Đừng lạm dụng quốc thể!

Bài Trúc Đoàn

[Tạp chí ELLE MAN - 7/2016] Hồi nhỏ, một lần xem tivi đưa tin về hình ảnh đội tuyển Olympic Toán học Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế trong nền nhạc “Quốc ca”, lòng tôi trào dâng lên niềm xúc động mạnh mẽ. Tôi nghĩ mình bị ấn tượng bởi chính xúc cảm của mình giây phút đó, nên nhiều năm trôi qua tôi vẫn còn nhớ khoảnh khắc ấy.

nghi ve quoc the 3

Tôi từng có thời gian dài làm việc trong lĩnh vực thương hiệu cho một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có mở các văn phòng đại diện tại nhiều nước trên thế giới. Khi đó trái tim non nớt của tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để tên thương hiệu của mình làm “rạng danh” Việt Nam trên trường quốc tế. Bẵng đi một thời gian, từ khi chuyển sang Pháp sinh sống, tôi không bận tâm lắm đến vấn đề quốc thể. Có thể là do tôi không còn phải sống trong một môi trường mà mỗi một cá nhân sinh ra đã phải mang gánh nặng hay trách nhiệm nào đó quá đỗi lớn lao trên lưng mình là phải làm nở mày nở mặt gia đình, dòng họ, tổ tiên, quốc gia…

nan quoc the - vietnam won six medals at international mathematics olympiad 2015
Đội tuyển toán Việt Nam giành được 6 huy chương tại kì thi Olympiad Toán học 2015.

Vấn đề quốc thể làm tôi nhớ đến những tháng ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, hàng năm mòn mỏi với đầy đủ các cuộc thi học sinh giỏi lớn nhỏ để giành các giải thưởng mang lại vinh dự cho nhà trường, huyện, tỉnh… Tôi tự hỏi, tại sao sự vui mừng hay thất vọng của những người lớn lại đặt lên vai những đứa trẻ chúng tôi?

Cũng có thể do tôi cảm nhận một cách sâu sắc về vị thế nhỏ bé của Việt Nam trên trường quốc tế, không chỉ nhỏ bé mà còn thấp kém về mọi mặt. Khi gặp một người châu Á, những người châu Âu mặc định đó là người Trung Quốc hoặc may mắn hơn thì đó là người Nhật. Việt Nam à, Việt Nam ở đâu thế?

Và liệu rằng một vài vì sao sáng lóe lên trong các giải thưởng này nọ trên trường quốc tế có làm nhận diện rõ hơn về Việt Nam hay không? Hay việc người nước ngoài đến đất nước ta và thất vọng về các dịch vụ du lịch, thủ tục hành chính, và những con người bình thường họ tiếp xúc hàng ngày sẽ định vị rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam?

Tôi cho rằng thể diện của một quốc gia không đến từ một vài vì sao sáng chói trong các giải thưởng trên trường quốc tế, mà đến từ thể diện của từng cá nhân tại đất nước đó. Từng cá nhân đàng hoàng sẽ giữ cho thể diện và môi trường sống của nước đó trở nên đàng hoàng. Cá nhân mỗi con người chúng ta khi sống cần tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Nếu mình có những việc làm sai trái, mình sẽ chịu những hình phạt của luật pháp hoặc của lương tâm. Nếu mình làm một điều gì đó thực sự tốt đẹp thì có nghĩa bản thân mình có những nỗ lực riêng và mình có đóng góp chung cho xã hội.

Mình làm điều gì đó là do mình muốn, do sự hiểu biết và nhân cách của mình, chứ không phải gánh thêm những áp lực đến từ bên ngoài hoặc sự mong đợi hay kỳ vọng của những người đồng hương khác. Một con người hiểu biết và có lòng tự trọng sẽ biết cách giữ thể diện cho mình, và tập hợp của nhiều cá nhân biết giữ thể diện sẽ làm nên diện mạo của một quốc gia.

Quốc

Cá nhân tôi không lấy làm hổ thẹn vì một người Việt phạm pháp ở nước ngoài. Tôi cũng không quá tự hào khi một người Việt đoạt giải thưởng quốc tế. Tôi chỉ có cảm giác khâm phục cá nhân đó như mọi cá nhân có những đóng góp lớn cho xã hội hoặc có những tài năng, thành quả kiệt xuất. Tôi nghĩ việc tự hào về một người Việt nổi danh trên thế giới không có gì là xấu nhưng nếu lạm dụng nó một cách thái quá thì vấn đề quốc thể sẽ trở thành một căn bệnh. Thái quá ở đây là cái gì cũng vơ vào trong khi một người gốc Việt nào đó đôi khi thực sự chẳng liên quan gì đến môi trường giáo dục, sống hay làm việc tại Việt Nam. Nó cũng không khác gì căn bệnh ưa thành tích và mọi giá trị đôi khi chỉ là ảo.

nan quoc the - Philipp Roesler
Cựu phó thủ tướng người Đức gốc Việt Nam, Philipp Roesler (ngồi giữa)

Cuộc sống ở trong nước đang diễn ra với biết bao vấn đề nhức nhối và chúng ta phải thừa nhận những yếu kém của mình. Chúng ta chẳng thể tự hào bởi những cái mình không làm ra và thấy một ai đó nổi lên trên trường quốc tế lại tự sướng rằng dân tộc mình thông minh, tài giỏi.

Tôi vẫn cố gắng sống tốt nhất với lòng tự trọng và thể diện của mình mà không vì một thứ danh hão nào để phải đánh đổi cuộc sống cân bằng. Tôi cũng không thấy hổ thẹn hay tự hào khi mình là người Việt. Tôi bình thường khi giới thiệu về nơi tôi sinh ra. Tuy nhiên, nếu bị nhầm thành người Trung Quốc, tôi sẽ dõng dạc nhấn mạnh lại rằng: “Tôi là người Việt Nam. Tôi đến từ Việt Nam”.

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

No more