Chất liệu văn hóa Việt trên màn ảnh: Địa hạt màu mỡ nhưng khó khai phá

Bài Tuan Anh

Phản ứng tích cực của khán giả đối với chất liệu văn hóa truyền thống trong hai tác phẩm Tết Ở Làng Địa Ngục và Người Vợ Cuối Cùng như mở ra địa hạt màu mỡ cho phim Việt trong bối cảnh các đề tài về cuộc sống hiện đại đang dần cạn kiệt. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội mà cũng vừa là thách thức.

 

1. Hành trình nhiều biến động của văn hóa Việt trên phim

 

Trước bộ phim Tết Ở Làng Địa NgụcNgười Vợ Cuối Cùng, việc khai thác chất liệu văn hóa truyền thống Việt Nam trên màn ảnh đã có một hành trình nhiều biến động.

 

Nổi bật trong khoảng thời gian thập niên 80, 90 là các tác phẩm của NSND Đặng Nhật Minh, khi những Thị Xã Trong Tầm Tay(1983), Thương Nhớ Đồng Quê (1995) và đặc biệt là Bao Giờ Cho Đến Tháng 10(1984) được báo chí trong nước và quốc tế ca ngợi là những kiệt tác đậm chất “tâm hồn Việt”.  

NSND Đặng Nhật Minh (Ảnh: Tư liệu)
Phim

Các tác phẩm của ông chủ yếu khai thác đề tài về con người Việt Nam trong những biến động của dòng chảy lịch sử. Ở đó, các giá trị văn hóa truyền thống như một phần trong căn tính dân tộc, làm chỗ dựa cho người Việt trước những đau thương của thời đại. Như trong Bao Giờ Cho Đến Tháng 10, cảnh phiên chợ Âm Dương ở Miếu Thần Hoàng là trường đoạn mang đậm chất liệu văn hóa tâm linh, nó thể hiện niềm nhớ và xoa dịu nỗi đau của người góa phụ trước hiện thực người chồng đã hy sinh nơi chiến trường; hay trong Thương Nhớ Đồng Quê là những quang cảnh và phong tục tập quán của một làng quê Bắc bộ.

Bô phim “Bao Giờ Cho Tới Tháng 10”. (Ảnh: Tư liệu)

Có thể nói, những tác phẩm của đạo diễn Đặng Nhật Minh như một “bảo tàng văn hóa” trên màn ảnh, nơi lưu trữ những giá trị truyền thống của người Việt.

 

Ngoài ra, không thể không nhắc đến những nhà làm phim cùng thời khác như cố NSND Nguyễn Hồng Sến hay cố NSND Hải Ninh, những cây đại thụ đã góp phần tạo nên một thời kỳ đáng nhớ của nền Điện ảnh Việt Nam bằng những thước phim đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. 

 

Tuy nhiên, khoảng thời gian sau này, hòa chung với sự phát triển của kinh tế thị trường, nguồn vốn nhà nước đầu tư vào điện ảnh ngày một ít đi thay vào đó là sự nở rộ của các hãng phim tư nhân. Nhu cầu làm điện ảnh giờ đây hướng đến mục đích thương mại nhiều hơn. Các hãng phim cần doanh thu để tồn tại và tái đầu tư vào các sản phẩm mới. Vì vậy, các đề tài mang tính giải trí, gây cười chiếm đại đa số trên thị trường, những tác phẩm sử dụng các chất liệu văn hóa truyền thống do vậy cũng dần ít đi, chỉ còn lác đác một vài cái tên như Mê Thảo Thời Vang Bóng(2004), Thời Xa Vắng(2004),  Áo lụa Hà Đông (2006) hay gần hơn trong những năm gần đây là Cô Ba Sài Gòn(2017), Song Lang(2018), Người Vợ Cuối Cùng(2023).

 

Đến hiện tại, khi các chủ đề liên quan đến con người hiện đại đang dần cạn kiệt, xu hướng đưa chất liệu văn hóa truyền thống lên màn ảnh đang cho thấy sự trở lại mạnh mẽ. Thành công của Tết Ở Làng Địa Ngục và phần nào đó là Người Vợ Cuối Cùng đã có thấy địa hạt này còn rất nhiều tiềm năng để khai phá.  

 

2. Những nỗ lực đáng ghi nhận

 

Trong những năm qua, các sản phẩm khai thác chất liệu văn hóa truyền thống dù khiêm tốn về số lượng nhưng đâu đó vẫn có một vài cái tên chất lượng, chiếm được cảm tình của khán giả.

 

Song Lang (2018)

 

Song Lang của đạo diễn Leon Lê có thể coi là tác phẩm sử dụng chất liệu văn hóa truyền thống đáng xem nhất trong những năm gần đây. Chuyện phim xoay quanh Dũng “Thiên Lôi”, người đàn ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, tuy nhiên phải hành nghề đòi nợ thuê để mưu sinh. Trong một lần đòi nợ ở gánh cải lương Thiên Lý, anh nhận ra tình yêu nghệ thuật, mà ở đây là cải lương vẫn còn âm ỉ bên trong mình.

 

Dù không thành công về mặt thương mại, song Song Lang lại rất được lòng giới chuyên môn với hơn 20 giải thưởng danh giá. Phim được đánh giá cao bởi sự nghiêm túc của nó trong việc  khai thác chất liệu văn hóa truyền thống. Đạo diễn Leon Lê đã không chỉ dùng cải lương để bày biện bên ngoài mà đã tạo ra một cốt truyện hướng tới việc đề cao giá trị của loại hình nghệ thuật này.

Ảnh: Tư liệu

Cô Ba Sài Gòn (2017)

 

Thành công về cả mặt thương mại lẫn giải thưởng của Cô Ba Sài Gòn đã cho thấy sự nhạy cảm của Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đối với thị trường nội địa. Cô Ba Sài Gòn là một tác phẩm ca ngợi giá trị của Áo Dài truyền thống, tuy nhiên đã được thêm thắt các yếu tố kỳ ảo, hài hước để phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. 

 

Khởi đầu với bối cảnh Sài Gòn năm 1969, phim kể về câu chuyện của Như Ý –  con gái cưng của một nhà may Áo dài nổi tiếng thời đó. Dù mang trách nhiệm phải kế nghiệp gia đình nhưng Như Ý lại có một niềm say mê với Âu phục. Ngày nọ, sau khi vô tình mặc chiếc Áo dài được may từ  tấm vải quý của gia tộc, Như Ý đã có một chuyến xuyên không đến năm 2017. Ở thời hiện đại, cô đối mặt với viễn cảnh tiệm may của gia đình đình đã phá sản và nhận nhiệm vụ phải gầy dựng lại nó. Thông qua cuộc hành trình đó, Như Ý nhận ra giá trị trường tồn của Áo dài đối với người Việt.

 

Tuy thành công trên nhiều mặt trận, song Cô Ba Sài Gòn vẫn bị các nhà phê bình đánh giá không phải là một bộ phim xuất sắc trong việc truyền tải giá trị văn hóa truyền thống, bởi tác phẩm nhồi nhét quá nhiều yếu tố giải trí, dẫn đến thông điệp về Áo dài không thực sự nổi bật.

Ảnh: Tư liệu

Tết ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn(2023)

 

Tết Ở Làng Địa Ngục có thể xem là điểm sáng trong một năm tương đối ảm đạm của Phim Việt. Dù vẫn còn hạn chế về mặt nội dung, song sự chỉn chu trong việc khai thác chất liệu văn hóa dân gian và văn hóa truyền thống đã giúp phim nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của khán giả.

 

Từ những yếu tố gây kinh dị như đom đóm câu hồn, con đò chở vong, hình nhân thế mạng cho đến những tập tục như thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo hay gói bánh ngày Tết đều được làm ra rất chi tiết, đem đến cảm giác thân thuộc cho người xem

kẻ ăn hồn
Ảnh: Tư liệu

Tiếp nối thành công đó,  Kẻ Ăn Hồn – Tác phẩm Điện ảnh tiền truyện của Tết ở Làng Địa Ngục đã đạt doanh thu “khủng”, với gần 35 tỷ đồng chỉ sau 4 ngày ra mắt cũng nhờ tạo hình nhân vật và cách xây dựng bối cảnh đậm chất Việt Nam.

Ảnh: Tư liệu

3. Thách thức đối với các nhà làm phim tham vọng

 

Có thể thấy, số lượng phim khai thác chất liệu văn hóa truyền thống vốn đã hiếm, nhưng những tác phẩm nhận được phản hồi tích cực của khán giả thì lại càng hiếm hơn. Điều này cho thấy địa hạt này vẫn là một thách thức rất lớn đối với các nhà làm phim. 

 

Thử thách đầu tiên là trách nhiệm của nhà làm phim đối với chất liệu văn hóa mà mình muốn đưa vào tác phẩm. Nhìn lại những bộ phim đã từng thành công trong quá khứ, ta đều nhận thấy những nỗ lực của nghệ sĩ đứng sau tác phẩm đó. Như NSND Đặng Nhật Minh trước khi tạo ra kiệt tác Bao Giờ Cho Đến Tháng 10, ông đã có nhiều năm “ăn ngủ” cùng những thước phim tài liệu, từ đó thấm nhuần văn hóa và tâm hồn con người Việt Nam; hay gần đây hơn là đạo diễn Leon Lê với bộ phim Song Lang, anh là người có thể hát và sáng tác được cải lương. Việc có hiểu biết sâu về chất liệu văn hóa mà mình theo đuổi giúp người làm phim khai thác được những giá trị tốt đẹp của nó, tránh tình trạng dùng chất liệu văn hóa như một công cụ trang trí vẻ ngoài mà rỗng về mặt nội dung.

Dù được giới phê bình đánh giá cao nhưng Song Lang vẫn thất bại tại phòng vé. (Ảnh: Tư liệu)

Ngoài ra, các nhà làm phim cũng cần dựa trên vốn kiến thức về văn hóa đó để tạo ra một câu chuyện hấp dẫn, gần gũi với khán giả. Bởi nếu không làm tốt điều này, bộ phim mang chất liệu văn hóa sẽ dễ trở thành một cuốn phim tài liệu, tuyên truyền hay lịch sử, khiến tác phẩm trở nên lạ lẫm, nhàm chán đối với khán giả.

 

Vấn đề cuối cùng và cũng là lớn nhất đối với tác giả theo đuổi địa hạt này chính là kinh phí. Lấy Song Lang làm ví dụ điển hình. Bộ phim của đạo diễn Leon Lê đáp ứng được cả hai tiêu chí về cốt truyện lẫn sự hiểu biết về chất liệu văn hóa, nhưng tác phẩm đầy tâm huyết của vị đạo diễn trẻ đã có một cú ngã đau đớn trên mặt trận thương mại. 

 

Thêm vào đó, những bộ phim Việt lấy bối cảnh xưa như Cô Ba Sài Gòn hay Người Vợ Cuối Cùng bộc lộ rất nhiều hạn chế về mặt dàn cảnh. Khán giả ít được thấy những đại cảnh thể hiện làng mạc, phố xá trong các tác phẩm này, thay vào đó là những cảnh nội dày kín cả bộ phim. Dường như vấn đề kinh phí là rào cản rất lớn ngăn các nhà làm phim khai thác các chất liệu văn hóa truyền thống. Bên cạnh, tuy thành công về mặt thương mại, nhưng Tết ở làng địa ngục và Kẻ Ăn Hồn cũng tạo nhiều tranh luận và tiếc nuối về kịch bản. 

Người Vợ Cuối Cùng của Victor Vũ có nhiều cảnh nội, không có đại cảnh tái hiện nét sinh hoạt của người Việt xưa. (Ảnh: Tư liệu)

Như vậy để thấy, các nhà làm phim tâm huyết với địa hạt này rất cần thêm sự hỗ trợ của nhà nước, bởi thật sự rất khó đòi hỏi những hãng phim tư nhân đầu tư vào một dự án với số tiền rất lớn mà khả năng hoàn vốn là không cao. Hy vọng rằng với những khởi sắc về doanh thu trong thời gian vừa qua, các đạo diễn phim sẽ mạnh dạn hơn trong việc khai thác đề tài văn hóa Việt.

6

________

Bài: Thuận Minh

No more