Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 5: A Bathing Ape (BAPE)

Bài ELLE Man

Khi nói về thời trang, ngoài những thiết kế phục trang thì những logo thương hiệu là thứ hằn in sâu đậm trong tâm trí của bất cứ ai. Mỗi logo thương hiệu có những câu chuyện riêng đằng sau đó, và bạn đã thật sự hiểu về chúng? Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu về ý nghĩa và lịch sử đằng sau logo thương hiệu A Bathing Ape (BAPE)!

Là một trong những biểu tượng thời trang đi tiên phong trong phong cách street style của Nhật Bản, The Bathing Ape hay còn được gọi là BAPE, có nguồn gốc từ Ura-Harajuku – con đường thời trang danh tiếng của Nhật tại những năm 90. Thương hiệu được thành lập vào năm 1993 bởi nhà thiết kế Nigo, tên thật là Tomoaki Nagao. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu về nguồn gốc và lịch sự ra đời của tên gọi và logo thương hiệu BAPE.

logo thuong hieu bape - elle man 5
(Ảnh: Pinterest)

Công việc đầu tiên “cha đẻ” của BAPE, Nigo, khi dấn thân vào ngành thời trang là biên tập viên và stylist của một tạp chí đình đám bấy giờ của Nhật Bản – Popeye. Bên cạnh công viện bàn giấy, anh còn được rất nhiều người biết đến với cương vị là nhà sản xuất âm nhạc và DJ của nhóm nhạc Teriyaki Boys. Sau khi trở thành biên tập viên và stylist, Nigo đã hợp tác với người bạn cấp 3 là Jun Takahashi (nhà sáng lập ra thương hiệu Undercover của ngày nay) để mở ra cửa hàng thời trang đầu tiên của hai người có tên là “Nowhere” tại phố Ura-Harajuku vào năm 1993. Đây cũng chính là nơi Nigo quyết định thành lập thương hiệu thời trang của riêng mình – The Bathing Ape (BAPE).

logo thuong hieu bape - elle man 3
Nhà thiết kế Nigo (Ảnh: Apes Love to Bathe)
Tomoaki

Cái tên của con đường Ura-Harajuku có ý nghĩa là “underground Harajuku”. Đây là dòng thời trang underground của Nhật chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ phong cách thời trang đường phố đa dạng của Mỹ, nó còn được gọi là phong cách Urahara và là một phong cách thời trang rất phổ biến tại Nhật vào những năm 90. BAPE và các cửa hàng thời trang khác thành lập trên con phố này chính là nền tảng đầu tiên của phong cách Urahara ngày nay.

logo thuong hieu bape - elle man 1
(Ảnh: BAPE)

Nigo là một “fan ruột” của bộ phim Planet of the Apes (1968) và đó một trong hai lí do vì sao anh đặt tên cho thương hiệu của mình là A Bathing Ape. Câu slogan của thương hiệu  “Ape Shall Never Kill Ape” (tạm dịch là “Khỉ sẽ không bao giờ giết Khỉ”) cũng được lấy cảm hứng từ chính bộ phim trên.

logo thuong hieu bape - elle man 4
Bộ phim Planet of Apes (1968)
(Ảnh: Variety)

Tuy nhiên, BAPE còn có một tên gọi đầy đủ mà ít ai biết đến, đó là “A Bathing Ape in Lukewarm Water”, tạm dịch là “Chú khỉ tắm trong nước am”. Vì sao lại là nước ấm, chứ không phải nước nóng? Mỗi ngày, người Nhật thường tắm trong bồn nước nóng có nhiệt độ trên 40, bởi vậy “nước ấm” ở tên gọi logo thương hiệu mang ý nghĩa sự lười biếng của giới trẻ giàu có tại Nhật, sự lười biếng của họ được ví von như những chú khỉ nằm dài trong bể cho đến khi nước không còn nóng nữa. Đặc biệt, thế hệ giàu có đó cũng chính là khách hàng thiên thiết của thương hiệu. Đó là lí do vì sao hình vẽ chú khỉ đặc trưng lại trở thành logo thương hiệu của hãng.

logo thuong hieu bape - elle man 2
(Ảnh: BAPE)

Với phong cách độc đáo được pha trộn giữa thời trang Nhật Bản, Mỹ và lấy cảm hứng từ đồ thể thao, BAPE nhanh chóng đứng ở vị trí dẫn đầu cùng các thương hiệu thời trang đường phố đình đám khác. Không chỉ được yêu thích bởi tín đồ thời trang Nhật Bản, BAPE còn sở hữu vô số fan hâm mộ trên toàn thế giới, trong đó có những cái tên lớn như Lil Wayne, Pharrell Williams… BAPE dần trở thành một công ty lớn, không chỉ sở hữu cửa hàng thời trang khắp các thành phố của Nhật Bản, mà còn mở rộng quy mô thành các cửa hàng cafe, hãng thu âm. Thậm chí còn sở hữu truyền hình vô tuyến của riêng thương hiệu.

logo thuong hieu bape - elle man

Tuy vậy, vào năm 2009 thương hiệu này đã gặp khủng hoảng và thua lỗ hơn 2.8 tỉ USD. 2 năm sau, Nigo đã phải cứu BAPE bằng cách bán 90% cổ phần cho công ty Hongkong Clothing Conglomerate. Sau đó anh đã chính thức rời khỏi BAPE vào năm 2013, để lại sự tiếc nuối của fan hâm mộ. Hình ảnh thương hiệu và phong cách thời trang của BAPE đã thay đổi khá nhiều sau khi nằm ngoài vùng quản lí của “cha đẻ” Nigo, nhưng không vì thế mà thương hiệu mất đi chỗ đứng trong ngành công nghiệp thời trang ngày này.

logo thuong hieu bape - elle man 6
(Ảnh: Pinterest)

Xem thêm:

Ý nghĩa logo thương hiệu thời trang – Phần 1: Nike

Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 4: Supreme

Bài: Elena (Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man; tham khảo: CNN TalkAsia; wayback machine; highsnobiety; reddit; theidleman)

No more