Go Set a Watchman – Hãy Đi Đặt Người Canh Gác

Bài Trúc Đoàn

[Tạp chí ELLE MAN - 7/2016] “Go Set a Watchman” của Harper Lee được phát hành đúng 55 năm kể từ “To Kill a Mockingbird” trở thành cuốn sách được đặt mua nhiều nhất, sau “Harry Potter và bảo bối tử thần” (2007). Cuốn sách này được nhiều tạp chí danh tiếng bình chọn là một trong những ấn phẩm nổi bật nhất năm 2015.

Go Set a Watchman

“Hãy đi, đặt người canh gác” (Go Set a Watchman – bản dịch: Phạm Viêm Phương, Nhã Nam & NXB Văn học ấn hành vào tháng 6/2016) là một tác phẩm gợi tò mò. Tò mò, bởi những ai từng đọc, từng bị mê hoặc bởi “To Kill a Mockingbird”, tựa tiếng Việt: Giết con chim nhại, của Harper Lee (1926-2016) sẽ rất muốn… đọc thử qua quyển này xem nó ra làm sao. Tò mò hơn nữa, bởi thông tin cho biết, dù mới được xuất bản ở Mỹ vào tháng 7/2015, được xem là cuốn sách thứ hai và cuối cùng của Harper Lee, nhưng thực ra đây lại là cuốn được viết trước Giết con chim nhại.

Viết trước, nhưng vì sao trải qua suốt một thời gian dằng dặc (từ khoảng 1954 – năm được cho là Harper Lee viết Go Set a Watchman) đến những ngày tháng cuối đời, nữ văn sĩ mới cho ấn hành cuốn tiểu thuyết này? Mọi giả thuyết, cuối cùng cũng chỉ là giả thuyết. Với một cuốn sách, không cách nào hay hơn là cầm nó lên rồi chăm chú đọc. Dẫu vậy, vẫn phải thú thật rằng đây là cuốn sách hơi khó chăm chú.

Sự mất tập trung là vì nhiều lẽ. Trọng yếu nhất vẫn là những ai đã từng đọc Giết con chim nhại sẽ không tránh khỏi những liên tưởng và so sánh. Vẫn là dòng đề tặng ông Lee và Alice. Vẫn là bối cảnh thị trấn Maycomb thuộc tiểu bang Alabama, miền Nam Hoa Kỳ. Vẫn là những nhân vật thuộc dòng họ nhà Finch “điên điên”, với những câu chuyện hơi khác thường.

Những

Chuyến trở về của Maycomb

Tiểu thuyết mở đầu với chuyến trở về quê nhà Maycomb bằng tàu hỏa của Jean Louise Finch. Từ New York, một cô gái 26 tuổi trở về, để gặp chàng trai của cô, gặp bố và những người trong dòng họ Finch. Trở về để gặp lại những hình ảnh buồn bã ấu thơ. Trở về để tiếp tục đối thoại với người bác gái Alexandra về sự nổi loạn hay đạo đức của một người con gái. Trở về để va chạm với ông chú bác sĩ Finch. Trở về để dựa vào một người đàn ông của tình yêu kiểu nông thôn như Henry Clinton. Và, trở về để đối diện và thoát khỏi cái bóng của cha cô là Atticus.

Một cuộc trở về để tiếp tục ra đi. Nhưng trước khi ra đi phải “thanh toán” những “món nợ” của quá khứ, mà những món nợ ấy nhiều khi chỉ là những chuyện vặt vãnh, những cảm thức mơ hồ. Với Jean Louise, bên cạnh những thanh âm gắt gỏng vọng về từ quá khứ, khiến cô nhiều lần thấy chuếnh choáng, thì đồng thời cô lại đối diện với sự thay đổi từ thực tại. Oái oăm, sự thay đổi này lại khiến cô hụt hẫng, nổi loạn.

Điều mà Jean Louise khó chấp nhận nhất chính là sự thay đổi hay chính là định kiến của người cha Atticus về màu da, nói đúng hơn là sự phân biệt chủng tộc. Atticus là người không đồng ý việc nhà trường bãi bỏ luật phân chia học sinh theo màu da. Điều đó khiến Jean Louise và Atticus xung đột với nhau, và người chú phải đứng ra dàn hòa. “Hãy làm dịu bước đi vào thế giới của cháu”- đó là lời nói mang tính minh triết của người chú.

Làm dịu đi, không có nghĩa là khoan nhượng, mà thấu cảm hơn và biết dung thứ nhiều hơn.

Trong những đoạn đối thoại giữa Jean Louise và ông chú bác sĩ Finch, có những đoạn thật hay, sắc sảo như những mũi khoan giải phẫu nội tâm: “Cháu sinh ra với nội tâm của mình, nhưng ở đâu đó trong quá trình lớn lên đã khiến nó bám cứng ngắc như con hà vào lương tâm của bố cháu. Trong lúc cháu lớn lên, khi cháu trưởng thành, cháu đã lẫn lộn Thượng đế với bố cháu mà hoàn toàn không ý thức được điều đó. Cháu chưa bao giờ nhìn thấy ông như một con người với một trái tim người, và những khiếm khuyết của con người”.

Quả thật, sự tranh luận đúng sai trước một vấn đề luôn không hề đơn giản. Mỗi người, từ chỗ đứng của mình, từ suy nghĩ và trái tim mình sẽ có biểu hiện, phát biểu khác nhau. Tranh luận làm gì nếu không vượt thoát định kiến và hướng đến điều tốt đẹp chung? Tranh luận, nếu chỉ để thỏa mãn cá nhân mình, triệt tiêu người khác, gây thù hằn, thì đó là tranh luận vô bổ.

Sự

Cần một “người canh gác”

Nhưng, đây không phải là một tiểu thuyết luận đề với những đề cao tranh luận, đối thoại. Đây là cuốn tiểu thuyết khơi gợi những vấn đề về bản thể và lương tâm con người. Đấu tranh để có công bằng cho mọi người, mọi màu da, là một khía cạnh, nhưng cao hơn đó là lẽ phải cần đạt tới của tất cả con người dưới vòm trời này. Cảm giác được tôn trọng, được yêu thương, được xoa dịu… không đơn thuần là cảm giác, mà đó như là sứ mệnh, từ Thượng đế, và từ con người trao truyền cho nhau.

Do vậy, tựa cuốn tiểu thuyết được lấy từ một câu trong Kinh Thánh Isaiah: “Vì Chúa đã phán với tôi thế này: Hãy đi, đặt người canh gác, khi thấy gì thì hãy báo cáo ngay”. Khi thấy một cái gì đó vô cùng không ổn, và như là thảng thốt, Harper Lee (hay Jean Louise) đã kêu lên: “Hãy đi, đặt người canh gác”. Đây không phải là câu nói tầm thường, mà là lời mượn từ Isaiah – một nhà tiên tri xứ Judah, về sự sụp đổ của thành Babylon.

Trong một bài viết hồi tháng 2/2015, Wayne Flynt – một người bạn lâu năm của Harper Lee đã giải thích tựa đề với tinh thần như vậy và nói thêm: “Babylon là nơi “đầy những tiếng nói vô đạo và đạo đức giả” và vì lẽ đó, “cần có ai đó được chọn làm ‘người gác’ để giúp chúng ta biết phải làm gì để thoát khỏi mớ hỗn độn đó”.

Cuối cùng, sau khi khép cuốn sách lại, chúng ta có thể nghĩ đây chính là “bản nháp” hay là “phép thử” cần thiết để Harper Lee viết Giết con chim nhại. Một nhà văn, dĩ nhiên không ai muốn ấn hành “bản nháp” của mình, nhưng dù sao nó cũng đã đến tay người đọc. Và, cũng không uổng phí khi đã đọc hết Go Set a Watchman, để thấy những chương khác của một cuốn tiểu thuyết cũng như của một đời văn.

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

No more