Tạp chí 05/01/2020

Thời trang cao cấp và cuộc chơi sportswear

Bài Tri Duc

Để mô tả thời trang những năm 2010 bằng một phong cách, đó chắc chắn là phong cách thể thao. Các thương hiệu thời trang cao cấp đã khai thác mảng đồ thể thao, và các thương hiệu thể thao cũng bắt đầu khẳng định vị trí trong cuộc chơi thời trang xa xỉ.

Nói đến đồ thể thao, chúng ta thường liên tưởng đến trang phục tập luyện của các thương hiệu nổi tiếng như adidas, Nike, Puma… Vì tập trung vào tính công năng, trang phục thể thao chưa bao giờ được giới thời trang đánh giá cao về tính sáng tạo lẫn phong cách. Thậm chí có thời điểm đồ thể thao còn bị gắn mác là tội phạm thời trang và chỉ nên xuất hiện ở phòng gym. Thế nhưng tình thế đã đảo ngược hoàn toàn. Sportswear chưa bao giờ mạnh mẽ hơn lúc này. Người ta sẵn sàng mặc những chiếc áo hay quần biker shorts bằng thun lạnh cùng với những món đồ thời trang cao cấp, xa xỉ. Còn giày sneakers có thể kết hợp với nhiều kiểu trang phục và xuất hiện ở khắp nơi. Thậm chí người ta còn cảm thấy tự hào khi khoác lên mình những chiếc logo đã từng bị coi là thảm họa thời trang.

Khởi nguồn từ luồng sinh khí trẻ

Người tiên phong đưa phong cách thể thao vào thời trang cao cấp chính là Riccardo Tisci. Anh đã đưa sự năng động, bụi bặm và đời thường vào thương hiệu Givenchy, tạo nên một xu hướng gây ảnh hưởng và kéo dài. Tiến vào thập niên 2010, những người đàn ông của Givenchy đã mặc trang phục phom dáng thoải mái hơn, mặc quần đùi với legging, áo in họa tiết graphic và không thể thiếu những đôi sneakers, sandals hay nón lưỡi trai. Thời kỳ hoàng kim của phong cách thể thao tại Givenchy bắt đầu từ năm 2011 khi những BST của hãng được săn lùng và hàng nhái nhiều vô kể.

Những thiết kế menswear mang phong cách thể thao của Givenchy mùa Thu-Đông 2010.

Một cái tên đáng chú ý khác là NTK Mỹ gốc Hoa Alexander Wang. Được hậu thuẫn bởi Anna Wintour, Wang trở thành giám đốc sáng tạo của Balenciaga. Vào năm 2013, anh cũng được H&M mời cộng tác để cho ra mắt một BST đậm chất thể thao và phi giới tính. Người tiêu dùng cảm thấy vô cùng hứng thú với hình tượng mới trẻ trung và năng động hơn trong thời trang cao cấp. Phong trào thời trang hậu Soviet làm mưa làm gió những năm gần đây cũng góp phần đưa định nghĩa về chất thể thao trong thời trang cao cấp đến một cấp bậc… dễ hiểu hơn. Gosha Rubchinskiy và Demna Gvasalia từ Vetements là hai cái tên tiêu biểu đưa những chiếc logo bình dân như adidas, Fila và Champion lên tầm cao ngang hàng với Fendi hay Balenciaga. Đến như Fendi cũng tranh thủ sự trỗi dậy của xu hướng “Logomania” khi cộng tác với Fila. Mới đây nhất là dự án cộng tác đầu tiên của Prada với adidas và Dior Men với thương hiệu cho dân trượt ván Stussy hay với Jordan.

BST Alexander Wang x H&M
BST Fendi x Fila
Dior Air Jordan 1
adidas x Prada

Logomania:

Những nước cờ khôn khéo

Dĩ nhiên các thương hiệu thể thao không thể đứng yên để các thương hiệu thời trang cao cấp kiếm lời trên thế mạnh của chính mình. Tuy nhiên họ cũng đủ khôn khéo để hiểu rõ bản thân mình là ai và cần gì. Họ không cho ra những dòng thời trang hay thương hiệu mới lấy cảm hứng từ thể thao mà lại chọn phương thức cộng tác đôi bên cùng có lợi. Rõ ràng một sản phẩm mang tên hai thương hiệu nổi tiếng sẽ bán chạy hơn một cái tên mới toanh.

Phi vụ cộng tác thành công và đáng tự hào nhất trong giới sportswear phải kể đến Y-3 của adidas với Yohji Yamamoto. Thương hiệu vừa mang tinh thần năng động và hiện đại của adidas, vừa thể hiện chất avant-garde độc nhất vô nhị của Yohji Yamamoto. Ngoài Y-3, adidas cũng thành công khi cộng tác cùng Rick Owens.

Y-3 là sự kết hợp giữa adidas với NTK Yohji Yamamoto.

Trước cơn sốt này, các thương hiệu khác cũng liên tục cộng tác với các NTK và tung ra những đôi sneakers đặc biệt như Puma kết hợp với Hussein Chalayan và Alexander McQueen, Nike kết hợp với Undercover và Comme des Garcons, hay adidas kết hợp với Raf Simons. Ngày nay, các phi vụ cộng tác trong giới sneakers lại càng trở nên nhộn nhịp hơn với sự tham gia của những nghệ sĩ như Kanye West, Drake hay gần đây nhất là G-Dragon với Nike. Mỗi khi một dự án cộng tác được hé lộ, giới “hypebeast” lại đứng ngồi không yên, chứng tỏ tầm ảnh hưởng và mức độ ăn khách của những đôi giày thể thao này lớn cỡ nào.

Nike hợp tác G-Dragon cho ra mắt Air Force 1 Para-Noise.

Không chỉ có sneakers, dòng trang phục cũng được các thương hiệu thể thao khai thác. Nhìn chung, tất cả các thương hiệu đều có một chiến lược: đánh vào tất cả các đối tượng có thể cộng tác được, một cá nhân hay thương hiệu, chỉ cần họ thật nổi tiếng. Adidas đã có trong tay những cái tên như Yohji Yamamoto, Rick Owens, Raf Simons, Kanye West, Pharrell William, Gosha Rubchinskiy, Alexander Wang, Rita Ora, Choi Ji Woo, Stella McCartney và Mary Katrantzou; Puma có Fenty với Rihanna, búp bê Barbie, Nipsey Hussle và mới đây là Balmain. Cuối cùng là Nike với Sacai, Undercover, Ambush, Supreme, G-Dragon, Travis Scott và Drake. Đây có thể xem là nước đi đảo ngược thế cờ của các ông trùm đồ thể thao nhưng ai nắm đằng chuôi cũng được, kết quả vẫn là đôi bên cùng có lợi.

Góc nhìn mới

Nhiều ý kiến cho rằng sự trỗi dậy của phong cách thể thao đang góp phần làm đảo ngược quan niệm về đẳng cấp, và dân chủ hóa thời trang. Tuy có mức giá và kênh phân phối khác biệt, các thương hiệu thời trang cao cấp vẫn đang đáp ứng những gì người tiêu dùng muốn có và ngược lại, người tiêu dùng cũng đồng thời đón nhận những điều mới mẻ các thương hiệu mang tới. Nhưng một điều có thể khẳng định đó là thời trang thể thao đã thoát khỏi định kiến và được đón nhận nồng nhiệt, bởi ngày nay, dường như mọi định kiến đều được phá vỡ và sự đa dạng được tôn vinh. Không ai có thể nói bạn ăn mặc lôi thôi hoặc thiếu tôn trọng khi xuất hiện trong bộ suit đắt tiền với áo t-shirt và giày sneakers.

15

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Hoàng Lê – Ảnh: tư liệu

cùng chuyên mục

No more