Du lịch Nhật Bản – Những nẻo đường Phù tang

Bài Trúc Đoàn

Từ miền Trung nước Nhật xuôi phương Nam, hành trình lên núi – xuống biển đã giúp tôi có được thật nhiều những trải nghiệm kỳ thú ở đất nước này...

…Từ bữa tiệc hải sản cùng những “nàng tiên” của làng chài Osatsu ở Kashikojima, gặp gỡ “Thiên Long Bát Đế” ở làng cổ Oshino Hakkai dưới đỉnh Phú Sĩ, diện kiến các samurai thời đại, tắm Onsen rượu vang và nhâm nhi phong vị hảo hạng của những chai vang trứ danh vùng Yamanashi.

Du lịch Nhật Bản - Những nẻo đường Phù tang
Đỉnh Phú Sĩ với chiếc nón mùa Đông

Từ sân bay quốc tế Chubu ở vịnh Ise, tuyến tàu cao tốc Shimakaze đưa tôi thẳng tiến đến Toba trong sự thoải mái, dễ chịu bù đắp cho hành trình vất vưởng cùng chuyến bay đêm. Từ nhà ga Toba cần thêm 25 phút xe buýt là đến được làng Osatsu, nơi có những Ama (Hải Nữ) – “nàng tiên” của biển mà tôi ao ước có dịp được một lần gặp gỡ kể từ khi nhìn bộ ảnh đen trắng kinh điển của nhiếp ảnh gia Yoshiyuki Iwase (1904 – 2001) thực hiện ở những năm 1950-1960 về cuộc đời các Ama ngực trần, ngụp lặn dưới đại dương để thu lượm hải sản.

Du

Ở xứ Phù Tang, Ama là một nghề chỉ riêng cho nữ giới, có lịch sử từ hơn 3.000 năm mà nay vẫn tồn tại, được đề cập đầu tiên trong một bài thơ của thi nhân Otomo no Yakamochi ra đời năm 748, sau này được ông đưa vào Manyoshu (Vạn Diệp Tập) – tác phẩm thi ca cổ của Nhật Bản ra đời năm 759 ở thời kỳ Nara (710 – 794).

Vừa đến đầu làng Osatsu, tôi gặp được 5 “nàng tiên” biển cả, mà nay đều đã ngoài 70, trẻ hơn nhiều so với tuổi thực, diện bộ trang phục trắng toát mà sau này tôi mới biết đó cũng là bộ đồ đi lặn biển, màu trắng nhằm tránh tà ma, cũng là để khắc chế giống cá mập ăn thịt người. Câu chuyện về Ama được người kỳ cựu nhất làng là cụ bà Reiko Nomura, nay đã 85 tuổi, kể tôi nghe bên bếp than hồng với món hải sản nướng gồm nhum (uni), ốc nón (shinju), bào ngư (awabi), tôm hùm (ebi)… mà các Ama vừa đánh bắt trong chuyến ra khơi buổi sớm: “Ở làng chúng tôi, con gái không đi lặn biển thì ế dài, vì nhà chồng khi chọn con dâu họ chọn những người biết đi biển, đó là một tiêu chí đánh giá sự đảm đang, có thể phụ chồng chăm lo cho gia đình, con cái”.

Du lịch Nhật Bản - Những nẻo đường Phù tang
Các Ama của làng Osatsu nướng sản vật mời khách đến du lịch Nhật Bản.

Thống kê ở Nhật hiện còn khoảng 1.300 Ama, riêng ở làng Osatsu là hơn 120 người, cụ Reiko Nomura cao niên nhất làng nhưng vẫn chưa bỏ nghề. Nhờ lặn biển mỗi ngày, các Ama hầu như không biết đến bệnh tật và luôn trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. Như cụ bà Okano nay đã 70, nhưng dung nhan mặn mòi của cụ khiến tôi đoán sai số đến tận hơn 20 năm. Tôi hỏi các Ama có bao giờ mang ý định giải nghệ vì tuổi tác, vì nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt… Cụ bà Sachiko bảo rằng: “Nghề này không yêu đã không theo từ đầu, còn bao giờ kết thúc thì chúng tôi không có câu trả lời, bởi gọi là Ama, có nghĩa là đã gắn cả cuộc đời với biển”.

Du lịch Nhật Bản - Những nẻo đường Phù tang
Cụ bà Reiko Nomura – Ama cao tuổi nhất của làng Osatsu

 

Thiên đường của nho

Chia tay các “nàng tiên” biển cả của làng Osatsu sau bữa tiệc hải sản thịnh soạn, tôi xuôi phương Nam, qua Tokyo đến hơn 100 cây số để vào một vùng bồn địa bao quanh bởi dãy Alps phía Nam của Nhật Bản. Đấy chính là Yamanshi, một miền đất cằn cỗi, thiếu nước, lượng mưa thấp, Hè nóng kinh dị – Đông lạnh tê người, nhưng lại là cái nôi của những giống trái cây số một tại Nhật như đào, dâu. Thế nhưng, thứ tôi muốn tìm hiểu chính là giống nho trắng Koshu và nho đỏ Muscat, nguyên liệu hảo hạng làm nên hai chai vang trứ danh là Mars Koshu (vang trắng) và Muscat Bailey A (vang đỏ) nổi tiếng Nhật Bản.

Với người yêu thích bộ môn tắm nước khoáng nóng Onsen khi đến du lịch Nhật Bản, Yamanashi cũng là nơi đầu tiên tại xứ Phù Tang có tắm Onsen bằng rượu vang ở lữ quán Hatta từ hơn 20 năm trước mà nay vẫn phục vụ du khách thường nhật.

Du lịch Nhật Bản - Những nẻo đường Phù tang
Cảnh quan Oshino Hakkai là nét đẹp được công nhận Di sản văn hóa thế giới.

 

Du lịch Nhật Bản - Những nẻo đường Phù tang
Hầm rượu với các thùng ủ nho thuộc nhiều niên vụ khác nhau ở lò vang Mars

Cây nho ở Yamanashi đã xuất hiện từ hơn 800 năm trước, và không khó để tôi tìm gặp các thửa ruộng có gốc nho cổ thụ to bằng thân người, với sức mạnh kỳ diệu đã vượt qua được sự khắc nghiệt thời tiết, đúc kết nên những giọt vang nồng góp phần đưa Yamanashi vào danh sách điểm son trên bản đồ vang thế giới.

Ở Yamanashi, lò vang Mars là địa chỉ đỏ để tôi thưởng thức các chai vang ngon nhất vùng, khám phá đặc tính từng niên vụ, cấu trúc vang, đến mùi vị, màu sắc, đều được trình bày rất bài bản, dễ hiểu và ấn tượng. Tất cả những ai đến lò vang này đều thích phần thử rượu bởi mọi người được uống tùy thích và hoàn toàn miễn phí. Lò vang này cũng sở hữu hơn 300.000 chai vang thuộc các niên vụ dành cho người cùng năm sinh với năm chai vang được sản xuất.

Xứ sở Samurai

Yamanashi cũng sở hữu lễ hội chiến binh Samurai lớn nhất Nhật Bản, diễn ra vào trung tuần tháng 4 hàng năm, với 1.000 tình nguyện viên tham gia bao gồm cả người nước ngoài đi du lịch Nhật Bản. Tất cả trong trang phục Samurai truyền thống, tái hiện lại trận đánh lịch sử Kawanakajima năm 1553 giữa hai vị lãnh chúa đương thời là Takeda Shingen và Uesugi Kenshin.

Lễ hội Samurai ngập tràn màu sắc với những đám rước, những màn bắn súng lệnh, đấu kiếm, phi ngựa, diễu binh… Kết cục trận đấu là cả mảng đất trống rộng lớn phía trước tòa thị chính của Fuefuki – thủ phủ Yamanashi – ngập tràn các Samurai tử thương (tất nhiên là chết giả) trong trận chiến trước lượng khán giả trung bình hàng năm là 40.000 người.

Du lịch Nhật Bản - Những nẻo đường Phù tang
Lịch sử trận đánh Kawanakajima được tái hiện

 

Du lịch Nhật Bản - Những nẻo đường Phù tang
Hai vị lãnh chúa Takeda và Uesugi cận chiến luôn là màn được khán giả mong đợi nhất lễ hội

 

Du lịch Nhật Bản - Những nẻo đường Phù tang
Tham gia diễu hành lễ hội Samurai là tình nguyện viên khắp Nhật Bản và thế giới

Mặc dù Kawanakajima chỉ là màn tái hiện, nhưng cảm giác cả một mảng lịch sử từ quá khứ được trở về sống động, gần gũi, và vui nhộn. Thế nên, trang web nhận đăng ký 1.000 thành viên tham gia trận đánh Kawanakajima năm 2016 vừa mở sau 10 phút đã không còn chỗ.

Từ Yamanashi, vượt qua dãy Alps phía Nam là thấy được Phú Sĩ, và trong 100 điểm đẹp nhất diện kiến “nóc nhà Nhật Bản” là ngôi làng cổ Oshino Hakkai nằm giữa hai vùng hồ Kawaguchiko và Yamanakako. Làng cổ Oshino mê hoặc tôi bởi những nếp nhà mái rơm đã hàng trăm năm tuổi cùng 8 hồ nước trong vắt. Đây được mệnh danh là nơi 8 vị vua rồng đang ngự trị – với đầu nguồn chính là lớp băng tan từ đỉnh núi Phú Sĩ, ngấm vào lòng đất, chu du trong hành trình kéo dài đến hơn 80 năm trước khi đổ vào 8 hồ nước của làng Oshino Hakkai, được công nhận là một trong 100 nguồn nước tự nhiên tinh khiết nhất tại Nhật.

Đến ngôi làng cổ Oshino Hakkai, bất kể thời khắc trong năm, đều là mùa đẹp, mỗi hồ mang một hình dáng, một câu chuyện riêng như “hồ không đáy” Sokonashi-ike, vì tên gọi “không đáy” nên các hoạt động lấy nước, giặt rửa ở hồ này đều bị cấm tuyệt đối vì người bản địa sợ sẽ bị hút vào lòng hồ.

Du lịch Nhật Bản - Những nẻo đường Phù tang
Kagami-Ike, hồ nước phản chiếu hình ảnh núi Phú Sĩ đẹp nhất ở làng Oshino Hakkai

 

du lich nhat ban 7
Một góc quê nơi ngôi nhà truyền thống ở làng Oshino Hakkai

Khám phá từng câu chuyện, từng góc đẹp của làng Oshino Hakkai, cảm giác cứ như đi xen giữa hai mảng đời hư – thực, để khi rời xa, vẻ đẹp đầy cuốn hút của ngôi làng cổ xa xôi ấy dễ khiến người ta mong một lần trở lại.

Bài & ảnh: Nguyễn Đình

No more