Nhân vật 12/08/2021

Tim Phạm: “Trọng trách của một người làm sáng tạo là phải làm đẹp cho đời”

Bài EM Digital Editor

Với vai trò là một Art Director, sở hữu một studio thiết kế riêng và đứng sau những dự án nghệ thuật đầy ấn tượng mà gần đây nhất là The Veston Concert của nam ca sỹ Hà Anh Tuấn, Tim Phạm mang tư duy làm nghề rõ ràng, mạch lạc và một hơi thở rất riêng trong cung cách ăn mặc lẫn lối sống.

Trong buổi gặ gỡ với ELLE Man, Tim Phạm đã bộc bạch thẳng thắn về bản thân mình trên cương vị của một người làm thiết kế, một người yêu cái đẹp với những lí giải rất riêng về lối sống, tình yêu nghệ thuật và những điều tạo nên thương hiệu của chính anh.

Chào Tim Phạm, anh có thể chia sẻ đôi chút về con đường bén duyên với nghề graphic design được không?

Tim Phạm: Vào năm 2013, sau khi trở về Việt Nam từ chuyến du học tại Mỹ, tôi được nhận vào Lam Boutique làm việc với vị trí graphic designer. Thật may mắn là sau một tháng làm việc, với sự tin tưởng của chị Lam, tôi được giao cho đảm đương vị trí Art Director.

Theo anh, liệu có điểm khác nhau nào giữa một Illustrator Tim Phạm, một Graphic Designer Tim Phạm và một Art Director Tim Phạm hay không?

Tim Phạm: Về gout thẩm mỹ thì tôi nghĩ không có gì khác nhau. Nhưng nói về sự đa dạng trong phong cách thì có thể xếp theo thứ tự như sau: Illustrator Tim Phạm, Art Director Tim Phạm, và cuối cùng là Graphic Designer Tim Phạm. Tôi quan niệm, làm graphic (đồ họa) hoặc art direct (chỉ đạo nghệ thuật) có thể giống hoặc tương tự nhau nếu cùng gout thẩm mỹ, nhưng nét vẽ thì không thể giống được. Vì vậy Illustrator Tim Phạm sẽ nhất quán nhất trong nét vẽ, và graphic designer Tim Phạm sẽ có sự đa dạng nhất trong thiết kế để có thể chiều lòng khách hàng.

Là một người đa năng với nhiều vai trò như hiện tại, Illustrator, Designer và Art Director và là chủ một homestay kiêm quán cà phê Nấp rất được yêu thích, Tim Phạm cân bằng quỹ thời gian của mình như thế nào?

Tim Phạm: Tôi may mắn được làm trong những môi trường thoải mái không ràng buộc về thời gian, nên việc phân bổ công việc cũng khá dễ dàng. Ngoài ra mỗi thời điểm tôi sẽ đặt ra ưu tiên cho từng việc để có thể dễ dàng cân bằng.

Tim Phạm có gặp khó khăn gì trong việc cân bằng giữa tính bay bổng và thực tế trong quá trình sáng tạo của mình hay không?

Tim Phạm: Làm nghề đã được 8 năm nên tôi cũng rút ra được khá nhiều bài học, đặc biệt là việc phân định rõ ràng giữa những dự án cá nhân và dự án cho khách hàng. Khi làm việc cho khách hàng, tôi luôn đặt yêu cầu của họ lên hàng đầu, và làm tốt nhất có thể những yêu cầu đó với khả năng của mình. Việc bay bổng sẽ được để dành cho những dự án cá nhân.

Hom

“Thần tượng” trong nghề của Tim Phạm là ai?

Tim Phạm: Thần tượng thì tôi có khá nhiều. Nếu kể ra chắc sẽ hết vài trang giấy. Nhưng vài cái tên hiện ra ngay trong đầu tôi ngay lúc này là René Gruau và David Newton (Illustrator), Diana Vreeland (Fashion Editor), Max Bill (Architect/Graphic Designer), Dieter Rams (Industrial Designer), Marcel Breuer, Ludwig Mies van der Rohe, và Le Corbusier (Architect)

Cảm hứng của anh thường đến từ đâu?

Tim Phạm: Đây là câu hỏi tôi được hỏi khá nhiều trong hầu hết tất cả các bài phỏng vấn, nhưng càng trả lời, càng suy ngẫm, tôi lại càng cảm thấy mông lung. Vì tôi nghĩ cảm hứng của tôi đến từ rất nhiều nguồn khác nhau, có thể là từ một bài nhạc, một bộ phim, một tác phẩm nghệ thuật nào đó, hay cũng có thể là từ một kỷ niệm. Nếu bạn là người làm nghệ thuật, bạn sẽ hiểu đuợc ý của tôi. Vì cảm hứng thường rất bất chợt chứ không có một nguồn nhất định.

Giữa làm việc mình yêu và yêu việc mình đang làm, Tim nghĩ mình thuộc vế nào?

Tim Phạm: Tôi thuộc vế làm việc mình yêu. Nói rõ hơn là với tính cách của tôi, phải yêu việc gì thì tôi mới có động lực để làm.

Hãy chia sẻ về một lời khuyên quý giá mà Tim Phạm đã nhận được từ khi làm nghề đến nay nhé!

Tim Phạm: Trong suốt quá trình làm việc, tôi nhận được rất nhiều lời khuyên quý giá mà các anh chị, các bậc tiền bối đi trước chỉ dạy. Tôi không thể nói điều nào quý hơn điều nào. Nhưng có một câu nói tôi đọc đuợc rất hay mà tôi luôn ghi nhớ, xin tạm sử dụng để đại diện cho những lời khuyên: “Perfection is archived not when there’s nothing more to add, but when there’s nothing left to take away” – Antoine de Saint-Exupéry (tạm dịch: Hoàn hảo không phải là khi không còn gì để thêm vào mà là khi không còn gì để bỏ đi.).

Tim Phạm muốn nhắn nhủ điều gì đến những bạn trẻ yêu thích và mong muốn theo đuổi những công việc sáng tạo?

Tim Phạm: Tôi nghĩ trọng trách của một người làm sáng tạo là phải làm đẹp cho đời. Vì vậy, tôi mong các bạn hãy làm nghề dựa trên sự lạc quan và tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội. Đừng tạo ra những sản phẩm với nội dung hoặc mục đích tiêu cực.

Tim Phạm có thể chia sẻ một số dự định cá nhân của mình trong thời gian tới chứ?

Tim Phạm: Trong thời điểm dịch bệnh này tôi cũng chưa dám nói trước điều gì. Quan trọng là làm tốt những việc của ngày hôm nay đã.

Sau công việc, bây giờ hãy nói về cuộc sống cá nhân và phong cách ăn mặc một chút nhé. Tim Phạm mô tả phong cách cá nhân của mình thế nào? Và cảm hứng ăn mặc của anh đến từ đâu?

Tim Phạm: Từng thời điểm tôi có một phong cách khác nhau. 5 năm trước, tôi sẽ luôn chỉnh tề trong quần chinos (kha-ki) hoặc quần tây cùng với áo sơ mi. Tóc sẽ luôn rẽ ngôi 7-3 và được chải chuốt kỹ càng. Còn trong thời điểm hiện tại, hình ảnh được nhìn thấy thường xuyên của tôi là quần jeans áo thun hoặc áo sơ mi oversize. Có lẽ cảm hứng đó đến từ hình ảnh của “80s dads style” (phong cách thời trang điển hình của những ông bố thập niên 80).

Ba màu sắc đại diện cho Tim Phạm?      

Tim Phạm: Nhắc đến tôi có lẽ bạn bè xung quanh sẽ nghĩ đến màu đỏ burgundy. Màu đỏ cũng là màu may mắn của tôi, tuy nhiên phải là đỏ thẫm. Hình ảnh tôi đăng tải trên mạng thường có tông màu nâu. Còn nội thất và quần áo tôi sử dụng khá nhiều màu đen.

5 items mà Tim Phạm không thể thiếu khi ra ngoài?

Tim Phạm: Quần, áo, giày, điện thoại, bóp tiền. Tôi nghĩ chắc 90% mọi người cũng sẽ có câu trả lời tương tự.

Tim Phạm rất hay chia sẻ về góc bình yên của mình tại nhà riêng trên mạng xã hội, anh cho mình là một “homebody” nghiện nhà hay một người thích ra ngoài nhiều hơn?

Tim Phạm: Không cần suy nghĩ nhiều, chắc chắn tôi thuộc tuýp người “nghiện nhà”. Việc ra đường và tiếp xúc với quá nhiều người lạ cùng lúc làm tôi cảm thấy bị mệt và mất khá nhiều năng lượng.

 Luôn duy mỹ trong mọi khía cạnh của cuộc sống từ công việc đến mạng xã hội, liệu có khi nào Tim “dung túng” cho một sự “lộn xộn” hoặc “ít đẹp” nào đó không?

Tim Phạm: Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là sự đồng nhất trong gu thẩm mỹ. Vì nếu có sự đồng nhất thì dù có bừa bộn đi chăng nữa nó cũng sẽ có cái đẹp riêng. Còn nếu không đồng nhất, có sắp xếp cỡ nào thì cũng sẽ cảm giác bừa bộn thôi. Tuy nhiên, đồng nhất ở đây không có nghĩa là phải mua đồ nội thất theo bộ hay chọn quần áo theo cùng một màu. Đồng nhất ở đây mang ý nghĩa về phong cách. Nếu bạn tìm được phong cách yêu thích của mình, hãy tìm hiểu kỹ về nó và bám theo nó.

Có thể nhận thấy phong cách ăn mặc lẫn tư duy thiết kế của Tim Phạm dường như luôn mang một vẻ đẹp rất cổ điển, rất sạch và rất tĩnh, liệu anh đã từng thử nghiệm nhiều phong cách trước đây để tìm ra cái dành cho mình hay đây chính là mĩ cảm có sẵn trong con người Tim Phạm?

Tim Phạm: Tôi nghĩ nếu nói về phong cách của tôi, từ cổ điển đúng nhưng lại không đúng. Vì khi dùng từ cổ điển, đa số người Việt sẽ nghĩ đến những gì hoài cổ, xưa cũ. Có lẽ vì trong đó có từ ‘cổ’ mang ý nghĩa là ‘cũ xưa’. Nhưng thực chất, từ ‘cổ điển’ lại có ý nghĩa là “một tác phẩm hoặc điều gì đó nổi bật nhất trong một khoảng thời gian và được coi là hình tượng mẫu mực của thời điểm đó”.  Với định nghĩa này thì hoàn toàn đúng với phong cách của tôi. Tôi luôn có xu hướng bị hấp dẫn và trân trọng những giá trị đặc biệt của các giai đoạn.

Nhắc đến cổ điển, Tim Phạm dường như rất yêu vẻ đẹp của Việt Nam một thời? Tình yêu này bắt đầu từ đâu và Liệu Tim Phạm có phải là người theo chủ nghĩa quá khứ?

Tim Phạm: Tôi không nghĩ mình hoàn toàn theo chủ nghĩa quá khứ. Đúng là quá khứ và kỷ niệm có ảnh hưởng khá lớn trong đời sống của tôi. Ví dụ như thỉnh thoảng tác phẩm của tôi sẽ được lấy cảm hứng từ một kỷ niệm hoặc một trải nghiệm nào đó trong quá khứ. Nhưng mục đích cuối cùng của những tác phẩm đó thường có xu hướng phục vụ cho hiện tại hoặc tương lai nhiều hơn. Còn về vẻ đẹp của Việt Nam một thời, đặc biệt là hội hoạ Đông Dương, tôi muốn được dùng từ trân trọng. Đó là niềm tự hào của người Việt Nam, vì vậy tôi muốn được góp phần bảo tồn và lan toả niềm tự hào đó cho các thế hệ sau này.

Sau quá khứ, chúng ta sẽ di chuyển đến thì tương lai nhé, Tim Phạm hình dung mình trong 5 năm tới như thế nào?

Tim Phạm: 5 năm nữa hy vọng tôi có thể dần giảm bớt được khối lượng công việc và dành được nhiều thời gian hơn cho những sở thích cá nhân. Nhưng tất nhiên cũng là những sở thích liên quan đến sáng tạo.

Vậy Tim Phạm quan niệm điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của mình?

Tim Phạm: Trong cuộc sống thì đối với tôi có nhiều yếu tố quan trọng, còn tuỳ vào trường hợp. Nhưng nếu nói về công việc sáng tạo thì tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất luôn cần phải có là cảm xúc.

Xin cảm ơn Tim Phạm đã dành thời gian thực hiện phỏng vấn với ELLE Man. Chúc anh luôn gặt hái được nhiều thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Thiên

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Blair

Hình ảnh: NVCC

No more