Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 37: Yves Saint Laurent / Saint Laurent Paris

Bài EM Digital Editor

Sở hữu một trong những thiết kế logo thương hiệu đình đám và hoàn hảo nhất lịch sử, Yves Saint Laurent thành lập năm 1961 là một trong những nhà mốt danh tiếng của thế kỉ 20, với lịch sử hình thành nhiều biến động cùng DNA sáng tạo độc nhất trong làng couture thế giới.

Là khởi nguồn của vô số món đồ gây chao đảo nền thời trang thế giới như những bộ tuxedo đầy quyền lực dành cho nữ giới hay những chiếc biker jacket bụi bặm và phóng khoáng, nhà mốt Pháp Saint Laurent trải qua lịch sử hình thành  đầy màu sắc và dấu ấn, bắt đầu từ một trong những nhà thiết kế lỗi lạc nhất lịch sử thời trang thế giới – Yves Saint Laurent.

logo thương hiệu

Yves Saint Laurent sinh ngày 1936 tại Oran, Algeria. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, ông luôn được ngợi ca là một nhà tiên phong với lối tư duy vượt thời đại, là người tạo ra những bộ tuxedo đầu tiên cho nữ giới, đi đầu trong việc casting người mẫu đa dạng và thậm chí xuất hiện trong cả chiến dịch quảng cáo của chính mình – một cuộc cách mạng thời bấy giờ. Dưới đây là những cột mốc được xem là đáng nhớ nhất trong cuộc đời của Yves Saint Laurent.

Hành trình gầy dựng nên đế chế Yves Saint Laurent lừng lẫy của chàng trai gốc Algeria

1953 – 1955: Đến Paris

Yves Saint Laurent và bản phác thảo giành giải Ba cuộc thi Secrétariat international de la laine , Paris, 1953.
Ảnh: Musee YSL Paris

Sau khi chiến thắng một giải thưởng tại cuộc thi thiết kế International Wool Secretariat, Saint Laurent chuyển đến Paris nhằm theo học thời trang. Tại đây ông được biên tập viên tạp chí Vogue Pháp Michel de Brunhoff để mắt và giới thiệu nhà thiết kế trẻ với Christian Dior sau khi để ý thấy vài điểm tương đồng trong thẩm mỹ của hai người.

1957: Trở thành head designer tại Christian Dior

logo thương hiệu

Saint Laurent bắt đầu thực tập tại Christian Dior, đóng góp những bản phác thảo của mình cho những bộ sưu tập của nhà mốt và cuối cùng được xướng tên là người kế nhiệm Dior. Ở tuổi 21, Saint Laurent mang đến một lối tiếp cận tinh tế đến biểu tượng New Look trứ danh của Dior với dáng váy hình thang làm trung tâm của bộ sưu tập. Tuy nhiên, sự săn đón của truyền thông và áp lực hào quang đã đẩy Saint Laurent vào khủng hoảng tinh thần từ khi còn rất trẻ.

1961: Gây dựng đế chế thời trang của riêng mình cùng Pierre Bergé

Năm 1960, Saint Laurent bị bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự, gia nhập quân đội Pháp, sự kiện khiến ông lâm vào khủng hoảng tâm lí và dẫn đến việc Yves bị đuổi khỏi nhà mốt Dior. Khi hồi phục, Saint Laurent cùng người tình lâu năm kiêm đồng sự Bergé bắt tay vào gây dựng đế chế thời trang cho riêng mình. Bộ sưu tập đầu tiên ra đời vào năm 1962, giới thiệu đến giới mộ điệu chiếc áo khoác peacoat cùng gu thẩm mỹ dị thường và đầy mê hoặc của ông.

Yves Saint Laurent cùng người tình – đồng sự Pierre Bergé

Yves tổng hòa tất cả những cảm hứng từ văn hóa đại chúng, tác phẩm của những nghệ sĩ vĩ đại thành những concept đột phá như: Pop Art, châu Phi, Safari, Ma rốc, Chinoiserie – hơi thở Trung Hoa, Matisse, Braque, Picasso, những bộ tuxedos và Le Moking trứ danh. Bề rộng của trí tưởng tượng cùng sự táo bạo trong diễn giải khiến các thiết kế của ông trở nên ngoài sức tưởng tượng. Một nhà phê bình mốt từng ngợi ca các thiết kế của Yves là một cột mốc của lịch sử thời trang, một mặt, bộ sưu tập couture được lấp đầy bởi những gì choáng ngợp và độc đáo nhất, mặt khác, dòng thời trang ready-to-wear của Saint Laurent vẫn tiếp tục đáp ứng được những gì đường phố cần, phản ánh những khái niệm về tính nguyên bản, tự do về giới cũng như sự phát triển về nữ quyền và cái tôi một cách đầy thoải mái.

Và nếu Chanel được xem là nhà mốt đã “tạo ra thế kỷ 20” cho nữ giới, Yves sẽ được ngợi ca là người tạo ra quyền lực về cá nhân, không phân biệt giới tính hay màu da.

1965:

logo thương hiệu
Ảnh: Bauhaus Movement

Saint Laurent bày tỏ lòng tôn kính của mình đến họa sĩ Piet Mondrian, bằng việc tạo ra những mẫu váy với họa tiết hình vuông mang những gam màu cơ bản vốn là dấu ấn của Mondrian.

1966: Giới thiệu Le Smoking, thiết kế tuxedo dành cho phụ nữ

Le Smoking là sự xuất hiện đầu tiên của khái niệm tuxedo dành cho nữ giới, tiền đề cho thẩm mỹ của Hedi Slimane khi giữ chức sáng tạo dưới cái tên Saint Laurent Paris.

logo thương hiệu
Le Smoking qua ống kính của Helmut Newton.

Sự ra đời của Le Smoking được xem là táo bạo đến mức trở thành cái gai trong mắt các nhà phê bình thời trang và thậm chí bị cấm cửa bởi các nhà hàng cao cấp. Tuy nhiên thiết kế vest dành cho phụ nữ này chính là bước chuyển mình mạnh mẽ của quan niệm womenswear, một cuộc cách mạng về quyền lực nữ giới – tạo tác động mạnh mẽ và sâu rộng thậm chí đến hiện nay, một minh chứng cho tính tiên phong của Yves Saint Laurent.

1971: Bộ sưu tập “Libération” ra đời

Yves Saint Laurent đã mang cảm hứng từ thập niên 1940 vào bộ sưu tập “Libération” của mình, gây bão tại Paris ngay khi vừa được trình làng. Nhà thiết kế đã kết hợp phong vị của thời chiến cùng với những lựa chọn ngẫu nhiên và táo bạo từ phom dáng đến màu sắc và phụ kiện, tạo ra một làn sóng tranh cãi kịch liệt cùng với sự sản sinh một khái niệm nhạy cảm đầy mới mẻ và bạo liêt.

1985: Bộ sưu tập “African Queen”

logo thương hiệu
Ảnh: Allure

Sau khi lấy chất liệu châu Phi cho bộ sưu tập năm 1967, Saint Laurent tiếp tục cho ra mắt bộ sưu tập “African Queen” dành tặng cho nàng thơ lâu năm của ông – Iman. Nhà thiết kế là một người tiên phong mang đến sự đa dạng trên sàn diễn với những cái tên như Katoucha Niane và Naomi Campbell.

“Yves Saint Laurent là vị thần Janus của giới thời trang, người có thể đồng thời nhìn về quá khứ đã qua và hướng về những điều sẽ xảy đến trong tương lai. Ảnh hưởng của ông đến với chúng ta ngày nay và vị trí của ông trong ngôi đền của sự sáng tạo là vĩnh cửu, cho đến tận khi thời trang – bản thân khái niệm đó chuyển dời.” – Business of Fashion nhận xét.

Ý

Yves Saint Laurent qua sự thay máu của những cái tên kế nhiệm

Năm 1998, Saint Laurent đưa Alber Elbaz vào vị trí đảm đương dòng thời trang ready-to-wear để ông tập trung vào dòng couture của nhà mốt. Elbaz từng có một phát ngôn gây tranh cãi sau hậu trường của show diễn ra mắt của mình trên cương vị mới: “Tôi không muốn làm một Alber Elbaz cho Saint Laurent. Tôi muốn một Saint Laurent theo kiểu Alber Elbaz”. Và đó có lẽ là lí do ông nhanh chóng bị phế truất sau ba mùa mốt.

Một thiết kế YSL dưới thời Alber Elbaz

Nhà mốt của Yves Saint Laurent sau đó được mua bởi Gucci Group và Elbaz nhanh chóng bị thay bằng Tom Ford, người lúc bấy giờ đang dẫn dắt nhãn hiệu Gucci. Ford  nhanh chóng tạo ra một cảm xúc mới cho cái tên Yves Saint Laurent. Bộ sưu tập đầu tay của Ford được thiết kế với tham vọng tạo ra một sức ảnh hưởng mới, với những look đơn sắc và hoàn toàn vắng mặt những món phụ kiện mà Saint Laurent đã hết lòng chăm chút. Mối quan hệ giữa hai nhà sáng tạo trở nên vô cùng căng thẳng, khi Ford cho rằng Saint Laurent không hề tán thành tầm nhìn của mình cho thương hiệu mặc cho sự thừa nhận từ giới phê bình và doanh số tăng chóng mặt.

logo thương hiệu
Bst Fall 2011 của Tom Ford cho YSL
Ảnh: Vogue

Năm 2012, cái tên Tom Ford bị thay thế bằng Hedi Slimane. Dù vô số cái tên kế nhiệm đã tạo ra ít nhiều dấu ấn tại nhà mốt, phải thừa nhần rằng không một ai có thể thay thế nó như Slimane đã làm. Dành bốn năm đầy kịch tính để định dạng lại nhãn hiệu, tước bỏ ‘Yves’ khỏi danh pháp kinh điển của Yves Saint Laurent, Hedi Slimane đã tạo ra một Saint Laurent Paris mới toanh khiến giới mộ điệu và phê bình phải sục sôi tranh cãi. Saint Laurent Paris cũng vấp phải phản ứng dữ dội từ truyền thông khiến Slimane chọn cuộc sống ở LA và tránh khỏi sự soi mói của báo giới về tầm nhìn có một không hai của mình.

Anja Rubik trong bộ suit mang đậm tinh thần Le Smoking qua ống kính của Hedi Slimane.
Ảnh: ELLE UK

Tuy nhiên, chính tầm nhìn này đã tạo ra một danh tính của Saint Laurent ngày hôm nay, một sự bền vững và xuyên suốt giữa các bộ sưu tập menswear và womenswear. Những chiếc áo da biker jacket và bốt lấy cảm hứng từ rock được sản xuất thủ công đầy trau chuốt và xa xỉ trở thành thế mạnh của Saint Laurent Paris cũng như những mẫu đầm dạ tiệc lấp lánh và sắc bén, phảng phất chất quyến rũ đến từ thập niên 70 và 80. Slimane cũng mang chất độc đáo đến mức gây tranh cãi của mình vào sàn diễn, với những người mẫu gợi nhớ đến thời đại ‘heroin chic’ của Kate Moss cùng âm nhạc được thiết kế riêng cho show diễn, kết hợp cả thời trang nam và nữ vào cùng một runway để nhấn mạnh thông điệp gender-fluid – không phân biệt giới tính.

Năm 2016, Saint Laurent đạt 26% tăng trưởng và Slimane rời ngai vàng của nhà mốt, gây bàng hoàng và nuối tiếc cho giới mộ điệu, cùng với nhân tài gốc Bỉ Anthony Vaccarello được xướng tên tân giám đốc sáng tạo.

logo thương hiệu
Campaign S/S 19 với Travis Scott

Nắm vai trò hiện tại ở Saint Laurent, Vaccarello chịu trách nhiệm cho cả hai mảng womenswear và menswear. Nhà thiết kế thậm chí còn đóng cửa thương hiệu riêng của mình để tập trung vào thử thách vĩ đại tại một trong những nhãn hiệu ăn nên làm ra nhất của tập đoàn Kering. Dù thừa nhận những đóng góp của Slimane để tạo ra một Saint Laurent trẻ trung và đương đại, Vaccarello lại lèo lái Saint Laurent trở về với chất Parisian chic kinh điển. Thừa kế triết lý phong cách nguyên thủy từ bậc thầy Laurent, nhà thiết kế đã tạo ra hình tượng người phụ nữ Saint Laurent của riêng mình cùng với dòng menswear mang hơi thở lưỡng tính, mang đến sức tăng trưởng lên hàng hai chữ số kể từ khi nhậm chức. Vaccarello cũng lấy cảm hứng từ những nhân vật đại chúng như Travis Scott và Lennon Gallagher cho các chiến dịch của nhãn hiệu.

Lịch sử logo thương hiệu: Từ ba chữ cái huyền thoại YSL đến Saint Laurent Paris

Logo thương hiệu nguyên thủy của Yves Saint Laurent được thiết kế bởi Cassandre, nhà thiết kế đồ họa vĩ đại nhất thời bấy giờ. Logo kinh điển của nhà Yves Saint Laurent là một biến số thú vị và độc đáo trong lịch sử thời trang thế giới khi hoàn toàn tách biệt ra khỏi sự rập khuôn của những phông chữ serif như Didot hoặc Bodoni – của Giorgio Armani, Vogue, Harper’s Bazaar,… và hay kiểu in hoa khoa trương của Chanel, D&G, Louis Vuitton hay Hugo Boss.

Ảnh: FIB

Những chữ cái ‘chuyển dịch’ theo dòng từ trái sang phải, tạo ra giai điệu nhịp nhàng những chữ in hoa và chữ thường, dường như là một sự kết hợp không tưởng đầy hoàn hảo, một viên ngọc quý của lịch sử logo thương hiệu có một không hai đến tận thời đại này.

Nhà thiết kế Cassandre đã tạo ra một sự kết hợp tuyệt vời và tài tình giữa các chữ cái, phối ngẫu các kiểu chữ sans và serifs một cách đầy thanh lịch, cùng lúc đó là sự kết hợp tài tình giữa kiểu chữ roman và phom dáng chữ nghiêng. Thách thức lớn nhất chính là việc Cassandre dám phá vỡ quy luật của việc ‘không kết hợp’ hai loại kiểu chữ về nguyên tắc, vốn được xem là cực kì xung khắc để tạo ra một huyền thoại về logo thương hiệu độc nhất và khó mô phỏng lại. Bên cạnh đó, ông cũng thành công trong việc kết hợp các chữ cái một cách tinh tế mà không gây rối rắm hoặc thừa thãi, bắt được hoàn hảo dáng vẻ nhạy cảm, ẩn chứa sự gợi cảm của phong thái Yves Saint Laurent.

Logo thương hiệu của YSL được xem là một trong những ngôi sao của giới thời trang thiết kế, đặc biệt trong những năm gần đây. Dù Yves Saint Laurent trải qua nhiều thời giám đốc sáng tạo: Alber Elbaz, Tom Ford, Stephano Pilati, Hedi Slimane và hiện tại là Anthony, chỉ có Slimane là người mang đến những thay đổi táo bạo nhất cho danh tính “YSL”.

Một trong những điều đầu tiên Hedi Slimane làm khi vừa nhậm chức giám đốc sáng tạo là việc thay đổi danh pháp và logo YSL kinh điển của dòng thời trang menswear và womenswear thành Saint Laurent Paris, lấy cảm hứng từ dòng ready-to-wear đầu tiên của Yves mang tên Saint Laurent Rive Gauche. Trong khi dòng Couture và nước hoa vẫn giữ logo YSL trứ danh nguyên bản của Cassandre. Đối với Slimane, đây  là nhằm mang lại những giá trị đích thực của huyền thoại Rive Gauche và cũng như phông chữ Helvetica.

logo thương hiệu
Ảnh: Alfalfa Studio

Một Saint Laurent Paris mới không chỉ là sự thay đổi về nhận diện, đây còn là một thay đổi hoàn toàn cho nhãn hiệu. Slimane đã tạo ra một nét thẩm mỹ trẻ trung, mang đậm màu sắc rock and roll đến cho Saint Laurent.

Ý

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man Việt Nam

Tổng hợp: Blair – Nguồn tham khảo: Allure, Business of Fashion, Alfalfa Studio, Musee YSL Paris, Fashion Industry Broadcast

No more