Xu hướng 30/07/2019

Bộ đệm Joyride mới của Nike và những tranh cãi về vấn đề môi trường

Bài ELLE Man

Ngay sau thành công vang dội với bộ đệm React được xem là vũ khí chống lại Boost của adidas thì mới đây, Nike lại tiếp tục giới thiệu đến công chúng một bộ đệm tiên tiến mới sắp được ra mắt - Joyride. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu việt của nó thì công nghệ đệm này cũng nhận phải phản ứng trái chiều từ phía những nhà bảo vệ môi trường. Vậy, bạn muốn tìm hiểu thêm về công nghệ mới này cũng như sự tranh cãi xoay quanh nó, hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.

Không thể phủ nhận những thành công gần đây của Nike với hàng loạt những công nghệ mới độc quyền, mà tiêu biểu là bộ đệm React gần đây. Tưởng chừng đây sẽ là hướng phát triển chủ đạo của “the Swoosh” trong vài năm tới để so kè với adidas (đế Boost và đế công nghệ in 4D) hay Puma (bộ đế kết hợp giữa foam IGNITE với hạt NRGY) thì mới đây, Nike lập tức giới thiệu thêm bộ đệm Joyride – công nghệ đế mới nhất của nhà Nike – trước sự bất ngờ nhưng đầy hào hứng của cộng đồng sneakerhead. Một số thông tin xoay quanh sự ra mắt của sản phẩm này sẽ được ELLE Man điểm qua trong bài viết dưới đây.

bộ đệm joyride elle man giay nike joyride flyknit
Ảnh: Nike
Công

Giới thiệu về bộ đệm Joyride

Để có được công nghệ độc quyền này, đội ngũ thiết kế của thương hiệu sportwear này phải bỏ ra gần 10 năm thử nghiệm với vô vàn các vật chất khác nhau trước khi lựa chọn được hạt TPE (nhựa đàn hồi nhiệt dẻo) cho bộ đệm Joyride.

Với phương pháp tiếp cận bàn chân vô cùng sáng tạo, bộ đệm này giúp bảo vệ phần dưới cơ thể của người chạy tốt hơn, mang lại hiệu suất hấp thụ các tác động cao hơn, trong khi vẫn bảo toàn năng lượng, và đảm bảo chúng được sử dụng một cách hiệu quả. Điều này có nghĩa là sải chân sẽ dài hơn, tốc độ chạy cũng sẽ nhanh hơn khi chạy đường dài, độ nảy được cải thiện rõ rệt hơn, từ đó, giúp ngăn ngừa các chấn thương và tăng tốc độ phục hồi.

Điểm đặc biệt của bộ đệm Joyride chính là nằm ở phần đế giày được chia thành bốn phần riêng biệt, với mỗi phần được gọi là “pod.” Các pod này chứa đầy hạt li ti màu cam/xanh dương được biết đến với tên gọi là TPE, có chức năng hấp thụ tác động. Số lượng và kích thước của các hạt cũng tùy thuộc vào phần “pod” chứa nó. Ví dụ, phần gót chân sẽ chứa các hạt TPE lớn hơn với số lượng nhiều hơn hẳn vì đây là phần chịu lực tác động lớn nhất, còn phần chân trước các hạt sẽ nhỏ hơn và ít hơn về số lượng nhằm đảm bảo có được sự chuyển tiếp mượt mà nhất.

Bộ đệm Joyride ELLE Man toàn cảnh đế giày
Ảnh: Nike News

Nike nói rằng Joyride được tạo ra nhằm mang lại cảm giác rằng đôi giày dường như được làm riêng cho đôi chân của mỗi người, từ một vận động viên marathon dày dạn kinh nghiệm cho đến những người mới bắt đầu tập chạy.

Dựa trên các tài liệu quảng cáo được tung ra bởi Nike thì có nhiều nhận xét vui trên các trang mạng xã hội nói rằng phần Visible Air (cửa sổ Air) vốn là công nghệ đã cũ của “Swoosh” sẽ dần được thay thế bởi Visible Joy (cửa sổ Joy). Những người đầu tiên được trải nghiệm công nghệ mới này chia sẻ bộ đệm Joyride rất khác biệt, thậm chí mang lại cảm giác như đang chạy trên không, vô cùng êm ái. Tất cả đều nhờ vào công nghệ mới với các hạt TPE.

Chính vì vậy, các nhà sản xuất đều hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công công nghệ mới này, và sẽ sớm tung ra thị trường. Nike Joyride Flyknit đã được bán trước cho các thành viên Nike vào ngày 25/7, và sau đó sẽ được phát hành trên toàn thế giới ngày 15/8 tới đây.

Những tranh cãi về vấn đề môi trường

Nhiều câu hỏi được đặt ra về việc Nike sử dụng loại hạt vi nhựa (microplastic) khi tạo ra sản phẩm mới này, nhất là trong hoàn cảnh các vấn đề liên quan đến môi trường ngày càng nhận được sự quan tâm từ công chúng.

“Chuyện gì sẽ xảy ra với các hạt TPE trong trường hợp giày không còn được sử dụng, hoặc bắt đầu hư hỏng?”c hính là câu hỏi được quan tâm nhiều nhất ở thời điểm hiện tại.

Bộ đệm Joyride ELLE Man hạt vi nhựa xanh đỏ
Ảnh: Nike News

Rất nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy cái hạt vi nhựa này xuất hiện không chỉ ở trong đại dương xanh thẳm, mà còn trong bầu không khí chúng ta hít thở hàng ngày, từ đó, tạo ra mối hiểm họa tiềm tàng về sức khỏe cho hàng tỷ người trên Trái đất. Và những ai yêu thích chạy bộ cũng biết rằng vòng đời của một đôi giày chạy thường trong khoảng từ 300 – 500 dặm, cho nên khả năng Joyride bị thay thế, hoặc hư hỏng, khá là cao.

Trước những chỉ trích trên, Nike đã nhanh chóng lên riếng:

“Nike cam kết luôn vì một tương lai bền vững cho thế giới nói chung, và thể thao nói riêng. Giống với tất cả các loại giày thể thao khác, Joyride cũng có thể được tái chế thông qua chương trình Reuse-A-Shoe, và biến thành các sản phẩm mới. Chúng tôi cũng tích cực tìm hiểu nguồn chất liệu microfiber và làm việc với ngành hàng có liên quan để hiểu kỹ càng về vấn đề, và có các giải pháp thích hợp về lâu dài.”

Thật vậy, Nike trước đây đã chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ môi trường, trong đó đáng chú ý là việc luôn nhắc nhở người chạy nên tái chế giày của họ bằng mọi cách. Rõ ràng bộ đệm Joyride này sẽ không thay đổi chính sách đó của Nike, ngay cả khi các hạt TPE không hẳn là một lựa chọn quá ổn trong trường hợp này.

bộ đệm joyride elle man giày với bóng
Ảnh: Nike News

Tuy nhiên có một vấn đề cần lưu tâm ở đây, sản phẩm chứa công nghệ bộ đệm Joyride sẽ được phân phối khắp toàn cầu, đó là điều chắc chắn, nhưng liệu chương trình tái chế Reuse-A-Shoe đó có thật sự theo kịp tốc độ kinh doanh của sản phẩm hay không, vì ngoại trừ những thị trường chính của Nike chắc chắn được hỗ trợ dễ dàng thì còn những khu vực khác thì sao? Liệu chính sách kinh doanh và bảo vệ môi trường có thể song hành đồng tốc được không? Thôi thì cứ để thời gian trả lời.

Công

Tổng hợp: Mika (Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man. Nguồn tham khảo: Digital Trends, Nike News, SNKRVN)

No more