Tin tức 16/09/2021

Nike gặp khó vì dây chuyền sản xuất tại Việt Nam bị đình trệ do Covid-19

Bài Tri Duc

Theo hãng dịch vụ tài chính BTIG, các thương hiệu thể thao lớn như adidas, Under Armour và đặc biệt là Nike hiện đang gặp vấn đề lớn trong nguồn cung vì các nhà máy tại Việt Nam ngưng hoạt đông do Covid-19. Tình trạng ngưng trệ suốt 2 tháng liên tiếp khiến nguồn cung ứng đứt gãy trầm trọng, nguy cơ dẫn đến khả năng huỷ đơn số lượng lớn sẽ diễn ra vào mùa holiday season 2021 và kéo dài đến đầu năm 2022.

Vào tháng 7/2021, Nike từng nói rằng chuỗi sản xuất tại Việt Nam bị ngừng trệ vì Covid-19, đại dịch ảnh hưởng lớn đến cơ sở sản xuất cũng như nhân công tại Việt Nam. Và sau 2 tháng đình trệ sản xuất, tình hình càng thêm căng thẳng cho không chỉ “gã khổng lồ vùng Oregon” mà cả những thương hiệu khác đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đối thủ lớn của Nike là adidas cũng nói rằng việc đình trệ tại Việt Nam chính là thách thức rất lớn trong chuỗi cung ứng cho mùa mua sắm “holiday season” sắp tới đây.

Cổ phiếu của Nike đã giảm 1,3% sau khi bị BTIG hạ cấp, Hoka adidas và Under Armour cũng giảm giá vào sáng thứ Hai đầu tuần (13/9). Nhà phân tích Camilo Lyon của BTIG chia sẻ: “Mặc dù Nike đã được trang bị cực kỳ tốt để quản lý những gián đoạn như vậy, nhưng chúng tôi e rằng vấn đề này quá lớn để kiểm soát, ngay cả đối với thương hiệu thể thao hùng mạnh nhất trên thế giới. Do đó, chúng tôi hạ cấp xuống mức trung lập cho đến khi họ có khả năng quay trở lại lịch trình sản xuất và vận chuyển bình thường”.

Camilo Lyon cũng chỉ ra một thực trạng rằng Nike đang đối mặt với nguy cơ rất lớn trong việc huỷ đơn hàng vào năm 2022: “Chúng tôi cho rằng khả năng rất cao là Nike sẽ gặp phải tình trạng huỷ đơn hàng đáng kể vào mùa lễ hội năm nay và kéo dài đến tận mùa Xuân năm sau, vì họ đã đối mặt với tình trạng không có hoạt động sản xuất nào tại Việt Nam trong vòng 2 tháng qua. Mà các nhà máy Việt Nam chịu trách nhiệm cho tận 51% lượng sản xuất giày dép và 30% quần áo toàn cầu trong năm ngoái”. BTIG cũng ước tính Nike đã mất khoảng 80 triệu đôi giày trong 2 tháng qua do tình trạng đình trệ.

Ảnh: Peter Charlesworth/Lightrocket/Getty Images

Trong tình hình này, các nhà phân tích đưa ra giả định cho 4 tháng còn lại của năm. Khi dịch bệnh vẫn ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của các nhà máy Nike tại Việt Nam và chỉ đạt ngưỡng 50% tổng công suất, thì Nike chỉ có thể sản xuất 160 triệu đôi (so với cùng kì năm ngoái là 350 triệu đôi được sản xuất tại Việt Nam).

Ảnh: Peter Charlesworth | LightRocket | Getty Images

Bên cạnh Nike thì Under Armour, adidas, Hoka (của Deckers Outdoor)… là những công ty có nhiều chịu ảnh hưởng nhất từ việc gián đoạn hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Trước tình hình đó, các ngành hàng may mặc đang có kế hoạch hoặc đã tiến hành việc dịch chuyển dần hoặc dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng sản xuất sang những quốc gia khác ngoài châu Á (đặc biệt là Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Malaysia…) như Brazil, Mexico để giảm tải áp lực lên khu vực cũng như đáp ứng được nguồn cung trước những viễn cảnh tương tự trong tương lai.

Không chỉ ngành hàng may mặc, theo báo Sài Gòn Giải Phóng – chuyên mục Đầu Tư đưa tin, làn sóng Covid thứ tư này cũng phá vỡ kế hoạch của các công ty Big Tech như Apple, Google, Amazon và các nhà cung cấp chính của họ trong việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Dù các cơ sở đã dần hoạt động trở lại vào thứ Tư (15/9) sau 9 tuần gián đoạn, nhưng theo các nhà phân tích dự đoán thì tình trạng trở về “guồng” cũng sẽ trở nên trì trệ và chậm chạp. Đây là hệ quả của việc giãn cách xã hội và cần thời gian cần thiết để ổn định và tái sản xuất. Trong viễn cảnh lạc quan, họ dự đoán cần khoảng thời gian từ 5 đến 6 tháng để mọi nhà máy, các hoạt động trở lại bình thường, bao gồm 8 tuần giải quyết những vấn đề tồn đọng trong thời gian đình trị mọi hoạt động sản xuất và kinh tế.

Tuy vậy xét toàn cảnh, kịch bản về một Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của đầu tư nước ngoài có lẽ sẽ không thay đổi. Dù còn nhiều khó khăn, các nhà kinh tế vẫn tin rằng quốc gia này sẽ phục hồi trở lại. Chẳng hạn, chuyên gia kinh tế Yun Liu của HSBC đã chia sẻ: “Bất chấp những thách thức trước mắt, triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn rất khả quan với những yếu tố cơ bản vững chắc”. Hay như Annabelle Hsu, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu IDC, chia sẻ với Nikkei Asia rằng: “Bất kỳ trở ngại nào đối với Việt Nam, vốn đã nổi lên như một địa điểm sản xuất thay thế quan trọng cho Trung Quốc, có thể chỉ là tạm thời”.

Nike

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Nguồn tham khảo: BTIG, Martket Watch, Bộ Công Thương Việt Nam, Sài Gòn Đầu Tư, CNBC

No more