Nhiếp ảnh gia James Dương – Chân thành & mạch lạc

Bài Trúc Đoàn

Suốt 15 năm cầm máy gắn với con đường nhiếp ảnh báo chí đầy kiên định, James Dương chưa bao giờ giới hạn góc nhìn của mình trong bất kỳ khuôn hình mẫu mực nào
nhiep anh gia james duong
Nhiếp ảnh gia James Dương

Mô phạm, chỉn chu là điểm dễ thấy ở Dương Quốc Bình hay còn có tên gọi James Dương. Dù vậy suốt 15 năm cầm máy gắn với con đường nhiếp ảnh báo chí đầy kiên định, anh chưa bao giờ giới hạn góc nhìn của mình trong bất kỳ khuôn hình mẫu mực nào. Từ sự thật gai góc mang tính thời sự đến chân dung bé nhỏ gây ám ảnh về nghị lực sống mạnh mẽ hay nhịp sống bình dị, man mác giữa phố thị đang lùi dần vào ký ức… đều được phơi bày sống động, gần gũi mà vẫn gây ngạc nhiên sâu sắc.

Theo anh, một bức ảnh kể câu chuyện của nhân vật (chủ thể) bên trong bức ảnh hay của người đã chụp bức ảnh?

Đối với nhiếp ảnh nghệ thuật thì có thể là câu chuyện của người chụp bức ảnh, nhưng đối với nhiếp ảnh báo chí thì chắc chắn phải là câu chuyện của nhân vật bên trong bức ảnh.

Trở ngại lớn nhất mà anh từng phải đối mặt khi ghi lại hoặc kể về một sự thật là gì?

Khó khăn đầu tiên là phải xác minh được sự thật, không phải nhân vật nào cũng hoàn toàn trung thực. Đôi khi, người ta thường nói những điều có lợi cho chính họ. Khó khăn tiếp theo là cân nhắc khi công bố sự thật đó, nó có lợi hay chỉ gây hại cho các nhân vật và những người liên quan.

Anh suy nghĩ gì khi tiếng tăm của các nhiếp ảnh gia báo chí thường được gắn với nỗi đau của người khác?

Tôi không nghĩ họ chủ động gầy dựng tiếng tăm thông qua nỗi đau của người khác. Ngược lại những khoảnh khắc đặc biệt ấy mang đến danh tiếng cho tác giả. Vì một nhiếp ảnh gia báo chí chuyên nghiệp luôn xác định bản thân là người đứng sau ống kính. Nên mọi sự chú ý chỉ nên dành để lại cho các nhân vật và sự kiện bên trong các bức ảnh.

nhiep anh gia james duong san pham 1
Nhịp sống bình dị, man mác giữa phố thị đang lùi dần vào ký ức…

Nhiếp

Các yếu tố cân chỉnh ảnh (kỹ thuật chỉnh sửa ảnh) được sử dụng đối với những bức ảnh thuộc phân loại ảnh phóng sự (báo chí) trong thời đại hôm nay được xem xét như thế nào, theo những gì anh biết?

Nhiếp ảnh báo chí cho phép chỉnh sửa về mặt hình thức như chuyển sang đen trắng, cân bằng ảnh, tăng giảm ánh sáng, nhưng tuyệt đối không được phép động chạm tới nội dung, cắt ghép. Nhiếp ảnh báo chí chính là một trong những hình thái của báo chí nên phải mang đúng những đặc tính riêng. Tính trung thực là yếu tố tôn trọng tiên quyết. Nếu chúng ta dàn dựng, thay đổi nội dung của bức ảnh thì không khác gì phơi bày sự giả dối và xúc phạm người xem hay độc giả.

Phong cách đặc trưng ở một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh phóng sự báo chí sẽ được nhận diện thế nào? Có gì khác biệt so với nhiếp ảnh chuyên ở thể loại khác?

Ngoài gia đình và các nhân vật, tôi không để ý người khác sống thế nào. Có lẽ do đặc thù công việc nên các nhiếp ảnh gia báo chí sẽ ít chú trọng đến hình thức và thời trang cho chính mình. Chỉ cần ăn mặc đúng mực để góp phần tạo sự tin tưởng đối với nhân vật.

Rất thường thấy anh xuất hiện trong nhiều hoàn cảnh với áo sơmi, quần tây, giày tây, đây có phải là phong cách của riêng anh?

Phong cách của tôi là không có phong cách. Tôi sẽ mặc theo cách tiếp cận nhân vật. Nếu gặp những người lớn tuổi, giới tri thức thì tôi thường mặc như bạn nói. Nếu đi làm phóng sự liên quan đến giới trẻ, miền núi, hay các tệ nạn xã hội thì tôi sẽ mặc kiểu khác. Cá nhân tôi thích quần jeans và áo thun cổ chữ V. Đầu tiên cần biết những người mình chuẩn bị gặp gỡ là ai, địa điểm ở đâu, đi lại, thời tiết thế nào. Có lẽ tôi là nhiếp ảnh gia duy nhất không sử dụng túi. Tôi thường để máy ảnh ở giỏ xe máy. Tôi thích mọi thứ gọn gàng, nhanh chóng, thuận tiện, theo phương pháp tối giản.

Anh có một bộ ảnh nổi tiếng chụp Hà Nội, sự hoài niệm và những nhịp đổi thay. Có câu chuyện nào tạo nên mối liên kết đến ký ức của chính anh trong hành trình đó?

15 tuổi tôi đã đi xa Hà Nội. 3 năm qua tôi trở lại đây và luôn tò mò về Hà Nội của ông bà, của bố mẹ thời trẻ. Ông nội tôi qua đời lúc tôi 6 tháng tuổi, tôi không biết mặt ông. Tôi quanh quẩn ở những góc phố cổ Hà Nội và cảm thấy rất thú vị khi được gặp những người bạn của ông nội mình. “À, cậu là cháu nội ông Quá hả. Hà Nội thời đấy như thế này này …”.

nhiep anh gia james duong san pham 2
15 tuổi tôi đã đi xa Hà Nội. 3 năm qua tôi trở lại đây và luôn tò mò về Hà Nội của ông bà, của bố mẹ thời trẻ

Bài: Ngô Hạ

No more