Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 42: Loewe

Bài EM Digital Editor

Hữu xạ tự nhiên hương, tuy có phần lặng lẽ và khiêm nhường hơn những tên tuổi khác trong làng thời trang thế giới, Loewe với logo thương hiệu bốn biểu tượng L độc đáo vẫn luôn giữ cho mình một vị thế độc tôn nhờ những thiết kế túi xách tinh xảo mang màu sắc độc đáo và tư duy thiết kế vượt thời gian.

Những gì người ta thường nghĩ đến khi nhắc đến Loewe là: một cái tên khó phát âm, chiếc túi Puzzle bag đình đám và Jonathan Anderson. Tuy nhiên, thương hiệu Tây Ban Nha với tuổi đời gần 2 thế kỉ sở hữu một ADN đặc sắc và lịch sử phát triển đồ sộ hơn thế. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu về lịch sử ra đời cũng như các giai đoạn hình thành và phát triển của logo thương hiệu Loewe trong bài viết này.

Loewe – thương hiệu của di sản

Câu chuyện của Loewe bắt đầu từ tinh hoa của tay nghề thủ công, nghệ thuật đã đưa tên tuổi Loewe lên hàng xa xỉ. Nhà mốt gốc Tây Ban Nha được thành lập vào năm 1846 tại Madrid, với khởi điểm là một nhóm những nghệ nhân chuyên về chế tác các vật phẩm da thuộc cỡ nhỏ như hộp thuốc lá. Tuy sở hữu gốc gác Tây Ban Nha nhưng Loewe được sáng lập chính thức bởi một thợ thủ công người Đức Enrique Loewe Roessberg nổi danh bởi khả năng xử lí da thuộc bậc thầy khi ông chuyển đến Tây Ban Nha và tham gia vào nhóm nghệ nhân.

logo thương hiệu
Nhà sáng lập thương hiệu Enrique Loewe Roessberg

Đến đầu thế kỷ 20, Loewe dần trở nên nổi tiếng trong giới quý tộc, những sản phẩm của thương hiệu lọt vào mắt xanh của Hoàng đế Alfonso XIII và nữ hoàng Victoria Eugenia, mang Loewe đến với tước hiệu danh giá – nhà cung cấp chính thức cho Hoàng gia Tây Ban Nha. Loewe nhờ đó được xem là một trong những nhà mốt xa xỉ hàng đầu.

Dòng thời trang ứng dụng của thương hiệu chỉ bắt đầu vào năm 1945 thông qua việc bổ nhiệm nhà thiết kế José Pérez de Rozas. Giữ chức giám đốc sáng tạo thương hiệu từ năm 1945 đến 1978, những kiến tạo của de Rozas không thể bàn cãi đã tạo nên nền móng vững chắc và cái hồn của riêng Loewe: một thương hiệu mang di sản Tây Ban Nha với gu thẩm mỹ đầy tính dân chủ.

Cuộc nội chiến của Tây Ban Nha sau đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tên tuổi của Loewe, sự cô lập của đất nước trở thành con dao hai lưỡi đối với nhà mốt, Loewe không bị tác động bởi những nhà mốt khác, tuy nhiên điều này cũng có nghĩa là thương hiệu đánh mất cơ hội tiếp cận với những khách hàng tiềm năng bên ngoài biên giới. Những sáng tạo của De Rozas được cho là đã có thể được đặt lên cùng bàn cân với những cái tên sừng sỏ khác trong làng mốt thời bấy giờ như Christian Dior nếu được tiếp cận với thị trường quốc tế. Thay vào đó, Loewe dưới thời de Rozas được xem là một huyền thoại thầm lặng, nơi mà sự tinh hoa trong các thiết kế được chú trọng nhiều hơn là những tiếng tăm phô trương bên ngoài.

Mẫu túi Amazona kinh điển của Loewe.

Minh chứng kinh điển về tài năng thiết kế của de Rosaz nằm ở chiếc túi xách signature của thương hiệu: Amazona. Ra mắt vào năm 1975, sự ra đời của mẫu túi là dấu mốc cho khát khao về một cuộc sống mới tại vương quốc Tây Ban Nha sau cái chết của nhà độc tài – Tướng Franciso Franco.

Thiết kế satchel của chiếc túi vừa đủ rộng rãi cho những thứ cần thiết hàng ngày, vừa sở hữu vẻ ngoài đầy trang nhã với chi tiết dây kéo và miếng vá góc bằng chất liệu da bê. Thậm chí với những thay đổi mà các nhà thiết kế sau này đã thực hiện đối với chiếc túi, thiết kế Amazona nguyên thủy vẫn là một biểu tượng hàng đầu trong hơn 40 năm kể từ lần phát hành đầu tiên, minh chứng cho óc thẩm mỹ nhạy bén vượt thời gian của de Rozas.

logo thương hiệu

Cửa hàng Loewe dưới thời giám đốc sáng tạo de Rozas

Ngoài tài năng thiết kế bậc thầy, de Rozas còn được biết đến với khả năng bán hàng trực quan với những thiết kế window display đầy mơ mộng, một chốn đào thoát cách biệt với hiện thực hà khắc bên ngoài. Những kiến tạo của de Rosaz vẫn trung thành với những nguyên tắc của phong trào nghệ thuật Arts & Crafts với niềm cảm hứng chính xoay quanh chủ điểm thiên nhiên. Loewe của hiện tại với những thiết kế lấy cảm hứng từ các hình thù của động vật cũng được xem là một tham chiếu trên di sản của de Rozas.

logo thương hiệu
Thiết kế window display đầy lãng mạn và mơ mộng của de Rozas.

Năm 1996, Loewe được mua lại bởi tập đoàn thời trang LVMH, tham gia vào hàng ngũ những thương hiệu di sản chuyên về đồ da dưới trướng LVMH như Louis Vuitton, Berluti và Celine. Phi vụ thu mua này cũng mang đến hiệu quả cho việc kinh doanh của Loewe nhờ mở rộng mức độ nhận diện của thương hiệu. Sự hậu thuẫn của LVMH cũng cho phép bổ nhiệm những nhà thiết kế mới và nâng cấp dịch vụ đặt may của thương hiệu, nhấn mạnh sức hút thời trang cao cấp của nhà mốt gốc Tây Ban Nha. Kể từ khi đầu quân về dưới trướng LVMH, Loewe đã được chuyển giao qua nhiều đời giám đốc sáng tạo, Narcisco Rodriguez, José Enrique Oña Selfa và Stuart Vevers trước khi được cầm trịch bởi giám đốc hiện tại, Jonathan Anderson, từ năm 2013.

Nhà thiết kế người Mỹ Narcisco Rodriguez là cái tên đầu tiên được lựa chọn với những sáng tạo tối giản, gắn bó với khái niệm sang trọng nhã nhặn và tinh tế, trung thành với bản sắc của thương hiệu.

Năm 2007, ngai vàng được trao lại cho Stuart Vevers, nhà thiết kế phụ kiện, người tạo ra những chiếc “it bag” đình đám cho những tên tuổi lớn khác như Givenchy, Mulberry, báo hiệu sự tấn công mạnh mẽ của tay chơi mới Loewe vào đấu trường thời trang. Từ khi tiếp quản vị trí đầu tàu sáng tạo, Vevers ngay lập tức bị thu hút bởi những chi tiết tối giản đầy thanh lịch mà de Rozas đã sử dụng trong những mẫu thiết kế của mình và thực hiện mô phỏng lại bằng những cải tiến của riêng Vevers trên các mẫu túi kinh điển của nhà Loewe như Paloma hay trên những sáng tạo mới như Calle. Tuy nhiên phải mất vài năm Loewe dưới thời Stuart Vevers mới thật sự tìm được chỗ đứng với ngôn ngữ thiết kế riêng biệt.

logo thương hiệu
Bộ sưu tập cuối cùng của Stuart Vevers tại Loewe, Fall 2013 với cảm hứng từ người phụ nữ Tây Ban Nha và những thước phim của Penelope Cruz qua ống kính của Pedro Almodóvar.

Theo sau Vevers là nhà thiết kế người Bỉ gốc Tây Ban Nha José Enrique Oña, người được biết đến với phong cách thiết kế đầy lãng mạn pha trộn giữa chất Bỉ và Tây Ban Nha, tạo nên những thiết kế áo khoác dài pha da signature, chân váy chữ A, quần ống loe và những sáng tạo đầm dài đầy táo bạo.

Jose Enrique Ona Selfa tại Loewe Xuân Hè 2008

Nhưng Loewe chỉ thật sự bật lên sau khi bén duyên cùng nhà thiết kế người Ai-Len – Jonathan Anderson, tài năng trẻ với cú đúp giải thưởng danh giá British Fashion Awards cho cả hai mảng womenswear và menswear đầu tiên trong lịch sử.

Chân dung nhà thiết kế tài năng gốc Ai Len – Jonathan Anderson
logo thương hiệu
Thiết kế của Jonathan Anderson cho dòng thời trang Ready-to-wear của nữ giới mùa Xuân / Hè 2019.
Ảnh: Vogue
logo thương hiệu
Thiết kế menswear thuộc BST Thu 2017 của Jonathan Anderson.

Mới chỉ 34 tuổi, Jonathan Anderson đã chứng minh mắt thẩm mỹ đầy độc đáo và riêng biệt của mình khi mang Loewe lên một tầm cao mới. Sáng tạo mang tên Puzzle bag của Anderson được xem là một mẫu túi kinh điển mới sau Amazona và Flamenco, ngay lập tức gây bão trong làng mốt như một hiện tượng.

Sáng tạo đình đám của Jonathan Anderson cho Loewe – mẫu túi Puzzle.
Chiến dịch quảng cáo của Loewe dưới sự chỉ đạo của Anderson.

Ngoài việc thổi hồn vào một Loewe trẻ trung và tươi mới, những đóng góp to lớn của Anderson cho nhà Loewe còn nằm ở việc mở rộng phạm vi thương hiệu ra khỏi những thiết kế mang tính vật chất và thay vào đó đẩy mạnh tầm ảnh hưởng về văn hóa của hãng với giải thưởng Loewe Foundation Craft Prize, được xem là một sự nối tiếp của Quỹ Loewe được thành lập vào cuối thập niên 80 nhằm nuôi dưỡng những tài năng trẻ và duy trì di sản của quê hương Loewe – Tây Ban Nha.

Ý

Giải mã logo thương hiệu Loewe

Logo của Loewe qua các giai đoạn.

Logo thương hiệu ban đầu của Loewe với font chữ Bembo được thiết kế lại bởi bộ đôi nhà thiết kế mỹ thuật và đồ họa gốc Paris M/M Michael Amzalag và Mathias Augustyniak, dưới sự chỉ đạo của đốc sáng tạo Jonathan Anderson. Logo thương hiệu mới được  lấy cảm hứng từ thiết kế chữ của Berthold Wolpe, nhà thiết kế và nghệ thuật chữ người Đức, là sự tôn vinh di sản của Wolphe và tính tân thời trong thiết kế của ông.

Những thiết kế font chữ Albertus kinh điển của Berthold Wolpe. Ảnh: Wallpaper

Logo thương hiệu mới của Loewe là một sự nhắc lại của kiểu chữ Pegasus năm 1937 bởi Wolpe, một thiết kế chữ đã bị lãng quên được tìm thấy trong kho lưu trữ tại bảo tàng Victoria và Albert, sau đó qua điều chỉnh lại cấu trúc và một số chi tiết nhằm mang lại diện mạo quyền lực cần có cho Loewe.

logo thương hiệu

M/M, vốn là những cộng sự thân quen của Anderson từ khi tiếp nhận ‘ngôi vị’ tại Loewe cũng được tin tưởng giao trọng trách thiết kế  lại mẫu logo anagram kinh điển của thương hiệu, một ‘phù hiệu’ được tạo nên từ 4 biểu tượng L cách điệu thiết kế vào năm 1970 bởi nghệ sĩ người Tây Ban Nha Vicente Vela.

Mẫu anagram nguyên bản được thiết kế bởi họa sĩ Vincente Vela qua các năm.

Hai nhà thiết kế đã tham khảo cách uốn kim loại của bàn là nung dùng để đánh dấu cho gia súc và mặt hàng da thuộc từ nguyên bản ban đầu để tạo ra một cấu trúc tương tự cho mẫu anagram mới.

Mẫu anagram mới của Loewe được thực hiện bởi bộ đôi M/M (Paris)
Logo anagram trên một thiết kế túi của Loewe

Được thiết kế lại với nét tinh tế đặc trưng từ M/M (Paris), phiên bản anagram mới nhất là một sự chuyển thể sát nguyên bản từ tác phẩm của Vela, vẫn giữ tinh thần ban đầu nhưng mang lại cảm giác nhẹ nhàng và đương đại hơn cho thương hiệu. Danh tính mới của Loewe được xem là một sự hoà trộn hoàn hảo giữa tinh hoa di sản Tây Ban Nha và một tầm nhìn đương đại, hiện đại nhưng vẫn giữ được chất kinh điển vượt thời.

logo thương hiệu
Ảnh: Wallpaper
Túi

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man Việt Nam

Tổng hợp: Blair

Nguồn tham khảo: Wallpaper, Heroine, LVMH

No more