Tạp chí 11/07/2019

Thể thao điện tử E-sports và hiệu ứng thúc đẩy du lịch

Bài Tri Duc

Thể thao điện tử (E-sports) nói chung và dòng game “hot” nhất nhì hiện nay là “Liên Minh Huyền Thoại” nói riêng đang tạo nên hiệu ứng đáng kinh ngạc cho ngành du lịch, điển hình là việc thu hút một lượng rất lớn khách nước ngoài đến với các sự kiện game lớn, chẳng hạn như Mid- Season Invitational (MSI).

Dù là những nước có nền công nghiệp thể thao điện tử phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ hay những quốc gia chưa dành nhiều sự quan tâm cho bộ môn thể thao này như Nhật Bản cũng dần nhận ra rằng, E-sports chính là sản phẩm mới mẻ và thú vị để đầu tư nhằm kích thích sự phát triển của ngành du lịch.

Trung Quốc

Trung Quốc là một miếng bánh lớn trong bất cứ ngành công nghiệp nào. Chúng ta có thể thấy Tencent, công ty chủ quản của Riot Games – nhà phát hành của một trong những tựa game hot nhất hiện nay “Liên Minh Huyền Thoại”- đã hợp tác với chính quyền địa phương thành phố Vũ Hồ để xây dựng một sân vận động E-sports với quy mô lớn vào tháng 5 năm ngoái. Họ cho biết sẽ cố gắng biến nó thành một trung tâm văn hóa cũng như một trong những sân vận động E-sports lớn nhất tại nước này. Đặc biệt, sân vận động này sẽ lấy chủ đề là “Liên Minh Huyền Thoại”, những người hâm mộ E-sports nói chung và tựa game này nói riêng, thậm chí là những khách du lịch không biết đến thể thao điện tử cũng có thể đến đây để tham quan như một địa điểm du lịch. Không chỉ kích thích ngành du lịch địa phương, Tencent hy vọng rằng khách tham quan sẽ dễ dàng tiếp cận và có cái nhìn tích cực hơn về thể thao điện tử.

Chung kết “Liên Minh Huyền Thoại” 2017 tại sân vận động Oriental Stadium, Thượng Hải.
Chung kết “Liên Minh Huyền Thoại” 2017 tại sân vận động Oriental Stadium, Thượng Hải.

Hoa Kỳ

Mỹ cũng đang nỗ lực trong việc kết hợp hài hòa giữa các điểm thu hút du lịch truyền thống thành các đấu trường thể thao điện tử mang quy mô lớn. Những sân vận động lớn mang tính biểu tượng cho nền văn hóa đại chúng nước Mỹ như Yankee Stadium hay Madison Square Garden vốn dĩ đã là những địa điểm thu hút khách du lịch hàng đầu nước Mỹ, nay được đầu tư và kết hợp thêm nhiều tài nguyên mới nhằm thu hút du lịch ở đây, bao gồm các buổi thi đấu E-sports trực tuyến cũng như các buổi trình diễn truyền thống và các shop bán đồ lưu niệm. Đây cũng là một hình mẫu biểu tượng để các nhà đầu tư khác quan tâm hơn về thể thao điện tử.

Giải đấu Liên Minh Huyền Thoại tại sân vận động Madison Square Garden, Mỹ.

Nhật Bản

Xứ sở “Mặt trời mọc” dù chưa dành nhiều sự quan tâm cho các bộ môn thể thao điện tử, tuy nhiên trong năm 2018, trên trang chủ Tokyo Tourism Official của Cục Du lịch thành phố Tokyo cũng cho ra mắt E-sports Square Akihabara. Đây được xem là một đấu trường chính thức dành cho các vận động viên thi các bộ môn thể thao điện tử tại nước này và đồng thời trở thành một địa điểm du lịch mới cực kỳ thú vị dành cho các du khách khi thăm thú đất nước hoa anh đào.

Trung tâm E-sports Square Akihabara, Tokyo, Nhật Bản.
Trung tâm E-sports Square Akihabara, Tokyo, Nhật Bản.

Trên thực tế, nền thể thao điện tử ở Nhật Bản vẫn còn khá khiêm tốn về số lượng người chơi so với các nước khác. Tuy nhiên kể từ khi có một sân vận động chính thức dành cho các môn thể thao điện tử tại Akihabara, Tokyo, số lượng khách tham quan du lịch từ nước ngoài cùng số lượng các game thủ các nước khác đến đây ngày càng nhiều hơn.

Hàn Quốc

Có thể thấy Hàn Quốc chính là nước đi đầu và có tốc độ phát triển ngành công nghiệp E-sports nhanh nhất. Trong những năm gần đây, việc đến Hàn Quốc và gặp những game thủ thần tượng không còn là điều quá xa lạ. Kể cả khi các game thủ Hàn Quốc đến Việt Nam, họ cũng được chào đón tại sân bay như những thần tượng K-pop.

Hằng năm, chính quyền thành phố Seoul vẫn khởi động chương trình “E-sports Tour Program”, một trong những chương trình kết hợp du lịch đi kèm những chuyến tham quan các sân vận động thi đấu, để du khách có thể trực tiếp xem những game thủ mình yêu thích tại đây.

Một trung tâm E-sports
tại Hàn Quốc.

Không chỉ riêng Seoul, những thành phố khác cũng dành sự quan tâm sâu sắc cho E-sports, những cái tên tiêu biểu có thể kể đến: Thành phố Seongnam gần thủ đô Seoul, chính quyền nơi đây đã và đang mở rộng rất nhiều cơ hội để người hâm mộ E-sports trong nước và thế giới tham dự các sự kiện và lễ hội E-sports; hay thành phố Busan vừa ra mắt kế hoạch “Busan E-sports” nhằm thúc đẩy nền công nghiệp điện tử cũng như các vấn đề xoay quanh. Theo đó, chính quyền Busan sẽ xây dựng một trung tâm thể thao điện tử quốc tế R&D. Đây sẽ là nơi diễn ra các giải đấu hàng đầu của tất cả bộ môn thể thao điện tử trong nước cũng như quốc tế.

Hướng đi này đưa Seoul, Seongnam, Busan trở thành những địa điểm du lịch trọng điểm của Hàn Quốc khi biết đón đầu một trong những xu thế toàn cầu lớn hiện nay, du lịch E-sports.

Lời kết

E-sports là một nguồn tài nguyên nhiều tiềm năng mới để ngành du lịch khai thác ở hiện tại cũng như tương lai. Mục đích cuối cùng của những fan hâm mộ bộ môn thể thao điện tử khi đến với những quốc gia này chính là được trải nghiệm không gian thi đấu E-sports cũng như thưởng thức các cuộc tranh tài đỉnh cao giữa các game thủ. Tuy nhiên, nếu biết khéo léo lồng ghép yếu tố văn hóa đặc trưng và những tài nguyên du lịch nội địa vào các sự kiện, E-sports chắc chắn sẽ đem lại kết quả tích cực giúp ngành du lịch tăng trưởng đáng kể.

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Hậu Nguyễn – Ảnh: tư liệu

cùng chuyên mục

No more