Trần Trung Lĩnh đã từng xuất hiện trên ELLE Man trong vai trò thành viên của một đoàn xe motor phượt với mục đích từ thiện. Trong số này, anh trở lại với tư cách khác. Đó là họa sĩ Trần Trung Lĩnh, người thiết kế bối cảnh cho những bộ phim điện ảnh. Anh có vẻ ngoài “điển hình” của một chàng nghệ sĩ phong trần nhưng bên trong lại là tinh thần làm việc chặt chẽ, nghiêm túc.
Trước đây anh nổi tiếng với các tác phẩm Pop-art, vậy từ khi nào anh mới chuyển qua làm họa sĩ thiết kế cho phim?
Ừ, tôi là họa sĩ mà. Phim chỉ là chơi thôi. Tôi bắt đầu vẽ storyboard cho Charlie Nguyễn. Rồi tới Để mai tính, ngồi với nhà sản xuất tôi đùa đùa thật thật rằng, tôi có thể làm tốt hơn những gì đang diễn ra. Vậy là Charlie giao cho tôi công việc đầu tiên với tư cách họa sĩ thiết kế trong phim Long Ruồi.
Vậy là anh chuyển luôn sang thiết kế bối cảnh, chẳng cần bước chuyển?
Từ tư cách cá nhân là một người học Mỹ thuật cùng đội ngũ có xuất thân tương tự, tôi không nghĩ chuyện có một bước chuyển là cần thiết. Hồi đó, đội của tôi là đội đầu tiên ở Sài Gòn có năm thằng tốt nghiệp đại học Mỹ thuật (cười). Phần nữa, trước đây với một nền điện ảnh phát triển khá thô sơ, vị trí thiết kế trong phim bị coi nhẹ. Đoàn phim thường quen tay quen việc, thuê thợ mộc hay… thợ gì đó vào cày thôi. Tôi nghĩ chuyện đó rất nguy hiểm, không phải bởi chuyện người ta xuất thân từ đâu, nhưng mỗi cá nhân trong đội nên ít nhất phải có một cảm nhận về cái Đẹp khác với người bình thường.
Theo anh, với lợi thế của mình, một họa sĩ tốt nghiệp đại học Mỹ thuật, là gì?
Đó không hẳn là lợi thế của tôi. Việc tôi xem nhiều phim từ khi còn ở trường đại học và để ý cách từng chi tiết đó thay đổi cục diện bộ phim như thế nào mới là lợi thế của tôi.
Bộ phim nào đã làm anh thay đổi thái độ từ coi phim sang xem phim?
Trainspotting của Danny Boyle. Lúc đó tôi đã xem rất nhiều phim rồi, nhưng khi xem phim đó tôi mới bắt đầu thấy hoang mang. Từ đó tôi vẽ tranh cũng khác. Trước đó tôi chỉ vẽ trừu tượng và biểu hiện. Từ khi xem xong tôi quyết định chuyển hẳn qua Pop-art.
Hoang mang anh gặp phải tại thời điểm đó là hoang mang gì?
Mình nhìn xung quanh thấy mọi thứ đều sai hết. Cái gì cũng sai. Nó đẩy mình vào trạng thái phi lý phải hai đến ba năm. Lúc đó tôi vẽ như điên. Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn xem lại. Nhiều khi cảm giác mạnh tới nỗi tôi muốn buồn nôn.
Và điều gì khiến anh tự tin theo đuổi nghề thiết kế suốt ba năm nay?
À câu chuyện của tôi thì hơi khác. Trước khi bấm máy, anh Charlie chỉ dặn: “Anh chỉ muốn em tổ chức team của em tốt thôi”. Chưa bao giờ Charlie có những câu hỏi về chuyên môn. Thế nên cứ vào là làm thôi. Tôi thấy có thể mọi thứ cũng bắt đầu từ niềm tin đó của Charlie dành cho mình.
Kỷ niệm nhớ nhất trong những phim anh làm là gì?
Là lần mới đây với phim Tèo em. Do rất kỹ tính và luôn có những suy nghĩ mới, Charlie luôn sửa kịch bản vào phút cuối. Như chiếc xe hơi ban đầu chỉ cho xuất hiện trong vài phút, rốt cuộc đạo diễn quyết định cho nó xuất hiện xuyên suốt bộ phim. Chi tiết nhỏ vậy thôi mà khiến chúng tôi cực nhọc trong 3, 4 tháng.
Anh có những dự định gì dài hơi hơn với điện ảnh không?
Tôi vừa hoàn thành phim ngắn Bướm với vai trò đạo diễn. Cực quá trời! Một người phải kiêm nhiều công việc khác nhau. Nhưng tôi biết đây là một bước chuyển chính đáng nếu sau này tôi muốn trở thành đạo diễn.
Trong những bộ phim anh đã làm, về mặt chuyên môn, anh thích nhất phim nào?
Tất nhiên làm Bụi đời Chợ Lớn là sướng nhất rồi. Vì quá cực, nó có nhiều thứ để mình lo, cộng với chất bụi bặm đường phố luôn là thứ gây cảm hứng cho tôi nhiều nhất. Có những phim mời tôi nhưng nói về những thứ phù phiếm xa hoa không thuộc về mình nên tôi cảm thấy không thoải mái khi nhận lời. Với lại tôi biết nhà sản xuất ở Việt Nam sẽ không chi tiền nhiều cho thiết kế nên sản phẩm không bao giờ kỹ càng đến từng chi tiết, điều mà tôi luôn cố gắng đạt được trong mỗi phim tôi làm.
Đạo diễn nào là người gây cảm hứng cho anh nhất?
Vương Gia Vệ và Kim Di Duk.
Hình như thể loại anh thích khác hẳn với thể loại anh chọn để làm
Cũng tùy làm phim với mục đích gì. Nếu để ra rạp, lấy lời cho nhà sản xuất, để có danh tiếng. Hoặc để làm một phim độc lập, dồn hết những ý niệm trong mình ra và đặt vào nó, thì cách tiếp cận sẽ rất khác nhau. Nhất là mối quan hệ của đạo diễn và sản xuất. Với phim độc lập, đạo diễn và nhà sản xuất sẽ đi thuyết phục người khác – mà ở đây là nhà đầu tư – thích sản phẩm của họ. Còn với phim để ra rạp thì sản xuất nhúng tay rất nhiều về chuyên môn của mình.
Vậy theo anh tại sao lại có một sự khác biệt lớn như vậy? Do kiến thức nền của khán giả thưởng thức văn hóa tại Việt Nam? Hay là do cách phát triển kỳ lạ của điện ảnh nước mình?
Cả hai. Nhưng tôi không đổ lỗi cho ai trong hai cộng đồng trên cả.
Anh đánh giá bộ phim Việt Nam nào cao nhất về mặt mỹ thuật?
Ngã ba Đồng Lộc, một phim đẹp về mặt tình cảm, và Thời xa vắng, tiểu thuyết đã hay rồi, kèm với hồi trước quay phim nhựa, từng góc, từng khung đều được canh kỹ càng. Còn về sau tôi thấy phim Việt Nam quá bị ảnh hưởng bởi những phim đạo diễn thế hệ thứ 5 của Trung Quốc, những bộ phim mà tôi đã xem hơn chục năm trước, nên tôi chẳng ấn tượng với phim nào cả.
Nếu bây giờ cần có một lời khuyên cho các nhà làm phim trẻ, cả độc lập hay để chiếu rạp kiếm tiền, thì lời khuyên của anh là gì?
Đừng thỏa mãn về công việc của mình, nhưng một khi đã làm thì làm cho tới.
Cám ơn anh.