Tạp chí 17/04/2020

Trần Công Trọng: “Tôi chỉ là một người ghi chép bằng tranh”

Bài ELLE Man

Trần Công Trọng là nhà thiết kế đồ họa tự do chuyên về hệ thống xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, mọi người thường biết đến anh qua những bức tranh màu nước vô cùng tình cảm và đậm chất thơ.

Bén duyên với cỏ hoa khi “trốn phố lên rừng” trải nghiệm lối sống khác cách đây 5 năm, chủ thể thiên nhiên bước vào tranh của Trần Công Trọng như cách anh quán chiếu thế giới nội tâm và chữa lành bản thân.

Tự nhận mình là người hoài cổ và thích “lưu giữ kiến thức bằng tranh vẽ”, Trọng từ chối những kỹ thuật hiện đại, một lòng chung thủy với màu nước, nghệ thuật thủ công và truyền thống văn hóa; dùng óc quan sát và những chuyến đi thực địa để ghi lại hình ảnh của cỏ cây, hoa lá và côn trùng. Tranh vẽ được anh sử dụng như chất liệu để đưa vào các thiết kế đồ họa và có thiên hướng sử dụng cho mục đích giáo dục nhiều hơn thương mại. Những chất liệu mà Trần Công Trọng gọi là “một cuốn sách giáo khoa được lãng mạn hóa” xuất phát từ lối sống, từ mối quan tâm của anh với thiên nhiên và môi trường, với những sự mất mát thầm lặng đang diễn ra từng ngày quanh ta.

Tranh minh hoạ của Bảo Ngọc.
Dương

Thời gian gần đây, phong cách vẽ của Trần Công Trọng đã có chút thay đổi phải không?

Về cơ bản, tôi vẫn là một người “ghi chép bằng tranh” thôi. Tranh vẽ của tôi được sử dụng như chất liệu để đưa vào các thiết kế đồ họa, và vì tôi có thiên hướng sử dụng thiết kế để phục vụ cho tính giáo dục nhiều hơn thương mại nên luôn cố gắng mô tả chính xác nhất cấu trúc, chi tiết, màu sắc của đối tượng. Những chất liệu đó có thể xem là một cuốn sách giáo khoa được lãng mạn hóa vậy.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tôi bắt đầu đưa các yếu tố trừu tượng vào thiết kế và sản phẩm của mình.

Vì sao lại có sự thay đổi này?

Tôi nghĩ rằng, thiết kế mà không có chiến lược thì sẽ biến thành nghệ thuật thuần túy. Người làm nghệ thuật cũng nên có tư duy về mặt chiến lược để thông điệp của sản phẩm được lan tỏa tốt hơn. Mỗi tác phẩm nghệ thuật chắc chắn sẽ chạm đến một nhóm đối tượng nhất định có cùng “tần số” với mình, nhưng tôi vẫn muốn sản phẩm của mình có sức tác động lớn hơn, có phạm vi đối tượng tiếp cận rộng hơn chứ không chỉ xoay quanh những người làm nghệ thuật.

Yếu tố trừu tượng được sử dụng để làm nền cho đối tượng tả thực, với mục đích thể hiện thêm cảm xúc, tinh thần của bức tranh – những tính chất không thể tả thực được. Ví dụ, tôi đặt hình ảnh con ong trên nền những chấm bi xanh để mô tả các tác động của chất hóa học độc hại lên sự tồn tại tự nhiên của con ong đó, nghĩa là tôi đang bổ sung thông tin cho bức tranh. Nó tạo nên tính ẩn dụ cho tác phẩm.

Tác phẩm hợp tác giữa Trần Công Trọng và Võ Huỳnh Phú.

Nhưng tính ẩn dụ lại đòi hỏi quá trình khám phá và đồng sáng tạo của người xem. Làm sao anh đảm bảo được năng lực tiếp cận của số đông nếu không có thông tin diễn giải?

Ẩn dụ là yếu tố thêm vào, yếu tố tả thực vẫn còn đó. Tình yêu, nỗi đau, sự mất mát… là những cảm giác tôi không thể vẽ nếu chỉ tập trung vẽ cấu trúc về mặt vật lý của một bông hoa. Tuy nhiên, nó sẽ làm người ta phải dừng lại trước tác phẩm, khiến người xem phải trăn trở, phải suy nghĩ. Như vậy, yếu tố ẩn dụ đã hoàn thành vai trò “mở cửa” để người xem tiếp tục tham gia vào hành trình trải nghiệm sau đó.

Bên cạnh việc thêm vào yếu tố ẩn dụ, tôi có cảm giác tranh của anh cũng phóng khoáng, tự do hơn trước.

Quả thật là có sự thay đổi nhỏ đó. Có thể xem đó là kết quả của quá trình trải nghiệm và chi phối chất liệu. Tôi tin rằng bên cạnh hình thái, mỗi sự vật đều có tinh thần của riêng nó. Ở giai đoạn trước, khi quá tập trung giải phẫu và mô tả chi tiết đối tượng, tôi khiến cho tinh thần của nó vơi đi ít nhiều. Bây giờ, đôi khi những ngẫu nhiên vô tình lại khiến tôi lại nhận ra tinh thần của sự vật trong ngữ cảnh riêng biệt.

Trước đây, anh từng chia sẻ về dự định làm một cuốn sách về thảo dược Đông y. Tại sao bây giờ lại chuyển sang một dự án về côn trùng?

Vẽ hoa cỏ là dự án cả đời, nó cần được tích lũy chất liệu trong thời gian dài. Còn Trùng Ký là một sản phẩm ở thời điểm hiện tại mà tôi thực hiện cùng nhiều người khác.

Khi tiếp cận vấn đề từ góc độ lấy thiên nhiên làm nền tảng, tôi nhận ra người ta thường hay bỏ qua côn trùng khi nói đến sự mất mát của tự nhiên, dù tiếng đập cánh của nó rất nhỏ nhưng lại vô cùng gần gũi và gắn bó mật thiết với đời sống con người. Côn trùng là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái. Đáng tiếc là sự mất mát trong im lặng của côn trùng vẫn đang diễn ra, và đến khi nó trở thành một hiện tượng rõ ràng thì hệ quả đã rất nặng nề rồi.

Tranh minh họa của Bảo Ngọc.

Mục đích cuối cùng của dự án này là gì?

Tôi muốn cho mọi người thấy rằng thiên nhiên là nền tảng, con người chỉ là một thành tố của thiên nhiên, từ đó tạo ra các giá trị về văn hóa, tinh thần, kiến trúc, ẩm thực… Người ta thường quan tâm chuyện công trình này bị phá hủy, nét văn hóa kia bị mai một mà quên mất rằng, một khi yếu tố nền tảng – thiên nhiên – bị tác động thì nền văn hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Vậy nên, bảo tồn thiên nhiên cũng chính là bảo tồn văn hóa.

Hiện tại, tôi đã tập hợp được 12 nghệ sĩ cùng tham gia dự án. Mỗi người sẽ sáng tác dựa trên sở trường, phong cách và thế mạnh ở các chất liệu khác nhau. 12 tác phẩm đó sẽ là trang mở của 12 chương trong một cuốn artbook. Mỗi chương sẽ có hệ thống infographic cùng bài viết đi kèm. Tuy nhiên, bên cạnh cuốn sách, mỗi nghệ sĩ sẽ phải nghĩ cách ứng dụng tác phẩm của mình lên một sản phẩm cụ thể, ví dụ như đèn ngủ, dây chuyền, bình gốm… để sau triển lãm có thể tiếp tục sản xuất và bán được. Nó có thể tạo ra rung động cho người xem, đồng thời là sản phẩm ứng dụng mà họ có thể sở hữu. Khoản tiền thu về sẽ được dùng để hỗ trợ các hoạt động bảo tồn thiên nhiên. Tôi nghĩ đó là giải pháp thực tế và hiệu quả hơn là chỉ giáo dục nhận thức.

Tại sao Trần Công Trọng lại quyết định tập hợp nhiều nghệ sĩ cùng tham gia dự án này và làm thế nào để thuyết phục họ?

Tất nhiên, nếu tự làm từ đầu đến cuối thì sản phẩm sẽ mang dấu ấn cá nhân rất mạnh. Tuy nhiên, như đã nói, tôi muốn dự án có phạm vi ảnh hưởng rộng hơn. Nếu tìm được đơn vị bảo trợ để nghệ sĩ tập trung sáng tác, sản phẩm của họ sẽ thăng hoa hơn, và nếu làm truyền thông tốt thì tính lan tỏa cũng sẽ cao hơn. Ngoài ra, khi mọi người ngồi lại với nhau, tính phản biện sẽ phát huy tác dụng. Mọi người có thể chỉ ra vấn đề của nhau để tìm ra hướng đi tốt nhất, ít để lại hệ quả xấu cho môi trường.

Việc thuyết phục thì không quá khó khăn. Tôi bắt đầu từ những người bạn, những người gần gũi với mình trước. Rồi những người tham gia ban đầu lại rủ thêm nhiều người nữa. Thật ra đa phần những bạn tham gia vào dự án này đều còn trẻ và đang ở giai đoạn trăn trở với đam mê của mình.

Nghệ sĩ là những người có cá tính mạnh. Làm sao để họ làm việc ăn ý với nhau mà không bị cái tôi cá nhân chi phối quá nhiều?

Chắc chắn “cái tôi” sẽ phải xuất hiện, đó là thứ không thể tách rời khỏi người nghệ sĩ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bạn không cần loại bỏ “cái tôi” mà phải xác định sẽ thêm “cái chung” gì vào. Đó có thể là mục tiêu của dự án; là hệ thống thông tin nghiên cứu, tổng hợp được; là cấu trúc nội dung truyền tải trong tác phẩm. Dựa trên “cái chung” đó, bạn phải tạo ra tác phẩm trên chất liệu sáng tác của riêng mình.

Dự án này có 2 yếu tố chính là thiên nhiên và văn hóa, nhưng tôi thấy có vẻ câu chuyện văn hóa đang được nhắc đến nhiều và thể hiện rõ ràng hơn. Vậy lợi ích về môi trường mà dự án này mang lại liệu có khả thi hay không?

Tôi nghĩ sự khả thi rõ ràng nhất là số tiền thu được để tái đầu tư cho một quỹ về thiên nhiên. Có hai mục tiêu được xác định ngay từ đầu là tiền (yếu tố trực quan) và sự quan tâm của mọi người về côn trùng, môi trường (yếu tố cảm quan).

Vốn dĩ, thiên nhiên đặc biệt là côn trùng khó có thể “nói” cho con người biết rằng mình đang bị ảnh hưởng, đang bị mất mát như thế nào. Vậy nên, có thể xem các yếu tố văn hóa là cầu nối (xuất hiện trong xã hội loài người nhưng vẫn tồn tại trong tương quan với môi trường sống), là “tiếng nói” vay mượn để nói thay cho tự nhiên.

Tranh minh họa của Bảo Ngọc.

Là người đã thực hiện rất nhiều dự án khác nhau và dần có tư duy chiến lược về mặt kinh doanh, làm sao anh cân bằng được cái tôi nghệ sĩ và yêu cầu của khách hàng?

Tạo sao lại phải cân bằng? Tôi nghĩ đó là cách mình lựa chọn và quan trọng là lựa chọn đó phải làm mình vui. Mà để lựa chọn đúng đắn, bạn cần hiểu rõ sở thích và năng lực của mình trước đã. Khách hàng tìm đến bạn chắc chắn phải thích phong cách của bạn, vậy thì, trong những yêu cầu bổ sung của khách hàng, có lựa chọn bổ sung nào khiến bạn vui hay không? Nếu sự bổ sung đó làm cho tất cả mọi người vui mà mình không vui thì đừng làm.

Vậy thì những nghệ sĩ trẻ nên làm gì để vừa được theo đuổi đam mê, vừa sống được với con đường mà họ đã chọn? Đâu phải ai cũng may mắn được thỏa mãn cái tôi mà vẫn giải quyết được bài toán kinh tế, đúng không?

Thực ra, tôi chưa bao giờ xem mình là nghệ sĩ và cũng không thích người khác gọi mình như vậy. Khi làm việc, tôi chỉ muốn quán chiếu bản thân xem cái tôi của mình nặng đến mức nào và trong cuộc đời làm nghề, hướng đi mà mình lựa chọn có cần phải đánh đổi điều gì hay không. Như đã nói, cái tôi trong sáng tác cũng giống như hơi thở của mình vậy, mình không thể “gồng” để tạo ra nó. Nó sẽ phát triển cùng với sự phát triển tay nghề của bản thân.

 

Lúc mới bắt đầu công việc, tôi cũng rất thiếu thốn, nhưng phải thừa nhận rằng đó là do khả năng của mình chưa đủ tốt, chứ không phải vì mình giỏi mà người khác không nhận ra. Vậy thì, đầu tiên là phải trau dồi bản thân mình trước, biết mình đang ở đâu, mình lựa chọn cái gì và điều đó mang lại kết quả gì. Nếu đã lựa chọn thì phải chấp nhận và hạnh phúc với lựa chọn của mình, chứ cái gì cũng muốn là điều không thể.

Quan điểm của tôi là cứ kiếm tiền trước đã, rồi lấy tiền đó làm dự án cá nhân, lúc đó muốn thể hiện cái tôi như thế nào cũng được. Chỉ khi nào người ta sống trong cảnh thiếu thốn, người ta mới nhận ra rằng tính nghệ sĩ không làm mình no bụng được.

Cảm ơn Trần Công Trọng đã dành thời gian chia sẻ cùng ELLE MAN!

Nguyễn

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Sản xuất & Bài viết ĐOÀN TRÚC

Hình ảnh RABHUU STUDIO

Trang điểm & Làm tóc TỪ MINH QUÂN

cùng chuyên mục

No more