Xu hướng 01/08/2018

Xu hướng Parody và lằn ranh mong manh với đạo nhái

Bài ELLE Team

Lằn ranh giữa xu hướng Parody (trào phúng) và Bootleg (đạo nhái, ăn cắp ý tưởng) trong thời trang luôn rất mong manh. Parody hiện nay vẫn nằm trong vùng xám, không phải hoàn toàn đúng (vùng trắng) nhưng cũng không hoàn toàn sai (vùng tối). Vì vậy, việc lợi dụng mác "Parody" để kinh doanh những sản phẩm ăn theo hiện nay vẫn là một hiện trạng nhức nhối trong cộng đồng thời trang.

Vào năm 2016, Davil Tran, một thanh niên người Mỹ gốc Việt, đã khiến cộng đồng thời trang có một phen cười nghiêng ngã khi ra mắt hàng loạt sản phẩm ăn theo thương hiệu Vetements, dưới tên gọi Vetememes.

xu huong parody - elle man 1
Davil Tran trong một buổi chụp với thương hiệu Parody mới nhất của mình mang tên Boolenciaga.

Ở thời điểm đó, người ta có thể tìm thấy chiếc áo raincoat đen với độc nhất logo Vetements ở bất kì con phố nào mỗi fashion week. Sự nóng bỏng của nó không chỉ dừng lại trên đường phố mà còn len lõi khắp ngóc ngách của các hot insta, người nổi tiếng… Điều khiến item này có giá bán lẻ là $135 được “hype” lên gấp 2,3 lần và hơn thế nữa, việc sở hữu một chiếc áo Vetements còn trở thành một tín hiệu của sự thời thượng cho bất kì ai khoác lên nó.

xu huong parody - elle man 2
Về hình thức những sản phẩm Vetememes gần như không khác là mấy so với nguyên bản Vetements.

Nhưng không phải ai cũng có thể tìm kiếm và đủ khả năng chi trả cho thiết kế đắt giá trên. Thế nên, Vetememes của cậu thiếu niên 22 tuổi, Davil Tran ra đời dường như là cơn mưa giữa mùa Hạ. Cách chơi chữ hài hước với font chữ và thiết kế gần như không gì khác biệt so với bản gốc giúp Vetememes trở thành alternative-item (sản phẩm thay thế) hoàn hảo cho những ai không muốn chi trả quá nhiều cho một tấm ảnh trendy trên instagram

Từ đó, Vetememes trở thành một ví dụ điển hình về văn hoá Parody trong thời trang. Xu hướng Parody có thể tạm định nghĩa là những sản phẩm ăn theo, sử dụng phong cách của một sản phẩm nổi tiếng theo lối thiết kế trào phúng, hài hước.

xu huong parody - elle man 3
Thiết kế hài hước “Homies New York” của Reason Clothing lấy cảm hứng từ logo kinh điển của Hermes Paris
xu huong parody - elle man 4
Theo nhiều tin đồn, Riccardo Tisci – khi ấy là giám đốc nghệ thuật của Givenchy, thậm chí từng sở hữu một chiếc áo “Giraunchy” của hãng C.O.I (Conflict of Interest) .
xu huong parody
Rihanna cũng từng nhiều lần xuất hiện với các thiết kế mang xu hướng Parody.
xu huong parody - elle man 6
Tài tử Trần Quán Hy, một trong những “dân chơi” thời trang số 1 Hongkong với thiết kế Channel!
xu huong parody - elle man 7
COMME des FUCKDOWN (parody của Comme des Garcons) cũng từng làm mưa, làm gió trong cộng đồng thời trang sau khi được A$AP Rocky và các anh em A$AP mặc.

Có rất nhiều cách để thể hiện trong Parody. Phổ biến nhất có lẽ là cách chơi chữ, nhại lại tên thương hiệu như Homies, Buccy, Saint Laundry… Ngoài ra, các phong cách như làm mới những thiết kế đặc trưng, sử dụng một phần tên thương hiệu trong ngữ cảnh hài hước, phản ánh trào phúng một sự việc, scandal của các brand… cũng thường là những đề tài được nhìn thấy trên các thiết kế mang xu hướng Parody.

xuhuongparody8

Nổi tiếng trong số đó phải kể đến thiết kế “Ain’t Laurent Without Yves” của nghệ sĩ Jeanine Heller. Câu chơi chữ hài hước này là cách Heller châm biếm sự kiện thương hiệu hơn 50 năm tuổi, Yves Saint Laurent đổi tên thành Saint Laurent Paris. Chiếc áo này nhanh chóng trở thành một đề tài bàn tán của giới mộ điệu thời điểm bấy giờ và thậm chí còn có mặt trên kệ của một trong những cửa hàng thời trang uy tín nhất Paris – Colette, mặc cho Saint Laurent Paris đâm đơn kiện lên toà án (nhưng rút lại sau đó).
Tuy nhiên, lằn ranh giữa Parody và đạo nhái (bootleg), ăn cắp ý tưởng luôn rất mong manh. Parody hiện nay vẫn nằm trong vùng xám, không phải hoàn toàn đúng (vùng trắng) nhưng cũng không hoàn toàn sai (vùng tối). Vì vậy, việc lợi dụng mác “Parody” để kinh doanh những sản phẩm ăn theo hiện nay vẫn là một hiện trạng nhức nhói trong cộng đồng thời trang.

xuhuongparody1

Một sản phẩm chỉ được đánh giá là Parody khi sản phẩm đó sử dụng những yếu tố cơ bản của tác phẩm gốc như: font chữ, biểu tượng, lối thiết kế hay phong cách… dưới góc nhìn hài hước. Song, mọi hành vi sử dụng tên thương hiệu, logo nguyên bản hay “sao chép” y nguyên thiết kế đều có thể bị xem là hành động đạo nhái. Điều này cũng giống như việc không thể xem các biến thể với logo “Supreme” được bày bán ở các khu chợ là sản phẩm Parody!

Và để minh chứng cho câu nói trên, Tân Nguyễn (founder của Vietnamese Street Style Group – một cộng đồng thời trang đường phố lớn ở Việt Nam) cũng chỉ ra sự kiện nhà mốt Maison Martin Margiela đã từng “tái tạo” những chiếc quần Levi’s có giá tầm $50 để biến nó thành một sản phẩm high fashion cho bộ sưu tập của mình vào những năm 90s hay việc Demna Gvasalia từ Vetements sử dụng những chiếc áo đồng phục DHL truyền thống cho runway. Việc “high-fashion-hoá” những item đấy nhằm nói lên rằng fashion là muôn màu muôn vẻ và dù túi tiền của bạn có ở ngưỡng nào đi nữa thì bạn vẫn có thể mặc đẹp như các người mẫu trên runway.

xuhuongthoitrang9

trao luu parody - elle man 80

Nếu như so sánh các sản phẩm Haute Couture là những tác phẩm điện ảnh hàm lâm đầy tính nghệ thuật thì Parody lại là những bộ phim hài hước mang phong vị “mì ăn liền”.

Bạn có thể chê hay khen, yêu thích hay ghét bỏ phong cách này. Nhưng dù thế nào thì vẫn không thể chối cãi rằng xu hướng Parody là một phần tất yếu và gắn liền với sự phát triển của văn hoá thời trang và cũng hãy nhớ rõ, lằn ranh giữa Parody và đạo nhái cũng thật mỏng manh.

Xem thêm:

Thời trang đường phố: Bài toán nan giải cho các thương hiệu Việt

Việt Max: “Thời trang đường phố là một bức tranh sống động”

Bức tranh toàn cảnh của thời trang đường phố ngày hôm nay

Việt Phạm (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man)

No more