Sức khỏe 03/12/2021

Mùi cơ thể tiết lộ điều gì về sức khỏe của bạn?

Bài ELLE Team

Mùi cơ thể đóng vai trò như một tấm kính phản chiếu tình trạng sức khỏe của bạn. Một số triệu chứng của các căn bệnh thậm chí còn tạo ra mùi thơm đặc biệt. Vậy làm thế nào để bạn biết nếu bạn gặp vấn đề sức khỏe? ELLE Man sẽ đưa bạn thông tin rõ hơn về dấu hiệu mùi trên cơ thể.

Những dấu hiệu thông báo về sức khỏe bất ổn thường xuyên xuất hiện dễ thấy và mùi hương chính là một trong số đó. Mùi đột ngột trở nên lạ thường chính là lời cảnh báo về sức khỏe và bạn cần phải quan tâm đến cơ thể của mình, ELLE Man mời bạn đọc tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Mùi cơ thể phản ánh tình trạng sức khỏe
Ảnh: Shutterstock

Mùi cơ thể có từ đâu?

Hầu hết mỗi người đều có từ 2 đến 5 triệu tuyến mồ hôi ngoại tiết rải rác khắp cơ thể. Chức năng chính của bài tiết mồ hôi là điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bằng cách giúp hạ nhiệt khi nhiệt độ quá cao. Và mùi hương trên người của chúng ta phần lớn phát sinh từ một loại mồ hôi tiết ra từ các tuyến apocrine ở nách, ngoài ra, hơi thở của miệng, mùi xuất phát từ các bộ phận cũng được coi là mùi cơ thể.

Ảnh: Chern Ling

Mồ hôi tương đối không mùi và chỉ trở thành mùi “thơm” nồng nặc khi vi khuẩn sống trên người tiêu thụ mồ hôi làm thức ăn, tạo ra các chất thải và chính những chất thải này là nguyên nhân gây ra mùi khó chịu. Những mùi này có thể cung cấp manh mối về tình trạng sức khỏe của chúng ta đang ổn hay không.

7

Mùi trên cơ thể nói lên điều gì về tình trạng sức khỏe?

Mùi cơ thể có thể đánh giá tình trạng sức khỏe
Ảnh: Shutterstock

Những thay đổi về mùi cơ thể cũng có thể có nghĩa là bạn đang bị ốm hoặc mắc phải một bệnh lý tiềm ẩn. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, các tình trạng gây ra mùi như tiểu đường, bệnh thận, bệnh gan có thể chuyển biến xấu và làm cho mùi hương trên người trở nên trầm trọng hơn. 

1. Hơi thở có mùi lạ

Hơi thở có mùi
Ảnh: Dollar Shave Club

Thức dậy với hơi thở có mùi là bình thường vì cơ thể bạn tiết ra ít nước bọt khi đang ngủ. Nước bọt giúp loại bỏ vi khuẩn gây mùi, vì vậy hơi thở của bạn cũng có thể có mùi khó chịu khi bạn đói hoặc mất nước. Nhưng nếu nó có những mùi sau thì bạn nên lưu ý:

– Mùi trái cây: Đừng vội mừng khi bạn thấy hơi thở của mình thơm tho. Hãy cẩn thận khi nó có mùi trái cây, không phải tự nhiên thơm mà đây chính là dấu hiệu cảnh báo có thể bạn đã mắc chứng bệnh tiểu đường. 

Theo ý kiến của tiến sĩ Robert Gabbay – Giám đốc phụ trách chuyên môn của Trung tâm bệnh tiểu đường Joslin ở Boston, Mỹ – cho biết ở người bệnh tiểu đường (đặc biệt là mức độ 1) có biến chứng gọi là DKA, tức là khi cơ thể họ thiếu insulin nên không thể chuyển hóa đường thành năng lượng và phải phân hủy các axit béo để thay thế. Điều này dẫn đến việc hình thành xeton trong máu. Và axeton (thành phần chính của xeton) sẽ tạo nên mùi trái cây trong hơi thở người bệnh tiểu đường,

Nếu như mùi trái cây thường xuyên xảy ra trong hơi thở và bạn cũng đi tiểu nhiều thì điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ ngay. 

– Mùi trứng thối: Khi xuất hiện mùi trứng thối chứng tỏ sức khỏe về khoang miệng của bạn đang không tốt , vấn đề ấy bao gồm nhiễm trùng xoang, bệnh nướu răng, trào ngược axit và triệu chứng khó thở khi đi ngủ. Nếu bạn không tự mình cải thiện được mùi này thì hãy đặt lịch khám bác sĩ để trị dứt điểm.

2. Chất thải có mùi nồng nặc hơn bình thường

– Mùi khi đi nặng

mùi nồng nặc khi đi nặng
Ảnh: Shutterstock

Phân tự nhiên có mùi do vi khuẩn và các hợp chất. Nhưng nếu nó có mùi nặng hơn bình thường và kèm theo các triệu chứng khác như tiêu chảy, đau bụng hoặc buồn nôn, thì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

Một số vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng có thể đã xuất hiện trong dạ dày, loại phổ biến thường thấy là Giardiasis là một loại tiêu chảy gây ra phân có mùi hôi bất thường. Ký sinh trùng Giardia, thường được tìm thấy trong nước và thức ăn không được xử lý, gây ra bệnh này.

– Mùi nước tiểu

Mùi nồng nặc khi đi vệ sinh
Ảnh: Shutterstock

Là hỗn hợp của nước và chất thải còn sót lại từ thận, nước tiểu chủ yếu có ít hoặc không có mùi. Nhưng nếu bạn thường xuyên ngửi thấy mùi amoniac, đó là dấu hiệu bạn cần uống nhiều nước hơn. Một số loại thực phẩm, như măng tây, có thể làm thay đổi mùi nước tiểu của bạn. Vì vậy có thể bổ sung nước và các chất lỏng không chứa caffeine khác là đủ để giúp bạn trở lại bình thường.  

Tuy nhiên, nếu bạn đã ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tránh xa các chất phía trên nhưng mùi vẫn không thuyên giảm, vậy thì bạn nên cân nhắc về việc đi gặp bác sĩ vì khả năng cao là bạn đã bị nhiễm trùng đường tiểu. Bệnh này thường gặp ở phụ nữ hơn là đàn ông nên cũng chính vì thế mà cánh mày râu thường phớt lờ mùi lạ trong nước tiểu.

Nhiễm trùng đường tiểu có thể báo hiệu những vấn đề nghiêm trọng của sức khỏe như sỏi thận, tiểu đường, phì đại tiền liệt tuyến. Do đó hãy đến bệnh viện kiểm tra nước tiểu nếu bạn thấy mùi khác thường, nghi có vấn đề.

10

3. Vùng dưới xuất hiện mùi khó chịu

Vùng tam giác thường bị “ủ bí” suốt ngày dài, do đó nếu không được chăm sóc cẩn thận sẽ dễ khiến bốc mùi lên và dính phải một số bệnh ngoại khoa liên quan. Nếu bạn chưa cắt bao quy đầu, các tế bào da chết và chất lỏng thải ra có thể còn sót lại và tích tụ trong bao quy đầu của bạn. Việc này trở thành một chất có mùi giống như pho mát được gọi là smegma và lâu dần sẽ biến thành một loại bệnh da liễu và thật phiền phức và ngại ngùng khi phải đem cậu nhỏ ra để chữa trị. 

Vì thế, hãy rửa sạch và quan tâm chú tiểu của mình mỗi ngày để ngăn chặn điều này xảy ra. 

mùi cơ thể vùng hạ bộ
Ảnh: Stock5

Nên nhớ phải để tâm đến sức khỏe và cả chăm sóc thân thể để không khiến bản thân bị bốc mùi. Nhưng nếu gặp phải bất kỳ mùi bất thường được kể phía trên, bạn hãy tìm gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân gây ra mùi hôi đó và kịp thời chữa trị dứt điểm, trả lại phong thái tự tin cuốn hút khi giao tiếp với phái đẹp.

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Thùy Linh

Nguồn tham khảo: Web MD, CBHS Health, Time.

No more