Xu hướng 18/07/2018

Nhiếp ảnh gia chiến trường Jonathan Alpeyrie: “Chiến tranh mới là yếu tố đưa tôi đến với nhiếp ảnh”

Bài ELLE Man

[ELLE Man tháng 6/2018] Điển trai và điềm tĩnh, có phần lạnh lùng, chàng nhiếp ảnh gia chiến trường Jonathan Alpeyrie mở ra cho chúng tôi một phần thế giới thuộc về chiến tranh, về một nghề thuộc loại nguy hiểm nhất nhì thế giới...

Sinh năm 1979 tại Pháp, chàng nhiếp ảnh gia chiến trường Jonathan Alpeyrie mang 3 dòng máu Tây Ban Nha, Pháp và Nga. Năm 14 tuổi, anh chuyển đến New York sống cùng bố và theo học trường Lycée Français de New York. Jonathan bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh khi chụp hình cho tờ báo địa phương ở Chiago trong những năm đầu đại học. Sau khi tốt nghiệp Đại học Chicago, anh đến Congo để làm việc và được Getty Images phát hiện, ký hợp đồng cộng tác năm 2004.

nhiep anh gia chien truong jonathan alpeyrie - elle man 2

Trong hơn một thập kỷ, Jonathan đã đến hơn 35 nước khác nhau và trải qua 13 cuộc xung đột ở Bắc Phi, Trung Đông, Nam Caucasus và Trung Á. Các tác phẩm của anh từng được đăng tải trên các tạp chí lớn như Paris Match, Times (châu Âu), Newsweek, Glamour, BBC, ELLE, Popular Photography, Vanity Fair, CNN.

Tháng 4 năm 2013, trong khi tác nghiệp tại Syria, Jonathan bị phiến quân nổi loạn bắt cóc làm con tin trong vòng 81 ngày. Sau đó, anh được một doanh nhân người Syria chuộc ra với số tiền là 500.000 USD. Đó là quãng thời gian đen tối nhất trong sự nghiệp của Jonathan và được anh kể lại trong cuốn tự truyện gây tiếng vang: The Shattered Lens: A War Photographer’s True Story of Captivity and Survival in Syria. Cuốn sách gây ấn tượng đến nỗi Giám đốc casting nổi tiếng Bonnie Timmermann quyết định hợp tác với anh để chuyển thể thành phim.

nhiep anh gia chien truong jonathan alpeyrie - elle man 8

Nhiếp ảnh gia chiến trường là một nghề không hề dễ dàng. Những người làm công việc này không chỉ có lòng gan dạ mà phải có… máu lạnh bởi mỗi ngày những gì họ đối mặt hầu như là bom đạn, chết chóc, đau thương và nỗi sợ hãi, thậm chí hy sinh cả tính mạng là điều có khả năng xảy ra. Không ít các nhiếp ảnh gia chiến trường đã tử nạn trong lúc tác nghiệp hoặc họ phải sống với nỗi ám ảnh suốt cả đời. Từng cộng tác với ELLE với loạt ảnh bài “Những người phụ nữ nơi tiền tuyến” ở Mosul, ELLE Man Việt Nam một lần nữa được nghe anh chia sẻ về cái nghề thuộc loại nguy hiểm nhất nhì thế giới đối với hầu hết chúng ta nhưng đối với anh, đó là “chất gây nghiện”, một phần không thể thiếu của đời mình.

Chào Jonathan, rất vui vì anh đã nhận lời phỏng vấn với ELLE Man Việt Nam. Có vẻ như anh đã nổi tiếng khi xuất hiện khắp nơi trên các mặt báo, truyền hình, thậm chí tôi nghe tin rằng, câu chuyện của anh còn sắp được dựng thành phim.

Thời buổi này, danh tiếng không làm tôi cảm thấy hứng thú lắm bởi nó xảy ra quá nhanh và cũng lụi tàn trong khoảnh khắc. Trong thế giới này ai cũng có cơ hội để trở thành người nổi tiếng nhưng với tôi, nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Nó đến với tôi và tôi nắm lấy cơ hội đó chứ không phải là thứ mà tôi đang tìm kiếm.

Anh có thể chia sẻ vì sao anh lại chọn trở thành một nhiếp ảnh gia chiến trường?

Có thể nói rằng khi còn là một thằng nhóc, tôi có hứng thú với chiến tranh. Bên cạnh đó, tôi sinh ra trong một gia đình có nhiều thành viên là cựu chiến binh đã từng tham gia nhiều trận chiến như Chiến tranh thế giới thứ 2, chiến trường Đông Dương – điển hình là trận đánh Điện Biên Phủ… Tôi say mê những câu chuyện của họ kể và nó cứ ngấm vào tôi lúc nào chẳng biết. Vì muốn tự trải nghiệm nên khi trưởng thành, tôi nhập ngũ. Tuy nhiên, tôi nhận ra bản thân không thích hợp làm lính. Vậy là tôi quyết định trở thành nhiếp ảnh gia chiến trường, nơi tôi vừa có thể thỏa mãn sở thích chụp ảnh, vừa được ở trong những cuộc chiến. Suy cho cùng, nhiếp ảnh không phải là thứ tối quan trọng nhất. Chiến tranh mới là yếu tố đưa tôi đến với nhiếp ảnh.

Khi lần đầu tác nghiệp trong những cuộc xung đột, cảm giác có khác những gì anh tưởng tượng trước đó không?

Có chứ. Hiển nhiên tôi phải sống với nó. Tôi phải đối mặt với nỗi sợ hãi, chết chóc và phải hiểu nó có dành cho tôi hay không. Cũng như chất gây nghiện vậy, bạn nghe nói về nó nhưng bạn không biết cảm giác sẽ như thế nào nếu bạn không thử. Tương tự với chiến tranh, thực tế sẽ khác xa với những câu chuyện kể nếu bạn không trực tiếp ở đó và đối mặt với nó. Tôi nhớ lần đầu tiên tham gia vào cuộc xung đột Georgia năm 2004, tôi đã cảm thấy rất phấn khích. Tôi biết, chiến trường chính là nơi tôi muốn đặt chân đến.

nhiep-anh-gia-chien-truong-jonathan-alpeyrie-elle-man-3
Ảnh Jonathan chụp cuộc xung đột tại Nam Ossetia, Georgia vào tháng 4/2004. (Ảnh: Jonathan Alpeyrie/Getty images)

Anh không hề cảm thấy sợ hãi gì sao?

Tôi không sợ nhưng lo lắng. Có một chút nao lòng trong giây phút tôi rời khỏi nhà, trên đường ra sân bay và suốt quãng đường đến địa điểm tác nghiệp. Khoảnh khắc sau khi đóng sầm cánh cửa lại sau lưng, tôi tự nói với bản thân có lẽ không nên đi. Nhưng kiểu gì thì tôi vẫn cứ đi.

Cảm giác về lần đầu của anh khi thấy người khác bị bắn chết ngay trước mắt mình?

Nó không quá kinh khủng như người ta tưởng tượng. Có thể nói, tôi không cảm thấy gì cả. Vào một khoảnh khắc, tôi hầu như cảm thấy nó không hề có thực. Khi tôi lấy lại được sự tự tin hơn cả là sau khi tôi thấy ngày càng có nhiều xác chết hơn. Sau bao nhiêu năm làm công việc này, nó trở thành một phần quan trọng trong con người tôi. Khó khăn nhất có lẽ là khi chứng kiến những đứa trẻ bị giết ở Mosul, Iraq. Nhưng hết lần này đến lần khác, kinh nghiệm cứ ngày một dày hơn và đó là một phần của công việc. Người ta giết chóc lẫn nhau trước mắt tôi thật điên loạn nhưng rồi tôi lại cảm thấy rất bình thường.

Có thật là anh rất bình thường?

Nghe có vẻ lạnh lùng nhưng thật sự là vậy. Bạn phải nhận thức rõ ràng, tách biệt cảm xúc với công việc, phải giữ trái tim và một cái đầu lạnh. Nếu không làm được như vậy, bạn chỉ còn cách quay trở về làm việc ở nhà băng. Tuy nhiên, khi gần như trở nên vô cảm, lúc về nhà, bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề khác, với bạn gái, gia đình, bạn bè. Họ chia sẻ những khó khăn của họ cho bạn và bạn chỉ nhún vai một cách phũ phàng: “Tôi chả quan tâm!”. Thật không công bằng với họ chút nào. Họ phải lùi lại và chờ đợi cho đến khi tôi trở lại bình thường.

nhiep-anh-gia-chien-truong-jonathan-alpeyrie-elle-man-4
Một người lính của phiến quân Syria được chụp vào 25/4/2013 tại Yabrud, Rif Dimashq, Syria (Ảnh: Jonathan Alpeyrie/Polaris Images)

Vậy là công việc này đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời của anh?

Rõ ràng là nó ảnh hưởng đến mọi ngõ ngách trong cuộc đời tôi, từ mối quan hệ với người phụ nữ cho đến cách tôi giao tiếp với mọi người xung quanh. Có thể nói tôi là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đi khắp nơi trên thế giới, xông vào những cuộc chiến đẫm máu, nhưng khi trở về nhà, tôi là một người bình thường, phải đứng xếp hàng ở quầy tính tiền, mọi thứ chậm lại. Đối với tôi chuyện đó tương đối khó khăn.

Quay trở lại với công việc nhiếp ảnh gia chiến trường của anh, tôi tò mò rằng, có khi nào trong lúc đang tác nghiệp, có người đang hấp hối và chết dần trước mặt anh, thay vì cứu họ, anh vẫn phải tiếp tục công việc chụp ảnh và nhìn họ chết đi. Anh cảm thấy thế nào với những trường hợp như vậy?

Bạn phải hiểu, chụp ảnh là công việc của tôi chứ không phải cứu người. Tất nhiên, chúng tôi vẫn cứu người và từng hỗ trợ ở Syria, Ukraine vì chúng tôi cũng là con người. Nhưng bên cạnh đó, với vai trò nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, và nếu có trường hợp như vậy xảy ra mà tôi có thể chụp được những tấm hình đẹp, vậy tôi sẽ chọn chụp ảnh mà không cảm thấy do dự dù chỉ một giây. Bạn phải hiểu lý do chính để tôi có mặt ở những nơi như thế này, vì tôi muốn có mặt trong lịch sử và không có quyền can thiệp vào. Tôi không phán xét bất kỳ phe nào. Tôi có mặt ở đó chỉ để ghi lại những khoảnh khắc của lịch sử mà thôi.

 nhiep-anh-gia-chien-truong-jonathan-alpeyrie-elle-man-5
Xung đột vào tháng 2/2005 ở Nepal. (Ảnh: Jonathan Alpeyrie/Getty images)

Nói một chút về bộ phim của anh đi!

Đó là một bộ phim truyện về sự sóng sót sau 81 ngày tôi bị bắt cóc ở Syria vào tháng 4 năm 2013, chuyển thể từ cuốn tự truyện. Thật là một dự án dài hơi. Giám đốc Casting Bonnie Timmermann phụ trách casting diễn viên cho bộ phim này. Theo một cách nói khác, bà ấy đã giúp tôi nổi tiếng và thay đổi cuộc đời tôi. Tôi quả là may mắn.

Đã bao nhiêu lần anh cận kề cái chết?

Sáu lần, ở Ukraine và Syria. Tôi suýt bị giết ở Nepal và Mosul…

Lần nào đối với anh là kinh khủng nhất?

Có lẽ lần bị bắt cóc ở Syria. Khi bị bắt, tôi vẫn không tin điều đó là thật mà chỉ nghĩ có một sự nhầm lẫn ở đây. Tôi đang đứng ở trong phe phiến quân nổi loạn nhưng cuối cùng rơi vào bẫy và bị bắt. Tôi đã tự trấn an mình rằng mọi chuyện sẽ ổn nhưng thực tế không ổn chút nào. Tôi bắt đầu nhận thức được điều đó khi bị họ trói, thậm chí đánh đập.

nhiep-anh-gia-chien-truong-jonathan-alpeyrie-elle-man-6
Một nhóm phụ nữ Iraq tháo chạy khỏi các cuộc tấn công của IS bao vây Mosul, Bắc Iraq vào 23/3/2017. (Ảnh: Jonathan Alpeyrie/SIPA)

Lúc đó anh có nghĩ rằng mình sẽ chết?

Mỗi ngày. Trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ: “Vậy là xong!”. Trong căn phòng bị nhốt, mọi thứ rất im lặng nhưng tâm trí lại không ngừng làm việc. Đó là sự tra tấn kinh khủng nhất.

Ngay giây phút đó, anh muốn làm điều gì nhất?

Cái chết. Đã có lúc tôi nhớ về gia đình nhưng khi bị giam giữ càng lâu, tôi chỉ muốn họ kết thúc càng nhanh càng tốt.

Có nhiều phóng viên chiến trường sau khi trở về, họ mắc bệnh trầm cảm và không thể dứt mình khỏi những suy nghĩ về chiến tranh. Anh có hay từng như vậy không?

Không. Tôi rất rõ ràng về công việc và cảm xúc. Như đã nói, đây là công việc và bạn phải hiểu rõ nguyên tắc của nó.

Cha mẹ anh có nói gì về anh không?

Cha tôi không nói gì nhiều. Còn mẹ tôi thì hay nói thật khó khăn để chấp nhận. Cũng như những người mẹ khác, bà chỉ muốn tôi là một người bình thường, lập gia đình, lấy vợ và sinh con như bao người đàn ông khác.

Anh có dự định đó không?

Thật khó nói. Những người làm nghề như tôi, họ gặp khó khăn trong các mối quan hệ. Rất nhiều trong số đó đã li dị. Tôi vẫn độc thân. Có thể tôi sẽ thay đổi khi tìm được đúng người. Nhưng người đó vẫn chưa xuất hiện.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

nhiep anh gia chien truong jonathan alpeyrie - elle man 7
Nữ quân nhóm thuộc quân đội giải phóng Oromo trên đường hành quân trở về Kenya. Ảnh: Jonathan Alpeyrie

Xem thêm:

18 nhiếp ảnh gia tuyệt vời trên thế giới bạn nên biết

Nhiếp ảnh gia khiến thế giới ngỡ ngàng với “tuyệt phẩm vô tình”

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Hương Tôn

Ảnh: Jonathan Alpeyrie

No more