ELLE MAN đối thoại cùng Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang – tác giả cuốn sách đang gây thu hút dư luận “Bức xúc không làm ta vô can”.
Anh từng nói: “Đám đông trên mạng không có nhiều sức mạnh trong việc mang lại sự dân chủ như chúng ta vẫn tưởng. Họ chỉ đánh người yếu”. Nhưng ai là người yếu ở đây, theo ý anh?
Đám đông trên mạng thích thể hiện mình là quan tòa với những người thấp kém trong xã hội: mấy cô bảo mẫu đánh trẻ, những người hôi bia ngoài đường, đám thanh niên vặt hoa ngày Tết. Tuyệt nhiên, không thấy họ bàn nhau truy tìm danh tính của chủ nhân những dinh thự trong rừng quốc gia, những dự án chuyển đổi đất mờ ám, những công ty lớn lũng đoạn thị trường dược phẩm, đường dây bán thuốc trừ sâu giả…
Họ không muốn chất vấn quyền lực, vì điều đó đòi hỏi thời gian, tâm huyết, sự hy sinh, phải chấp nhận khó khăn, nguy hiểm. Sẽ đơn giản hơn rất nhiều khi họ ngồi ở Paris Deli uống cappuccino và dè bỉu mấy người nông dân cân điêu cho họ, người nghèo sao mà lười thế, và các cô gái sang Singapore bán thân làm họ “thấy nhục quốc thể”. Điều đó cho họ cảm giác là họ thuộc về một đẳng cấp khác, văn minh, ưu tú hơn những người cần lao lam lũ ngoài kia.
Anh có cho rằng sự bức xúc cũng là bằng chứng của sự yếu thế? Anh có thể chỉ hệ quả nếu ai cũng nhận mình là người yếu trong xã hội và không thể làm được gì hết để thay đổi những điều họ bức xúc?
Có nhiều người tức giận vì họ thực sự ở dưới cùng của chuỗi quyền lực, và hàng ngày nếm trải những bất công trong xã hội: người nông dân bị thủy điện xả lũ “đúng quy trình” trôi hết hoa màu, người công nhân bên băng chuyền không dám uống nước vì không có thời gian đi tiểu.
Nhưng rất nhiều người khác, dân trung lưu thành thị, họ thuộc về bên thắng cuộc, khỏe mạnh lành lặn, được học hành, được cuộc đời ưu ái, lại thích chọn vai trò “nạn nhân” cho bản thân. Họ không hạnh phúc và bức xúc vì họ cho rằng đó là lỗi của người khác. Từ sáng đến tối những người xung quanh họ chỉ có mỗi mục đích là làm họ bất hạnh.
Có một bạn trẻ nói với tôi một câu rất hay: “Mỗi người đều là một phần của vấn đề, và mỗi người cần trở thành một phần của giải pháp”. Nhưng nhiều người lại sống với quan điểm “Những kẻ khác là vấn đề, và những kẻ khác cần tìm ra giải pháp”. Không những họ cho rằng mình vô can, họ còn không muốn động tay động chân để tạo một thay đổi gì, vì hoặc là “cái nước mình nó thế, làm gì cũng vô ích”, hoặc là “vun vén cho mình cái đã, tội gì”. Và họ cũng dạy con cái họ y như thế, để rồi quay ra phát biểu “từ lúc cháu nó sang Tây học, nó mới cảm thấy thực sự được làm người”.
Trong nhiều bài viết và chia sẻ, anh có bình luận về sự quá quan tâm đến việc làm giàu, về sự bần cùng của tư duy triệu phú. Thế nhưng, anh có cho rằng đó là một giai đoạn cần thiết đối với xã hội Việt Nam?
Phát triển kinh tế là cần thiết, ai cũng muốn được ấm no, được học hành, được làm một công việc có ý nghĩa, có điều kiện kinh tế để phát triển bản thân, tiếp xúc với thế giới, với cái đẹp. Còn đánh đồng của cải vật chất với khái niệm thành công, với giá trị của một con người, với mục đích sống, thì là một vấn đề.
Thế nhưng, nó lại chính là triết lý của tư duy triệu phú, và nó khốn cùng ở chỗ đó. Nó lập nên một tín ngưỡng tôn thờ việc kiếm tiền bằng mọi giá. Ở mức độ thấp, nó tạo ra những thanh niên không có gì trong tay ngoài quyết tâm sẽ có một triệu đô-la Mỹ trong vòng 12 tháng tới, “thông qua bất động sản, chứng khoán và online marketing”, đứng ở đường Nguyễn Huệ đập tay hi-five với nhau, hô vang “tôi sẽ thành công vì tôi không sợ hãi”. Ở mức độ cao hơn, người ta phạt núi, lấp sông, phá rừng, san bằng di sản, buôn lậu xuyên quốc gia, để tối đa hóa lợi nhuận.
Tại sao việc kiếm tiền lại trở thành một “nỗi ám ảnh” lớn trong xã hội Việt Nam?
Kiếm tiền không chỉ là một nỗi ám ảnh ở Việt Nam. Sách dạy làm giàu bán chạy ở tất cả các quốc gia, bao giờ cũng được tiêu thụ gấp hàng nghìn lần các tác phẩm đoạt giải Nobel. Trong một xã hội tôn thờ chủ nghĩa tiêu thụ, tiền là quyền lực. Toàn bộ cỗ máy truyền thông, quảng cáo, giải trí bán cho người dân giấc mơ mang tên nổi tiếng và nhiều tiền. Cái này dẫn đến cái kia và ngược lại, một vòng tròn rực rỡ, khiến người ta sẵn sàng bán linh hồn cho quỷ.
Có ý kiến cho rằng việc chỉ ra vấn đề nhưng không có một giải pháp cụ thể nào trong cuốn sách của anh có thể sẽ khiến độc giả hoang mang hơn. Anh nghĩ sao?
Hoang mang, hoài nghi là một xuất phát điểm tốt để xây dựng một thái độ độc lập, một tinh thần phản biện. Chúng ta nên cưỡng lại khao khát nhanh chóng bám vào lý thuyết này, rồi lúc vỡ mộng thì lại bập vào chủ nghĩa kia. Cuộc sống, xã hội, thế giới phức tạp, và trái với lời hứa của nhiều cuốn self-help, không có một sổ tay hướng dẫn nào giúp ta đi qua cuộc đời một cách ngon ăn.
Thay vì hối hả đòi hỏi câu trả lời, chúng ta hãy học cách đặt câu hỏi. Học cách nhìn sự việc ở những góc độ khác nhau, thử đứng ở chỗ của người phản đối mình. Cố gắng phân tích những nguyên nhân, những tương quan ở dưới bề mặt của một hiện tượng. Và không khi nào nên chắc mẩm rằng mình đã nắm chân lý trong tay.
Câu hỏi quan trọng là “Trách nhiệm cá nhân của tôi là gì, tôi can dự như thế nào?”. Đó là xuất phát điểm để dẫn tới những giải pháp cá nhân và rất thiết thực.
Nhiều người nói rằng cuốn sách làm họ giật mình, và đó là lời khen quý nhất với tôi. Quá trình viết là một quá trình tự vấn với tôi, và tôi vui khi thấy những điều mình viết ra giúp ích người khác trên con đường tự vấn.
Còn với những người yêu cầu nhìn thấy các giải pháp rõ ràng được đặt lên bàn tôi đồ rằng nếu bây giờ cho họ đọc Kinh thánh, họ cũng sẽ phàn nàn là “không có giải pháp gì cụ thể, chỉ thấy nói mãi về tình thương”.
Về sách Bức xúc không làm ta vô can
Cuốn sách của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang bao gồm 26 bài tiểu luận về các vấn đề xã hội, văn hóa và chính sách tại Việt Nam. Dù đề cập đến rất nhiều vấn đề gây bức xúc của xã hội, nhưng tác giả vẫn giữ một cách viết điềm đạm và đưa ra cách giải thích toàn diện về căn nguyên, bản chất vấn đề. Trong cuốn sách, nhiều lần anh nói về chuyện các cá nhân cần ý thức được rằng họ không vô can trước tất cả các vấn đề xã hội và giải pháp của tất cả các vấn đề đó thực chất nằm trong chính bản thân mỗi người. Sách hiện có bán tại các nhà sách trên toàn quốc. Giá bìa 72.000 VNĐ.
—
Bài: Phương Huyên – Minh họa: Leftstudio