Tạp chí 07/04/2020

Mối duyên giữa nghệ thuật đương đại và thời trang

Bài ELLE Man

Nghệ thuật đương đại ngày nay không chỉ được đóng khung, trưng bày trong bảo tàng mà còn xuất hiện trên những bộ cánh thời trang, thông qua góc nhìn sáng tạo của các NTK cùng với những cú hích đáng kể trong kinh doanh.

Ngày nay, những dự án cộng tác giữa một thương hiệu thời trang với một thương hiệu khác, hay một nhân vật nổi tiếng không chỉ còn là xu hướng mà là điều cần phải làm nếu muốn tạo sự mới mẻ, và quan trọng hơn hết là thúc đẩy doanh số cho thương hiệu. Nếu phân tích một dự án cộng tác đã thành công, điều làm nên thành công đó là dựa vào sự nổi tiếng lẫn phong cách của đôi bên, kết hợp chúng lại để đưa ra một điều mới lạ. Giám đốc sáng tạo của một thương hiệu xa xỉ có thể chọn kết hợp cùng một thương hiệu tầm trung, ở một phân khúc khách hàng mới để tạo tiếng vang và thu hút nhóm khách hàng tiềm năng trẻ. Những dự án đình đám gần đây có Nike kết hợp với Dior Men, Prada với adidas…

Kim Jones và Shawn Stussy tại show diễn Dior Men Pre-fall 2020.
Kim Jones và Shawn Stussy tại show diễn Dior Men Pre-fall 2020.

Có những giám đốc sáng tạo khác lại lấy cảm hứng từ chính niềm đam mê của riêng mình ở nghệ thuật đương đại. Họ hợp tác với những nghệ sĩ mà họ yêu thích, những người được trọng vọng bởi mức độ nổi tiếng có tác phẩm gây tiếng vang và sức ảnh hưởng đến cộng đồng cực lớn.

Raf Simons là NTK nổi bật và tiên phong trong phong trào cộng tác cùng nghệ sĩ đương đại. Trong suốt thời hoàng kim tại Jil Sander, Raf đã được biết đến với những BST lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Picasso, Mark Rothko hay Brian Calvin, nhưng bền bỉ nhất là với Sterling Ruby, một người bạn thân thiết của ông. BST Thu-Đông 2014 của thương hiệu menswear Raf Simons đánh dấu lần đầu tiên hợp tác với Sterling Ruby của Raf, đã tạo nên tiếng vang rất lớn trong cộng đồng yêu thời trang. Nối tiếp là BST Haute Couture đầu tay của ông cho nhà Dior và sau đó là thiết kế chuỗi cửa hàng cho Calvin Klein. Táo bạo và chịu chơi hơn, Calvin Klein đã chi hàng triệu đô la chỉ để Raf Simons in những tác phẩm pop art và hình ảnh của nghệ sĩ người Mỹ Andy Warhol lên trang phục.

Một tác phẩm của Raf Simons kết hợp cùng Sterling Ruby.
Một tác phẩm của Raf Simons kết hợp cùng Sterling Ruby.
Thiết kế của Raf Simons cho Calvin Klein.
Thiết kế của Raf Simons cho Calvin Klein.

Ngôi sao sáng của thế giới menswear ngày nay, Kim Jones, cũng không kém cạnh. Khác với Raf Simons, Kim tập trung chọn cộng tác với những nghệ sĩ nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng với giới trẻ, phù hợp với định hướng mới của Dior Men. Trong BST đầu tiên ra mắt thương hiệu Dior Men, Kim đã kết hợp cùng họa sĩ người Mỹ Kaws để không chỉ tạo nên mô hình búp bê khổng lồ nổi tiếng mà còn có cả những món phụ kiện và trang phục trẻ trung. Với BST Pre-fall 2019 tổ chức tại Tokyo, Kim lại chọn hình tượng nàng robot nóng bỏng của nghệ sĩ Nhật Bản Hajime Sorayama làm tâm điểm của sân khấu. Hay mới đây, trong BST Pre-fall 2020 tại Miami, Kim đã mời huyền thoại streetwear thập niên 90 Shawn Stussy cộng tác, vẽ riêng cho BST những họa tiết chữ viết độc đáo.

Bức tượng của Hajime Sorayama tại show diễn Dior Men ở Tokyo.
Bức tượng của Hajime Sorayama tại show diễn Dior Men ở Tokyo.
Họa tiết chữ viết của Shawn Stussy được in trên trang phục Dior Men Pre-fall 2020.
Họa tiết chữ viết của Shawn Stussy được in trên trang phục Dior Men Pre-fall 2020.

Thương hiệu Gucci cũng hưởng ứng mạnh mẽ phong trào cộng tác cùng các nghệ sĩ đương đại. Đình đám nhất là dự án cùng nghệ sĩ graffiti Trevor “Trouble” Andrew với tác phẩm “Gucci Ghost” nổi tiếng. Họa tiết monogram của Gucci được làm mới bằng kỹ thuật phun sơn, xuất hiện trên trang phục, phụ kiện lẫn trong trang trí chuỗi cửa hàng. Ngoài ra, chiến dịch cộng tác cùng nghệ sĩ trong dự án #24HourAce cũng được cộng đồng mạng chú ý khi Gucci mời nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực tham gia sáng tạo tự do cùng đôi sneaker Ace nổi tiếng.

Giám đốc sáng tạo của Gucci, Alessandro Michele và nghệ sĩ Trevor “Trouble” Andrew.
Giám đốc sáng tạo của Gucci, Alessandro Michele và nghệ sĩ Trevor “Trouble” Andrew.

Không phải chỉ những ông lớn dòng thời trang xa xỉ mới tìm đến nghệ thuật đương đại. Thuộc dòng thời trang bình dân, Uniqlo là thương hiệu duy nhất có trong tay một danh sách các nghệ sĩ đương đại đã cộng tác rất đáng gờm. Tạo nên hiện tượng gần đây là BST kết hợp với nghệ sĩ Kaws, người đã cộng tác với Kim Jones trước đó. Chỉ là những chiếc áo thun và túi tote in hình của Kaws nhưng lại tạo hiện tượng và cơn sốt toàn cầu. Trước đó, Uniqlo cũng đã cộng tác cùng họa sĩ Keith Haring và Yayoi Kusama, nghệ sĩ đã từng kết hợp với Louis Vuitton.

Sản phẩm hợp tác của Uniqlo với nghệ sĩ Kaws nổi tiếng khắp thế giới.
Sản phẩm hợp tác của Uniqlo với nghệ sĩ Kaws nổi tiếng khắp thế giới.

Quan điểm thời trang là nghệ thuật vẫn là đề tài còn gây tranh cãi. Nhưng cho đến khi cuộc tranh luận đi đến hồi kết, thời trang đã đưa ra một giải pháp thú vị hơn là kết hợp với nghệ thuật đương đại như giải pháp tối ưu trong thời đại mạng xã hội.

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: HOÀNG LÊ

Ảnh: tư liệu

cùng chuyên mục

No more