Xu hướng 02/01/2022

Metaverse: “Miền đất hứa” tiếp theo của ngành công nghiệp thời trang?

Bài EM Digital Editor

Trong bối cảnh mà một vũ trụ ảo mang tên Metaverse đang dần được hiện thực hoá và mở rộng một cách nhanh chóng, thì thế giới thời trang cũng đã có cho mình những sự chuẩn bị đáng kể để từng bước tiến vào “miền đất” đầy tiềm năng này. Hãy cùng ELLE Man điểm qua một số bước tiến đáng chú ý của những thương hiệu thời trang hàng đầu vào vũ trụ Metaverse trong thời gian vừa qua.

Kể từ được Mark Zuckeberg nhắc đến trong một buổi thuyết trình vào tháng 6/20221 vừa qua, vũ trụ ảo Metaverse đã trở thành một trong những chủ đề được quan tâm bậc nhất của nửa cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, những ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 cũng vô tình biến không gian mạng trở thành một nền tảng thiết yếu để duy trì những nhu cầu tương tác xã hội. Qua đó, gián tiếp biến khái niệm về một vũ trụ ảo, nơi có thể tái hiện sống động những trải nghiệm đời thực thông qua nền tảng số, trở thành một một tương lai cho bước phát triển tiếp theo của thế giới công nghệ, cũng như xã hội loài người.

Ảnh: Artwork của nghệ sĩ Charli Cohen

Nắm bắt được tiềm năng vô hạn của viễn cảnh Metaverse, những ông lớn của ngành công nghiệp thời trang, như Nike, adidas, Balenciaga…cũng đã nhanh chóng xuất hiện trong vũ trụ ảo này bằng những ý tưởng đầy hiện đại và độc đáo. Qua bài viết này, hãy cùng ELLE Man điểm qua toàn cảnh câu chuyện về thế giới thời trang trong vũ trụ Metaverse.

Facebook

1. Metaverse – tương lai mới của nhân loại?

Mặc dù Metaverse chỉ mới trở thành tâm điểm trong thời gian gần đây, tuy nhiên trên thực tế khái niệm về một vũ trụ ảo đã được hình thành từ rất lâu và thậm chí đã xuất hiện trong những tác phẩm văn hoá – giải trí kinh điển, tiêu biểu như những cái tên đình đám là The Matrix (Ma Trận), Ready Player One (2018), series Black Mirror…

Ma trận - Metaverse đầu tiên trên màn ảnh rộng
Những cảnh chiến đấu trong The Matrix thực chất diễn ra ở một không gian ảo. Ảnh: The Matrix
Ảnh: Phim Ready Player One

Về cơ bản Metaverse chỉ một thế giới ảo, nơi có thể tái hiện đời sống thực trên nền tảng số. Tại đó, con người có thể trực tiếp đắm chìm và tương tác đa chiều trong một không gian kỹ thuật số, dựa trên sự tương hỗ của những công nghệ tối tân trong nhiều năm vừa qua như Virtual Reality (thực tế ảo), Agumented Reality (thực tế tăng cường), nền tảng Blockchain và dĩ nhiên là kết nối Internet.

Ảnh: Phim Iron Man

Với nền tảng đồ sộ và được đầu tư xây dựng bởi những gã khổng lồ công nghệ, như Meta (Facebook cũ), Google, Microsoft… Metaverse đã mở ra tiềm năng kinh tế cho rất nhiều lĩnh vực.

Trong khi các công ty tổ chức sự kiện đã rục rịch thử nghiệm những virtual event (sự kiện ảo) – nơi người tham dự có thể tham gia từ xa mà không cần trực tiếp đến một địa điểm nhất định, thì các công ty game cũng đang tận dụng công nghệ Blockchain cùng NFT để xây dựng nên concept game P2E (Play To Earn) – nơi người chơi có thể chủ động tạo nên tài sản và kiếm tiền từ không gian kỹ thuật số.

Trong bối cảnh đó, thế giới thời trang dĩ nhiên cũng không thể nằm ngoài làn sóng này. Với vị thế là ngành công nghiệp tạo nên các xu hướng xã hội, có thể nói tiềm năng phát triển cuả ngành công nghiệp may mặc trong vũ trụ Metaverse là cực kỳ khổng lồ.

BST Skin đặc biệt của game The Sims do Stefan Cooke thiết kế. Ảnh: Maxis and Electronic Arts

NFT

2. Vũ trụ ảo mang đến tiềm năng bao la cho thị trường thời trang

Ảnh: The Fabricant

Để khái quát về bước tiến của ngành công nghiệp thời trang vào Metaverse, thì chúng ta có thể nhớ lại sự chuyển mình của những thương hiệu thời trang cao cấp lên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram hay gần nhất là TikTok nhằm tiếp cận rộng hơn với tệp khách hàng trẻ vào khoảng vài năm trước.

Về cơ bản thì Metaverse có thể được ví von như một “phiên bản sống” và mở rộng hơn nhiều lần của mạng xã hội. Và cho dù ở bất kỳ không gian nào, từ đời thực, social media hay Metaverse thì nhu cầu thể hiện bản thân, cũng như kết nối với những người có cùng sở thích theo  cách trực quan nhất, thông qua thời trang chỉ có thể tăng lên chứ không bị suy giảm theo thời gian.

Có lẽ khái niệm này sẽ khá quen thuộc với các game  thủ – những người luôn sẵn sàng đầu tư để mua các bộ skin nhằm khẳng định cá tính cũng như nâng tầm đẳng cấp cho nhân vật trong game của mình.

BST skin collab giữa Balenciaga và tựa game Fortnite. Ảnh: Balenciaga

Chính điều này đã mở ra một tiềm năng vô hạn cho những thương hiệu thời trang. Giờ đây, những thương hiệu thời trang có thể đầu tư tạo nên những sản phẩm ảo cho không gian kỹ thuật số và thu về lợi nhuận thực sự thông qua nền tảng NFT (Non-fungible Token) – công nghệ cho phép sở hữu tài sản trong thế giới ảo. Bên cạnh đó, việc sản xuất các sản phẩm virtual cho Metaverse còn tránh được vấn đề tồn kho – bài toán nhức nhối của ngành thời trang từ trước đến nay

Sản phẩm thời trang NFT của The Fabricant.
Ảnh: Fashion ABC

Để ví von về bước tiến này, cây viết Rachel Tashijan của tạp chi GQ vẽ ra một viễn cảnh như sau. “Hãy hình dung vào năm 2034, khi bạn đang bước trên đường phố Mahattan với một cặp kính thông minh chia sẻ dữ liệu với hàng ngàn người khác. Bất chợt bạn nhận ra một người bạn đang diện bộ trang phục mới nhất và được custom đặc biệt từ nhà mốt Balenciaga. “Outfit đỉnh thật sự ấy bồ” – bạn phải trầm trồ và thốt lên. Tuy nhiên khi vừa tháo chiếc kính ra để tận mắt cảm nhận bộ outfit ấy thì bạn lại nhận ra người bạn kia chỉ đang diện một bộ trang phục chạy bộ bình thường và chiếc áo Balenciaga kia thực chất là sản phẩm kỹ thuật số và hiện hữu trong Metaverse.”

Với Metaverse việc "sở hữu" một chiếc túi sang chảnh sẽ dễ dàng hơn nhiều
Với Metaverse việc “sở hữu” một chiếc túi sang chảnh từ Gucci hay thậm chí là Birkin của Hermes sẽ dễ dàng hơn nhiều. Ảnh: Rad Morra
Thời

3. Những động thái đáng chú ý của các thương hiệu thời trang vào Metaverse

Vào năm 2018, hình ảnh tỉ phú Elon Musk diện một đôi sneaker “độc nhất” với nét thiết kế cyberpunk tại sự kiện Met Gala đã gây sốt trên toàn bộ các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, đôi sneaker này chưa bao giờ…tồn tại!

Elon Musk trong thiết kế sneaker Cybertruck của RTFKT tại Met Gala 2018
Elon Musk và Kanye West trong các “thiết kế sneaker” của RTFKT. Ảnh: Reddit

Đây thực chất là một sản phẩm thiết kế kỹ thuật số của RTFKT Studio (đọc là: Artifact Studio) – một trong những công ty tiên phong về khái niệm “virtual fashion”(tạm dịch: thời trang thực tế ảo) và được photoshop vào hình ảnh của Elon Musk. RTFKT sau đó đã trình làng khá nhiều các sản phẩm digital artwork về lĩnh vực thời trang và nhận được sự chú ý từ đại chúng, trong đó có gã khổng lồ Nike.

Cận cảnh thiết kế sneaker ảo của RTFKT. Ảnh: RTFKT Studio
Billie Eilish cùng đôi Air max 90 phiên bản “custom ảo” do RTFKT thực hiện. Ảnh: RTFKT studio

Vào tháng 12/2021, Nike đã chính thức công bố mua lại RTFKT. Thương vụ này đã được công bố trong buổi showroom ảo Roblox. Giờ đây, Nike sẽ hợp tác với RTFKT để ra mắt những sản phẩm virtual trên nền tảng NFT, qua đó đánh dấu bước tiến đầu tiên của ông lớn sportwears này vào vũ trụ Metaverse.

Các thiết kế ảo trong Metaverse mà Nike cùng RTFKT chuẩn bị tung ra. Ảnh: Nike

Không chịu thua kém đối thủ, adidas cũng đã công bố hợp tác với công ty đang đi đầu trong lĩnh vực xây dựng nền tảng NFT là The Sandbox, cùng 2 công ty thuộc lĩnh vực game P2E gaming trên NFT/ blockchain là Bored Ape Yacht Club, Punks Comic, và nhà đầu tư tiền điện tử Gmoney. Qua đó chính thức bước vào vũ trụ Metaverse.

Màn collab "khủng" đánh dấu bước tiến của adidas vào Metaverse
Ảnh: adidas

Thậm chí thương hiệu sportswear từ Đức còn thể hiện tham vọng tạo nên một cộng đồng của riêng mình trong thế giới Metaverse bằng việc trình làng một linh vật thương hiệu mang hình ảnh chú vượn Bored Ape trong trang phục adidas Originals, cũng như xây dựng nên một “quốc đảo” mang hình ảnh logo adidas trong The Sandbox.

ảnh: adidas

Qua sự cộng tác này, adidas hứa hẹn sẽ kết hợp những sản phẩm đời thực của hãng cùng các sản phẩm virtual, để “tạo nên một trải nghiệm độc đáo dựa trên khả năng vô hạn của Metaverse” – thông qua phát ngôn trên trang Twitter chính thức của thương hiệu.

Thiết kế thời trang ảo của Tribute. Ảnh: Tribute

Ngoài ra, những thương hiệu thời trang cao cấp cũng đã rục rịch chuẩn bị cho bước chuyển mình tiếp theo của công nghệ mang tên Metaverse trong suốt nhiều năm nay. Thậm chí BST sản phẩm NFT đầu tiên, đánh dấu  bước tiến của nhà mốt Dolce & Gabbana vào Metaverse, còn phá kỷ lục doanh thu với 5.6 triệu đô la Mỹ!

Dolce & Gabbana đã phá kỷ lục doanh số sản phẩm NFT với 5.6 triệu dô la Mỹ tại Tuần lễ thời trang vừa qua. Ảnh: Dolce & Gabbana
Ảnh: Dolce & Gabbana

Hay như những tên tuổi thời trang cao cấp khác là Burberry, Ralph Lauren và Gucci cũng đã nhanh chóng thử nghiệm những BST “skin” đầu tiên của mình thông qua các tựa game trên nền tảng NFT và thu về kết quả cực kỳ tích cực. Ở  thời điểm hiện tại, bản  thân người mua vẫn chưa thể trực tiếp “mặc” những  item này trong Metaversee, nhưng với sự phát triển nhanh chóng của nền tảng công nghệ cùng những  bước tiền mà các thương hiệu thời trang đang  đẩy mạnh, chúng  ta hoàn  toàn có  thể kỳ vọng vào những trải nghiệm cực  kỳ  thú vị trong Metaverse mà ngành công nghiệp may mặc có thể mang lại ngay trong tương lai gần sắp tới.

BST skin Sharky B của Burberry trong tự game Blanko’s Block Party. Ảnh: Burberry & Mythical Games
Với Metaverse, người hâm mộ có thể gián tiếp trải nghiệm BST WInter Escape của Ralph Lauren trong vũ trụ online của Roblo
Với Metaverse, người hâm mộ có thể gián tiếp trải nghiệm BST WInter Escape của Ralph Lauren trong vũ trụ online của Roblox. Ảnh: Roblox
Các thiết kế của digital fashion illustrator Richard James
Mua

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Tào Minh

Tham khảo: GQ, France 24, TFL, Time, USA Today, Bloomberg, Vogue

No more