Xu hướng 15/04/2021

Thời trang kỹ thuật số: Liệu đã đến thời chín muồi?

Bài EM Digital Editor

Trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành, thì sức sáng tạo vô hạn của những người làm nghệ thuật thị giác cùng với cơn đói của các tín đồ thời trang khiến thị trường ‘thời trang ảo’ lại được đà bùng nổ! Vậy, 'thời trang kỹ thuật số' là gì?

Hình ảnh CEO Tesla, Elon Musk xuất hiện tại Met Gala 2018 cùng một đôi sneakers “độc nhất vô nhị” đã gây chú ý mạnh mẽ trên mạng xã hội, và chúng đã giới thiệu cho chúng ta khái niệm về “thời trang ảo” hay “thời trang kỹ thuật số”. Thứ gọi là ‘CYBERSNEAKER’ được thiết kế bởi RTFKT Studios, và lấy cảm hứng từ dòng xe gây tranh cãi Cybertruck của Musk.

Đôi sneakers hình khối, với cảm hứng từ chủ nghĩa thẩm mỹ thô mộc của dòng Cybertruck, hoàn thiện với phần đế phóng đại và một dấu “swoosh” giống với Nike ở bên thân. Elon Musk là người đầu tiên được nhìn thấy mang đôi sneakers này.

Elon Musk “mang” đôi Cybertruck tại Met Gala 2018. Nguồn: Reddit

Nhưng thật ra, Musk chưa bao giờ đi chúng cả!

Trên thực tế, đôi giày được sử dụng kỹ thuật nhiếp ảnh kỹ thuật số và photoshop lên trên một bức ảnh sẵn có của Musk (người mà thật ra chỉ đi một đôi giày dạ hội bình thường vào đêm Met Gala). Hình ảnh đã qua chỉnh sửa trên được chia sẻ với tài khoản Instagram hơn 600,000 followers của RTFKT, khiến nhiều người theo dõi thậm chí đã tin rằng đây là bức ảnh thật, và phần bình luận nhanh chóng tràn ngập những câu hỏi về việc có thể mua đôi sneakers này ở đâu.

Đôi ‘CYBERSNEAKER’. Nguồn: RTFKT Studios

Tuy rằng ‘CYBERSNEAKERS’ không hề tồn tại – ít nhất là trong thế giới thực – vậy nhưng cuối cùng nó cũng được bán với giá 15.000 USD (tương đương 345 triệu VND). Một người tham gia đấu giá thậm chí đã đưa ra mức 40.000 USD (khoảng 922 triệu VND) cho đôi sneakers trên, cho tới khi họ nhận ra, chúng chưa hề được mang bởi Musk.

Chào mừng tới thế giới của thời trang ảo (thời trang kỹ thuật số), nơi mà ta khó phân biệt đâu là thực, đâu là hư.

“Chúng tôi coi mình như Supreme của thời đại mới, dành cho những khán giả ảo” 

RTFKT được thành lập vào tháng 1/2020, nhưng những người sáng lập của thương hiệu: Benoit Pagotto, Steven Vasilev và Chris Le, đã bắt đầu đăng tải nội dung từ một năm trước đó, khi họ sáng tạo ra những hình ảnh photoshop “đánh lừa thị giác” và được chia sẻ mạnh mẽ trên internet.

Trên Instagram của họ, một đôi Air Jordans dường như đang bay lên để đáp lại cặp Găng tay vô cực với monogram của Gucci; Kanye West và DJ Khaled xuất hiện cạnh nhau trong đôi sneakers nổ tung lấy cảm hứng từ PlayStation 5.

Đôi ‘NZXT’ Sneakers. Nguồn: RTFKT Studios

Mặc dù những đôi giày này thách thức mọi logic (và trong nhiều trường hợp, chạm tới quyền sở hữu trí tuệ của một vài thương hiệu sneakers khác), các bài đăng của RTFKT nhanh chóng thu hút được một lượng khán giả lớn, những người mê mẩn với sản phẩm ảo và mong muốn có được chúng.

Thành công — cùng với những tham vọng lớn của họ — là minh chứng cho việc các thương hiệu ảo đang ngày càng trở nên lớn mạnh, những người vốn tận dụng sự tồn tại kỹ thuật số đang ngày càng tăng của xã hội loài người. Và quá trình phát triển của họ đã được đẩy nhanh hơn nhờ những lần phong tỏa do COVID-19, khi mà người tiêu dùng buộc phải ở nhà, và dành thời gian sống, làm việc, giao lưu xã hội trực tuyến.

Benoit Pagotto (một trong những đồng sáng lập RTFKT) chia sẻ: “Chúng tôi đã gặp may với đại dịch, theo một cách nào đó. Nó củng cố tầm nhìn của chúng tôi, tầm nhìn mà ban đầu có thể chưa đủ chín. Giờ đây, ngành công nghiệp thời trang đã bắt đầu đặc biệt quan tâm tới không gian ảo.”

Đôi sneakers lấy cảm hứng từ PlayStation 5. Nguồn: RTFKT Studios

Khi có rất nhiều sneakerheads đang “kiếm fame” nhờ việc tìm mua những đôi giày ‘hiếm có khó tìm’, thì không gian trực tuyến chẳng phải là nơi hoàn hảo để giới thiệu chúng tới một lượng khán giả lớn hơn — dù những đôi sneakers ấy thậm chí còn không tồn tại?

Steven Vasilev (một trong những đồng sáng lập RTFKT) chia sẻ thêm: “Chúng tôi đang tạo nên một loại metaverse nơi mà bạn có thể sử dụng những items này. Và theo một cách nào đó, nó còn ‘real’ hơn cả real. Khi chúng tôi đăng tải hình ảnh Elon Musk đi đôi sneakers kia, người dùng internet đã tưởng chúng là thật. Hình ảnh ấy có khoảng 50 triệu lượt tiếp cận. Do đó, nếu có nhiều người nhìn thấy nó tới vậy, thì đôi giày này là thật, hay giả đây?”

Thị trường ảo cũng đã lan rộng ra ngoài thị trường giày sneakers. Tribute, một thương hiệu ‘thời trang ảo không tiếp xúc’ được thành lập năm ngoái bởi các nhà thiết kế Filip Vajda và Gala Marija Vrbanic, với các sản phẩm thời trang lấy cảm hứng từ quần áo vũ trường của những năm 90. Sau khi thanh toán cho sản phẩm yêu thích của mình, khách hàng được mời gửi một bức ảnh sẵn có (và đã sẵn sàng trên Instagram) để thương hiệu chỉnh sửa bằng công nghệ CGI giúp họ “mặc” bộ quần áo đã mua.

Đôi sneakers lấy cảm hứng từ PlayStation 5, Nguồn: RTFKT Studios
Mua

“Thực tế ảo đang ngày càng trở nên phổ biến”

Vrbanic, người được truyền cảm hứng để ra mắt Tribute thông qua những trò chơi có trang phục ảo như Grand Theft Auto V hay The Sims, đã rất ngạc nhiên trước phản ứng của người tiêu dùng trẻ, ngay cả khi những sản phẩm thời trang có thể lên tới 699 USD (tương đương 16 triệu VND).

Cô nói: “Doanh số bán hàng thực sự rất tuyệt. Khi bắt đầu, chúng tôi không hề có bất kỳ kỳ vọng nào cả. Chúng tôi nghĩ rằng cứ đưa lên Instragram và xem phản ứng của người dùng ra sao. Nhưng gần như ngay lập tức, chúng tôi bắt đầu nhận được một lượng theo dõi ổn định và các đơn đặt hàng dần đổ về. Nó đã vượt xa sự mong đợi của chúng tôi.”

Vrbanic tin rằng sự thành công của thương hiệu thể hiện sức mạnh ngày càng tăng của thế hệ người tiêu dùng thuộc Gen-Z, trẻ và đang gia tăng, những người đang trưởng thành vào thời điểm giao thoa giữa thời trang và trò chơi điện tử.

Khách hàng “diện” bộ đầm mới sắm từ Tribute. Nguồn: Vogue

“Đó là hai thế giới luôn được cho rằng không hề liên quan”, cô chia sẻ. “Nhưng hãy nhìn tôi: Tôi là người tiêu dùng đó. Trò chơi điện tử đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều. Và toàn bộ các khía cạnh của thực tế ảo đang thực sự trở thành văn hóa đại chúng”

Đây là điều mà RTFKT cũng đồng tình và sự thay đổi ấy đã khai phá ra một bộ phận người tiêu dùng hay bị bỏ qua. “Đó là những gamers với tư duy streetwear,” Chris Le (một trong những đồng sáng lập RTFKT) chia sẻ, “Đó là những đứa trẻ (Gen-Z) đang sưu tập các sản phẩm của Yeezy và Off-White, nhưng để khoe chúng trên stream.”

Pagotto đồng ý với nhận định này của Chris: “Hai thế giới đó đang giao thoa. Đúng, có những game thủ thích streetwear. Nhưng phần lớn những người mê streetwear cũng là những đứa trẻ thích chơi games, ít nhất là những anh chàng chơi Fortnite mỗi tuần một lần. Vì vậy, họ cũng có một cuộc sống ảo.”

Một thiết kế thời trang ảo của Tribute. Nguồn: Tribute

Gen-Z không phải là bộ phận khách hàng duy nhất hứng thú. Nhà sưu tập U40 có biệt danh ‘Whale Shark’ là một trong những khách hàng đầu tiên của RTFKT, đã mua đôi sneaker ‘X’ của họ vào năm 2020 với 22 ethereum (khoảng 27.000 USD, tương đương với 622 triệu VND, tại thời điểm đó). Whale Shark là một nhà đầu tư ban đầu vào Bitcoin (với những gì anh ta mô tả là “một số tiền khá lớn”) và hiện là nhân vật nổi bật trong cộng đồng ‘sưu tập điện tử’.

Đối với anh ấy, việc mua đôi sneaker ‘X’ là “không phải nghĩ” với tư cách của một người đánh giá cao các sản phẩm ảo. “Đó là một trong những đôi sneakers kỹ thuật số đầu tiên”, anh chia sẻ, “Vì vậy đây tựa như cơ hội tuyệt vời để sở hữu một phần của lịch sử”. Kho sưu tập đồ kỹ thuật số đồ sộ của Whale Shark — bao gồm sneakers và các tác phẩm nghệ thuật ảo — đã “tăng vọt” trong những tháng gần đây, và dự kiến sẽ vượt mốc 10 triệu USD (tương đương 230 tỷ VND) giá trị thị trường vào tháng 2.

Tuy nhiên, thị trường đại chúng có thể phải mất một thời gian để bắt kịp. Ryan Mullins, CEO và Giám đốc sáng tạo của Aglet, thương hiệu giày ảo cho phép người dùng mua giày ảo theo format như Pokémon Go chia sẻ: “Tôi nghĩ có một sự phân chia rạch ròi giữa những người hiểu và không hiểu, Một số người vẫn sẽ bối rối khi bạn nói với họ rằng có người đang tiêu tiền vào những món đồ như giày ảo hay áo hoodie ảo. Họ nói “điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả.” Nhưng nó thực sự có ý nghĩa. Nó đang thực sự diễn ra.”

Thiết kế thời trang nam ảo. Nguồn: Tribute

Về phần mình, Whale Shark tin rằng sự phức tạp của việc mua các sản phẩm kỹ thuật số — thường liên quan tới tiền ảo, và sự hiểu biết về công nghệ blockchain — hiện đang là rào cản cho nhiều người tiêu dùng.

“Tôi nghĩ thị trường này sẽ không thể được đón nhận rộng rãi nếu không loại bỏ được rào cản đó”. Anh chia sẻ. Tuy nhiên, Whale Shark tin chắc rằng những mặt hàng ảo này cuối cùng cũng sẽ trở nên phổ biến hơn và mọi người sẽ xem chúng như một khoản đầu tư khôn ngoan. “Thị trường đại chúng vẫn chưa thực sự nắm bắt được điều này”, anh nói, “Nhưng thời điểm đó sắp tới rồi. Tôi nghĩ các bộ sưu tập kỹ thuật số sẽ phù hợp hơn với thế hệ các nhà sưu tập tiếp theo, bởi vì họ giành hơn 50% cuộc đời của mình ở trên mạng. Chúng ta đang bắt đầu một cuộc cách mạng dài hơi.”

Các đồng tiền ảo phổ biến hiện nay. The Bangkok Post
NFT

Thật vậy, sự khao khát các sản phẩm ảo đang tăng lên theo cấp số nhân. Nghiên cứu gần đây được công bố bởi Statista cho thấy chi tiêu của người dùng cho ‘skins’ — thứ cho phép người chơi thay đổi diện mạo các nhân vật của họ trong trò chơi điện tử — sẽ đạt 50 tỷ USD (tương đương 1,1 nghìn tỷ VND) vào cuối năm 2022.

Có lẽ, việc thời trang xâm nhập vào thế giới điện tử này là điều không tránh khỏi, ngay cả khi đối với số đông (không phải Gen-Z) thì sự nắm bắt thị trường game còn có phần chậm chạp. “Động lực của thời trang ảo không khác gì động lực của một người tiêu dùng khoe mẽ đồ của họ trong thế giới thực: Thật dễ hiểu thôi nếu người tiêu dùng muốn phiên bản ảo của mình cũng phải mặc đồ hot hit, vì đó là nơi mà họ dành phần lớn thời gian để chơi và tương tác cùng bạn bè,” Ryan Mullins nói.

Sneakers ảo trên ứng dụng Aglet. Nguồn: HYPEBEAST

Theo những người tạo ra và ủng hộ thời trang ảo thì chúng có một vài lợi thế đáng chú ý so với quần áo ngoài đời thực: Thứ nhất, là tính thời trang bền vững của nó. Ngoài việc không sử dụng bất kỳ vật liệu nào trong quá trình tạo ra sản phẩm (trừ việc cung cấp điện cho các máy móc được sử dụng để chế tạo ra chúng), quần áo ảo không mất tiền vận chuyển, không đóng gói và không tạo ra rác thải.

Thêm vào đó, theo quan điểm của những người làm ra thời trang ảo, họ đang mang tới một cơ hội sáng tạo chưa từng có cho các nhà thiết kế. Không có giới hạn! Chris Le giải thích về quá trình đằng sau những đôi sneakers của RTFKT. “Chúng tôi không phải nghĩ về kỹ thuật, hay cách sản xuất một cái đế, hay liệu nó có phù hợp với một vận động viên hay không. Đối với chúng tôi, đây là một thách thức hoàn toàn về mặt thẩm mỹ: làm thế nào để tạo ra những đôi giày đỉnh cao nhất.”

Billie Eilish cùng đôi sneakers ảo của RTFKT Studios. Nguồn: RTFKT Studios

Tuy nhiên, điều đó cũng gây ra cho họ những khó khăn riêng: viễn cảnh khả năng vô hạn có thể là một viễn cảnh vô năng. Vrbanic, khi sản xuất các BST cho Tribute, đã rất ngạc nhiên và chia sẻ rằng: “Chúng tôi từng nghĩ rằng quá trình thiết kế sẽ nhanh hơn, nhưng thật ra cũng phải mất khoảng thời gian tương tự thiết kế quần áo thực, hoặc thậm chí còn lâu hơn. Nó giống như, nếu bạn làm một chiếc áo phông chẳng hạn, nó không cần phải có tay áo vì tay áo không có chức năng gì trong thế giới ảo. Vậy nhưng, liệu đó còn có phải là một chiếc áo phông hay không?”. Cô nhấn mạnh rằng những sáng tạo của Vrbanic không thể đi quá xa tới mức khách hàng không thể nhận ra, và rằng những phong cách ấy phải có gốc rễ từ những sản phẩm thời trang mà chúng ta biết trong đời thực.

“Hiện tại, chúng tôi đang sản xuất những sản phẩm trông như một phiên bản nâng cấp của các mặt hàng thực, để người tiêu dùng có thể dần trở nên quen thuộc với chúng”.

Đôi sneaker ‘X’. Nguồn: RTFKT Studios

Tuy nhiên, kỳ lạ thay, trong khi không gian ảo là vô hạn, nơi cho phép số lượng thiết kế không giới hạn, thì các thương hiệu ảo phần lớn lại chọn sự khan hiếm. Những đôi sneakers của RTFKT hiện chỉ được sản xuất dưới dạng những phiên bản độc nhất, trong khi các sản phẩm của Tribute được sản xuất với số lượng limited nghiêm ngặt và sẽ không bao giờ lặp lại thiết kế đó.

Do vậy, họ đang sử dụng cách hoạt động của các thương hiệu streetwear ngoài đời thực. Vasilev nói: “Đó là những gì chúng tôi thấy ở các thương hiệu như Supreme hay Louis Vuitton, sở hữu những món đồ sưu tập khó có được — điều này đẩy mạnh giá trị và vị thế của món đồ”. Vrbanic đồng tình và thêm vào: “Sẽ thật ngu ngốc khi cung cấp quần áo ảo với số lượng vô hạn. Sẽ tốt hơn khi có một thứ gì đó mà ít người sở hữu.”

Elon Musk và Kanye West “mang” những đôi sneakers ảo của RTFKT Studios. Nguồn: RTFKT Studios

Điều này có thể thay đổi theo thời gian khi các thương hiệu mới tham gia vào không gian ảo, và thị trường càng trở nên cạnh tranh hơn. Nhưng hiện tại, các thương hiệu đang tập trung vào việc mở rộng khả năng và những gì họ có thể cung cấp cho khách hàng — điều bị hạn chế bởi những gì công nghệ hiện tại có thể cho phép.

RTFKT hy vọng sẽ phát triển một đôi giày ngoài đời thực được trang bị màn hình kỹ thuật số, và người dùng có thể thay đổi màu sắc thông qua điện thoại của mình. Vasilev nói: “Hiện tại công nghệ chưa đủ khả năng để làm điều này, nhưng chúng tôi đang nghiên cứu ngay bây giờ.”

Trong khi đó, Vrbanic thì lại tập trung vào việc mở rộng phạm vi của Tribute, và cải tiến các sản phẩm của thương hiệu: “Thực sự, chúng tôi biết khách hàng của mình muốn gì. Họ muốn những thứ mà họ sẽ không bao giờ mặc ngoài đời thực.”

Bức

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Dịch thuật: Hoàng Minh – Tham khảo nội dung: HYPEBEAST

No more