Nhân vật 24/05/2018

Philip Roth qua đời: Cái chết của người Do Thái cô đơn

Bài ELLE Man

Vậy là Philip Roth – gã khổng lồ của văn học Mỹ, đã ra đi mãi mãi. Ông thuộc nhóm các nhà văn lớn không được Nobel trao giải nhưng vốn dĩ ông chẳng cần bất cứ giải thưởng nào để chứng minh tài năng của mình. Sự cô đơn, tự bản thân nó đã là một phần thưởng.

Tám mươi lăm tuổi. Bệnh viên Manhattan. Một buổi tối thứ Ba. Cơn suy tim xung huyết. Rồi một người Mỹ gốc Do Thái gục ngã. Tên của ông là Philip Roth. Sự nghiệp văn học kéo dài từ thế kỷ 20 tới thế kỷ 21, nhưng phần lớn những gì tinh túy nhất nằm lại ở thế kỷ cũ hơn. Ở độ tuổi trên dưới 60, khi các nhà văn Mỹ khác đã bắt đầu xuống tay, Roth cho ra mắt bộ ba tiểu thuyết lịch sử cực kỳ giá trị: “American Pastoral” – “Human Stain” – “I Married a Communist”. Theo các nhà phê bình, một vài chi tiết của “I Married a Communist” có liên quan tới người vợ cũ – diễn viên người Anh Claire Bloom. Chưa kể, Philip Roth là nhà văn mà khi còn sống đã có các tác phẩm bổ sung vào Library of America.

Philip Roth qua đời hay cái chết của một người Mỹ cô đơn
Roth thời trai trẻ (Nguồn: SBS)

Năm 2006, ở độ tuổi 73, nhà văn Philip Roth ra mắt “Everyman”. Cho đến 2010, gần như mỗi năm Philip Roth lại công bố một tựa sách mới.Trong đó, “Nemesis” đã được dịch sang tiếng Việt với cái tên “Báo Ứng”, thuộc tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng do nhà toán học Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt chủ trì. Cả bốn tác phẩm đều xoay quanh sự tàn phá khủng khiếp của tuổi già và cái chết. Dù đã qua thời sung sức, Roth vẫn thể hiện được sự thông minh và óc quan sát nhạy bén. Trong bài tiểu luận “Why Write?”, Philip Roth cảm thấy mình không thể viết ra một tác phẩm vượt qua những tác phẩm trước đó. Ông thừa nhận rằng bản thân đã qua thời đỉnh cao và quyết định không viết thêm gì nữa.

Philip Roth qua đời hay cái chết của một người Mỹ cô đơn
Roth sở hữu một sự nghiệp đồ sộ và viên mãn (Nguồn: Vulture)

Sự nghiệp của Philip Roth khiến người ta phải ganh tỵ, khi nhìn vào danh sách những giải thưởng cao quý mà ông đã từng nhận được: hai giải National Book, hai giải National Book Critics Circle, ba giải PEN/Faulkner và một giải Man Booker. Nhưng đó cũng khiến người ta phải tiếc nuối, vì chưa bao giờ ông được Ủy Ban Nobel để mắt tới. Rất có thể, Haruki Murakami và Milan Kundera sẽ theo bước gã khổng lồ nước Mỹ.

Philip Roth qua đời hay cái chết của một người Mỹ cô đơn
Roth thừa nhận không còn như thời đỉnh cao (Nguồn: New Statesman)

Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn cho tờ NY Times, Philip Roth tỏ ra khá bình thản khi bình luận về năm mươi năm cầm viết: Có cảm hứng cũng như sự bất định, có tự do cũng như sự ức chế. Ngày qua ngày, đối mặt với những tờ bản thảo và nỗi cô đơn kinh khủng. Và tất nhiên, cả nỗi im lặng, im lặng trong một căn phòng năm mươi năm.

Bất cứ ai cũng đều có nỗi cô đơn của riêng mình, nhưng nỗi cô đơn mà Philip Roth đang mang theo kinh khủng. Ba gã khổng lồ góp phần hình thành nên diện mạo văn học Mỹ nửa sau thế kỷ 20 là Philip Roth, Saul Bellow và John Updike. Trong khi hai người kia đã qua đời từ lâu, Roth vẫn bền bỉ sáng tác. Ông như một thế giới riêng đầy bí ẩn khi so với những nhà văn của thế kỷ 21.

Cũng trong bài phỏng vấn đó, Philip Roth cho biết không còn sức viết, ông dành thời gian đọc thật nhiều sách. Ông có rất nhiều người bạn thân đã qua đời. Một vài người trong số đó là nhà văn. Một sự trống vắng xảy đến mỗi khi mở hộp thư, ông không còn thấy sách bạn mình gửi tới.

Philip Roth qua đời hay cái chết của một người Mỹ cô đơn
Roth đã tận hưởng cuộc sống đủ lâu và ông cần nghỉ ngơi (Nguồn: latimes)

Không quá khó để giải thích việc Philip Roth bị Nobel từ chối hết lần này đến lần khác. Một trong những chủ đề Roth đào sâu khai thác là dục vọng nam giới, vốn rất không hợp với những giám khảo Nobel chỉ muốn đề cao tính nhân văn. Tuy nhiên, còn một chủ đề khác thường được Philip Roth hướng tới, đó là cuộc sống người Do Thái ở xứ cờ hoa. Cả hai chủ đề đều được Roth bàn tới trong Portnoy’s Complaint. Một quyển sách hài hước bậc nhất, nhạy cảm bậc nhất mà đọc vào cứ tưởng như đọc “dâm thư”.

Và sau hết, Philip Roth chẳng cần bất cứ giải thưởng nào để chứng minh tài năng của mình. Sự cô đơn, tự bản thân nó đã là một phần thưởng.

Xem thêm

9 quyển sách hay nên đọc của Quý 1/2018

Warren Buffett và thói quen đọc sách để tạo nên thành công

___

Phúc (Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man. Nguồn tham khảo: NY Times)

No more