Tạp chí 10/01/2018

Nhà lãnh đạo thực thụ: “Trên đỉnh núi không cô đơn”

Bài ELLE Man

[ELLE Man tháng 12/2017] “Anh muốn dành phần đời còn lại để bán nước ngọt hay muốn có một cơ hội thay đổi thế giới?”, câu nói ấy giờ đây đã trở thành một truyền kỳ mà giới kinh doanh vẫn rỉ tai nhau.

Năm ấy, Steve Jobs chưa đầy 30 tuổi. Sau sự ra đi của Michael Scott, Apple vẫn đang đỏ mắt tìm một CEO mới. Và Steve đã khăn gói tới New York gặp John Sculley, khi ấy đang quản lý PepsiCo, thuyết phục John tới làm việc cùng mình.

Nói thẳng ra, chẳng có lý do nào để John phải mạo hiểm như vậy. John là ai? Chủ tịch của PepsiCo, một trong những thương hiệu đắt giá nhất toàn cầu. Còn Apple lúc đó mới thành lập chưa đầy chục năm bởi mấy tay lập dị mê máy tính. John có họa điên mới tới Apple, nhưng anh đã làm như vậy, tất nhiên anh không bị điên, nhưng anh bị ấn tượng trước câu hỏi đầy thách thức của Steve: “Anh muốn dành phần đời còn lại để bán nước ngọt hay muốn có một cơ hội thay đổi thế giới?”.

nha lanh dao - elle man 5
Steve Jobs và John Schulley

Không phải là anh muốn kiếm nhiều tiền hơn hay không, hay anh có muốn làm ở vị trí oách hơn không, mà là anh có muốn thay đổi thế giới không. Cứ làm triệu phú bán nước ngọt nếu thích, không thì theo tôi và thay đổi thế giới. Một nhà lãnh đạo nói rằng: Tôi sẽ giúp bạn giàu có hơn, là nhà lãnh đạo tự tin. Nhưng một nhà lãnh đạo nói rằng: Tôi cho bạn cơ hội làm những điều tốt đẹp, là nhà lãnh đạo đích thực. Lịch sử sẽ đánh giá nhiệm kỳ của Donald Trump thành công hay thất bại, nhưng khi vị tỉ phú 70 tuổi tranh cử tổng thống, ông đã lấy slogan “Make America Great Again – Đưa Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại”, chứ không phải “Make You Rich Again, Đưa Bạn Giàu Trở Lại”. Nói như hoàng đế Napoleon, những nhà lãnh đạo là những người buôn hy vọng.

Tôi cho rằng cha đẻ ngành kinh tế học, ngài Adam Smith lỗi lạc, là một nhà lãnh đạo tồi. Ông nghĩ, thứ duy nhất con người khao khát là tiền, nếu không tăng lương hoặc không giám sát, họ sẽ trở nên chểnh mảng. Ơn trời, Adam Smith không bao giờ làm lãnh đạo. Nếu anh chỉ có tiền để ngã giá, họ cũng sẽ chỉ theo anh vì tiền. Họ sẽ chỉ đợi đến giờ là đứng dậy cắp cặp đi về. Nếu anh muốn họ nguyện bán mạng vì anh, anh phải cho họ nhiều hơn thế.

“Bạn không thể đưa được người lên sao Hỏa nếu chỉ làm việc 40 giờ một tuần”, Elon Musk nói. Người lao động từng bị bóc lột đến cả trăm giờ một tuần và phải đấu tranh bao thế hệ mới đòi được quyền làm việc 40 giờ, vậy cớ sao họ phải quay lại è cổ làm việc quên ăn quên ngủ? Tóm lại, cớ sao họ phải làm việc cho Elon Musk?

nha lanh dao - elle man 2
Elon Musk

Nhưng họ đâu có làm việc cho Elon Musk. Họ làm việc là để cứu lấy nhân loại. Hay ít ra họ tin mình đang cứu nhân loại. Elon không phải loại người chạy theo tiền bạc, tiền bạc chạy theo anh thì đúng hơn. Anh giống như một siêu anh hùng được mặc khải về sứ mệnh cao cả của mình và dẫn dắt mọi người cùng thực hiện sứ mệnh ấy. Chúng ta nhất định không đặt niềm tin vào một siêu anh hùng nếu anh ta lấy sức mạnh ra để trục lợi.

Xe

Có những người lãnh đạo còn chẳng có tiền để cho ai, như Mahatma Gandhi chẳng hạn. Vậy mà khi ông lên đường đi bộ 388 cây số tới bờ biển Dandi để tự tay làm muối nhằm phản đối thuế muối, hàng chục nghìn người Ấn Độ đã đi theo. Nhắc lại lời của vị đại đế người Pháp, những nhà lãnh đạo là những người buôn hy vọng.

nha lanh dao - elle man 6
Mahatma Gandi cùng dòng người trên con đường 388 cây số đến bờ biển Dandi

25 năm trước, có một anh giáo dạy tiếng Anh, mặt xương xương, trán dài bằng nửa mặt, chân đi giày vải, vì muốn giúp đồng nghiệp có thêm việc làm mà thành lập một công ty dịch thuật, lấy tên Hải Bác. Hải Bác là phiên âm của từ Hope trong tiếng Anh, nghĩa là Hy vọng. Tiếng lành đồn xa, một lần, anh được mời sang Mỹ giúp phiên dịch cho một nhà đầu tư. Ai dè, tới nơi thì phát hiện ra nhà đầu tư lừa đảo. Anh bị truy đuổi bởi một đám đầu trọc không khác gì phim Hollywood. Trong cái rủi có cái may, lần ấy sang Mỹ tưởng công toi, nhưng ngẫu nhiên anh lại được làm quen với internet. Cảm nhận được tiềm năng ghê gớm của nó, khi trở về, anh chập chững lập trang web đầu tiên.

25 năm sau, anh giáo ngày nào giờ mặt vẫn xương, trán vẫn dài bằng nửa mặt, chân vẫn đi giày vải, điều khác biệt duy nhất là anh đã thành chủ Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Nghĩ thế nào cũng thấy việc một anh giáo Tàu dạy ngoại ngữ, thậm chí tới giờ, kiến thức mạng cũng chỉ dừng ở gửi email và duyệt web, lại trở thành ông trùm công nghệ, là điều không tưởng.

nha lanh dao - elle man 4
Jack Ma

Làm sao Jack Ma sáng lập được Alibaba ở vườn hoa ven hồ? Làm sao Page và Brin sáng lập Google ở garage xe hơi? Và Apple của Jobs cũng khởi sự từ một garage xe. Khỏi phải nói tới garage huyền thoại nơi Hewlett và Packard đặt viên gạch đầu tiên cho HP, nơi đã trở thành một di tích lịch sử. Tất nhiên, họ không đơn thương độc mã để thành công. Nhưng tại sao người khác đều muốn đồng hành cùng họ? Jack Ma có thể không biết dùng USB, không quan trọng, điều quan trọng là ông tiên đoán được tầm ảnh hưởng của internet, và điều quan trọng hơn là ông không chủ tâm dùng internet để kiếm lợi nhuận, ông dùng nó để hiện thực hóa lý tưởng của mình: giúp mọi giao dịch mua bán diễn ra dễ dàng.

Nơi

Chiếc iPod sẽ không đặc biệt tới thế nếu bản thân Jobs không yêu âm nhạc (đến mức hẹn hò với Joan Baez một phần vì Joan là bạn gái cũ của Bob Dylan), và nếu lý tưởng của Jobs không là để mọi người có thể mang vương quốc âm nhạc đi bất cứ đâu. Ngược lại mấy nghìn năm trước, nhà lập pháp uyên minh người Sparta, Lycurgue, đã ra lệnh cấm sống xa hoa, sửa mái nhà chỉ được dùng rìu, ngưng trao đổi vàng, vậy mà dân chúng không những không phản đối, còn nhất tề nghe ông, cũng chỉ vì cái động cơ trong sáng của ông là muốn con người giữ gìn đức hạnh.

nha lanh dao - elle man 7
Steve Jobs

Nếu không được cả hai thì thà được sợ còn hơn được yêu. Triết lý ấy của Machiavelli, tác giả của Quân Vương, một kinh điển về thuật cai trị, ở mặt nào đó, chắc đã lỗi thời. Trong thời buổi cái gì cũng thừa mứa, tivi có nhiều dòng, áo sơmi có cả ngàn loại, số người tự nhận là nhà lãnh đạo đông không đếm xuể. Trong thời buổi ấy, không phải thủ lĩnh chọn những người đi theo, mà chính những người đi theo sẽ chọn ra thủ lĩnh. Có rất nhiều kẻ nghĩ họ đang dẫn đầu đoàn người, nhưng nên nhớ, nếu không ai đi theo, anh ta chỉ đang tản bộ.

Chúng ta bị ám ảnh bởi hình tượng một người nắm quyền lực cô đơn. Có lẽ, cô đơn hay không thuộc về sự lựa chọn. Khi nước Mỹ lâm vào khủng hoảng, Lincoln đã đưa những đối thủ chính yếu của ông làm thành viên nội các. Không ai một mình vươn tới được ngai vàng, nhưng sau khi tới được ngai vàng, nếu anh ta loại bỏ mọi người vì sợ hãi phải chia sẻ quyền lực, vậy thì đó đâu phải anh ta cô đơn, đấy là do anh tự chuốc lấy nỗi cô đơn đấy chứ.

Người ta vẫn còn nhớ, khi José Mourinho bị Chelsea sa thải, cả biển người trên sân Stamford Bridge đã chăng biểu ngữ bày tỏ tình yêu với vị huấn luyện viên ngông cuồng của họ. Một số rơi nước mắt. José ngạo mạn ngày nào giờ chỉ là một chủ tướng thất thế. Báo chí sâu cay, “Người đặc biệt” đã thôi đặc biệt. Đội bóng áo lam thua liểng xiểng và cổ động viên đáng lẽ nên mừng vì sự ra đi của ông. Đằng nào thì Chelsea cũng có rất nhiều tiền và họ thừa sức tìm một người khác thay thế. Nhưng không, họ khóc. Họ khóc vì Chelsea đã để mất người thuyền trưởng thực sự yêu The Blues chứ không chỉ yêu chiếc ví không đáy của Abramovich. Thậm chí, khi được bồi thường 40 triệu bảng, một cách tự trọng, José từ chối nó, bởi vì, với số tiền ấy, đội bóng có thể kiến thiết lại từ đầu.

nha-lanh-dao-elle-man-1
“Mr. Special” Jose Mourinho

Khi nhà lãnh đạo thực thụ thất bại, mà người lãnh đạo thực thụ chắc chắn sẽ thất bại rất nhiều lần, anh ta vẫn sẽ thấy có người sẵn sàng đứng bên anh ta. Ai đó đã nói, “cô đơn trên đỉnh núi”? Dù là ai, họ cũng đã nhầm, trên đỉnh núi hoàn toàn không cô đơn.

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Hiền Trang – Ảnh: tư liệu

cùng chuyên mục

No more