Tạp chí 21/08/2020

Giày sneakers và chặng đường 3 thế kỷ

Bài ELLE Man

Bạn có biết để có những thiết kế và công năng như ngày nay, giày thể thao hay còn gọi là giày sneakers đã trải qua rất nhiều thay đổi liên tục trong suốt gần 3 thế kỷ qua?

Thế kỷ 19 – Khởi thủy của những đôi giày sneakers

Đôi giày sneakers đầu tiên ra đời vào năm 1832 được phát minh bởi Wait Webster với chất liệu cao su bọc toàn bộ chân. Lúc này chúng vẫn chưa được xem là giày thể thao vì mục đích ra đời là để đi trên bãi biển. Trên thực tế, những đôi giày thể thao đầu tiên lại ra đời vào thế kỷ 18 tại Anh quốc khi chạy bộ là môn thể thao thời thượng. Tuy nhiên, giày chạy thời này lại được làm bằng da, dễ bị biến dạng khi gặp nước.

Canvas và cao su – Sự kết hợp kinh điển

Giày canvas đế cao su được xem là phát minh mang tính ứng dụng và kinh điển đến ngày nay. Năm 1892, hãng Goodyear cho ra đời mẫu giày đầu tiên có đế cao su dày kết hợp với thân vải canvas mang tên Ked’s. Mẫu giày này có cả phần thắt dây chéo dễ dàng mang, tháo và di chuyển.

Năm 1917, thương hiệu giày nổi tiếng của Mỹ thành lập năm 1908, Converse, cho ra đời đôi All Stars lừng danh dành cho thể thao trong nhà. Tên tuổi của All Stars trở nên nổi như cồn khi gắn liền với vận động viên bóng rổ Chuck Taylor.

Nhắc đến giày canvas đế cao su không thể bỏ qua Vans, thương hiệu được dân trượt ván ưa chuộng được thành lập năm 1966 tại California.

Những gã khổng lồ xuất hiện

Giày thể thao đế cao su trở nên phổ biến vào thập niên 20. Năm 1920, anh em nhà Dassler người Đức thành lập công ty chuyên về giày thể thao chuyên nghiệp và trở nên nổi tiếng khi vận động viên Jesse Owens giành được 4 huy chương vàng tại Olympic Berlin 1936.

Nhưng đến năm 1948, cả hai trở thành đối thủ. Rudolph thành lập PUMA còn Adolf bắt đầu với ADIDAS dựa trên tên “cúng cơm” Adi của mình.

Năm 1949 Nhật Bản xuất hiện niềm tự hào sneakers mang tên ONITSUKA TIGER bởi Kihachiro Onitsuka.

Trước khi trở thành NIKE, đặt theo tên Nữ thần chiến thắng của Hy Lạp, thương hiệu thể thao nổi tiếng với slogan “Just do it” có tên Blue Ribbon Sports thành lập năm 1964 bởi Phil Knight. Thời bấy giờ, Nike nổi tiếng với đế Waffle được phát minh trong lúc ăn sáng của người đồng sáng lập Bill Bowerman.

Phụ kiện thể thao có tính khoa học

Mục đích sử dụng chính của giày sneakers vẫn luôn là phục vụ hoạt động thể thao. Nhằm phát huy hết những tính năng hỗ trợ vận động, khoa học trở thành một phần quan trọng trong sản xuất mẫu mã của những thương hiệu sneakers.

Mặc dù thành lập từ năm 1906, nhưng đến năm 1962, New Balance mới tạo được sức ảnh hưởng khi cho ra đời phần đệm lót hỗ trợ cho giày thể thao đầu tiên.

Năm 1978, Nike cộng tác với một kỹ sư Nasa để phát triển phần đế có đệm khí ở đế đầu tiên cho đôi Tailwind nhưng không được đón nhận.

Mãi đến năm 1987, công nghệ bóng khí đặt trong đế trở lại với Air Max I, mang đến thành công và giúp Nike trở thành thương hiệu tỷ đô.

Từ đâu có cái tên “SNEAKERS”?

Có hai giả thuyết cho tên gọi “sneakers”. Đầu tiên, những đôi giày thể thao đế cao su tạo ít tiếng động hơn những đôi giày da, tiện lợi cho việc “rình rập” (sneak) hơn. Giả thuyết còn lại là những đôi giày đế cao su trở nên phổ biến với tầng lớp lao động ở Mỹ vì giá thành rẻ hơn giày da. Những đôi plimsoll bằng vải đế cao su từng được ví với cái tên “sneaks”, gần nghĩa với “kẻ cướp” đối với ngành giày da.

Giày sneakers và văn hóa đại chúng

Không chỉ nổi tiếng trong thế giới bóng rổ, đôi All Star Chuck Taylor màu đen đế trắng kinh điển của Converse còn trở thành biểu tượng thời trang vượt thời gian gắn liền với những cái tên đình đám như James Dean, Kurt Cobain, Patti Smith, Andy Warhol.

Đôi Onitsuka Tai Chi trở nên đình đám sau khi Lý Tiểu Long mang nó trong bộ phim Game of Death. Đôi giày vàng với những đường cong màu đen mềm mại trở nên kinh điển một lần nữa khi Uma Thurman mặc lại đúng bộ phục trang của Lý Tiểu Long trong siêu phẩm Kill Bill.

Năm 1989, đôi Nike MAG xuất hiện trong bộ phim sci-fi Back to the Future 2 ăn khách và trở thành hiện tượng sau đó và từng được bán với giá gần 100.000 USD.

Kỷ nguyên cộng tác và biểu tượng xa xỉ

Những dự án “collab” đã trở thành công cụ marketing quan trọng của thế giới sneakers. Phi vụ cộng tác đầu tiên thành công nhất bắt đầu từ năm 1984 giữa Nike và cầu thủ bóng rổ Michael Jordan với thiết kế Nike Air Jordan I nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt.

adidas được xem là ông hoàng của collab với nhiều phi vụ thành công ngắn lẫn dài hạn, trong đó có Y-3 với Yohji Yamamoto từ 2003, Yeezy với Kanye West từ 2015, với Rick Owens từ 2014, với Raf Simons từ 2013 hay mới đây là với Prada.

Nike cũng không kém cạnh với một danh sách dài những cái tên lừng lẫy từng cộng tác như Kanye West, Virgil Abloh, Comme des Garcons, Atmos, Undercover nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là thương vụ cộng tác hơn 20 năm với Supreme từ năm 2002.

Sneakers ngày nay không còn là sân chơi của các thương hiệu thể thao. Những thương hiệu cao cấp cũng đã mở rộng thêm dòng giày thể thao khi cơn sốt sneakers bùng nổ vào thập niên trước. Louis Vuitton, Dior, Gucci, Balenciaga… đều không thể bỏ qua miếng bánh nóng hổi ngon lành này.

Chat

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài HOÀNG LÊ

Hình ảnh tư liệu

cùng chuyên mục

No more