Năng lực thân mật
Hầu như rất ít người cảm thấy rằng sự thân mật cũng là một loại năng lực cần học tập và nuôi dưỡng. Chúng ta thường nghĩ ai cũng đều có thể thiết lập mối quan hệ thân mật với người khác và đó là một bản năng tự nhiên. Kỳ thực không phải lúc nào bạn cũng được trời phú cho khả năng này.
Có những người luôn sợ cảm giác thân mật. Họ e ngại và thấy khó khăn khi phải tiếp cận quá gần gũi với một người nào đó. Khi chủ động kéo gần khoảng cách với đối phương, họ thường cảm thấy dường như đang tự hạ thấp bản thân hoặc là người kia sẽ gây tổn thương cho mình, vì vậy những người này luôn có xu hướng “gói” mình lại thật kỹ trước khi bước vào một mối quan hệ.
Cũng nguyên do này cho dù cả hai có ở bên nhau bao nhiêu lâu thì vẫn không thể tiến sâu vào nội tâm của đối phương, không bao giờ có được cảm giác an toàn, tin cậy và gắn kết. Vì vậy, học cách yêu trước hết chính là học cách tiếp cận người khác trong tâm thái tự tin, cởi mở và chân thành.
Năng lực thấu hiểu
Muốn tạo dựng bất cứ mối quan hệ gắn bó nào, đặc biệt là trong tình yêu thì sự thấu hiểu là một trong những yếu tốthen chốt. Yêu một người thì cần phải hiểu người đó, hiểu từng nhu cầu, tính khí, sự từng trải, sở thích, điểm yếu, điểm mạnh và quan niệm sống của đối phương.
Chỉ khi thấu hiểu thật sâu sắc ai đó, bạn mới đủ bao dung để yêu người ấy, và khiến đối phương cảm nhận được tình yêu ngược lại từ bạn.
Năng lực biểu đạt
Sau khi đã thật sự thấu hiểu đối phương, làm sao để bày tỏ tình cảm của bạn một cách hoàn hảo nhất là điều không kém quan trọng. Học cách yêu cũng có nghĩa là bạn cần học cách dùng những phương pháp biểu đạt nào mà đối phương có thể cảm nhận được tâm ý của bạn chứ không phải yêu một người bằng cách mà bản thân cho rằng đó là yêu.
Nói vềchuyện thể hiện tình yêu chắc hẳn nhiều người cảm thấy dư thừa vì nghĩ rằng đó là chuyện rất tự nhiên và dễ dàng. Tuy nhiên, thực tếkhông hềđơn giản như vậy. Rất nhiều người luôn chú ý quá nhiều vào bản thân mình nhưng chỉ nhìn thấy ưu điểm mà thôi, trong khi đó bạn lại có xu hướng tập trung vào khuyết điểm và lỗi lầm của người bên cạnh.
Một khi có cơ hội thì ngay lập tức dùng mọi cách để chứng minh rằng “Tôi tốt, anh/em không tốt” như một cách đem lại cảm giác tự tôn cho chính mình. Tâm lý này rất dễ làm tổn thương đối phương và khiến tình cảm rạn nứt.
Năng lực chịu trách nhiệm
Trách nhiệm chân chính không phải chỉ là trách nhiệm với đối phương mà bất cứ ai trước khi yêu một người, hãy nên học cách sống có trách nhiệm với chính mình. Khi bạn luôn miệng nhân danh tình yêu nhưng mọi hành động đều vị kỉ và không nghĩ đến cảm giác của đối phương thì thật khó để có một mối quan hệ ổn định và hạnh phúc.
Trong tình yêu, mỗi người đều phải có lòng trách nhiệm với bản thân và với tổ ấm chung của đôi lứa. Chỉ có như vậy, khi xảy ra vấn đề, không ai trốn tránh hay đùn đẩy trách nhiệm mà luôn có thể bình tâm, thấu hiểu đối phương để cùng tìm giải pháp.
Năng lực tiếp nhận
Có thể nói đây là một khả năng quan trọng nhất trong tình yêu. Yêu thật sự là phải tiếp nhận cả con người đó với mọi ưu khuyết điểm chứ không phải cố gắng “cải tạo” đối phương theo hình mẫu của bạn.
Chỉ khi bạn có thể bao dung và chấp nhận người kia một cách toàn diện thì mới có được lòng tôn trọng đối phương, giúp cả đôi bên luôn biết đứng ở vị trí của người kia để suy nghĩ và đối xử.
Học cách yêu là học chấp nhận hoàn toàn con người của đối phương và cả bản thân bạn. Thấu hiểu được ưu khuyết điểm của cả hai để có thể cảm thong và giúp nhau ngày càng hoàn thiện.
—
Lê Phương (Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man, tham khảo: lady)