiện đại mà lịch lãm… cứ thế hiện lên trong tâm trí như thể tôi đang thưởng thức những màn trình diễn dành riêng cho mình. Lần lượt đi qua “Bay Đi Trong Ban Mai”, đắm chìm trong “Mê Cung” ngẩn ngơ với “Nụ Hoa Bên Hiên Rơi”… trọn 10 ca khúc mang đến 10 cung bậc cảm xúc như một hành trình thú vị cho người nghe.  

Các ca khúc này nằm trong album “Bay đi trong ban mai” và được chính các thành viên sáng tác nhạc, viết lời, phối khí và hoàn thiện sản xuất. Điều gì khiến OPlus có một “chặng bay” mới mẻ và đầy triển vọng như vậy. Trong những năm gần đây, hoà vào dòng chảy của quốc tế, âm nhạc Việt Nam dường như vận hành theo hướng… độc lập. Các ca sĩ đi hát nhiều năm thay vì chỉ mua bài hát thì nay đã sáng tác hoặc tham gia vào quá trình sáng tạo. Những lứa ca sĩ trẻ hơn (Gen Z) cũng cho thấy khả năng đa nhiệm vừa sáng tác, phối khí và trình bày.

OPlus cho thấy họ không nằm ngoài xu hướng này. “Bay đi trong ban mai” là album họ có cơ hội thể hiện tất cả khả năng sáng tạo và thẩm mỹ trong âm nhạc của mình. Đây vừa là sự thử nghiệm nhưng đồng thời cũng là cho thấy OPlus bắt đầu kể câu chuyện của chính họ, hát lên thứ giai điệu của chính mình. Dù là sản phẩm đầu tay tự sản xuất, nhưng họ đã dám đưa vào nhiều chất liệu và tự tin trình diễn chất nhạc mà mình muốn như hình mẫu nghệ sỹ độc lập.

ELLE Man đã có cuộc trò chuyện với OPlus để hiểu hơn về một ban nhạc với ngã rẽ trở thành những nghệ sĩ độc lập sau khi Album “Bay đi trong ban mai” được lên kệ với hai phiên bản đĩa vật lý và băng cát-xét dành cho những khán giả có sở thích sưu tập. 

Thành danh khi hát các ca khúc của các nhạc sĩ tên tuổi và cover các ca khúc nổi tiếng. Lý do gì khiến Oplus chuyển sang hướng đi mới, tự sáng tác, tự phối khí và sản xuất âm nhạc?  

Thực ra OPlus gặp rất nhiều duyên để đến với hướng đi này, từ việc làm việc với nhạc sĩ Lê Thanh Tâm, với lời khuyên học nhạc của anh, OPlus gặp thầy Tass Petridis, và sau đó những ca khúc trong album này đều chỉ xuất phát từ những bài tập nhóm làm trong 2 năm học nhạc của mình. Nhưng hành trình này đem lại cho OPlus một nhận thức mới, rõ rệt hơn, nhìn thấy được khả năng của mình, âm nhạc và góc nhìn của chính mình được bộc lộ rõ nét nhất, “OPlus” nhất theo cái nhìn của chính bản thân về chính mình. Và một điều OPlus tâm niệm, điều ở lại là các tác phẩm, chúng tôi mong muốn để lại được thứ âm nhạc của riêng mình. Tất nhiên đây chỉ là khởi đầu, một hành trình đầy gian nan, nhưng chúng tôi tin nó đem lại hạnh phúc cho OPlus. 

Một nhóm nhạc có 4 thành viên sẽ là một thế mạnh để các thành viên nâng đỡ nhau, thể hiện các mặt mạnh của nhau khi phối giọng, khi bè trong một ca khúc. Nhưng với sáng tác thì sao, có nhiều hơn 1 người tham gia vào việc tạo nên một ca khúc theo các bạn đó có phải là cái khó không hay ngược lại, và điều hay của sự làm việc nhóm này là gì? 

Cả có và không. Khi có nhiều hơn một người tham gia thì chắc chắn sẽ có các ý kiến trái chiều, đó chính là khó khăn khi phải đưa ra quyết định cuối cùng. Điều quan trọng của mô hình này là sự lắng nghe từ các thành viên khác tới ý kiến của mỗi người. Chúng tôi quá quen với việc làm việc nhóm vì đã phải “nương tựa” nhau hơn 10 năm rồi, nó cũng là điểm mạnh của OPlus. Chúng tôi hiểu nhau tới mức có thể nhận xét với nhau một cách thẳng thắn mà không lo xung đột, nhất là trong âm nhạc. Sự mâu thuẫn song hành với sự phát triển, nên chả tội gì chúng tôi không thật thà với nhau và cóp nhặt tất cả những ý tưởng âm nhạc hay nhất mà cả 4 cùng đóng góp và phản biện. Sáng tác chung đối với chúng tôi… vẫn khó, nhưng luôn thú vị vì những bất ngờ mà nó mang lại.

 

Thế còn việc có những bài hát trong album này được “đo ni đóng giày” theo từng nốt nhạc, đó là một điều khá đặc biệt khi một người viết nhạc còn một người viết lời. Đó là một thách thức không hề nhỏ nhỉ? Hay là một may mắn? 

Cách làm việc này vừa có ưu điểm và vừa có thách thức. Ưu điểm đó là tính “âm nhạc”, “giai điệu” được đặt lên hàng đầu. Bài hát đã thành hình trước khi đặt lời. Chúng tôi đã từng tiếp xúc với cách làm việc này khi thực hiện album “We Are Still Young” với nhạc sĩ Dương Khắc Linh (người cũng có kinh nghiệm học tập & làm việc âm nhạc tại nước ngoài). Về thách thức, đó là việc viết lời sẽ phải tìm câu chuyện phù hợp, không gian phù hợp để kể câu chuyện kia, và giữ phần giai điệu một cách nguyên vẹn nhất. Chúng tôi cho rằng đó là một trải nghiệm rất thú vị cho việc sáng tác, sản xuất. Nó giúp chúng tôi thực hành làm việc nhóm, tận dụng được điểm mạnh của các thành viên. 

Trong album đầu tay tự sản xuất có đến 10 ca khúc, phải nói rằng, là một số lượng bài hát khá “đồ sộ” khi Oplus lần đầu trình làng với hình mẫu một nhóm nhạc độc lập. Con số 10 có ý nghĩa như thế nào, và các bạn có thể nói về tinh thần chung của 10 ca khúc trong album này chứ? 

Con số 10 vừa là cảm giác chung của cả 4, và vừa là một con số mà chúng tôi thấy phù hợp tại thời điểm đó với những bài đã có trong tay, kế hoạch sản xuất,… Nó đến từ sự tổng hoà của nhiều yếu tố. Nó là album đánh dấu những bước đi đầu tiên trên hành trình tự sản xuất âm nhạc của chính mình. Con số 10, hầu hết chúng ta đều thích nó (cười), và chúng tôi cũng thế (cười tiếp).

 Về tinh thần chung của 10 ca khúc, đó là thoải mái, 10 bài mang màu sắc của nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, nhiều đề tài khác nhau. Có lẽ chúng tôi sẽ có duyên với những số 10 (cười). 

Dù là sản phẩm của Oplus, nhưng phần phối được các bạn “giao phó” cho hai tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng như trống Gerry Pantazis, bass Tass Petridis… Có lý do gì đặc biệt cho sự kết hợp này không?  

Ngoài viết ra các bài hát trong album này thì chúng tôi còn tự phối khí, sau đó mới mời các nghệ sĩ chơi phần nhạc cụ của mình dựa trên bản phối ấy. Gerry và Tass đã tham gia chơi phần trống và bass theo cách đó. Quả thực OPlus đã rất may mắn khi có duyên được làm việc với hai nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế này. Họ cho chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều từ thẩm mỹ, tiêu chuẩn âm nhạc cho đến sự chuyên nghiệp. Đối với các nhạc cụ khác cũng vậy. Trong quy trình sản xuất của mình, chúng tôi luôn mong muốn mỗi ca khúc là một sản phẩm của tập thể, một tổng hoà sáng tạo chung, mỗi người tận dụng thế mạnh và đưa sự sáng tạo của mình vào trong khuôn khổ bản phối ban đầu. 

Cảm nhận rằng, đĩa nhạc này của Oplus đặc biệt muốn hướng đến khán giả GenZ, thế hệ khán giả sáng tạo, có gu thưởng thức riêng nhưng cũng rất cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận những nghệ sĩ độc lập cùng trào lưu  tự sáng tác tự biểu diễn. Bước đi này của Oplus có phải muốn “trẻ hóa” để chinh phục đối tượng này ngoài việc giữ những khán giả bấy lâu nay đã mến mộ các bạn? 

Thật ra thì chúng tôi không nghĩ nhiều về đối tượng khán giả. Đây chính là thứ âm nhạc chúng tôi thích và nghe cùng nhau hàng ngày. Khi chúng tôi bắt đầu viết ra những gì từ bên trong tâm hồn và cuộc sống của mình, mọi thứ tự nhiên đến. Chắc chúng tôi thực sự “trẻ” hơn những gì mọi người thường thấy. Sẽ thật tuyệt vời nếu những khán giả đã yêu mến chúng tôi và cả các bạn trẻ thích chúng. 

Hướng đến mô hình boyband, Oplus có thể chia sẻ điều nhóm tự tin nhất và điều Oplus cần đổi mới để cập nhật, cạnh tranh giữa các nghệ sĩ độc lập hiện nay? 

Như đã nói ở trên, chúng tôi đơn giản chỉ là bắt đầu viết ra âm nhạc bên trong mình. Chúng tôi cũng không hướng tới sự đình đám trong con đường của mình mà chỉ muốn đóng góp cho âm nhạc nên cũng không nghĩ đến sự cạnh tranh. Bức tranh âm nhạc muôn màu với sự xuất hiện của rất nhiều các bạn trẻ xuất sắc là điều rất tốt cho khán giả. Tuy nhiên, nếu nói về điều OPlus tự tin nhất thì có lẽ đó là sự đồng đều về chất lượng và đồng điệu về âm nhạc của các thành viên trong nhóm. 

Không chỉ âm nhạc, hình ảnh của Oplus trong album mới cũng trẻ trung, gần gũi hơn các sản phẩm trước. Đây là “concept” Oplus tạo dựng để chinh phục khán giả trẻ, hay nhóm đang muốn đem nét duyên ngoài đời lên sân khấu, nghệ thuật?

Thực ra OPlus không cố ý tạo dựng hình ảnh trẻ trung một cách chủ đích, hình ảnh trong Album của OPlus được nhào nặn bởi bàn tay của stylist trẻ Pông Chuẩn cùng ekip, OPlus đưa ra yêu cầu của mình là “Pông hãy nghe demo album của OPlus để thiết kế hình ảnh phù hợp nhất với chất liệu âm nhạc, và thông điệp của Album”. Có lẽ từ sâu bên trong, OPlus không già như những bộ vest mình hay bận mọi khi (cười).  

Và rồi, sau đây, khi “Bay đi trong ban mai” đã ra mắt khán giả, chặng bay tiếp theo của Oplus sẽ là đến đâu?

Chính OPlus cũng không biết được chính xác chặng bay của mình sẽ tới đâu, nhưng có một điều OPlus biết chắc chắn đó là trên hành trình của OPlus luôn có nhiều hứng khởi, nhiều khát khao và sự tò mò được làm nghề, được làm nhạc, được khám phá ra âm nhạc bên trong mình. Nếu thực sự mình biết được đích đến, bài hát mình chưa nghe đã đoán được 70% thì quả thật là một hành trình gây buồn ngủ (cười). 

Cảm ơn những chia sẻ rất “OPlus”, đầy chất nghệ sĩ mà thẳng thắn và chân thành. 

_________

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Ngọc Anh, Tuấn Phạm

Stylist: Pông Chuẩn

Photo: Kỳ Anh

M.U.A: Mẫn Đạt

xem thêm

No more