Xu hướng 23/08/2018

Tràn lan lối sống ảo trên mạng xã hội: Mua hàng, chụp hình rồi trả lại

Bài ELLE Team

Để có thể phục vụ cho nhu cầu "sống ảo" cùng thời trang trên mạng xã hội, rất nhiều người dùng phương Tây (hay cụ thể hơn là tại Anh Quốc) đang có xu hướng lợi dụng chính sách đổi trả khi mua hàng trên mạng để chụp hình rồi đem trả lại cho cửa hàng. Điều thú vị ở đây chính là, số lượng nam giới thực hiện điều này lại nhiều hơn phụ nữ.

Người dùng mạng xã hội Instagram hẳn đã quen thuộc với hashtag #OOTD (Outfit Of The Day, tạm dịch: Trang phục mỗi ngày), nay những người mua sắm thời trang đang dần biến nó theo đúng nghĩa đen: Mua quần áo trực tuyến đúng một ngày sau đó đổi trả cho cửa hàng chỉ để có một bức ảnh hoàn hảo trên Instagram.

Tràn lan lối sống ảo trên mạng xã hội: Mua hàng, chụp hình rồi đổi trả

(Hình minh họa: Boy Meets Fashion)

Nguyên nhân số lượng người đổi trả quần áo sau khi mua trực tuyến đang tăng dần có thể xuất phát từ chính sách đổi trả – “thử trước khi mua” của các cửa hàng thời trang. Với một loạt các nhà bán lẻ trực tuyến cho phép người mua thử quần áo trước khi quyết định có muốn thanh toán hay trả lại chúng hay không, đã khiến hiện tượng đổi trả quần áo ngày càng trở nên phổ biến.

Theo một khảo sát được thực hiện bởi công ty thẻ tín dụng Barclaycard thì hiện tại có cứ mười người mua sắm thì sẽ có một người thừa nhận rằng họ mua hàng trên mạng chỉ để phục vụ cho các nhu cầu đăng ảnh sống ảo trên mạng xã hội Instagram, và rồi sau đó gửi trả lại cửa hàng.

Đàn ông mê sống ảo nhiều hơn phụ nữ trên mạng xã hội

Tràn lan lối sống ảo trên mạng xã hội: Mua hàng, chụp hình rồi đổi trả

(Hình minh họa: Instagram @amir_leitner)

Cuộc khảo sát được thực hiện trên 2,002 người trưởng thành và có rất nhiều điều thú vị xoay quanh kết quả thu được. Điều thú vị thứ nhất là đàn ông có khuynh hướng thực hiện hành vi này nhiều hơn cả phụ nữ – với 12% người được khảo sát đã thừa nhận họ mua hàng trực tuyến chỉ để đăng lên mạng xã hội và sau đó đem trả. Ngoài ra, cuộc nghiên cứu còn cho thấy rằng đàn ông quan tâm đến thời trang nhiều hơn phụ nữ – từ việc nam giới Anh dành trung bình 114 Bảng (khoảng 3,400,000 VND) cho quần áo và giày dép mỗi tháng. Điều thú vị tiếp theo là độ tuổi trung bình của những đối tượng “sống ảo” nhiều nhất là 35-44 tuổi, đây là một con số thú vị gây khó hiểu cho nhiều người rằng liệu kết quả khảo sát của Barclaycards có thiếu sót hay không khi giới trẻ mới là những người chiếm số đông trên mạng xã hội Instagram và có xu hướng “sống ảo” bởi những hạn chế trong thu nhập.

Tràn lan lối sống ảo trên mạng xã hội: Mua hàng, chụp hình rồi đổi trả

(Hình minh họa: Instagram @iamgalla)

Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến việc sống ảo này được cho là xuất phát từ tâm lý “sợ bị đánh giá”. Cứ một trong mười người đàn ông từ cuộc khảo sát sẽ có tâm lý xấu hổ nếu ai đó nhìn thấy họ mặc một bộ trang phục giống nhau hai lần trên mạng xã hội, so với chỉ 7% phụ nữ có cùng câu trả lời. Không chỉ riêng những người nổi tiếng, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dùng trong việc quản lý và xây dựng hình ảnh của mình trên mạng truyền thông. Việc chia sẻ đời sống của mình trước công chúng  có thể khiến người dùng luôn trong trạng thái sợ bị đánh giá bởi cộng đồng mạng, dẫn đến tâm lý xấu hổ khi phát hiện bản thân mình mặc những trang phục giống nhau trong nhiều bức hình. Ngoài ra để có thể sống ảo theo trào lưu #OOTD, việc chi trả cho trang phục mỗi ngày có thể vô cùng đắt đỏ. Do đó, hiện tượng đổi trả quần áo sau khi sống ảo trong mua sắm cũng là điều dễ hiểu.

Các thương hiệu dành cho sống ảo

Tràn lan lối sống ảo trên mạng xã hội: Mua hàng, chụp hình rồi đổi trả

(Hình minh họa: Boy Meets Fashion)

Khi trào lưu sống ảo trên mạng xã hội trở nên phố biến, một số nhà bán lẻ thời trang đã nhanh tay đáp ứng nhu cầu cho những “thượng đế” Instagram của mình. Điển hình như thương hiệu thời trang Fashion Nova, biên tập Allison P. Davis của The Cut đã có dịp tìm hiểu sâu về mô hình kinh doanh này: “Những bộ quần áo của thương hiệu này được làm ra để phục vụ cho nhu cầu sống ảo: Nghĩa là có thể mặc một hoặc hai lần, dùng để chụp hình và sau đó sẽ vứt bỏ”. Hoặc một thương hiệu khác được ưa chuộng trong thời đại Instagram như Rent the Runway, chú trọng chính sách đổi trả và cho phép khách hàng có thể mướn đồ từ các nhà thiết kế thời trang.

Tuy nhiên, lối sống ảo này cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Các nhà môi trường cũng đã nêu lên những vấn đề về rác thải được tạo ra bởi lượng lớn sản phẩm bị đổi trả. Dù vậy, vẫn có một số ít trào lưu thời trang đi ngược với xu hướng này và ít ảnh hưởng đến môi trường hơn. Điển hình như khái niệm về “Capsule wardrobe” (Tạm dịch: những trang phục cần thiết) –  kêu gọi người mua sắm thời trang nên đầu tư vào chất lượng thay vì số lượng, mua những trang phục ít bị lỗi mốt thay vì những bộ quần áo theo xu hướng nhưng nhanh hết thời.

Tràn lan lối sống ảo trên mạng xã hội: Mua hàng, chụp hình rồi đổi trả

Lối mua sắm và sống ảo trên mạng xã hội này đã có nhiều tác động tiêu cực đến các nhà bán lẻ thời trang lẫn môi trường. (Hình minh họa: Reuters)

Xem thêm: 

8 thương hiệu thời trang bền vững dành cho nam

Thời trang bền vững: NTK Trương Thanh Hải và Võ Công Khanh nói gì về xu hướng này?

Bài: Trần Hãn Hào (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, Tham khảo: Independent, Hình: Tổng hợp)

No more