Chìa khóa thành công của Tỉ phú dầu hỏa John Davison Rockefeller

Bài ELLE Team

John Davison Rockefeller (8/7/1839 - 23/5/1937) là một ông trùm kinh doanh ngành công nghiệp dầu mỏ, nhà đầu tư và nhà từ thiện người Mỹ trong thế kỷ 20. Vào thời điểm từ giã cõi đời, ông được coi là người giàu có nhất thế giới. Nhân dịp kỉ niệm 180 năm ngày sinh của nhà tài phiệt này, hãy cùng ELLE Man khám phá chìa khoá thành công của ông.

John Davison Rockefeller sáng lập nên Standard Oil Inc.. với đầy đủ các công đoạn sản xuất, vận chuyển, lọc dầu và tiếp thị và độc quyền và ông đã biến nó trở thành công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới vào lúc bấy giờ. Việc buôn bán dầu của ông bắt đầu từ thời kì nội chiến Mỹ (1861 – 1865), dù vài năm sau khi bắt đầu thì công ty của ông cũng chỉ thuộc hạng trung bình. Sự thay đổi lớn diễn ra khi ông được nhận một khoản cho vay lớn đến từ Ngân hàng đô thị quốc gia Cleveland. Và chỉ sau đó một thời gian ngắn, Rockefeller đã cho cả thế giới thấy tài năng kinh doanh và kĩ năng quản lí vượt trội của ông cũng như là tham vọng vượt xa ngưỡng những gì mà người ta có thể tưởng tượng được. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu chìa khóa thành công của nhà tỉ phú dầu mỏ hàng đầu trong lịch sử Hoa Kỳ này.

Chìa khoá thành công (01)
John Davison Rockefeller

Vào năm 25 tuổi, John D. Rockefeller kiểm soát và điều hành một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ. 

Khi 31, ông trở thành nhà lọc dầu giàu nhất thế giới.

Năm 38, ông cung cấp 90% sản lượng dầu được tinh lọc tại Hoa Kỳ.

Vào thời điểm về hưu khi 58 tuổi, ông trở thành người giàu có nhất nước Mỹ. 

Và đến khi ông từ trần, John D. Rockefeller trở thành người đàn ông giàu nhất thế giới.

Nhà ghi chép tiểu sử của Rockefeller – Ron Chernow – đã nói: “Hiếm khi mà lịch sử lại tạo ra một nhân vật đầy mâu thuẫn như vậy”. Thật vậy, John Davison Rockefeller là một cái tên đầy mâu thuẫn trái chiều mỗi khi được nhắc tới.

Với những nhà phê bình, ông là một người tư bản tàn nhẫn và tham lam sẵn sàng đè bẹp đối thủ cạnh tranh để giành được sự độc quyền. Nhưng ông cũng là một người đàn ông vĩ đại: đầy tự chủ, giúp ổn định được ngành công nghiệp đầy bất ổn của nước Mỹ, tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn người và là một nhà từ thiện vĩ đại nhất trong lịch sử. Mặc dù cho sự tranh cãi có thế nào đi chăng nữa nhưng ở con người này, ta luôn học hỏi được các chìa khoá thành công và chiến lược cần thiết chưa bao giờ bị lỗi thời để có thể áp dụng trong tất cả mọi trường hợp trong cuộc sống.

“Trở thành nhà lãnh đạo của chính bạn”

Nếu có một câu nói có thể bao hàm cho chìa khoá thành công của John D. Rockefeller thì đó phải là: “Tôi thà trở thành người lãnh đạo bản thân mình còn hơn để một người khác lãnh đạo tôi”.

Một trong những nét tính cách nổi bật của Rockefeller mà Chernow hay gọi là ‘sự tự chủ kỳ quái’. Ông không ngừng tự rèn luyện cách làm chủ cảm xúc, ham muốn và lịch trình của mình để hướng tới mục tiêu. Ông sẽ ra mục tiêu lớn, sau đó thực hiện đều đặn và nghiêm túc để đạt được nó. Rockefeller hiểu rằng nếu muốn trở thành ông chủ của chính mình, trước hết bạn phải học cách làm chủ bản thân.

Chìa khóa thành công thứ nhất: “Không ngừng luyện tập tính kiên trì”

“Có bao nhiêu người trong chúng ta gặp thất bại khi muốn đạt được những điều to lớn…thất bại vì thiếu sự kiên trì – sự kiên trì của tâm trí cho những việc cần hoàn thiện đúng thời gian và cho sự ảnh hưởng từ mọi thứ khác?” – John Davison Rockefeller.

Vào thời điếm khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông thường được đánh giá là mờ nhạt, chậm chạp và ít gây được ấn tượng với bạn bè đồng trang lứa. Đến khi ông thành công thì bạn bè còn phải chật vật để nhớ xem ông là ai: “Tôi nhớ John không xuất sắc ở lĩnh vực nào cả… Cậu ta chẳng có điểm gì để mọi người chú ý đến cậu ta”. Nhưng người này cũng nói thêm: “Tôi nhớ rằng anh ấy luôn chăm chỉ trong mọi việc; kiệm lời, và luôn học tập với một thái độ tuyệt vời”.

Rõ ràng ta có thể thấy chìa khoá thành công đầu tiên của Rockefeller không phải là “thông minh” mà lại là “chắc chắn”. Ông đã đi học với mọi sự kiên trì: “Tôi không phải là một học sinh dễ tính”, ông tiếp lời “tôi đã mẫn cán buộc bản thân phải chăm chỉ để chuẩn bị bài học”.

Chìa khoá thành công ELLE Man (08)
Gia đình Rockefeller, Mùa Hè 1920

Rockefeller phát hiện ra mình có sở trường về con số nên ông bỏ học cấp 3 để học sâu hơn về cách quản lý con số. Đăng ký khóa học kinh doanh kéo dài 3 tháng tại một trường cao đẳng thương mại, ông được học cơ bản về kế toán, sổ sách và ngân hàng. Ông tốt nghiệp ở tuổi 16, sau đó ông rời gia đình và bắt đầu cuộc sống tự lập tại Cleveland.

Ông đã chinh phục mục tiêu của mình bằng cái cách kiên nhẫn như thời ông còn ngồi trên ghế nhà trường vậy. Mong muốn tìm được một vị trí ở công ty lớn và danh tiếng để có cơ hội học hỏi và phát triển, ông lập ra một danh sách những nhà buôn, ngân hàng và doanh nghiệp đường sắt được đánh giá cao nhất. Mỗi ngày, Rockefeller mặc bộ suit tối màu, cạo râu gọn gàng và đánh bóng giày trước khi ra đường tìm việc. Tại mỗi doanh nghiệp, ông đều xin được nói chuyện với người đứng đầu rồi sau đó vào thẳng vấn đề: “Tôi có kiến thức về kế toán và tôi muốn làm việc ở đây”.

Theo như Rockefeller nhớ, thị trường lao động lúc này rất khắt khe và phản hồi mà ông nhận được đều không mấy khả quan. Không ai muốn thuê một cậu nhóc và rất ít người thật sự muốn tiếp chuyện với ông. Ông đã đi qua hết các công ty trong danh sách của mình mà vẫn chưa tìm được một lời đề nghị nào. John lại bắt đầu lại danh sách và đến các công ty một lần nữa, thậm chí có công ty ông đã ghé lại đến tận 3 lần. Ông xem quá trình tìm việc như công việc của mình: “Ngày nào tôi cũng chăm chỉ làm việc – công việc của tôi là tìm việc. Tôi dành cả ngày để làm việc đó“.

chia khoa thanh cong rockerfeller - elle man 1
Rockefeller khi còn trẻ. Ảnh: fine art america

Từ sáng sớm đến chiều tối, sáu ngày một tuần – trong sáu tuần, Rockefeller vẫn tiếp tục hành trình của mình mặc cho áo ướt đẫm vì ánh nắng chói chang của mùa Hè tại Cleveland, mặc cho đôi chân có đau nhức vì phải đi bộ cả ngày dài ngoài đường. Cuối cùng vào ngày 26/9/1855, mong muốn của ông cũng được đáp lại. Công ty sản xuất nhỏ Hewitt & Tuttle đang cần gấp một trợ lý kế toán, và đề nghị Rockefeller vào làm việc ngay lập tức.

Thông qua việc tập trung vào một mục tiêu duy nhất và kiên trì từng bước để đạt được mục tiêu của mình, đó chính là chìa khoá thành công đầu tiên của John D. Rockefeller giúp ông bước chân vào thế giới kinh doanh, và tận dụng nó làm bàn đạp trong việc đưa ông trở thành một người đàn ông có sức ảnh hưởng lớn đến toàn ngành kinh doanh trên toàn bộ nước Mỹ.

Chìa khóa thành công thứ hai: “Nuôi dưỡng thế cân bằng bất khả xâm phạm và gìn giữ nó”

“Ông có nghệ thuật giao tiếp đặc biệt với bạn bè và khách mời khiến họ có thể trò chuyện thoải mái, nhưng ông rất ít tiết lộ hoặc không những gì có trong suy nghĩ nội tâm của chính mình” – Frederick T. Gates, cố vấn tài chính của Rockefeller.

Chìa khoá thành công (02)

Khi còn nhỏ, mẹ của ông đã dạy rằng: “Làm chủ chính mình giúp ta giành chiến thắng, vì nó có nghĩa là ta làm chủ được người khác”.

Ông đã lấy câu nói này dùng làm kim chỉ nam để tạo cho mình một phong thái khác biệt so với những kiểu mẫu lãnh đạo rập khuôn cũ. Không cần phải to tiếng, đập bàn để thể hiện quyền uy, mà đôi khi nó đến từ sự trầm lặng, từ tiềm lực thực sự bên trong. Đó không chỉ là sở thích hay tính cách mà còn là một chiến lược có chủ ý. Ông hoàn toàn làm chủ tâm trạng, phản ứng và sống theo châm ngôn yêu thích của mình là: “Thành công đến từ việc dóng tai lên nghe và ngậm chặt miệng”.

Trong quan hệ với nhân viên, bất kể nhân viên cấp thấp đến mấy, ông cũng không bao giờ mất đi phong thái của mình, ngay cả khi trình bày sự bất bình của mình. Một nhân viên kể lại:

“Ngài Rockefeller luôn gật đầu chào và nói chuyện tử tế với mọi người. Ông không bao giờ quên đi một ai cả. Công ty đã trải qua khoảng thời gian khó khăn trong những năm đầu hoạt động, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ngài Rockefeller không thân thiện cả. Không có gì có thế kích động được ngài ấy”.

Hãy tin rằng “im lặng cũng là sức mạnh”, Rockefeller lắng nghe nhiều hơn là nói trong các cuộc họp với những người đứng đầu công ty hay người có sức ảnh hưởng. Sự điềm tĩnh này cũng góp phần gia tăng sức ảnh hưởng của ông trong phòng họp. Chernow nói: Ông càng im lặng, sự hiện diện của ông càng có sức nặng. Ngay cả khi các đồng nghiệp đang tranh luận gay gắt, vị chủ tịch của Standard Oil vẫn giữ vẻ điềm tĩnh. Như một giám đốc nhớ lại, “Tôi đã chứng kiến cuộc họp, khi mà các thành viên đang quá khích nói những lời lẽ không hay và những cử chỉ đe dọa, nhưng ngài Rockefeller vẫn duy trì được phép lịch sự tối đa, tiếp tục chủ trì cuộc họp”.

Khi đối phó với đối thủ, duy trì vẻ điềm tĩnh của Rockefeller đã làm cho sự cân bằng của họ bị đảo lộn. Khoảng lặng dài khi đàm phán thường khiến đối phương cảm thấy bối rối. Ông thường trả lời những câu chất vấn hóc búa một cách chậm rãi và đĩnh đạc giúp phá hỏng mục đích của đối phương.

Rockefeller cũng thận trọng bảo về sự riêng tư với báo chí và thường xuyên từ chối các lời mời phỏng vấn. Không chỉ vì ông không thích người khác soi mói việc kinh doanh của mình, mà còn vì ông tin rằng việc càng tránh xa truyền thông đại chúng sẽ càng giúp ông duy trì được hứng thú, tò mò của công chúng. Hơn nữa, ông cảm thấy trả lời phỏng vấn rất dễ vô tình để lộ bí mật kinh doanh mà vốn dĩ nên giữ trong vòng bí mật. Đây chính là một trong những tâm lý kinh doanh và tiếp thị đang được áp dụng khá nhiều ngày nay.

Ngay cả khi báo giới chỉ trích, Rockefeller vẫn chọn giữ im lặng. Ông rất hiếm khi đọc những lời chỉ trích này, không phải vì ông không chịu được nó mà vì ông khinh thường những điều này. Ông phát biểu: “Thật là một điều dễ dàng để đứng ở chỗ thoải mái và buông lời chỉ trích, chỉ những người thực sự nỗ lực làm việc và có những kinh nghiệm vất vả thì mới được quyền đưa ra kết luận tỏ tường như vậy”. Ông không cần sự chấp nhận của người khác, đặc biệt là những người ông không hề tôn trọng.

Vậy chìa khoá thành công thứ hai mà chúng ta cần để ý đến là: “Hãy giữ cho mình một phong thái điềm đạm để nâng tầm phong thái của chính bản thân mình và nhận được sự đánh giá, tôn trọng từ người đối diện”.

Chìa khóa thành công thứ ba: “Xem lại cái Tôi của mình”

“Chỉ có những kẻ ngốc mới bị cuốn theo đồng tiền” – John Davison Rockefeller

Từ câu dẫn trích trên ta có thể thấy Rockefeller là một người đàn ông đầy kiêu hãnh. Trong suốt cuộc đời, Rockefeller luôn cần mẫn vun đắp sự khiêm nhường của mình. Ngay từ đầu sự nghiệp, ông đã hiểu “quyền lực và sự giàu có dẫn đến sự ngạo mạn” vậy nên ông luôn cố gắng không bị “cái Tôi” điều khiển.

Khi vị trí ngày càng cao, ông ghi nhớ câu “Trèo cao ngã đau” mỗi ngày. Mỗi đêm, nằm trên giường, ông suy ngẫm về sự bất định của ngành dầu mỏ và sự phù du của thành công, rồi tự nhắc nhở bản thân đừng cao ngạo trước bất kỳ quan niệm ngu ngốc nào.

Chìa khoá thành công ELLE Man (07)

“Hãy tỉnh táo. Đừng làm mất sự cân bằng của bản thân bạn” – John Davison Rockefeller

Dù sau này khi đã trở thành người giàu có nhất nước Mỹ, Rockefeller lại càng trân trọng cơ hội được gặp gỡ mọi người. Rockefeller luôn hứng thú và hiếu kỳ về người khác, bất kể họ thuộc tầng lớp nào. Đi đến đâu ông cũng hỏi han những người ông gặp, và chăm chú lắng nghe điều họ nói.

Trong công việc, ông mong muốn tìm hiểu tất cả mọi người, bất kể cấp bậc cao thấp trong công ty. Ông luôn hăng hái quan sát và tiếp thu mọi thông tin về cách mọi thứ vận hành. Ông không chỉ nói chuyện với người giám sát mà còn cả những người thợ khoan dầu nữa.

Trong những cuộc họp ban giám đốc của Standard Oil, Rockefeller không ngồi ở đầu bàn họp mà ngồi giữa cùng những đồng nghiệp. Ông luôn dùng từ “chúng ta” thay vì “tôi”, khuyến khích sự thỏa hiệp và mong muốn quyết định được dựa trên sự nhất trí. Ông thích quản lý mọi cấp bậc trong Standard Oil một cách chừng mực và cho đồng nghiệp và cấp dưới có quyền tự chủ tối đa.

Ngay cả khi làm từ thiện, Rockefeller cũng hạ cái tôi của mình xuống. Không như nhiều nhà từ thiện khác muốn đặt tên của họ trên tất cả mọi thứ, Rockefeller thường thích trở thành một người im lặng, kín tiếng sau các hoạt động của mình.

Chìa khóa thành công thứ tư: “Để trở nên giàu có, bạn phải có tham vọng lớn hơn việc trở thành người giàu”

John Davison Rockefeller luôn yêu thích tính chất, sự tự chủ và thử thách mà công việc mang lại. Trong công việc đầu tiên, ông làm việc chăm chỉ từ sáng sớm đến tối mịt không chỉ để gây ấn tượng với sếp mà còn vì công việc thú vị đối với ông.

“Một người khi  khởi nghiệp chỉ thường có ý tưởng trở nên giàu có thì chưa chắc đã thành công. Bạn phải có một tham vọng lớn hơn nữa”

Khi Rockefeller ngày càng thăng tiến, ông làm việc không chỉ vì sự thỏa mãn vốn có, hay để kiếm tiền, mà là hướng đến mục đích lớn hơn. Đầu tiên, ông muốn là người tiên phong cho phong cách kinh doanh mới. Rockefeller có một tầm nhìn và mong muốn xây dựng tương lai bền vững và lâu dài cho ngành dầu mỏ. Mục tiêu của ông chính là một cuộc cách mạng kinh tế mà ông tin tưởng rằng sẽ đem lại lợi ích cho cả quốc gia:

Sự giàu có thường là kết quả của quá trình theo đuổi những mục tiêu khác, hơn là từ quá trình thay đổi chính sự giàu có.

“Tôi không có tham vọng làm giàu. Làm việc chỉ để kiếm tiền chưa bao giờ là mục tiêu của tôi. Tôi nhìn thấy một tương lai tươi sáng cho đất nước, và tôi muốn góp phần biến đất nước ta tuyệt vời hơn. Tôi có tham vọng xây dựng đất nước.”

Ông xem sứ mệnh vĩ đại nhất đời mình là ổn định ngành công nghiệp, tạo việc làm và hạ giá dầu, giá xăng để phần lớn người dân có thể chi trả và sử dụng. Rockefeller càng có nhiều tiền, ông càng quyên góp nhiều cho từ thiện. Khi qua đời, ông đã quyên góp gần 540 triệu USD cho việc từ thiện.

“Sự giàu có thường là kết quả của quá trình theo đuổi những mục tiêu khác, hơn là từ quá trình thay đổi chính sự giàu có”.

Rockefeller thấy làm giàu cũng như mọi công việc hoặc sứ mệnh khác. Sự giàu có thường là kết quả của quá trình theo đuổi nhiều mục tiêu khác, hơn là bản chất của chính sự giàu có. Chìa khoá thành công thứ tư của ông là có mục tiêu lớn hơn tiền tài danh vọng, điều này sẽ thúc đẩy bạn tiến xa hơn.

Chìa khoá thành công ELLE Man (09)

Chìa khóa thành công thứ năm: “Luôn chú trọng đến tiểu tiết”

Rockefeller thành công không chỉ vì trí thông minh bẩm sinh mà còn vì thói quen làm việc cẩn thận và chú trọng tiểu tiết: Ông luôn ăn mặc chỉnh tề và tươm tất; có ý thức đến đúng giờ, và tin rằng “Không ai có quyền vô cớ chiếm lấy thời gian của người khác”. Ông luôn kĩ lưỡng và tôn trọng tất cả mọi chuyện, bất kể nó nhỏ thế nào. Nếu có một lỗi nhỏ trong hóa đơn, Rockefeller nhận ra ngay. Dù sai xót chỉ đáng vài xu, ông cũng yêu cầu lỗi đó phải được sửa chữa. Mỗi chi phí trong Standard Oil đều được tính toán đến nhiều số lẻ. Rockefeller tin rằng: “Thứ gì đo lường được thì quản lý được”.

Một số người cho rằng sự ám ảnh về tiểu tiết này là quá mức và phí sức, nhưng Rockefeller biết rằng những sự điều chỉnh nhỏ có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn. Ví dụ, khi thăm quan nhà máy, ông nhìn thấy công nhân niêm phong những thùng dầu sắp xuất khẩu bằng 40 giọt chất hàn. Ông yêu cầu quản đốc thử chỉ dùng 38 giọt thì thấy một vài thùng bị rỉ, nhưng khi tăng lên 39 giọt thì các thùng đều được hàn kín, vì thế họ đã thay đổi phương pháp để tiết kiệm hàng trăm ngàn USD cho công ty.

Chìa khoá thành công ELLE Man (06)

Vì thế hãy luôn chú trọng và thận trọng dù cho là tiểu tiết nhỏ nhặt nhất, chỉ một sự thay đổi nhỏ cũng làm ảnh hưởng cho một kết quả lớn. Đó chính là chìa khoá thành công giúp ông luôn đạt được sự cầu toàn trong công việc lẫn cuộc sống,

Chìa khóa thành công thứ sáu: “Sống cần kiệm, bất kể hoàn cảnh, cho dù là bạn không nhất thiết phải như thế”

Từ khi còn trẻ, ông đã ghi chép tình hình tài chính của mình và một cuốn sổ nhỏ màu đỏ mà ông đặt tên là “Sổ Cái A”.  Thậm chí khi đã giàu có, ông vẫn tự quản lý sổ sách, chỉnh sửa những lỗi nhỏ nhất chứ không nhờ đến người khác.

Chìa khoá thành công ELLE Man (03)

Ông vẫn sống đầy cần kiệm cho cả mình lẫn cho người. Ông không chỉ cố gắng gửi gắm những giá trị của đồng tiền cho con ông mà còn cả thế hệ sau của ông nữa. Khi đến gặp những người cháu của mình, ông luôn tặng mỗi người 1 đồng tiền, khen thưởng họ bằng những nụ hôn và lời khuyên răn:

“Các cháu có biết điều gì sẽ làm tổn thương ông nội rất nhiều không? Đó là biết rằng bất kỳ ai trong số các con trở nên lãng phí, ngông cuồng, bất cẩn với đồng tiền của mình, Nên hãy cẩn thận, các chàng trai ạ, và sau đó các cháu sẽ luôn có thể giúp đỡ những người kém may mắn. Đó là nhiệm vụ của các cháu, và các cháu không bao giờ được quên nó nhé”.

Rockefeller giữ thói quen tiết kiệm của mình cả đời. Ông giữ lại giấy và dây buộc của những bưu kiện được gửi đến, mặc quần áo đến khi nó sờn đi, và xuống nhà giữa đêm để tắt những chiếc đèn còn sáng. Khi chơi golf, ông luôn sử dụng bóng golf cũ. Khi thấy người khác dùng banh mới, ông ngạc nhiên thốt lên, “Hẳn là họ giàu có lắm!”. Vào những ngày lễ, vợ chồng ông tặng nhau những món quà thiết thực như bút hoặc găng tay, sau đó viết cho nhau những dòng thư dạt dào tình cảm, bày tỏ rằng họ trân trọng món quà đến mức nào.

Chìa khoá thành công ELLE Man (11)

Ở mặt nào đó, sự tiết kiệm của Rockefeller không hẳn là về tiền bạc – mà đó chính là một cách luyện tập để tạo ra thành công ngay từ đầu và duy trì Sự tự chủ.

Gia tộc Rockefeller đã trải qua hơn 1 thế kỷ, đến nay họ vẫn đang viết tiếp lịch sử huy hoàng của mình. Thế hệ sau vẫn tích cực tham gia sự nghiệp văn hóa, y tế và từ thiện. Họ chi nhiều tiền để xây dựng các quỹ từ thiện, đầu tư vào trường đại học, bệnh viện, chia sẻ tài sản của họ với xã hội. Họ tin rằng sự giàu có của mình không phải tự nhiên mà có, họ được trao cho của cải là để quay lại giúp đỡ xã hội.

Mặc dù John Davison Rockefeller là một trong những người đàn ông gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử, nhưng trên hết ở ông ta còn thấy được nhiều đức tính đáng quý, đáng trân trọng và học hỏi. Trên đây là những chìa khoá thành công nổi bật của tỉ phú dầu mỏ Rockefeller mà ELLE Man đã tổng hợp để giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn cũng như là chọn cho mình một chìa khoá phù hợp cho bản thân để áp dụng và mở cho mình cánh cửa để đến với sự thành công.

Xem thêm

Elon Musk: Vì người dẫn đầu luôn đơn độc

Triết lý Kaizen – chìa khóa thành công trong “1 phút” của người Nhật

__

Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man

Lược dịch & Tổng hợp: Katelyn (Tham khảo: Artofmanliness, Wikipedia )

No more