Tạp chí 04/01/2019

Thời trang đường phố: Xu hướng, hiện tượng hay cả hai?

Bài ELLE Man

[ELLE Man tháng 12/2018] Âm thầm và rồi bùng nổ một cách không ai ngờ tới, thời trang đường phố ngày hôm nay đã trở thành trào lưu ăn khách nhất thị trường thời trang.

THỜI TRANG ĐƯỜNG PHỐ: TỪ VĂN HÓA HIP–HOP ĐẾN CÁC THƯƠNG HIỆU XA XỈ

Doanh thu năm 2017 của Nike là 34,4 tỉ USD. Supreme trở thành thương hiệu tỉ đô. Đôi Yeezy Boost 350 V2 có giá 220 USD vừa ra mắt đã cháy hàng trong tích tắc, dù chỉ có một vài chi tiết thay đổi nhỏ so với mẫu trước đó. Tương tự với chiếc áo sweater đơn giản có giá 1.000 USD của Off-White. Đó chỉ là một vài trong rất nhiều ví dụ cho thấy sự lớn mạnh của thời trang đường phố cũng như độ “cuồng” của giới trẻ với dòng xu hướng thời thượng này. Không cần là một chuyên gia thời trang mới nhận ra được những món đồ streetwear ngày nay không khác với thời trang đường phố của Mỹ thập niên 80, 90. Hình ảnh những chiếc áo sweater, quần jeans thụng và giày thể thao gắn liền với các rappers, trông bình dân nhưng cũng rất “ngầu”. Những thương hiệu cộng đồng hip-hop ưa chuộng có thể kể đến như Nike, Jordan, FUBU, Southpole, Reebok, adidas, Ecko Unltd… nhưng hiển nhiên không được xem là thời trang cao cấp.

xu huong thoi trang duong pho - elle man 1
Từ trái qua: MSGM – Alexander Wang – Givenchy – Givenchy

Yếu tố đường phố bắt đầu len lỏi vào thời trang cao cấp từ những năm 2010, nhờ Riccardo Tisci. Người đàn ông Givenchy thanh lịch bỗng chốc rất “đời” với áo t-shirt in hình hầm hố với quần shorts rộng mặc cùng legging. Trong giới nghệ sĩ, ông tạo dựng mối quan hệ mật thiết với các ca sĩ dòng nhạc Hip-Hop, R’n’B như Kanye West, vợ chồng Jay-Z và Beyoncé, Ciara. Tisci còn tạo ra cái tên “Givenchy Gang” (Băng đảng Givenchy) để gọi mình cùng những nghệ sĩ, người mẫu thân quen của mình. Hiển nhiên fan trung thành của ông cũng sẽ cảm thấy mình là một phần của băng nhóm đó khi mặc trang phục của Givenchy một cách đầy kiêu hãnh.

Thời trang cao cấp bắt đầu bị “nhiễm” virus đường phố khi những món đồ như sneakers, áo bomber hay quần jogger trở thành những con bài chủ lực về doanh số. Đến cả Chanel và Dior cũng phải thừa nhận khi đồng loạt đưa giày sneakers vào các BST Haute Couture. Những món đồ quen thuộc hằng ngày bỗng dưng được trang hoàng với một diện mạo mới mẻ và lung linh, hay ít nhất là được làm bởi chất liệu cao cấp từ một thương hiệu danh tiếng. Một vài nhận định cực đoan cho rằng khi thời trang cao cấp bắt đầu tiếp cận những thứ đời thường như thế này thì coi như đặt dấu chấm hết. Có lẽ tới thời điểm này, họ phải rút lại những ý kiến đó.

xu huong thoi trang duong pho - elle man 3

Năm 2015, Kanye West nhận được khá nhiều lời cười nhạo khi tuyên bố sẽ là NTK của thương hiệu Yeezy cộng tác cùng adidas vì trước đó anh đã hoàn toàn thất bại ngay lần ra mắt. Không ngoài dự đoán, BST tái xuất nhận được không ít lời phê bình lẫn chỉ trích. Thậm chí quân bài chủ lực là đôi Yeezy Boost 350 cũng được cho là quá đắt. Nhưng đoán xem, Yeezy đã trở thành hiện tượng mặc cho những đồn đoán về sự thất bại lần thứ hai. Giới trẻ nhanh chóng cập nhật diện mạo mới của thời trang xa xỉ: áo hoodie, sweater, bomber và t-shirt ngoại cỡ trông cũ nát. Thành công này đến từ sự cộng hưởng của không chỉ là tài năng và kỹ thuật thiết kế mà còn danh tiếng (lẫn tai tiếng) của Kanye và “đế chế” truyền thông Kardashian. Không lâu sau đó, làng thời trang chào đón quái kiệt Vetements gây chú ý bởi sự kỳ quặc trong phom dáng và cách mix & match cọc cạch. Bên cạnh đó, giá cả cũng gây sốc không kém. Không có thiết kế gì đặc sắc, không đính đá quý, cũng chẳng làm từ chất liệu cao cấp, ngoại trừ logo của DHL, Champion, Tommy Hilfiger hay Juicy Couture. Chìa khóa thành công của thương hiệu hiệu thời trang đường phố Vetements có lẽ nằm ở cách mà Demna Gvasalia “chơi” với những chiếc logo như một sự chế giễu trào lưu cộng tác, hoặc có thể anh ta đang chế giễu chính ngành thời trang với những món đồ đắt đỏ xây dựng trên sự thổi phồng. Với Balenciaga cũng thế, Demna đã thành công khi khoác lên thương hiệu này những chiếc áo choàng của Vetements.

HIỆN TƯỢNG LIỆU CÓ THOÁI TRÀO?

Sẽ rất thiếu sót nếu không kể đến hai hiện tượng của thời trang đường phố là Supreme và Off-White. Xuất thân là thương hiệu bán đồ streetwear cho dân trượt ván như Stussy hay UNDFTD, nhưng Supreme được biết đến với mức giá cao cho những sản phẩm cơ bản như áo thun, ván trượt hay thậm chí là tô nhựa, rìu sắt, bình cứu hỏa. Yếu tố đẩy giá của Supreme lên cao ngất ngưởng chính là số lượng có hạn, được các “influencers” sử dụng và mua đi bán lại. Đơn cử là cục gạch giá 30 USD được bán lại với giá 1.000 USD. Với Off-White của Virgil Abloh cũng không khác là bao. Áo t-shirt, hoodie và quần jogger đơn giản được in họa tiết sọc mô phỏng vạch đi bộ trên đường và chữ “WHITE”. Hiển nhiên giá của chúng cũng không hề rẻ.

xu huong thoi trang duong pho - elle man 4

Bí quyết thành công của hai thương hiệu trên có thể hiểu được đến từ yếu tố “hype” (những thứ bóng bẩy được ca tụng thái quá), khi những rappers có sức ảnh hưởng như A$AP Rocky, Tyler the Creator và Kanye West mặc chúng. Nhờ sức ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa hip-hop cũng như văn hóa trượt ván, giới trẻ nhanh chóng bị ảnh hưởng và tôn sùng những thương hiệu đình đám kể trên như một thứ tôn giáo. Không ít người tìm cách kiếm lời từ việc mua đi bán lại, khiến giá của chúng lại càng đắt hơn, không khác mấy so với hiện tượng chiếc túi Hermès Birkin.

xu huong thoi trang duong pho - elle man 2

Các hãng thời trang lớn không thể làm ngơ trước cái bánh lớn. Cao trào là BST cộng tác giữa Louis Vuitton với Supreme. Không phải một BST túi xách mà là cả một tủ trang phục, hiển nhiên chỉ sản xuất giới hạn. Từng đoàn người chờ đợi chỉ để mua được những sản phẩm trong BST này là hình ảnh mà hãng thời trang nào cũng ao ước. Chúng được thèm khát tới mức chiếc Keepall 45 màu đỏ có logo Supreme hiện nay được bán lại với giá cao gấp 3 lần giá gốc. LVMH sau đó đã nhanh chóng sắp lại bàn cờ của mình và bắt đầu cuộc chơi chiến lược đánh vào phân khúc thời trang đường phố: Di dời Kris Van Assche tới Berluti, đưa Kim Jones đến Dior Men để dọn chỗ cho Virgil Abloh tại Louis Vuitton.

xu huong thoi trang duong pho - elle man 5

Xin nhắc lại một phát biểu của Demna Gvasalia: “Fashion is not about hype. Fashion is about clothes” (thời trang là về quần áo chứ không phải là sự phóng đại). Thế nhưng trong bối cảnh thời trang đường phố đang thống lĩnh, thực tế thời trang thời mạng xã hội là bất cứ thứ gì rồi mới đến quần áo. Xu hướng hay hiện tượng cũng được, chúng sẽ dần biến mất khi đạt đến cao trào, điều còn lại chính là nét riêng và chất lượng. Cây bút Douglas Brundage của Highsnobiety đã đặt câu hỏi, liệu bong bóng streetwear có sắp vỡ tung không? Thật khó để đoán trước, nhưng chắc chắn một điều: thời trang đường phố đang tận hưởng thời khắc thật huy hoàng.

Xem thêm:

Thời trang đường phố Việt Nam – Liệu cuộc chơi đã có bản sắc?

Việt Max: “Thời trang đường phố là một bức tranh sống động”

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Hoàng Lê – Ảnh: tư liệu

cùng chuyên mục

No more