Tin tức 30/03/2021

Nike và adidas bình thản, “làn sóng” tẩy chay ở Trung Quốc dần tan

Bài Tri Duc

Mặc cho "làn sóng" giận dữ và tẩy chay các thương hiệu quốc tế trong tuần trước, Nike và adidas vẫn tỏ thái độ thơ ơ và không đua ra bất cứ lời xin lỗi nào về việc không sử dụng bông Tân Cương. Và dường như sự không lo lắng ấy là có lý do, bởi vào cuối tuần qua, làn sóng tẩy chay bỗng nhiên "giảm nhiệt" và các mặt hàng của 2 thương hiệu này xuất hiện trở lại trên các trang thương mại điện tử. Vì sao lại như vậy?

Sau sự việc cư dân mạng “đào lại” các tuyên bố cáo buộc của H&M về việc không sử dụng bông Tân Cương cùng với sự ủng hộ không dùng chất liệu này từ Nike, adidas, New Balance, Burberry, Uniqlo… thì làn sóng tẩy chay các thương hiệu này ở Trung Quốc cũng nổ ra. Các thương hiệu cũng đồng thời mất đi nhiều gương mặt đại diện và quảng bá tại Trung Quốc và Hong Kong như Jackson Wang, Victoria Song, Wang Yibo, Eason Chan…

Nike,

Theo South China Morning Post (SCMP), trái ngược với thái độ nhượng bộ và xin lỗi của chi nhánh H&M China, Nike lẫn adidas “thản nhiên” bỏ ngoài tai những lời chỉ trích của làn sóng giận dữ từ Trung Quốc bởi tự tin vào nhu cầu mua sắm của người dân nơi đây với những sản phẩm quần áo, giày dép thể thao của mình. Thú vị là sau khi bị gỡ bỏ thì các sản phẩm của họ lại tiếp tục xuất hiện vào hôm Chủ Nhật (28/3) trên những trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Taobao và JD.com. Và ngay tâm bão vào tối hôm thứ Sáu tuần trước, Nike tự tin tung ra một đợt giảm giá lớn trên trang mua sắm trực tuyến, chẳng hạn như những đôi sneakers dành cho nữ chỉ còn khoảng 699 NDT (~2,500,000 VND), đã thu hút tận 350,000 lượt đăng ký và các sản phẩm cũng nhanh chóng “sold out” ngay sau đó.

Cũng theo SCMP, ngay từ những ngày đầu tiên của phong trào tẩy chay, bất chấp những lời kêu gọi “quay lưng” với các thương hiệu trên mạng xã hội thì một bộ phận lớn các khách hàng trung thành bày tỏ sự thờ ơ đến “trò chơi chính trị” giữa Bắc Kinh và phương Tây này. Một khách hàng tên Teresa Bai, đã chia sẻ với SCMP khi ghé vào cửa hàng H&M ở Shimao Tianjie (Bắc Kinh): “Đây là “trò chơi” giữa Trung Quốc và Mỹ. Tôi nghĩ H&M cũng chỉ là nạn nhân. Họ buộc phải chọn giữa thị trường phương Tây và thị trường Trung Quốc. Cuối cùng, họ đã chọn bên thứ nhất, nơi có thị phần lớn hơn. Còn về phần mình, tôi mua những gì tôi thích”. Bình luận về những chỉ trích trên mạng, cô nghĩ rằng người tiêu dùng nên thành thật với nhận định của chính mình, đừng tẩy chay một cách mù quáng.

Trong khi đó thì tờ Soccer News đưa tin rằng Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc cũng lên án Nike của họ đối với vấn đề bông Tân Cương nhưng vẫn giữ nguyên hợp đồng cung cấp phục trang thể thao 10 năm với thương hiệu này. Nike cũng đã ký kết nhiều hợp đồng tương tự với nhiều CLB bóng đá chuyên nghiệp tại Trung Quốc.

Và tâm điểm trong sự kiện này chính là việc Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) đã viếng thăm không chính thức nhà máy BASF ở Nam Kinh ngay vào thứ Sáu – thời điểm căng thẳng của làn sóng tẩy chay. BASF chính là nhà máy liên doanh Đức-Trung chuyên sản xuất nhiều hóa chất dùng để cung cấp cho Nike và adidas.

Những hình ảnh và các đoạn clip ngắn quay lại cảnh viếng thăm của Thủ tướng Lý được lan truyền rộng rãi trên các phuơng tiện truyền thông tại đất nước này mặc cho chính phủ Trung Quốc cũng như các kênh chính thống không hề đề cập đến. Theo nhiều thông tin chia sẻ dựa trên hình ảnh, video được chia sẻ thì Thủ tướng Lý tham dự và trò chuyện với giám đốc điều hành cấp cao của BASF, khuyến khích liên doanh đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc để đủ điều kiện nhận được nhiều lợi ích về thuế hơn.

Thật ra, nếu đối tượng bị tẩy chay là những thương hiệu xa xỉ thì họ có lý do để lo sợ mất thị trường rộng lớn này, nhưng với adidas, Nike, Uniqlo và cả H&M là những mặt hàng may mặc thiết yếu mà đại đa số người dân đều muốn và có khả năng sở hữu, nên việc quay lưng lại sẽ chỉ là một động thái nhất thời. Nếu tỉnh táo bạn sẽ thấy, việc này không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà chính chính quyền sẽ mất đi những cơ hội làm ăn quốc tế, trong trường hợp này thì adidas lẫn Nike thừa độ “cáo già” để bình thản quan sát và đợi chờ kết quả.

Nam ca sĩ Hong Kong Eason Chan vừa cắt đứt hợp đồng quảng cáo với adidas như những ngôi sao Đại Lục khác. Vì việc này, anh bị khán giả và người dân Hong Kong chỉ trích rằng, chỉ vì cơ hội làm ăn tại Đại Lục và sợ làm mất lòng chính phủ Trung Quốc mà anh phản bội các giá trị nhân quyền. Ảnh: Taobao

Với những gì xảy ra thì việc phong trào “tẩy chay” các thương hiệu thời trang quốc tế (mà kéo dài có thể đổ dầu vào những xung đột thương mại – một cuộc chơi vốn dai dẳn giữa 2 bên mà Trung Quốc không hề muốn thua Mỹ và Đồng minh phương Tây) của các thành phần ái quốc cực đoan tại Trung Quốc nhanh chóng bị giảm nhiệt vào đầu tuần nay là điều dễ hiểu.

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Tổng hợp: ĐN

Nguồn tham khảo: SCMP, Bloomberg, Soccer News

No more