Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 26: Kodak

Bài ELLE Team

Liệu bạn còn nhớ những bản phim khổ 35mm với vỏ phim xanh vàng đã dệt thành cả mảng bầu trời kí ức ngày xưa của chúng ta? Và nếu bạn là một người hoài cổ cũng như yêu thích phim ảnh thì chắc chắn không thể bỏ qua cái tên Kodak. Bắt đầu từ hôm nay, series logo thương hiệu của ELLE Man sẽ "đổi gió" với những thương hiệu nằm ngoài địa hạt thời trang, và cái tên đầu tiên chính là Kodak.

Logo thương hiệu Kodak đã có một hành trình dài hơn 130 năm trải qua bao thăng trầm. Trong suốt chiều dài của lịch sử nhiếp ảnh, Kodak luôn là cái tên hàng đầu trong hơn một thế kỷ. Nhưng thời gian luôn là phép thử khắc nghiệt không trừ một ai. Và phép thử này đã khiến Kodak phải vật lộn không ngừng, thậm chí đã có lúc phải đệ đơn phá sản. Nhưng với sự trở lại của nhiếp ảnh phim, liệu Kodak có còn quay lại được thế thượng phong của mình?

Sự bắt đầu ngẫu nhiên

Câu chuyện lịch sử về Kodak cũng như là lịch sử nhiếp ảnh được mở ra bằng cách hết sức ngẫu nhiên. Vào năm 1870, chàng nhân viên ngân hàng George Eastman 24 tuổi đang lên kế hoạch cho chuyến nghỉ mát cùng công ty, một đồng nghiệp đã đề nghị anh là người ghi lại khoảnh khắc trong buổi du lịch ấy. Đó cũng là lúc anh nhận ra, để chụp ảnh người đã phải mang theo quá nhiều bộ phận rắc rối.

hình ảnh Eastman Kodak ở ngưỡng tuổi 30 người thành lập ra logo thương hiệu kodak
Eastman Kodak ở ngưỡng tuổi 30 – người thành lập ra thương hiệu Kodak

Thập niên 70 của thế kỉ 19, bộ dụng cụ hành nghề của nhiếp ảnh gia không chỉ đơn giản là một máy ảnh to đùng mà còn gồm một cái kiềng ba chân, những tấm kính thủy tinh, một giá đỡ kính, một tấm khăn phủ màu đen, một bồn nitrat và một container nước. Mọi thứ thật quá lỉnh kỉnh, giống như họ phải vác theo cả một phòng thí nghiệm chứ không chỉ là một chiếc máy ảnh như bây giờ.

nhiếp ảnh của quá khứ
Nhiếp ảnh của quá khứ đã từng cồng kềnh cùng các bộ phận rườm rà

Vì thế chỉ 3 năm sau, George đã chế tạo thành công tấm kính ảnh “khô” hứa hẹn đơn giản hóa được qui trình chụp ảnh. Những tấm kính của Eastman nhanh chóng trở nên nổi tiếng vì nó đem lại kết quả hình ảnh tốt hơn, đặc biệt trong ánh sáng yếu.

Logo thương hiệu Kodak - Hộp EASRMAN kính khô vào những năm 1880
Hộp đựng sản phẩm “EASRMAN kính ảnh khô” vào những năm 1880

Bạn chỉ cần bấm nút, Kodak sẽ lo phần còn lại

Chàng nhân viên ngân hàng ấy nhanh chóng bỏ công việc dang dở tại và lao đầu vào những sáng chế góp phần thay đổi cả tương lai của loài người. Tiến tới năm 1884, công ty Eastman Dry Plate của George Eastman được thành lập.

trụ sở chính của công ty logo thương hiệu Kodak
Trụ sở chính của công ty Eastman Dry Plate tại New York, Mỹ.

Năm 1888, Kodak được “khai sinh” dưới hình thức là một nhãn hiệu dưới công ty mẹ. Cùng năm ấy, Eastman ra mắt máy ảnh “The Kodak”– một chiếc hộp chữ nhật nhỏ dài khoảng 15cm, cao 10 cm có giá 25$ –  nếu quy đổi ra giá trị ngày nay sẽ xấp xỉ $53.07 (~1 triệu 3 vnđ). Chiếc máy đã phá vỡ vĩnh viễn hình ảnh của những máy móc cồng kềnh, đòi hỏi nhiều kỹ năng phúc tạp từ nhiếp ảnh gia lúc bấy giờ. Chiếc máy “The Kodak” mang lại một sự đơn giản tuyệt đối với phương châm: “Bạn chỉ cần bấm nút và để chúng tôi lo phần còn lại”.

quảng cáo của thương hiệu kodak
“Bạn chỉ cần bấm nút và để chúng tôi lo phần còn lại”

Mỗi chiếc máy được gắn sẵn 100 tấm phim, người dùng sau khi chụp hết phim thì gửi về xưởng máy của Kodak ở Rochester, New York. Tại đây 100 tấm phim được tráng rửa, ảnh thành phẩm và máy kèm 100 tấm phim mới được gửi lại cho người dùng.

Vì tính chất tiện lợi, phù hợp cho mọi đối tượng cũng như không bị kìm kẹp trong những studio ảnh phải ngồi bất động hàng phút. The Kodak đã xuất hiện khắp mọi nơi, giúp người dùng có thể ghi lại mọi khoảnh khắc thường nhật. Và tất nhiên không thể thiếu những tấm ảnh tự sướng đầu tiên của nhân loại: chụp bản thân qua gương.

hình ảnh thu được từ chiếc máy ảnh Kodak 1888
Hình ảnh thu được từ chiếc máy ảnh Kodak năm 1888

“Kodak” – một cái tên dị biệt

Năm 1892, công ty được đổi tên thành Eastman Kodak hay Kodak, có trụ sở chính tại New York. Sở dĩ Eastman chọn cái tên Kodak này bởi vì ông thích âm thanh khi đọc của nó. Theo ông: “Chữ “K” là chữ cái yêu thích của tôi – Nó mang một dáng vẻ rất mạnh mẽ và sắc bén.

trụ sở của Kodak Rochester - logo thương hiệu Kodak
Trụ sở của Kodak tại Rochester, New York vào năm 1892

Ông cũng có dự cảm chung rất mạnh mẽ về nhãn hiệu Kodak của của mình: “Một nhãn hiệu nên cần được chọn cái tên ngắn gọn, dễ đọc và khó có khả năng sai chính tả; điều này sẽ phá huỷ bản sắc của một nhãn hiệu tốt”. Và quan trọng hơn, trên hết, chúng “phải không có nghĩa gì cả.”

Khởi nguyên cho một phần lịch sử

Giai đoạn thế kỷ 20

Thế kỷ 20 là thời gian trong lịch sử của Kodak khi mức độ phổ biến và lợi nhuận của thương hiệu này tăng vọt. Từ năm 1900 đến năm 1930, mọi người đều say mê với khái niệm chụp ảnh. Vì thế Kodak được hưởng khoản lợi nhuận khổng lồ từ ngành công nghiệp này. Vào 18/7 /1930, Kodak nhanh chóng được thêm vào chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones (DJIA), và duy trì cho đến khi bị loại bỏ vào năm 2004.

kodak logo thương hiệu- hình ảnh mặt trăng chụp bởi kodak
Kodak đã hỗ trợ máy cho các phi hành gia trong dự án Apollo 11 giúp ghi hình và thám hiểm mặt trăng vào những năm 1966

Giống như bất kỳ “ông lớn” khác, Kodak cũng đầu tư rất nhiều lợi nhuận vào nghiên cứu và phát triển. Không chỉ máy ảnh, các loại phim chụp, giấy hay hoá chất trong nhiếp ảnh, Kodak còn đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực: y học – hỗ trợ phát hiện ra tia X, lịch sử – ghi lại tư liệu chiến tranh, thúc đẩy ngành công nghiệp thứ 7,…

8mm, 35mm, 120 mm …

Cái ý tưởng về nhiếp ảnh có lẽ đã xuất hiện từ lâu. Nhưng có lẽ mãi đến năm 1884, khi George Eastman cho ra đời phim cuộn đầu tiên, thì nhiếp ảnh hiện đại mới thực sự chuyển mình.

hình ảnh Eastman Kodak và Thomas Edison
Hình ảnh Eastman Kodak và Thomas Edison – 2 người đã góp phần phát triển và hoàn thiện phim 35mm vẫn còn sử dụng đến tận ngày nay

Những cuộn phim âm bản, dương bản, điện ảnh,… của Kodak đã ghi tên nó vào một phần của lịch sử. Có rất nhiều bộ phim và tư liệu lịch sử đã được ghi lại trên những cuộn phim của Kodak. Gần nhất ta có bộ phim Once Upon a Time in Hollywood của đạo diễn “quái kiệt” Quentin Tarantino vẫn còn sử dụng chất liệu phim Kodak vision 3 cho “đứa con” của mình.

Đơn cử Kodakchrome – loại phim dương bản thành công đầu tiên về mặt thương mại. Xuất hiện lần đầu tiên dưới khổ 16mm, tiếp theo sau đó là 8mm, 35mm và 828. Trong những năm sau, khổ 120 và 4×5 cũng dần dần được sản xuất.

Logo thương hiệu Kodak - bức ảnh cô gái Afghanistan nổi tiếng chụp bởi phim kodakchrome của hãng kodak
Bức ảnh “Cô gái Afghanistan” nổi tiếng được chụp bởi phim Kodakchrome bởi nhiếp ảnh gia người Mỹ Steve McCurry

Trải qua hơn chục năm tuổi, Kodachrome là minh chứng cho sự khốc liệt của chiến tranh. Đặc biệt những bức ảnh màu 4×5 Kodachrome trong những năm thế chiến thứ hai và khổ nhỏ trong chiến tranh Việt Nam hiện được xem như một tư liệu cực kỳ quý giá đối với lịch sử nói chung và nhiếp ảnh nói riêng.

Máy ảnh Kodak

Trong suốt chiều dài lịch sử, Kodak đã giới thiệu đến công chúng nhiều mẫu máy ảnh đặc trưng của mình. Huyền thoại Kodak Retina – dùng bản phim 35mm, ra mắt vào năm 1947 và là mặt hàng chủ lực phổ biển cho đến năm 1956. Sau đó, vào năm 1959, máy ảnh tự động đầu tiên mang tên Brownie được ra mắt. Chiếc máy được quảng cáo với giá chỉ 1$ và bán chạy đến mức chỉ vài năm sau, cứ ba hộ gia đình Mỹ thì một nhà sẽ có Brownie.

Huyền thoại Kodak Retina được quảng cáo như chiếc máy ảnh của tương lai
Huyền thoại “Kodak Retina” được quảng cáo như “chiếc máy ảnh hướng đến tương lai”

Những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp (với những chiếc máy khổ lớn to bản) chỉ trích Kodak làm ô uế nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh gia nghệ thuật Alfred Stieglitz – cha đẻ của nhiếp ảnh hiện đại đã phải thốt lên mong cho cái mốt nhiếp ảnh thời thường này mau lụi tàn để ông còn làm việc tiếp. Nhưng Stieglitz đã nhầm, ảnh không bao giờ chết. Và câu nói của ông cũng thể áp dụng đến mãi sau này. 

logo thương hiệu Kodak - Đứa trẻ cầm trên tay chiếc máy Kodak Brownies
Đứa trẻ cầm trên tay chiếc máy Kodak Brownies

Đến năm 1963, máy ảnh Instamatic lần đầu được giới thiệu dưới mô hình của chiếc máy Poin-and-shoot. Chiếc máy đã cách mạng hóa ngành nhiếp ảnh nghiệp dư và trở thành một sự bùng nổ lớn nhờ đây là giá cả phải chăng và dễ sử dụng.

những đứa trẻ chụp máy kodak instamatic
Một nhóm những đứa trẻ đang sử máy Kodak Instamatic tại Cincinnati, Ohio, Mỹ vào năm 1970 (Ảnh: Daniel J. Ransohoff)
Kodak-Instamatic-Stranger-Things-2 - logo thương hiệu
Gần nhất ta cũng bắt gặp chiếc máy này qua bộ phim Stranger things 2 (Ảnh: Netflix)

Năm 1976, Kodak đã phát hành Kodamatic – máy ảnh chụp “ăn liền”, trực tiếp đối đầu cùng ông lớn Polaroid thời bấy giờ.

Logo thương hiệu kodak quảng cáo kodakmatic Sept 1982
Quảng cáo của Kodak cho chiếc máy Kodakmatic vào những năm 1980

Logo thương hiệu Kodak bùng nổ

Trong thương mại, Kodak đã sử dụng chiến lược ‘Con dao hai lưỡi’ của người Viking cổ hết sức thuần thục để đem lại lợi nhuận cao ngất ngưởng. Mức độ nhận biết cùng với mật độ xuất hiện dày đặc, mạnh mẽ của Kodak đã thúc đẩy công ty sớm đi đến quyết định phân phối sản phẩm vượt ra ngoài biên giới nước Mỹ.

Chỉ 5 năm sau khi máy ảnh Kodak được giới thiệu tại Mỹ, họ đã khai trương một văn phòng kinh doanh đầu tiên tại London và nhanh chóng kéo theo hàng loạt văn phòng khác mở ra trên khắp châu Âu. Năm 1930, Kodak có 75% thị phần thế giới trong ngành hàng thiết bị chụp ảnh và khoảng 90% lợi nhuận.

Công nhân làm việc tại xưởng của Kodak -logo thương hiệu Kodak
Công nhân làm việc tại xưởng của Kodak, năm 1900

Những liên tưởng do Kodak xây dựng nhằm khác biệt hóa họ với các đối thủ cạnh tranh đồng thời tạo ra một nền tảng để từ đó họ có thể phát triển mối quan hệ trung thành nơi mỗi khách hàng. Mức độ nhận biết mạnh mẽ mà Kodak xây dựng cho mình trong mấy thập kỉ qua có thể tóm gọn với hai từ: đơn giản (được minh chứng chủ yếu qua các sản phẩm) và gia đình (được minh chứng chủ yếu qua những thông điệp truyền thông lẫn hình ảnh marketing).

Những mẫu quảng cáo của họ chỉ là những khung cảnh rất gần gũi, đời thường, điển hình là bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cả gia đình quây quần chụp hình với những đứa trẻ, chú chó và bạn bè (mẫu quảng cáo năm 1922). Suốt những năm 30, khán giả liên tục được nghe các gia đình mô tả những tấm hình của họ chụp bằng phim Kodak qua sóng radio.

Poster quảng cáo của công ty Kodak

Những nỗ lực marketing liên tục như thế cộng với tiếng thơm về chất lượng sản phẩm đã chinh phục được người tiêu dùng khiến họ xem Kodak như một người bạn của gia đình luôn bên cạnh chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ, đáng nhớ. Hình tượng này đã trở thành nhân tố chính thắt chặt lòng trung thành của khách hàng với Kodak.

Cái chết của Kodak

Có lẽ sẽ thật xa lạ bởi khi nhắc đến Kodak người ta sẽ nghĩ ngay tới nhiếp ảnh phim, nhưng thực sự thì thương hiệu này mới chính là người tiên phong trong nhiếp ảnh số.

Vào năm 1975, một nhân viên làm việc tại Kodak tên Steven Sasson tới gặp sếp của mình và giới thiệu với sếp một thiết bị có khả năng chụp được ảnh mà không cần sử dụng tới phim, hay chính là chiếc máy ảnh kĩ thuật số mà chúng ta sử dụng ở thời nay. Nhưng Kodak đã ngạo nghễ mà tuyến bố rằng sẽ không theo đuổi nó, quyết bám lấy ngành công nghiệp phim đang “đẻ trứng vàng” cho mình.

Steven Sasson, cha đẻ của máy ảnh kĩ thuật số logo thương hiệu kodak
Steven Sasson, cha đẻ của máy ảnh kĩ thuật đầu tiên trên thế giới

Thương hiệu ấy nào biết rằng, chính sự bảo thủ và ngạo mạn ấy lại chính là con dao hai lưỡi dẫn đến sự diệt vong. Đúng vậy, sự kiêu ngạo của người Mỹ, hay chính hơn từ con thuyền dẫn lái ngành cung cấp nguyên liệu ảnh của Kodak đã khiến họ tự phụ và xem thường những thứ khác, dẫn đến việc khi kỷ nguyên số bùng nổ, Kodak đã không thể trở tay kịp nhằm thay đổi và bắt kịp với thị trường.

Bên cạnh đó sự canh tranh không ngừng của đối thủ như Fuji, Polaroid, Afga… khiến Kodak lung lay khỏi vị trí của mình.  Tại Mỹ, năm 1976, Kodak từng bị xem là doanh nghiệp độc quyền khi chiếm lĩnh tới 90% thị trường. Thì đến nay, trong thời đại công nghệ số Kodak chỉ chiếm 7%.

logo thương hiệu kodak bị phá sản
Kodak đệ đơn phá sản vào năm 2012 khiến cả thế giới chấn động (Ảnh: Dave Granlund)

Thương vật lộn trước vô vàn khó khăn chỉ vì quyết định tham lam của họ ngày nào. Và tới năm 2012, Kodak chính thức nộp đơn xin phá sản, kết thúc khoảng thời gian dài từng thống trị thị trường.

cái chết của thương hiệu phim kodak

Logo thương hiệu Kodak

Logo thương hiệu Kodak cũng đã trải qua nhiều sự thăng trầm cũng như chính thương hiệu nó vậy. Logo đầu tiên được thiết kế vào năm 1907 và đó cũng là logo thương mại đầu tiên của Kodak. Đến những năm 30, nhận thấy sự lạc hậu cũng như khó nhận diện của thiết kế logo này, Kodak đã quyết định tái thiết kế lại logo và dòng chữ Kodak màu đỏ nằm bên trong ô màu vàng đã trở thành đặc điểm nhận biết không thể nào quên của thương hiệu Kodak cho đến ngày nay. Vào năm 1960, Kodak lại một lần cho ra mắt một thiết kế logo thương hiệu mới tuy nhiên hình ảnh tờ giấy quăn ở mép không mang lại thành công và họ đã quay lại thiết kế cũ vào những năm 80.

lịch sử phát triển kogo thương hiệu kodak
Dòng lịch sử phát triển của logo thương hiệu Kodak

Năm 1980, Kodak đã giới thiệu thiết kế logo được đánh giá là đẹp nhất của họ với chữ ‘K’ màu đỏ được cách điệu bên trông ô màu vàng quen thuộc. Năm 1987 sự thay đổi duy nhất đó là dòng chữ ‘Kodak’ sử dụng bộ font mới hiện đại hơn. Vào năm 2006, Kodak đã giản lược logo thương hiệu của mình cũng kiểu chữ sans-serif với màu đỏ nổi bật trên nền trắng cùng gạch dưới màu vàng.

logo thương hiệu kodak của thời điểm hiện tại
Logo thương hiệu kodak của thời điểm hiện tại

Và gần nhất là năm 2016, logo thương hiệu lại khoác cho mình một chiếc áo “mới”. Logo đã được làm lại bởi studio ở New York Work-Order, dựa vào việc tái thiết kế thương hiệu Kodak. “Chúng tôi muốn làm cho logo mới mẻ trở lại,” đồng sáng lập của Work-Order Keira Alexandra nói. “Chúng tôi đã rất cẩn thận trân trọng di sản của thương hiệu, kính phục tầm nhìn sáng tạo và khoa học của Kodak.”

Thương hiệu Kodak của hiện tại

Vào ngày 22 tháng 6 năm 2009, Kodak chính thức ngừng sản xuất Kodachrome và ngày 30/12/2010, Wayne – phòng lab cuối cùng còn tráng Kodachrome trên thế giới, đã ngừng dây chuyền tráng phim của mình. Kodachrome chính thức là một phần của lịch sử nhiếp ảnh. Như một sự ngầm hiểu đồng nghĩa cho cái chết của phim.

logo thương hiệu kodak - những cuộn phim kodakchrome

Cái thị trường hiện đại hoá đã đẩy nghệ thuật nhiếp ảnh phải chạy theo dòng chảy số không hồi kết. Không chỉ máy ảnh kĩ thuật số mà nhiếp ảnh bằng điện thoại cũng ngày càng ăn sâu và làm bão hoà cái nghệ thuật vốn trước đây phải đòi hỏi nhiều tâm huyết và thời gian. Thì lúc ấy con người ta lại hoài niệm về cái hơi thở duyệt diệu mà nhiếp ảnh phim đem lại.

Và một lần nữa Kodak lại được gọi tên và hâm nóng trở lại. Người chơi phim vui mừng nhận tin dòng phim Ektarchrome, camera super 8 đã được tái sản xuất cũng như phát triển thêm nhiều thị trường mới. Đồng thời sự ra đi của những ông lớn trong ngành công nghiệp máy ảnh phim như Fuji và Afga cũng là một tín hiệu khởi sắc cho thị trường tương lai của Kodak.

câu trích dẫn của logo thương hiệu kodak

Câu nói của Eastman Kodak vẫn đúng trong thời điểm hiện tại. Bởi nhiếp ảnh là lăng kính muôn màu đa sắng thể hiện góc nhìn của một cái tôi cá thể. Vì thế con người vẫn tiếp tục quay về cái nền tảng ban đầu giúp định hình lên ta. Như cái cách ban đầu mà Kodak hướng đến, giúp mọi vẫn tiếp tục quay về lại Kodak.

Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 23 : Fendi

Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man Việt Nam

Tổng hợp: Katelyn (Kham khảo:  Kodak, 1Ink, Telegraph)

No more