Quấy rối tình dục bằng lời nói: Lằn ranh mong manh

Bài EM Digital Editor

Một show truyền hình gần đây đã tạo ra một làn sóng chỉ trích gay gắt cũng như châm ngòi cho những cuộc tranh cãi không có hồi kết về việc Có hay Không quấy rối tình dục bằng lời nói hay cụ thể hơn chính là Lời khen. Quấy rối tình dục bằng lời nói không mới, nhưng ít được xem trọng đúng mức, đặc biệt khi được che chắn bằng những lời bào chữa như “vô tình, vô ý hay vô hại”. Vậy làm thế nào để nam giới trở nên đúng mực trong lời nói và không vô tình đẩy mình vào vị trí mang tên “kẻ quấy rối”?

Giới và những bấp bênh, bất bình đẳng xoay quanh phạm trù “giới” hiện là một trong những vấn đề nổi cộm và được đấu tranh hàng đầu. Bên cạnh việc đấu tranh cho bình đẳng về giá trị, phá bỏ chênh lệch lương theo giới thì vấn đề giới nhức nhối nhất mà dường như mỗi người, cả nam lẫn nữ đều ít nhất thấy mình có liên đới –  trải qua, thực hiện (vô tình hay hữu ý), chứng kiến hoặc chí ít là từng nghe qua chính là nạn Quấy rối tình dục (QRTD).

 

Quấy rối tình dục bằng lời nói không mới, nhưng nó ít được xem trọng đúng mức, đặc biệt khi được che chắn bằng những lời bào chữa như “vô tình, vô ý hay vô hại” hay phủi phui hơn là “đàn ông mà” để rồi không bao giờ phải chấm dứt.

Lời nói có thể trở thành một công cụ hữu dụng với sức công phá không thua gì vũ khí hạng nặng. Và vì đó những tổn thương vì lời nói, những nỗi sợ hãi, ám ảnh và sự phá hủy từ bên trong hoàn toàn là thật, đặc biệt với những lời nói mang hàm ý QRTD mà phụ nữ phải đối diện hàng ngày, hàng giờ ở mọi nơi từ môi trường làm việc đến cuộc sống hàng ngày, khiến cuộc sống của một nửa còn lại của thế giới trở nên đầy căng thẳng và bất an.

Một show truyền hình gần đây đã tạo ra một làn sóng chỉ trích gay gắt cũng như châm ngòi cho những cuộc tranh cãi không có hồi kết về việc Có hay Không quấy rối tình dục bằng lời nói hay cụ thể hơn chính là Lời khen. Đối với một số, dường như đây hoàn toàn là một khái niệm khá lạ lẫm và đi ngược lại những giá trị truyền thống của lời khen về sự khích lệ, ngưỡng mộ và lịch thiệp, tuy nhiên nếu thật sự đào sâu vào “lịch sử” của những lời khen chúng ta trao nhau hằng ngày hay nghe thấy hằng ngày, dường như một số chúng đang mang trong mình cái mác quấy rối tình dục mà cả người khen lẫn người được khen dường như đã xem nhẹ. Còn đối với số còn lại, đặc biệt là phụ nữ, đây đích thực là biểu hiện của kiểu quấy rối mà họ phải trải qua hằng ngày khi mà việc đấu tranh dường như là muối bỏ bể với đa số đối phương thay vì chọn nâng cấp về ứng xử lại chỉ khư khư thái độ nhún vai cho qua “cho vui”, “không cố ý”, “nến lấy đó làm vinh dự” và “đừng làm quá lên như thế”.

Chúng ta không nói chỉ phụ nữ là đối tượng bị quấy rối, tuy nhiên với số đông những trường hợp người thường xuyên hứng chịu sự quấy rối là phụ nữ, đã đến lúc, nhưng thật tình mà nói đã từ rất lâu rồi, đàn ông nên điều chỉnh và tinh chỉnh  ứng xử của mình với phái còn lại. Với mục đích trong sáng, sự thay đổi trong việc truyền đạt không làm hại ai, mà mặt khác còn giúp thông điệp truyền đi một cách đúng đắn, tránh sai lệch và thể hiện tính văn minh và tinh tế của mỗi người. Đã đến lúc sự “vô tình” nên được xem như “có tội” và việc nhận thức rõ để đi đến ứng xử bằng lời nói văn minh trở thành chuẩn mực mới trong giao tiếp xã hội.

Nguyên

Nhận thức đúng về Quấy rối tình dục và Quấy rối tình dục bằng lời nói

Trước tiên, cần phải hiểu đúng về quấy rối tình dục và quấy rối tình dục bằng lời nói.

“Quấy rối tình dục” là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.

Biểu hiệu của việc Quấy rối tình dục bằng lời nói:

Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.

(Theo BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ VỀ QUẤY RỐI TÌNH DỤC TẠI NƠI LÀM VIỆC)

Làm sao để không trở thành một kẻ quấy rối bằng lời nói

Để ứng xử văn minh, phù hợp và không gây những lỗi giao tiếp mang tính quấy rối tình dục đối với phụ nữ, nam giới cần nhận thức những hành vi quấy rối tình dục và dừng hoặc tránh những lời nói thiếu suy nghĩ và không phù hợp.

Dựa vào khái niệm về QRTD, chúng ta sẽ có cho mình một bộ lọc hành vi hai tầng sau đây.

Tầng 1 – Lời nói không được chấp nhận: Là những hành vi, bao gồm cả hành động và lời nói vượt khỏi quy chuẩn đạo đức mà mỗi người chúng ta bất kỳ ai cũng có khả năng nhận ra và dừng lại ngay từ ban đầu. Cần gạt bỏ hoàn toàn khái niệm “Vật hóa” (Objectification) và “Tình dục hóa” (Sexualization) phụ nữ, đẩy lùi “Cái nhìn nam giới” (The male gaze) trong các lĩnh vực văn hóa xã hội cũng như giải trí. Những khái niệm trên tưởng chừng như quá lớn lao để có thể phạm phải, nhưng nếu tinh ý nhận ra, chúng đều có mặt trong những lời giao tiếp tưởng chừng như vô hại hằng ngày, và đặc biệt là trong những cuộc trò chuyện giữa nam giới với nhau. Hành xử văn minh và không quấy rối tình dục không chỉ dừng lại ở việc giao tiếp nam – nữ mà còn trong những cuộc hội thoại hoàn toàn vắng bóng đối tượng nữ.

Tầng 1 sẽ là tấm lọc đầu tiên và là ranh giới rõ ràng giữa một người văn minh và một kẻ quấy rối tình dục.

Tầng 2 – Lời nói không mong muốn và không hợp lí.

Với khái niệm có phần hơi trừu tượng và mang tính ước lệ cao, tầng lọc thứ 2 dường như lại là một ranh giới mong manh hơn khi khoảng cách giữa vô tư và vô duyên hay nặng hơn là quấy rối chỉ cách nhau một khoảng cách nhỏ với khả năng dao động vô cùng lớn tùy thuộc vào đối tượng và hoàn cảnh.

Lại nói về show truyền hình và pha “vạ miệng” (hay không chỉ đơn thuần là “vạ miệng?!) phía trên: tại ởmột sân chơi đặt nặng về Năng lực, nhưng lời khen được chốt hạ lại là về phạm trù Nhan sắc. Một lời khen vốn không xấu, lại được thốt lên hoàn toàn sai ngữ cảnh trở nên phản tác dụng và khiến người ta phải đặt câu hỏi về động cơ của người khen, chính là sự thể hiện rõ ràng nhất của yếu tố không mong muốn và bất hợp lí.

Vậy cần làm gì để tránh những lỗi giao tiếp và lối mòn ứng xử kém tinh tế và không đẩy mình vào tình huống quấy rối do thiếu suy nghĩ.

quấy rối tình dục

Thay đổi về tư duy và dẹp bỏ định kiến. Cái nhìn nam giới cố hữu và những định kiến xoay quanh vấn đề giới và phụ nữ cần được đào thải ngay từ bây giờ. Dù muốn thừa nhận hay không, dường như mỗi người đều ít nhiều lớn lên và bị tác động bởi những định kiến giới đã bám rễ từ rất lâu. Để hành xử khác đi, điều đầu tiên cần làm là phá bỏ định kiến để nhường chỗ cho việc tiếp nhận những tư tưởng mới mẻ và đúng đắn hơn trong tư duy.

Không “vật hóa” và “tình dục hóa phụ nữ”.

Tôn trọng và quan tâm đến cảm nhận của đối phương khi giao tiếp. Dù “vô ý” hay “vô hại”, đó vẫn sẽ là hành vi quấy rối hoặc đơn thuần là vô duyên nếu đối phương cảm thấy khó chịu hoặc không thoải mái. Và đặc biệt cần dẹp bỏ đi tư tưởng về việc “trêu ghẹo” đồng nghĩa với tán dương và sự tự hào ở phụ nữ. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ có một dấu “=” mới đúng đắn hơn, khi trêu ghẹo đồng nghĩa với quấy rối.

Dừng những trò đùa nhạy cảm và phản cảm. Cốt yếu của việc bông đùa là tạo niềm vui, nếu người được bông đùa cảm thấy không vui hay thậm chí là cảm thấy bị xúc phạm, câu chuyện nên được nhìn nhận lại hoặc nên được dừng lại ngay trên đầu lưỡi.

Chọn lựa từ ngữ phù hợp. Những mĩ từ như giỏi giang, có năng lực, thông minh hay thậm chí là xinh đẹp, tinh tế v.v… không có lí do gì phải được thay thế bởi những từ ngữ suồng sã như “tươi”, hay “ngon” trong mọi hoàn cảnh, vì một lần nữa, phụ nữ không phải một bó rau. Việc chọn lựa từ ngữ cũng phản ánh phẩm chất của người nói nên không lí gì chúng ta nên chọn những ngôn từ chối tai thay vì những từ ngữ lịch sự và duyên dáng hơn rất nhiều.

Những lời khen ĐÚNG LÚC ĐÚNG CHỖ. Những lời bình phẩm về ngoại hình dù mĩ miều và chân thành đến đâu cũng đã đến lúc nhường chỗ cho sự quan tâm và đánh giá đúng đắn về những phẩm chất mà bản thân phụ nữ phấn đấu để đạt được như năng lực, và tinh thần, thái độ làm việc v.v… Tập trung vào những phẩm chất dựa vào phấn đấu mà có sẽ góp phần đẩy lùi sự thiếu bình đẳng dựa vào thiên kiến nhan sắc, hệ lụy nhan sắc (female fatal effect), dẫn đến áp lực không cần thiết cho người khác và tạo ra môi trường làm việc an toàn thoải mái cho tất cả.

Cuối cùng và quan trọng nhất, không chỉ là nam giới, mỗi người nên giữ cho mình thói quen suy nghĩ và cân nhắc kĩ càng trước khi nói, giữ một thái độ “mở” để tiếp nhận và thay đổi, không tự bào chữa hay tiếp tục phạm những sai lầm có thể tránh từ đầu để đẩy lùi các định kiến giới và đấu tranh cho một môi trường bình đẳng mà bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy an toàn và dễ chịu khi sống.

Ăn nói tinh tế và ứng xử lịch thiệp sẽ cần một sự trui rèn lâu dài với sự cân nhắc kĩ càng trong lề lối suy nghĩ, còn ứng xử không quấy rối tình dục sẽ đơn giản hơn nếu chúng ta biết tránh sa đà vào những cái “bẫy” cũ kĩ ngay từ lúc này.

Nguyên

___

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man Việt Nam

Bài: Blair

No more